วันอาทิตย์ที่ 15 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No311: “BẢY HẠN CHẾ CỦA BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN VIỆT NAM”

Một dân tộc dũng cảm là một dân tộc dám nhìn thẳng vào sự thật

Một người dám nhìn thẳng vào sự thật là một con người dũng cảm



NHƯ HÀ

Nhân đọc lại bài viết “Bảy hạn chế của bất đồng chính kiến ở Việt Nam “ của TG Lâm Yến được đang tải cách đây hai năm. Thấy những phân tích của các diễn giả về các hạn chế của bất đồng chính kiến Việt Nam( BĐCKVN) sao mà đúng thế. Tuy những phân tích này đã được mổ xẻ phân tích đã hơn hai năm, nhưng nó vần còn nguyên giá trị. Vì cho đến nay nhìn lại PTDCVN vẫn thấy không có sự chuyển biến đáng kể để khắc phục những yếu điểm mà TG nêu lên.

Tuy bài viết không phân chia ra những hạn chế một cách rõ ràng như tít đầu đề, nhưng tôi có thể tóm lược bảy hạn chế đó như sau:

1- Do điều kiện địa lý trải dài trên một kinh tuyến, lên các nhà bđckvn đã không có sự tập trung để cùng nhau phối hợp hoạt động

2- Phần lớn các nhà BĐCKVN đều đã cao tuổi, tuổi trung bình là trên 60

3- Các nhà BĐCKVN chưa được dân chúng coi là biểu tượng về đạo đức và lương tri dân tộc, cũng như coi trọng việc làm chính nghĩa của họ.

4- Các nhà BĐCKVN không có nhiều sáng kiến vận động xã hội, do đó thường dừng lại ở những bài viết phản kháng chế độ

5- Việc tiếp cận với tư tưỏng và lý luận dân chủ phương tây và thế giới còn mờ nhạt, kém hiểu biết về khái niệm và giá trị dân chủ dẫn đến các hành động còn mang tính tự phát, lệch lạc đa phần là có tính bức xúc với ché độ dẫn đến bất đồng chính kiến chứ không phải là cuộc vận động xã hội hướng đến nền dân chủ

6- Hạn chế thứ sáu là đa phần các nhà BĐCKVN hoạt động chính trị có tính đơn chiều, chỉ quan tâm đến tình hình chính trị mà không hướng đến hoặc phối hợp với các hoạt động xã hội khác.

7- Các hoạt động của họ thường tập trung vào việc vạch ra sai lầm và tội ác của chế độ mà không có những hoạt động nhằm thay thế chế độ.

Nhận xét về bảy hạn chế đã chỉ ra

Khi điểm lại những hạn chế mà TG Lâm Yến đã vạch ra ta thấy tất cả những hạn chế trên, ngoại trừ điểm 1 do khách quan đem lại vì điều kiện địa lý, còn lại đều do chủ quan mà ra. Những hạn chế đó chính là câu hỏi để các nhà BĐCKVN phải trả lời và giải đáp???

Khi mà tại điểm 2 ta thấy trước thực trạng hạn chế về tuổi tác như vậy thì các vị tiền bối phải lo đến việc làm sao đào tạo hay bồi dưỡng cho thế hệ kế cận nhận thức, tư duy và bản lĩnh chính trị để thay thế lớp cha ông. Nhưng tiếc thay điều đó xảy ra không nhiều, ngoại trừ trường hợp của đảng dân chủ XXI, đã có chủ trương kế hoạch xây dựng lớp thanh niên kế cận là tổ chức tập hợp thanh niên dân chủ của Nguyễn Tiến Trung.

Hạn chế thứ ba là hạn chế lớn nhất, đó là họ đã không được dân chúng coi là biểu tượng về đạo đức và lương tri của dân tộc. Hình ảnh về những nhà dân chủ rất nhạt nhoà, không gây được ấn tượng trong dân chúng, thậm chí họ còn bị người dân xa lánh bất hợp tác, tất nhiên phần xa lánh là do phần nhiều họ sợ chế độ. Nhưng cũng có rất nhiều người họ xa lánh vì họ không hiểu các hoạt động của các nhà BĐCKVN có lợi cho ai, vì ai vv... Và điều đó cho đến hôm nay vẫn không đựoc cải thiện thậm chí còn có nguy cơ thụt lùi, khi cái nạn dịch cực đoan ở hải ngoại tràn vào lại càng làm họ xa lánh hơn.

Điểm thứ tư thì chúng ta thấy quá rõ ràng với cái hiện trạng đấu tranh theo một lối mòn do ai đó đã tạo ra, vẫn cứ cái lập luận mơ hồ cũ rích đã vạch ra: Là làm sao phải nói cho người dân trong nước hiểu được sai lầm, tội ác của CS để họ tạo lên lòng cảm thù chế độ và tự đứng lên lật đổ chế độ độc tài.

Rồi cái cách đấu tranh thụ động, theo kiểu tạt nước theo mưa, thấy có sự kiện gì xảy ra thì làm rùm beng ồn ào nên, sau đó thì lại im re. Y như kiểu “ếch kêu theo mưa vậy”. Do vậy họ đã không có sự sáng tạo trong các hoạt động đấu tranh hay theo cách đáu tranh truyền thống là vận động tối đa dư luận vào việc kiên trì thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.

Điểm hạn chế thứ năm là việc tiếp cận và hiểu về bản chất dân chủ thực tế còn rất mơ hồ không chỉ với các nhà BĐCKVN, các thành viên mà chính các nhà lãnh đạo của các tổ chức cũng đều rất hạn chế, đa phần chưa hiểu thế nào là cơ cấu dân chủ, nguyên tắc dân chủ và các hoạt động có tính dân chủ khác. Ngay như định nghĩa thế nào là đảng là tính đảng họ còn bị hạn chế. Chính vì chưa hiểu dân chủ cũng như chưa có tư duy chính trị một cách đầy đủ và sâu sắc đã dẫn đến tình trạng “Thầy bói xem voi”hay đi trên xe ngựa mà cứ ngỡ mình đang đi máy bay. Đi trên ôtô mà chẳng hiểu tính năng, công dụng của chiếc ôtô, chỉ biết nó ngồi lên nó để đi là đi thôi!!!

Hạn chế thứ sáu là đa phần họ chỉ tập trung vào việc đấu tranh về lĩnh vực chính trị với chủ đề bất đồng chính kiến về tư tưởng và lên án chế độ mà không biết rằng việc tham gia các công tác xã hội khác là vấn đề rất quan trọng. Vì chính trị nó liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Món ăn mà các nhà BĐCKVN bón cho người dân nghe chừng nó không hợp khẩu vị. Giá như họ biết rằng trong đời sống của người dân có những điều còn quan trọng hơn, cần thiết hơn, thực tế hơn là nghe họ tuyên truyền chính trị một cách khô khan. Nếu như họ biết kết hợp giữa sinh hoạt xã hội với việc vận động tuyên truyền chính trị, từ các vấn đề bức xúc của đời sống hàng ngày để lồng ghép đề tài dân chủ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nôm na như kiểu bán bia kèm lạc rang thì hay biết mấy. Cứ món lạc rang thì chắc dân chúng sẽ chán phè.

Họ phải có tư duy, vận dụng các vấn đề chính trị sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cho phép, phải tuỳ cơ ứng biến một cách linh hoạt, mềm dẻo mà chế độ cầm quyền không làm được gì họ. Nhưng vấn đề này xem ra còn là đề tài xa tít tắp với các nhà BĐCKVN.

Hạn chế cuối cùng được chỉ ra là các nhà BĐCKVN chỉ tập trung vào việc chỉ trích tố cáo các sai lầm và tội ác của chế độ mà không nhớ câu nói nổi tiếng của một triết gia phương tây “Muốn đẩy một chế độ đến bờ vực của sự sụp đổ thì hãy nuôi dưỡng mầm ác của nó”

Nhưng với cả điều này nữa các nhà BĐCKVN cũng không thèm quan tâm, thậm chí có người còn công khai mong muốn chế độ sửa chữa những sai lầm, chứ không mong muốn thay đổi chế độ. Đây là sự ngộ nhận ấu trĩ mong muốn thay đổi bản chất của con người cũng như của chế độ là điều không tưởng. Vì vậy TG Lâm Yến đã sử dụng cum từ BĐCK là rất chính xác.

Kết luận và bổ xung

Cho đến hôm nay khi bài viết của TG Lâm Yến đã phổ biến hơn hai năm nhưng hình như nó không có tác dụng thẩm thấu đến các nhà bđckvn, các tổ chức chính trị VN hiện nay. Nó cũng cùng số phận có tính chất để tham khảo, góp vui với các tác phẩm có giá trị khác như những bài viết của cán bộ kiều vận Tâm Bảo, đã chỉ ra rất nhiều điều bổ ích cho PTDCVN.

Thiết tưởng khi điểm lại những hạn chế của các nhà BĐCKVN sau hơn hai năm TG đã đúc kết, để thấy được cái nhược điểm lớn nhất của các nhà BĐCKVN là hoạt động theo cảm tính và quá thủ cựu, bảo thủ. Không rút ra được bất kỳ điều gì của bài học ngày hôm qua.

Qua đây, tôi xin cũng có một vài nhận xét bổ xung mà TG Lâm Yến chưa chỉ ra nhằm làm sáng tỏ vấn đề về những hạn chế, nhược điểm của người VN nói chung và các nhà BĐCKVN nói riêng.

Nếu chỉ ra khiếm khuyết thì rất nhiều. Nhưng tôi chỉ xin nêu lên hai nhược điểm lớn nhất mà chúng ta thường mắc phải. Đó là căn bệnh hình thức hay bệnh lười tư duy, sáng tạo. Người Việt chúng ta thường xem xét sự vật một cách rất hời hợt, hay nói một cách khác chỉ giỏi tìm tòi bới móc người khác theo cảm tính để thoả mãn tính hiếu kỳ vô bổ, theo sở thích cá nhân mà ta thường gọi là “ Kiếm câu chuyện làm quà ”.

Còn để đi tìm nguyên nhân cho sự kiện đó chưa thành hay thất bại vì lợi ích chung họ thường bỏ qua hay chỉ làm một cách chiếu lệ.

Khi ta làm một công việc gì chưa thành chưa đạt được hiệu quả thì thường tự đặt ra câu hỏi tại sao ???Vì sao??Do đâu lại như vậy vv.. để mổ xẻ phân tích kỹ lưỡng thấu đáo vấn đề đó. Phải “bới đất lật cỏ” vấn đề đó nên, để tìm xem nguyên nhân của nó do đâu mà chưa thành công. Nhưng điều đó đến nay vẫn chưa được nhìn nhận và khắc phục, để rồi vẫn cứ sẵn cái vết xe đổ trước đó để đi.

Họ quên mất một điều quan trọng là họ đang đi “làm cách mạng”Có nghĩa là thay cái cũ bằng cái mới, thay cái tư duy cũ kỹ bằng một tư duy năng động sáng tạo hơn. Trong khi họ đòi CS phải thay đổi, phaỉ dân chủ nhưng họ lại không chịu thay đổi và cũng hành động cũng rất phi dân chủ.

Một nhược điểm quan trọng khác đó là về khả năng phân biệt đâu là chính, tà, ngay, gianvv.. người nào có khả năng, năng lực ra sao rất ít sự lựa chọn đúng đắn. Họ thường a dua chạy theo số đông, chỉ để tôn vinh những kẻ háo danh chuộng chức tước bằng cấp vv...

Bệnh háo danh cũng là một nhược điểm khó chữa của người Việt. Chỉ cần một nhóm năm, bảy người để lập ra một tổ chức này nọ rồi đưa nhau lên làm chủ tịch nay tổng trưởng nọ. Thường mỗi tổ chức với hình thức bầu bán bất quá chỉ độ dăm chục người tham gia, sẽ không thể hiện đúng năng lực của người lãnh đạo để kêu gọi cộng đồng. Những vị lãnh đạo này thường tự huyễn hoặc mình là lãnh tụ của số đông quần chúng, đứng trên chín tâng mây để lãnh đạo và cũng rất ích kỷ không muốn có kẻ khác chen vào để chia quyền lãnh đạo.

Họ chưa thoát ra được cái chữ TÔI tầm thường nhỏ bé. Tư tưởng của họ chưa xác định được rằng công cuộc dân chủ hoá đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người Việt Nam. Việc dấn thân là trách nhiệm báo đền nợ nước. Cương vị trọng trách càng cao, trách nhiệm càng nặng nề, chứ không phải một thứ bổng lộc được ân sủng. Nếu họ không nhận thức được điều này chứng tỏ họ có động cơ cá nhân, họ chỉ là những kẻ cơ hội.

Một điều quan trọng nữa là các nhà BĐCKVN phải dám nhìn thẳng vào sự thật vì:

Nếu cứ khư khư che giấu, huyễn hoặc, tư ru ngủ mình thì dân tộc đó, con người đó là kẻ hèn nhát và sẽ tự làm suy yếu mình đi mà thôi!

Hà Nội, ngày 15/02/2009

Như Hà

Bảy hạn chế lớn của bất đồng chính kiến ở Việt Nam

Lâm Yến

LTS.- Bài dưới đây cho thấy một cách nhìn khác về tình trạng bất đồng chính kiến tại Việt Nam, sau khi lãnh sự quán Hoa Kỳ mở cuộc tiếp tân mà hiện diện có một vài khuôn mặt của các nhân vật bất đồng chính kiến hiện nay tai Việt Nam. Nội dung bài có thể có những từ ngữ hay ý nghĩa khiến một số độc giả có thể khó chịu. Nhưng vì tôn trọng nguyên văn, chúng tôi không sửa chữa để tôn trọng tinh thần nguyên bản:

Giữa những ngày giữa hè nóng bỏng này, trong khi một số “nhà bất đồng chính kiến” (hay còn được gọi là các nhà dân chủ) đang hưởng giây phút vinh danh và tự do giao kết ít ỏi tại bữa tiệc chiêu đãi do Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tổ chức nhân ngày Quốc khánh Hoa Kỳ [2] thì hai nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ là Ðỗ Minh Tuấn và Trần Mạnh Hảo lại đang kịch chiến trên trang mạng Talawas và công khai phê phương án chế độ và bày tỏ quan điểm ly khai chính thống của mình. Trong khi đó, “con hùm xám đường 4” một thời, tướng Ðặng Văn Việt lại chọn đài RFA để phàn nàn rằng việc hệ thống tiếp tục bám víu lấy những quan điểm lạc hậu như độc quyền lãnh đạo [của Ðảng Cộng sản] đang gây cản trở sự phát triển của xã hội [3]. Cách đây không lâu, nghệ sỹ nhân dân Trần Văn Thuỷ [4] còn chọn VietnamNet- một diễn đàn chính thống của chế độ- để thẳng thừng chỉ trích rằng hệ thống chính trị hiện tại không hề có dân chủ.

Những diễn biến như thế cho chúng ta một không khí dân chủ sôi nổi và khiến chúng ta có cảm tưởng lạc quan rằng phong trào bất đồng chính kiến của Việt Nam hẳn đang có dấu hiệu lớn mạnh và các trí thức/văn nghệ sỹ cùng các cựu chiến binh ngày càng sẵn sàng lên tiếng ly khai chính thống. Có thực sự là phong trào dân chủ đang tiến những bước dài rất đáng lạc quan không? Bài nghiên cứu này muốn đưa ra một cách nhìn khác về bất đồng chính kiến ở Việt Nam và tập trung phân tích sự hình thành của không gian công phi chính thống cũng như vai trò tiềm tàng của nó trong việc đem lại sự chuyển biến về chất cho “phong trào” bất đồng chính kiến.

Bất đồng chính kiến ở Việt Nam

Năm năm trước, trong một nghiên cứu hiếm hoi về phong trào bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Zachary Abuza nhận xét rằng bất đồng chính kiến ở Việt Nam còn non trẻ, yếu ớt, không được giới trí thức ủng hộ và bị chia rẽ do nguồn gốc đa dạng và phức tạp của những người tham gia phong trào này. Khi nói về hiện trạng và thiếu sót của phong trào, ông viết:

“...có ít trí thức dám thò cổ ra thách thức lại nhà nước vì nhà nước kiểm soát công ăn việc làm của họ. Ðây là một khó khăn thực sự nếu [phong trào bất đồng chính kiến] muốn đạt được cơ sở ủng hộ rộng rãi hơn từ giới tinh hoa nhằm kêu gọi nhà nước thay đổi các chính sách hiện hành của họ. Như ông Tiêu Dao Bảo Cự, một nhà bất đồng chính kiến từng than thở: “Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ ngày hôm nay, trí thức đáng lẽ ra phải nắm ngọn cờ đầu. Nhưng liệu có phải thế không? Hay là ngược lại? Phải chăng sâu thẳm bên trong, trí thức ghét sợ dân chủ, vì dân chủ có thể đưa đến việc họ bị mất các đặc quyền đặc lợi vốn được coi là của riêng họ qua bao đời.” Ông đã đưa ra một nhận định quan trọng. Lý do gì khiến các nhà bất đồng chính kiến không huy động được nhiều người đi theo mình? Lý do nằm ở sự thiếu sót của phong trào: Họ gặp khó khăn thực sự khi làm việc cùng với nhau. Ðiều này dễ hiểu thôi nếu chúng ta biết tất cả các nguồn gốc bất đồng xuất phát từ đâu. Các nhà bất đồng chính kiến bao gồm những động viên cộng sản kỳ cựu, những người ủng hộ chế độ Sài Gòn cũ, các tu sĩ Phật giáo và các trí thức chỉ muốn quyền tự do bày tỏ ý kiến. Họ thường không tin tưởng nhau, và do bị chia rẽ, Hà nội có thể cô lập và kiểm soát họ.” [5]

Abuza đã đúng khi nhận định rằng thành phần bất đồng chính kiến của Việt Nam rất đa dạng và chính vì thế, họ hầu như không tìm được tiếng nói chung. Ngoài nguồn gốc đa dạng và số lượng ít ỏi mà Abuza đã đề cập (ít nhất 54 người theo Ân xá Quốc tế và khoảng 200 người theo Bộ Ngoại giao Mỹ [6]), bất đồng chính kiến ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại còn có hàng loạt những bất lợi khác: Thứ nhất, họ sống rải rác trên nhiều địa phương khắp cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng tới Ðà Lạt, Sài Gòn. Hà Nội và Sài Gòn là 2 thành phố tập trung các nhà bất đồng chính kiến đông đảo nhất. Tuy nhiên, trong số những người có tên tuổi được biết đến rộng rãi, thì ngay cả ở hai thành phố này, con số cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ hai, nghiên cứu của Abuza cho thấy phần lớn trong số các nhà bất đồng chính kiến là những người cao tuổi. Trong số 25 nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất mà Abuza khảo sát năm 2000, độ tuổi trung bình của họ là 62 [7]. Gần đây có xuất hiện một số nhân vật trẻ tuổi hơn, nhưng số này nhanh chóng bị bỏ tù với những mức án nặng nề. Có người sau khi ra tù đã không tiếp tục lên tiếng nữa (ví dụ trường hợp của Lê Chí Quang).

Với tư cách là một nhà quan sát nước ngoài, những nhận xét của Abuza đã là những đóng góp tiên phong, rất hữu ích cho một hướng nghiên cứu xã hội còn đang bỏ ngỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những hạn chế sâu sắc khiến cho các nhà bất đồng chính kiến không thể “huy động được nhiều người đi theo mình” không chỉ bao gồm số lượng ít ỏi và sự đa dạng về nguồn gốc như Abuza chỉ ra [8]. Trong phần đầu của tiểu luận này, chúng tôi xin bổ sung thêm những hạn chế khác với bất đồng chính kiến ở Việt Nam.

Một điểm dễ nhận thấy là các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam chưa bao giờ được dân chúng coi là các biểu tượng cho đạo đức và lương tri dân tộc. Dĩ nhiên họ cũng có một số cảm tình viên từ các tầng lớp xã hội, nhưng hào quang của họ không vượt ra ngoài những vòng gia đình và bè bạn và những người đã biết về họ khá rõ. Một phần lớn những người ít biết về các nhà bất đồng chính kiến này khi nghe nói đến các hành động/quan điểm của họ thì hoặc cho họ là những người gàn dở bất đắc chí, hoặc ít nhiều nghi kỵ về động cơ của các nhà bất đồng chính kiến khi họ chọn cho mình con đường đối lập trực diện với hệ thống. Vì thế, ở mức độ nào đó, họ bị cô lập khỏi xã hội và không được các thành phần xã hội khác như sinh viên, trí thức, công nhân và nông dân ủng hộ.

