วันเสาร์ที่ 28 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No333: Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết

Cách nay 20 năm, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đã đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu. Hai năm sau, đến lượt Liên Xô tan vỡ. Chế độ cộng sản sụp đổ, kèm theo các đảo lộn trong thời kỳ hậu Xô Viết, đã tạo ra chấn thương tâm lý nặng nề trong xã hội Nga, đẩy nhiều người vào con đường tự sát. Trong tập ký sự ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết'', qua những trường hợp cụ thể, nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievitch đã chẩn đoán căn nguyên của các hành động tuyệt vọng : tâm trạng đau đớn của những người cảm thấy mình bị đánh lừa.

« Một thời đại đã đi qua, thời đại của những lời nói dối tuyệt vời », nhà văn người Belarus Svetlana Alexievitch đã viết như vậy trong lời mở đầu tác phẩm Ensorcelés par la mort – Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết. Quyển sách này tập hợp chân dung của 14 nhân vật có thật. Đặc điểm chung của các nhân vật này là họ đã tự vẫn, có khi tự vẫn hụt, nhưng tất cả đều đã thành người thiên cổ.

Svetlana Alexievitch đã điều tra, tìm gặp những kẻ sống sót hoặc những người thân của kẻ quá cố. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chia sẻ tâm trạng hoài niệm chế độ Xô Viết. Chế độ này từ khi tan vỡ năm 1991 đã biến họ thành những kẻ lạc loài, những người vô căn cước, không bản sắc, những đồ thừa, những thành phần phế thải.

Động cơ khiến cho Svetlana Alexievitch tìm hiểu về làn sóng tự tử ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết là một mẩu tin đăng trên nhật báo Đức Frankfurter Rundschau với tựa Số người tự tử ở Nga gia tăng. Báo này viết ngày 28/03/1992 rằng năm 1991, 60.000 người Nga đã tự kết liễu đời mình, như vậy là so với năm trước, đã có thêm 20.000 trường hợp. Ông Guennady Ossipov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Xã hội tuyên bố : « Nước Nga đứng trên bờ vực thẳm, một triệu người Nga đã toan tự vẫn và 20% dân số, tức là 1/5 của dân tộc này, mơ tưởng được xuất cảnh định cư ở nước ngoài ».

Từ xưa đến nay, hành động tự sát là hiện tượng cá nhân thời nào cũng có, cộng đồng nào cũng có. Các nhà xã hội học chứng minh, đôi lúc trong lịch sử, tự sát là hành động tập thể, một hiện tượng xã hội. Điều này lâu lâu xuất hiện ở Tây Âu trong các giáo phái sống cách ly. Nhưng trong trường hợp nước Nga hậu Xô Viết, Svetlana Alexievitch, qua tác phẩm gom góp chứng từ của 14 kẻ bạc mệnh, đã mô tả hành động tự sát của người Nga là một hiện tượng chính trị.

Nỗi tuyệt vọng vì cảm thấy bị đánh lừa

Ý nghĩa của sự việc này thật đơn giản. Phát hiện ra họ đã bị một huyền thoại đánh lừa, huyền thoại mà họ đã góp công góp sức dựng lên bằng đức độ hy sinh và mù quáng, nhiều người Nga không thể chịu đựng nổi cú sốc này. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu.

Đầu tiên hết là sinh viên Ivan Ivachovest, 33 tuổi, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về chủ nghĩa «Marx và tôn giáo ». Cái chết của anh có thể xem là số phận nhà trí thức hoài nghi tuyệt vọng khi nhận thức ra rằng chân lý của chủ nghĩa Marx toàn điều huyễn hoặc. Một người bạn sinh viên học triết, Vladimir Stanokevich cùng ở nội trú với Ivan kể lại rằng :

« Bạn ấy đã muốn ra đi một cách kín đáo, hẳn là như vậy. Lúc đó vào buổi xế chiều, trời đã chạng vạng tối, nhưng nhiều sinh viên trong tòa nhà nội trú bên cạnh đã nhìn thấy bạn tôi nhảy lầu tự tử. Trước đó, bạn ấy đã mở toang cửa sổ. Bạn ấy đã trèo ra ngoài đứng trên cái gờ cửa sổ và nhìn xuống đất một hồi lâu, rồi quay lưng vào khoảng không, nhảy bổng như muốn bay lên không trung từ tầng 11. Ở dưới, một người đàn bà đang dẫn đứa con nhỏ đi ngang qua. Cậu bé ngước nhìn lên và kêu :

- Mẹ,mẹ, nhìn kìa, ông ta muốn làm con chim bay lên trời.

Hôm trước, tôi còn gặp bạn ấy ngoài hành lang. Anh nói : « Mình có chuyện muốn nói với cậu, nhớ sang chỗ tớ nhé ». Tối hôm ấy, tôi đến gõ cửa phòng bạn, anh nhất định không mở. Tôi ở phòng bên cạnh nên tôi nghe bạn ấy ở trong phòng, đi đi lại lại như một con thú bị nhốt trong chuồng. Tôi tự bảo, thôi, ngày mai mình lại cố tạt sang lần nữa. Thế nhưng, ngày hôm sau, tôi phải cùng với anh công an khu phố vào căn phòng này khi bạn tôi không còn nữa. Anh công an hỏi :

- Cái này là cái gì ? và chỉ vào tập hồ sơ dầy.

Tôi liếc nhìn và nói :

- Đây là bản luận án tiến sĩ của bạn tôi. Ông nhìn mà xem, cái tựa đề ghi rõ chủ nghĩa Marx và tôn giáo.

Tôi thấy tất cả các trang đều bị gạch chéo với dòng chữ đỏ viết thật to ở khắp nơi: Đồ dởm, láo toét, nói dối…

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Kẻ xấu số khác là bà Nathalia Pakovich, 55 tuổi, Giáo sư đại học. Bà có thể được xem là trường hợp phân thân tiêu biểu, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, không giải hóa được căn bệnh vĩ cuồng và nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tâm hồn Xô Viết từ thời Stalin. Bà giáo sư này thú nhận tâm tưởng của bà là bãi chiến trường giằng co xung đột giữa ba con người khác nhau.

Đầu tiên hết là một cô bé yêu Stalin một cách tuyệt đối. Cô bé này lớn lên vào đại học, gây kinh hoàng cho mọi người xung quanh vì cô tố giác tất cả những ai dám phê bình chỉ trích chế độ. Thứ nhì là một thiếu phụ đã biết yêu, đã lấy chồng, thế nhưng cặp vợ chồng luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi, trong nỗi ám ảnh bị bắt, bị đày ải, bị thủ tiêu. Trong nhiều năm tháng, cả hai người đều mang trong mình chất độc arsenic để có thể tự vẫn ngay tức khắc nếu bị lọt vào tay công an chính trị. Con người thứ ba là người đàn bà góa bụa luống tuổi hiện nay. Bệnh nhân sống trong nhà thương tâm thần đã hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít trong thực chất không khác biệt nhau lắm. Đó là nỗi đau của kẻ đã thoát khỏi nhà tù ý thức hệ nhưng đã quá muộn.

Tuy vậy, bà không thể quên lúc huy hoàng của thời điểm lòng tin chiến thắng thử thách trong những năm tháng tan băng dưới thời Khroutchev.

Chúng tôi, những đứa con của thời điểm tháng tư tan băng. Ngày nay đức tính tạo bạo của chúng tôi không còn giống như ngày xưa nữa, chân lý của chúng tôi không còn là chân lý nữa. Ngày xưa chúng tôi ngây thơ biết bao. Chúng tôi cho rằng Lê-nin là người tốt và Stalin mới là kẻ xấu, chúng tôi sẽ xây dựng một chủ nghĩa cộng sản mang bộ mặt nhân bản, chúng tôi không mảy may hoài nghi ý tưởng này. Dường như không gì lay chuyển được nó, nó vĩnh viễn tồn tại như bầu trời. Chúng tôi là đội quân đi tiên phong. Một mẻ kim lọai đang đựoc nấu chảy trong chiếc lò nung khổng lồ. Do đó tôi đã rời Leningrad trước những lời trách móc của bạn bè - Mày ngu xuẩn thật, mày sẽ hối tiếc, mọi người đều mơ ước được sống ở đây. Để được như vậy người ta phải chạy chọt đủ mọi cách, kể cả phải làm đám cưới giả, vậy mà mày lại ra đi, để đi đến nơi đâu ? -

Đến Minsk, các giáo sư của tôi gọi Minsk là thành phố xã hội chủ nghĩa nhất. Tôi gửi trả chìa khóa căn hộ ở Leningrad cho cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở. Lúc ấy tôi hãnh diện với chính mình. Trong tôi là nhu cầu được hy sinh, được tôn thờ một cái gì đó. Nhu cầu này luân lưu trong dòng máu của tôi. Phải là Freud mới giải thích được nhu cầu đó, có thể nhu cầu này phát sinh từ tinh thần nô lệ hay từ sự yêu chuộng cái chết được xem là mục tiêu tối thượng, hay cũng có thể nhu cầu nói trên phát sinh từ sự yêu thích cái nghèo, sự yêu thích lối sống khổ hạnh.

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ? (Ảnh : lefigaro.fr)

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ?
(Ảnh : lefigaro.fr)

Đáng thương nhất là những người già đã từng oanh liệt một thời. Chiến công hiển hách của họ từ nội chiến đến thế chiến, nay bị ném xuống bùn đen. Huân chương rực rỡ của họ là nghịch lý trêu ngươi xã hội mới. Có ông già kể lại một bọn du côn đã túm lấy ông, đánh một trận nhừ tử khi chúng thấy các huy chương lấp lánh ông vẫn đeo trên ngực. Chúng còn nguyền rủa : « nếu ngày xưa mày bớt hiếu chiến thì ngày nay bọn tao đã được no nê ngồi uống bia ngọai ».

Một người giấu tên, đảng viên đảng cộng sản từ 1920, nay 87 tuổi, đã tâm sự giữa hai lần tự tử (lần thứ nhì ông thành công) : Cuộc đời của ông nhập với cách mạng, hết theo Lê-nin rồi đến Stalin, rồi Khroutchev. Ông vào tù, ra tội, bị xử oan, bị lưư đầy ra Gulag, nhưng vẫn tuyệt đối tin vào đảng cộng sản. Gia đình tan nát, người vợ cũng bị lưu đầy và bỏ mạng, đứa con trai từ lúc bé cũng bị đưa cho một gia đình vô danh nuôi nấng. Phải đợi đến chiến công của ông trong Đệ nhị thế chiến thì người ta mới phục hồi danh dự và trả lại thẻ đảng cho ông :

Người ta đã phục hồi danh dự cho tôi vào năm 1945 khi tôi trở về từ cuộc chiến. Khi ấy tôi bị thương và được tặng thưởng đầy huy chương vì đã tham gia vào cuộc tấn công đánh chiếm Berlin. Tôi được gọi đến chi bộ và tại đây người ta đã trả lại thẻ đảng cho tôi và nói rằng :

- Rủi thay vợ ông không thể trở về đoàn tụ với ông được bởi vì bà ấy đã mất, nhưng chúng tôi phục hồi danh dự cho ông.

Ôi ! bạn có tưởng tượng là tôi vui sướng đến nhường nào không. Dĩ nhiên là ngày nay, có lẽ tôi không nên thú nhận những điều như vậy thế nhưng những giây phút kể trên là lúc tôi hạnh phúc nhất trên đời. Bởi lẽ trước đây chúng tôi đặt đảng lên trên tất cả, trên cả tình yêu, trên cả cuộc sống của chính mình. Chúng tôi xem việc hy sinh tính mạng cho đảng là một vinh dự và tất cả mọi người đều sẵn sàng làm việc này. Tương lai chúng tôi phải huy hoàng, nhưng phải lấy cái chết và sự hy sinh để đổi lấy cái tương lai này. Người ta có thể bắt buộc tất cả mọi người trong chúng tôi phải hy sinh, hy sinh bất cứ lúc nào. Cả ngàn người đã chết xung quanh chúng tôi, việc này đã quá quen thuộc. Vợ tôi cũng đã mất và tôi, tôi cũng có thể chết. Tại sao tôi có thể vui sướng khi vợ tôi đã qua đời.

Không, bạn đừng xin lỗi bởi vì những câu hỏi của bạn không làm tôi phật ý đâu. Trái lại, một lần nữa, những câu hỏi này chứng tỏ tôi đến từ một thế giới khác, một hành tinh khác, cũng có thể từ một hành tinh không còn hiện hữu nữa. Hành tinh này có những quy luật riêng của nó, có lẽ chính vì thế mà chúng tôi đã yêu cái chết. Vâng, chúng tôi đã yêu cái chết. Tôi hiểu ra điều này cách đây không lâu vào một đêm thức trắng…

Tác phẩm « Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết » là bài kinh cầu siêu bên mồ chôn tập thể mang tên Chủ nghĩa Cộng sản. Svetlana Alexievitch đã hòan thành một bản đồng ca được phối âm cho 14 giọng hát về những thất thố của những người từng chót tin tưởng vững chắc họ là điểm tựa của lịch sử.

Nhưng điều dữ dội nhất là tính trung thực của tập ký sự này, trong bản điều tra này, là Svetlana Alexievitch đã ghi lại những điều ngày nay tại Nga, không ai còn màng đến nữa. Người ta muốn quên đi vì thẹn thùng vì mặc cảm. Svetlana đã gợi lại tất cả những mất mát với mục đích đơn giản - bó buộc con người ta soi gương tự vấn và sám hối - Bà nói : « dù là ác quỷ nó cũng cần phải được trao một tấm gương, bằng không nó tưởng rằng nó vô hình ».

ไม่มีความคิดเห็น: