Ngày 20 tháng 01 năm 2009, không chỉ hơn hai triệu người từ khắp nơi đổ về thủ đô Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mà hàng tỉ người trên trái đất đã chú tâm theo dõi diễn văn nhậm chức của tổng thống Barack Obama. Nhiều người đánh giá cao bài diễn văn được coi như bản tuyên bố dõng dạc về một kỷ nguyên mới của Hoa Kỳ - Kỷ nguyên Obama. Ngoài những cảm nhận như của Daniel Finkelstein: “ Chiến thắng của Obama được nhìn nhận phổ cập như kỷ nguyên mới của tham vọng và lạc quan” hay của tờ Finance Times Deutschland: Obama hướng mọi người “đóng lại những vết thương”…, tôi còn như rơm rớm xúc động trước đoạn văn thấm đẫm tình người này:
“Trong khi tái khẳng định sự vĩ đại của dân tộc chúng ta, chúng ta hiểu rằng sự vĩ đại đó không bao giờ là thứ được cho không. Chúng ta đã phải giành lấy nó. Hành trình của chúng ta đi cho tới nay chưa bao giờ là một trong những con đường đi tắt hoặc một cái gì đó dễ dàng hơn. Đó không phải là con đường cho những người nhút nhát, cho những người hay ưa thích sự nhàn tản hơn là lao động, hay cho những người chỉ tìm kiếm những thú vui của sự giàu sang và nổi tiếng. Thay vào đó, chính những người dám chấp nhận hiểm nguy, những người lao động, những người làm ra các sản vật – mà một vài trong số họ là những người nổi tiếng nhưng thông thường hơn là những người đàn ông và đàn bà vô danh trong những lao động của họ - là những người đã đưa chúng ta vượt qua con đường dài đầy khó khăn gập ghềnh và dẫn chúng ta tới sự thịnh vượng và tự do.
Vì chúng ta, họ đã phải bươn chải khắp các đại dương mà trong tay chỉ có chút ít tư trang, của cải để mưu cầu một cuộc đời mới.
Vì chúng ta, họ đã phải vất vả lao động ở những công xưởng hà khắc và phải cất công định cư ở miền Tây; đã phải chịu đựng những trận đòn roi da và cấy cầy trên nền đất cứng.
Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi như Concord và Gettisburg, Normandy và Khe Sanh.
Hết lần này đến lần khác, những người đàn ông và đàn bà này đã tranh đấu, hy sinh và làm việc tới tận khi đôi bàn tay của họ trai sạm để chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, Họ đã nhìn thấy nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt về sự sinh thành, của cải và phe phái của chúng ta gộp lại”.
Suy tôn “ những người lao động … , những người đàn ông và đàn bà vô danh …”, những người “Vì chúng ta, họ đã phải bươn chải khắp các đại dương…Vì chúng ta, họ đã phải vất vả lao động ở những công xưởng…Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh…” bằng những đoạn văn toả thơm hương khói thiêng liêng vốn là truyền thống của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Diễn văn nhậm chức ngày 4 tháng 3 năm 1865 của tổng thống Abraham Lincoln có đoạn:
“Với lòng nhân đạo dành cho tất cả, với sự vững bền về quyền mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để làm tròn nghĩa vụ mà chúng ta đã nhận, để hàn gắn vết thương của dân tộc, để quan tâm đến những người đã vĩnh viễn hy sinh vì cuộc chiến tranh, tới những người vợ góa và những đứa con côi cút, và để làm tất cả những gì có thể, nhằm mang lại sự công bằng và hoà bình mãi mãi, cho chúng ta và cho các dân tộc”.
Diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 01 năm 1937 của tổng thống Franklin D. Roosevelt có đoạn:
“Trên đất nước này, tôi thấy hàng chục triệu công dân – một phần lớn của dân số cả nước – ngay tại thời điểm này không được hưởng phần lớn cái mà những tiêu chuẩn thấp nhất ngày nay gọi là những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống”.
Diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 01 năm 1993 của tổng thống Bill Clinton có đoạn:
“Để thay đổi nước Mỹ, chúng ta cần phải cả gan và dám làm những gì mà các thế hệ trước chưa làm, chúng ta phải đầu tư hơn nữa vào cho người dân của chúng ta, vào công việc của họ và vào tương lai của họ, đồng thời giảm đi khoản nợ khổng lồ … Chúng ta phải thực hiện cái mà nước Mỹ sẽ làm được tốt nhất: tạo ra nhiều cơ hội cho mọi người dân và đòi hỏi ở tất cả mọi người”.
Tôi xúc động đến rưng rưng bởi cứ trông đợi mãi, đến nỗi nay đã già rồi, mà chưa thấy được những đoạn văn tương tự trong các diễn văn của các lãnh tụ, các nhà lãnh đạo đất nuớc của đảng CSVN. Trong các bài diễn văn quan trọng của những nhà lãnh đạo Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ không những không thấy nói đến đảng của họ, mà hầu như cũng không thấy nhắc đến ngay cả những anh hùng khai quốc công thần như George Washington hay những người đã thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ như Thomas Jefferson, vì họ cho rằng “một vài trong số họ (nhân dân) là những người nổi tiếng” đều không đáng kể so với “những người đàn ông và đàn bà vô danh”.
Trong khi đó, ở bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 79 năm thành lập đảng CSVN mới đây, người ta vẫn phải nghe những lời sau đây: “…ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng ta, tưởng nhớ tới công lao trời biển của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, chèo lái con thủyền cách mang VN vượt qua bao ghềnh thác tới bờ thắng lợi; bầy tỏ sự tri ân các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Cả “nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã hy sinh” mà không đáng kể gì so với “công lao trời biển” của một Người nào đó hay một số người nào khác kia sao? Đốt nén nhang khấn trước bàn thờ lịch sử dân tộc, người ta khấn hết mấy ông nọ bà kia cho chán chê rồi mới đến “nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã hy sinh”!
Tiếc thay, sự khinh thị đau lòng này lại vốn đã thành truyền thống của những người lãnh đạo đảng CSVN. Cụ Hồ trước ngày “sẽ đi gặp các cụ Mác, cụ Lênin…”, khi “để sẵn mấy lời” cũng “Trước hết nói về Đảng”. Đoạn nói về Đảng, về các cánh tay của Đảng dài đến 25 dòng, để mọi người phải đọc chán chê, rồi mới đến 8 dòng nói về “nhân dân lao động ta”. Ở đây, trong hồi tưởng của Người, không thấy sự suy tôn mà chỉ thấy ngợi khen sự phục tùng, sự ngoan ngoãn của bầy cừu nhân dân dưới sự chăn dắt của Đảng: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Cho nên, đáng nhẽ phải coi “dân là gốc” thì lãnh đạo CSVN chủ trương “lấy dân làm gốc” - làm cái đệm thịt để người ta xây đài vinh quang và phất cờ trên đó!
Năm 1989, lần đầu tiên sang Mỹ để dự Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28, tôi có dịp đến viếng Nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ. Với cái “tiềm thức Cộng sản” tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy Mộ Chiến sĩ Vô danh tại đây được đặt rất uy nghi trên đồi cao, có hương trầm nghi ngút khói suốt ngày đêm, có lính bồng súng đứng gác rất nghiêm trang ngay giữa nắng trời gay gắt; trong khi đó, mộ các tổng thống chỉ sơ sài phía dưới. Mãi sau này, khi tiềm thức kia bị nhoà đi đôi phần tôi mới thấy mủi lòng, mủi lòng đến uất ức, khi nhận ra rằng, sao đang thời nhân dân còn đói khổ (đói khổ hơn bây giờ nhiều) mà người ta nỡ đổ hàng tỉ rủp xây một cái lăng mộ to vào loại nhất thế giới hiện đại (người ta đã làm sai di chúc của Hồ chủ tịch). Rồi… rất lâu sau đó, người ta mới giật mình bảo nhau xây mộ chiến sĩ vô danh, bé tí ti so với cái lăng đồ sộ kia. Ở đây thường hương lạnh khói tàn! Không biết người ta có nhớ rằng trong Mộ Chiến sĩ Vô danh hay Đài Liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc đó có cả vong linh các bậc tiền bối của Cụ Hồ?
Các nhà lãnh đạo Mỹ luôn tôn vinh những người dân thường bằng lời lẽ thốt tự đáy lòng. Barack Obama nói trong diễn văn nhậm chức: “…nước Mỹ đã đi tới không chỉ nhờ vào kỹ năng và tầm nhìn của những người lãnh đạo cao nhất, mà vì chúng ta, những người dân Mỹ vẫn tin tưởng vào những lý tưởng của cha ông và tôn trọng các văn bản đã ban hành của chúng ta”.
Ông thẳng thắn quy trách nhiệm cho lãnh đạo: “Các công nhân của chúng ta không hề làm việc kém hiệu quả hơn thời điểm cuộc khủng hoảng này bắt đầu. Trí óc của chúng ta không hề kém sáng tạo, hàng hoá và dịch vụ của chúng ta không hề kém cần thiết hơn tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Năng lực của chúng ta vẫn không hề bị sút giảm. Nhưng thời của sự bảo vệ những lợi ích hẹp hòi và lảng tránh những quyết định không mấy thú vị của chúng ta - thời đó chắc chắn đã trôi qua”.
Ông nghiêm khắc răn dạy các quan chức: “…Và ai trong số chúng ta đang quản lý những đồng đô-la công cộng sẽ phải thận trọng tính toán - để chi tiêu một cách khôn ngoan, phải thay đổi những thói quen xấu và phải làm công việc của chúng ta dưới thanh thiên bạch nhật – vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể khôi phục được lòng tin hết sức quan trọng giữa người dân và chính phủ của họ…. Câu hỏi chúng ta đặt ra hôm nay không phải là liệu chính phủ của chúng ta quá lớn hay quá nhỏ, mà là liệu nó có vận hành được hay không - liệu nó có thể giúp cho các gia đình tìm kiếm được việc làm với một đồng lương tử tế, một sự chăm sóc y tế mà họ có thể chi trả được hay tìm kiếm được một hưu bổng xứng đáng. Ở đâu mà câu trả lời là được, chúng ta dự kiến sẽ tiến tới. Ở đâu mà câu trả lời là không, các chương trình sẽ dừng lại”.
Thêm một lần, ông xác quyết đanh thép: “ Các thách thức mà chúng ta phải đối mặt có thể là mới mẻ. Các công cụ mà chúng ta dùng để đối phó có thể là mới mẻ. Nhưng các giá trị đã dẫn đến thành công của chúng ta - sự trung thực và chăm chỉ, dũng cảm và công bằng, khoan dung và tò mò, trung thành và lòng yêu nước - những điều này là cũ. Những điều này là có thật. Chúng đã là lực đẩy âm thầm cho tiến bộ xuyên suốt lịch sử của chúng ta. Điều đang đòi hỏi chúng ta là quay về với những sự thật đó ”.
Phải vậy chứ! Có đâu như các nhà lãnh đạo CSVN, không đổ tội được cho trời (Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta) thì đổ cho “trên đúng, dưới sai”, hoặc “đường lối đúng, chủ trương đúng, thực hiện sai” !
Cái tệ nạn suy tôn lãnh tụ như thánh và các nhà lãnh đạo chóp bu như thần đã làm đảng CSVN ngày càng tha hóa, biến chất, đến mức Đảng cũng phải khẩn thiết báo động.
Người ta đặt Đảng trên đất nước, trên cả…trời. Mỗi độ xuân về, đây đó lại giăng giăng những biểu ngữ khổng lồ: “ Mừng Đảng (rồi mới) mừng Xuân, mừng Đất nước” ! Thật là hợm hĩnh đến mức nhố nhăng, hỗn xược. Không biết người ta có hiểu rằng Đất nước thì gồm cả tổ tiên ông bà còn đảng CSVN thì mới ra đời năm 1930 ?
Đảng như thế cho nên cán bộ Đảng càng chức vụ cao càng tự cho mình được quyền hưởng không những những tụng ca tót vời mà cả vật chất đầy ứ. Cho nên, tham những không chỉ là lẽ sống mà còn là quyền lợi tối thượng.
Nhiều trong số họ chỉ là những cục đất uế tạp nhưng khi được Đảng nặn lên thành ông thần, ông thánh là họ không còn biết xem ai ra gi. Ai đó, dù là tiền bối, dù là bậc thầy của họ mà dám “phạm húy” hay thậm chí không biết dâng hương là đã bị trù dập, hành hạ, trừng trị bằng đủ mọi cách: từ những thủ đoạn hèn hạ, đê tiện (tra vấn, lục soát, khám xét, xuyên tạc bôi bẩn bằng cả hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình của Đảng…) , đến những đòn đánh dã man, tàn bạo (bắt bở, tù đầy, sát hại…)
*
Trong bài viết này, thêm một lần tôi lại phải đụng chạm đến Cụ Hồ mà trước đây vì thế tôi đã nhiều phen lao đao: đưa ra đấu tố, thuê thương binh xông vào nhà gây sự hành hung, đại tá Nguyễn Biên Cương dọa xua vợ cầm dao mổ lợn đến “xin tí tiết”…
Dù là bậc tài trí siêu đẳng nhưng Cụ Hồ không phải thần thánh, Cụ là người. Đã là người, dù là Người viết hoa thì đều có đúng, có sai, có tốt, có xấu. Không chân thành vạch ra cái sai, cái xấu của Người mà cứ thế suy tôn dị đoan thì nguy hiểm, tai hại cho cả dân tộc, cho nhiều thế hệ gấp triệu triệu lần cái sai, cái xấu của người thường.
Cải tạo nhận thức xã hội, đặc biệt là những nhận thức cơ bản vốn đã bị đóng đanh vào quảng đại bởi hệ thống tuyên truyền khổng lồ của Đảng suốt non thế kỷ qua không chỉ cần thiết mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của tất cả những ai thực sự yêu nước, thương nòi. Cho nên dẫu khó khăn bao nhiêu, dẫu gian nan, nguy hiểm đến mấy, vẫn mong chúng ta cùng lắng nghe, cùng suy tư, cùng góp sức, và người viết bài này xin kính cẩn đa tạ.
Hà Nội 06 tháng 02 năm 2009
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : 35 534 370
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น