Ðiểm bất lợi thứ tư là họ không có hoặc có rất ít sáng kiến vận động xã hội, và do đó thường chỉ khẳng định lập trường bất đồng bằng một số bài viết và dừng lại ở đó. Thực ra, điều này cũng dễ hiểu nếu chúng ta đã nhận ra các điểm yếu trước như không có tiếng nói chung, sống tản mát khắp nơi, tuổi cao và bị quản chế chặt chẽ. Sáng kiến vận động xã hội cần có môi trường màu mỡ để hình thành, và một trong những điều kiện tiên quyết là cần có môi trường để thảo luận/trao đổi và cọ xát. Việc đứng ra xin lập hội “Nhân dân Việt Nam Ủng hộ Ðảng và Nhà nước Chống Tham nhũng” của hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương [9] có thể coi là một trong những sáng kiến ít ỏi xuất hiện trong điều kiện tương đối thuận lợi của những năm 2001-2002, khi Ðảng cộng sản còn đang bối rối với những chỉ trích gay gắt về vấn đề biên giới và cơ cấu quyền lực trong bộ máy còn đang trong giai đoạn củng cố sau Ðại hội IX. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp của sáng kiến này thì số người ký đơn quanh quẩn vẫn là các nhà bất đồng chính kiến đã có tên tuổi chứ không hề có sự tham gia từ bên ngoài. Sự cô lập của các nhà bất đồng chính kiến (điểm yếu thứ 3 nêu trên) được thể hiện khá rõ ràng trong ví dụ này.

Thứ năm là họ không được tiếp cận hoặc không chủ động tìm cách tiếp cận với các lý thuyết về chuyển đổi dân chủ, với thực tiễn sinh động và các kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào dân chủ/nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Thật đáng ngạc nhiên là cho đến thời điểm này, đại bộ phận giới trí thức, bao gồm cả trí thức bất đồng chính kiến chưa biết gì về các khái niệm vốn đã trở thành phổ biến trong các xã hội hiện đại như “xã hội dân sự” (civil society) [10], “quyền lực của những người không có quyền lực [11]” (power of the powerless), các lý thuyết về đấu tranh bất bạo động [12] (nonviolence); những thành công vĩ đại, những gương mặt lỗi lạc, nguồn cảm hứng và các bài học kinh nghiệm phong phú của các phong trào đấu tranh dân chủ trên thế giới [13]. Ngay cả Trần Mạnh Hảo, người gần đây đã lên án gay gắt bản chất của chế độ hiện hành [14] cũng suy diễn một cách đơn giản và ngây ngô rằng “xã hội dân sự=xã hội dân làm chủ mọi sự”. Hay như Ðỗ Minh Tuấn, trong một bài báo dài khẳng định dứt quát lập trường ly khai chính thống của mình [15] (cái mà ông gọi là “rửa tay gác kiếm”) cũng không rõ ràng hơn. Ông lầm lẫn giữa các thành quả cá nhân, khoảng tự do cá nhân hoặc khả năng gây ảnh hưởng lên hệ thống của cá nhân với tư cách là một người nằm trong hệ thống hoặc gắn bó với hệ thống, sử dụng các quan hệ cá nhân và hướng vào các mục tiêu cá nhân với khái niệm quyền lực của con người trong xã hội dân sự theo nghĩa thực của nó [16].

Việc thiếu các lý thuyết và các bài học kinh nghiệm của các phong trào dân chủ của thế giới cũng một phần giải thích hiện tượng thiếu sáng kiến vận động xã hội của các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Nó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao không có nhiều nhân vật trong giới tinh hoa ủng hộ hoặc tham gia vào nhóm bất đồng chính kiến. Không được trang bị thông tin và lý thuyết cần thiết, kể cả những người đã “thức tỉnh” cũng cảm thấy bất lực và buông xuôi, không dám quan hệ với những người bất đồng chính kiến thành danh, chứ đừng nói là có ý định trở thành một trong số họ.

Những vụ đình công/biểu tình quy mô lớn đang diễn ra thường xuyên đến nỗi báo thanh niên gọi đây là “nghịch lý đình công”, rõ ràng nó là một hiện tượng “lạ lùng” với chế độ vốn vẫn khẳng định mình đại diện cho quyền lợi của người lao động. Tuy thế, người ta chưa hề thấy vai trò của các nhà bất đồng chính kiến (đối lập) trong những sự kiện như thế này. Trên nóc chiếc xe hơi kia vẫn thiếu hình ảnh một nhà đối lập có tài minh biện.

Một bất lợi khác của bất đồng chính kiến ở Việt Nam là quan tâm đơn chiều. Tuyệt đại đa số các nhà bất đồng chính kiến tập trung vào phê phán chính trị trực diện với hệ thống thượng tầng. Ngoài hai ngoại lệ hi hữu là hai cuộc vận động chống tham nhũng và chống các hiệp ước về chủ quyền lãnh thổ được cho là bất bình đẳng [17], họ chủ yếu tập trung vào đòi hỏi tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến, đòi dân chủ pháp trị. Họ không quan tâm đến các biểu hiện sinh động của sinh hoạt dân chủ trong đời sống, và vì thế, không hướng vào đấu tranh nhằm hình thành hoặc mở rộng các biểu hiện sinh động ấy. Tự do báo chí hoặc tự do ngôn luận là cái xa lạ với những người lao động Việt Nam bình thường, vốn ít khi dành thời gian đọc báo và không quan tâm đến chính trị. Với những người nông dân mất đất do nhà nước thu hồi để xây các khu công nghiệp, thương mại và giải trí, nhu cầu này có vẻ hiện thực hơn. Nhưng tiếc thay, ngoài ngoại lệ hi hữu là Nguyễn Khắc Toàn, một nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù [18] - người đã đứng ra giúp nông dân thảo đơn kêu oan với chính phủ, hoặc Phương Nam, một nhà bất đồng chính kiến mới xuất hiện, gần đây đã chụp ảnh với những người dân quận Bình Thạnh, Sài Gòn ra Hà Nội khiếu kiện [19], thì chẳng có ai nào đứng ra giúp dân chúng minh biện các nhu cầu của họ và lên tiếng cho các đòi hỏi của họ.

Nếu những bài báo dài dằng dặc trên tạp chí cộng sản không hấp dẫn được quần chúng, thì những bài phê phán nghiêm khắc chủ nghĩa Mác của các nhà bất đồng chính kiến đăng trên các trang mạng cũng xa lạ như thế. Cái chính trị mà dân chúng quan tâm là cái chính trị biểu hiện cụ thể trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày chứ không phải cái đúng sai của một học thuyết mà họ chẳng bao giờ quan tâm đến. Vì thế, khẩu hiệu đổi mới chính trị mà những nhà bất đồng chính kiến này đưa ra vừa bị chính quyền hằn học, vừa bị quần chúng thờ ơ. Chúng thiếu cái sinh khí xã hội và trở nên khô cứng không khác gì những giáo điều của hệ thống. Nếu khẩu hiệu mà hệ thống đưa ra là giáo điều thì các khẩu hiệu mà các nhà bất đồng chính kiến đưa ra cũng không kém giáo điều hơn, vì chúng không được chi tiết hoá bằng những diễn biến hiện thực của cuộc sống.

Thứ bảy, họ là những người phê phán hệ thống, nhưng không phải là những người thách thức hệ thống bằng một mô hình khác được minh biện kỹ lưỡng. (có lẽ Abuza cũng ít nhiều ám chỉ điều này khi ông gọi họ là các nhà đối lập trung thành (loyal opposition)). Các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nhiều khi cũng nói đến một thể chế dân chủ pháp trị thay thế cho thể chế cộng sản, nhưng đã không có một nỗ lực cụ thể nào hướng tới việc nghiên cứu nền dân chủ phương tây và cấu trúc nên các mô hình dân chủ cho một xã hội phương Ðông chậm phát triển và có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam. Ðiều này không phải là khó hiểu, vì các tài liệu nghiên cứu về dân chủ phương Tây bằng tiếng Việt hầu như không tồn tại ở Việt Nam sau năm 1975. Khả năng tiếp cận vào kho kiến thức chính trị của thế giới từ trong nước trở nên cực kỳ hạn chế và đòi hỏi vốn tiếng Anh tốt- là cái mà tuyệt đại đa số các nhà bất đồng chính kiến cao tuổi không có được. Có lẽ Phạm Hồng Sơn là người đầu tiên trong số các nhà bất đồng chính kiến trẻ hơn của Việt Nam đã nhìn ra tầm quan trọng của việc nghiên cứu mô hình thay thế này và ông đã thực hiện việc dịch tập tài liệu “thế nào là dân chủ”. Có lẽ vì đảng cộng sản cũng nhìn thấu mối nguy hiểm tiềm tàng của việc hiện hữu một mô hình thay thế, họ đã tống giam ông với mức án hà khắc [20].

Ðiều gì khiến bất đồng chính kiến ở Việt Nam mang trong mình những hạn chế như thế? Và làm thế nào để bất đồng chính kiến thực sự là một phong trào với diện mạo mới và sức mạnh mới khác hẳn với giá trị tượng trưng của bất đồng chính kiến hiện nay? Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết những câu hỏi này bằng việc phân tích nguồn gốc của các nhà ly khai, và việc thiếu vắng một không gian công phi chính thống, trong các phần sau.

Duy Tân Trẻ

ไม่มีความคิดเห็น: