วันศุกร์ที่ 20 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No315: Đời Đời Nhớ Ơn quân cướp nước?




Tôi đi thăm La Phù Sơn ở tỉnh Quảng Ðông vào đầu Tháng Hai 2009. Trong sân trước Xung Hư Cổ Quán, một ngôi đền theo Ðạo giáo rất đông đảo khách thập phương, với những lư thắp nhang khổng lồ nghi ngút khói, một người Trung Hoa tò mò hỏi chúng tôi người nước nào. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, anh ta đã lớn tiếng nói, như giải thích cho những người Trung Hoa đứng chung quanh cùng nghe. Tôi nghe lỏm bõm, nhưng biết anh muốn nói rằng họ nên “hữu hảo” với ông già người Việt này. Vì các nước Miến Ðiện, Cao Ly, và Việt Nam cùng với Trung Quốc, bốn nước thực ra chỉ là một nước mà thôi, tất cả cũng như là đồng bào! Anh có dáng điệu mạnh bạo, quả quyết khi đưa tay giảng cho những người đang xúm lại lắng nghe. Nhưng khi nhìn tôi anh có đôi mắt sắc khiến tôi cảm thấy rờn rợn.

Ðúng là vào đời Ðường thì nước ta, Hàn Quốc, Tây Tạng, có lúc đã được nhập vào nước Trung Hoa hàng mấy thế kỷ. Nếu không có Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền, nếu không có Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, thì có thể biên giới Trung Quốc bây giờ lan tới tận Pleiku và Hà Tiên hoặc Xiêm Rệp! Người Quảng Ðông đã từng lập vương quốc Nam Việt khi văn hóa của họ còn khác hẳn người Hán, nhưng bây giờ họ hãnh diện là con dân của Trung Quốc. Nước Ðại Lý cũng là một quốc gia hùng cường, độc lập, cho tới thế kỷ 12 bị quân Mông Cổ xâm chiếm, từ đó người Bạch trở thành người Tầu. Nhưng rất khó giải thích cho người Trung Hoa hiểu rằng dân Việt Nam đã độc lập từ thế kỷ thứ 10, và nhóm người Việt này không bao giờ muốn được hơn một tỷ người Trung Quốc coi là đồng bào cả.

Mười năm trước, tôi đã có lúc thấy cảm giác rợn người giống như vậy, trong một chuyến đi thăm Quế Lâm. Một cô hướng dẫn địa phương đón chào nhóm du khách chúng tôi cũng hỏi thăm mọi người từ nước nào tới. Sau khi cho biết cả đoàn gốc đều là người Việt Nam, mắt cô sáng lên. “Việt Nam?” Cô hỏi, phát âm theo tiếng Việt chứ không gọi là “Duế Nàn” theo tiếng Tầu. Xác nhận rồi, cô bèn nhoẻn miệng cười rất tươi và cất tiếng hát, bằng tiếng Việt: “Việt Nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông!” Giọng ca cô rất tốt và hát đúng giai điệu, phát âm tiếng Việt rõ từng chữ!

Nghe câu hát đầy thiện cảm của cô gái xinh đẹp và lịch duyệt đó, tôi cảm thấy ớn lạnh dọc đường xương sống. Nghe hãi thật. Núi liền núi, sông liền sông, đi mấy bước là tới! Có lẽ tôi thuộc loại người dễ xúc động quá nên mới có phản ứng như vậy. Nhưng có lẽ nhiều người Việt cũng sẽ cảm thấy thế sau mấy ngày đi qua các thành phố ở nước Trung Hoa thấy họ đầy những người là người, người đi nờm nợp, người bước ào ào, chen chân nhau trên lề đường, lách tránh nhau trên xa lộ, đông người quá. Và sau khi đã chứng kiến cảnh muôn ngàn người Trung Hoa làm việc, buôn bán, rán dầu cháo quẩy, đẩy xe, rao hàng, mặc cả, tiêu thụ, ăn uống trong nhà hàng, cười nói oang oang, ca hát, nhẩy múa, tập Thái Cực quyền khắp các chỗ đất trống ngoài công viên, bên bờ hồ, ngay ngã tư đường, khắp nơi. Ai cũng phải cảm thấy nước họ lớn quá, dân họ mạnh quá, và đông người quá, cảm thấy điều đó ngay trong da trong thịt muốn tức thở của mình! Nghĩ đến nước Việt Nam mình thì thấy người mình ít, dân lại nghèo, kinh tế còn chậm tiến hơn họ rất nhiều. Khi tai nghe một người Trung Quốc hát câu “núi liền núi, sông liền sông” đúng giọng y như người Việt, thấy hãi quá! Giá như có thêm núi, thêm sông ngăn cách xa hơn một chút, thì chắc yên tâm hơn!

Tôi đoán nếu có người Việt Nam nào sang Campuchia mà hát một bài đại ý, “Việt Nam, Cam Bốt, núi liền núi, sông liền sông” thì nhiều người Campuchia nghe cũng sẽ cảm thấy lạnh gáy, tự hỏi những người Việt này có “ý đồ” gì!

Khi Hồ Chí Minh còn sống, đảng Cộng Sản Việt Nam thân thiện với Cộng Sản Trung Hoa cho nên đã có những bài hát ca ngợi mối tình “trước là đồng chí, sau là anh em” giữa hai đảng, rồi kéo cả nước Việt Nam vào làm anh em hữu hảo với Trung Quốc luôn, di hưởng đến bay giờ.

Trong bài hát của Ðỗ Nhuận có những câu thân thiện, nghe còn rợn người hơn nữa: “Bên sông tắm cùng một dòng - Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây - Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng. Á a! Chung một ý, chung một lòng - Ðường ta đi rực mầu cờ cách mạng. Á a, nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh, Mao Trạch Ðông!”

Thử tưởng tượng người dân Việt ở Thanh Hóa hay Pleiku mà hát Á a như điệu Hồ Quảng, rồi nghĩ mình có ngày “tắm cùng một dòng sông” và “sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy” cùng với các đồng chí Trung Quốc ở Quảng Ðông, thì cũng hãi thật! Nếu tránh được thì ai cũng cố tránh! Bây giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc dù không theo chủ nghĩa nào thì chắc họ cũng không bỏ ý muốn “núi liền núi, sông liền sông!”

Tôi xin xác nhận trong lòng không nuôi mối thù oán nào đối với người Trung Hoa. Trái lại, đi thăm đất nước họ nhiều lần, chỉ vì tôi rất yêu văn hóa Trung Hoa, từ ông Khổng Tử đến các ông Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Tô Ðông Pha, cũng như Chiêu Quân, Thúy Kiều. Trong chuyến đi vừa rồi tôi đã “gặp lại” Tô Ðông Pha ở Tây Hồ thành phố Huệ Châu, ở cây cầu Hội Tiên Kiều bên cạnh hồ Bạch Liên ở La Phù Sơn. Cả trong đường hầm với những hang động đào xuyên ngọn núi này, nơi các sư tổ đời xưa luyện công phu và thiền quán, cũng có tượng Tô Ðông Pha nữa! Mỗi lần, lại thấy như gặp cố nhân từ nhiều kiếp trước!

Nhưng người Việt Nam quý mến văn hóa Trung Hoa đến đâu cũng không quên được là phải giữ mình, không nên bất cẩn, nếu không dân mình sẽ thành dân Trung Quốc hết. Và khi chìm trong cái nước vĩ đại đó, cả dân tộc mình sẽ thành một nhóm thiểu số, một nhóm rất nhỏ, giống như người Hồi, người Bạch, người Choang, người Tây Tạng vậy.

Nhiều người Việt Nam thán phục nền văn minh Trung Hoa, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều và sẽ còn học thêm nhiều nữa. Nhưng trên mặt chính trị, ngoại giao, thì không người Việt Nam nào không dè dặt, lo ngại khi nghĩ đến chuyện phải đối đầu với quốc gia vĩ đại này.

Một điều nguy hiểm là chính quyền nước đó hiện giờ là một nhà nước độc tài, họ không chịu trách nhiệm với dân chúng. Họ có thể hy sinh dân họ, vì những lý do không ý nghĩa, không bổ ích, mà không lo sẽ bị dân bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thí dụ như cuộc chiến tranh Trung Việt năm 1979. Ðặng Tiểu Bình xua quân sang đánh Việt Nam, san thành bình địa những thành thị, những xóm làng, nhiều lần giết tập thể hàng trăm thường dân, chỉ vì muốn dậy cho đảng Cộng Sản Việt Nam một bài học về tội vong ân. Cuộc chiến kéo dài hai, ba tuần làm chết hàng chục ngàn người mỗi bên, cuối cùng không ích lợi gì cho nước Trung Hoa cả. Nhưng không một người Trung Hoa nào dám tỏ ra bất đồng ý kiến với nhà lãnh tụ cộng sản.

Ðứng ở địa vị người dân Trung Hoa thì nếu nước họ không do một đảng độc tài cai trị, nếu họ có quốc hội độc lập để kiểm soát Hành pháp, nếu có báo chí tự do phê phán nhà nước, thì chắc bao nhiêu binh lính của họ không phải bỏ mạng ở Việt Nam vào năm 1979, những cai chết vô ích. Cái hại của những chế độ độc tài là như thế. Cho nên trong lịch sử không thấy những nước theo chế độ dân chủ tự do lại gây chiến với nhau. Khi người dân được quyền phán xét và quyết định thì bao giờ dân cũng tìm cách tránh chiến tranh.

Cái hại của chế độ độc tài ở Việt Nam cũng giống hệt như ở Trung Quốc. Tại sao Ðặng Tiểu Bình muốn dậy Cộng Sản Việt Nam một bài học? Vì Lê Duẩn đã vong ân đối với Cộng Sản Trung Quốc thật. Sau bao nhiêu năm được Bắc Kinh viện trợ từ cây đinh, từ sợi chỉ đến nắm cơm sấy nuôi quân để xâm chiếm miền Nam Việt Nam, Lê Duẩn đã quay ngược lại, suy tôn Liên Xô là tổ quốc thứ hai, đoạn giao đến mức ghi vào hiến pháp gọi Trung Quốc là một kẻ thù truyền kiếp! Ðó là nguyên nhân chính gây ra tất cả những xung đột giữa hai nước sau đó, kể cả cuộc xâm lăng năm 1979. Nếu Việt Nam được sống trong một chế độ tự do dân chủ thì người dân không bao giờ cho phép chính quyền có những chính sách ngoại giao dại dột như vậy. Gây thù hận và làm mất thể diện một quốc gia lớn láng giềng là điều không thể tưởng tượng nổi. Một chính quyền độc tài đảng trị, khi họ chỉ cần theo ý đảng không cần hỏi đến ý dân, mới có những quyết định điên rồ, để đưa tới một cuộc chiến tranh tàn hại như cuộc chiến Việt Hoa vào Tháng Hai năm 1979.

Một điều đáng kinh ngạc là cũng chính đảng Cộng Sản Việt Nam đó, bây giờ lại đổi thái độ quay ngược chiều, không những kết thân với Trung Quốc mà còn hoàn toàn thần phục, quỵ lụy đến mức lố bịch đối với nước đàn anh cộng sản. Có chứng cớ hiển nhiên.

Ngày hôm qua trên Nhật Báo Người Việt đã đăng tin về cảnh những người Việt được dẫn đi thăm nghĩa trang “Long Châu, Thủy Khẩu Trung-Việt Liệt Sĩ Mộ Viên,” nơi chôn những người lính Trung Quốc chết khi sang đánh Việt Nam, và những người lính Việt Nam bị thương và bị bắt mang về Trung Quốc rồi chết ở đó nhưng không được trả xác về quê hương mình.

Chúng ta kính trọng những tử sĩ hy sinh vì quốc gia của họ, người Việt hay người Trung Quốc cũng thế. Dù họ làm theo lệnh chế độ nào chỉ huy, họ đều xứng đáng được tưởng niệm và ai điếu. Những ai đến biên thùy Pháp Ðức, đi thăm nghĩa trang chôn tử sĩ của hai đạo quân thù nghịch qua bao trận chiến tranh, đều có thể đến nghiêng mình trước những người lính đã hy sinh cho tổ quốc của họ.

Nhưng người Việt Nam khi đến thắp hương trên mộ những tử sĩ của quân đội Trung Quốc có thấy mình phải tỏ lòng “biết ơn” các chiến sĩ Hồng quân Trung Hoa đã sang đánh nước mình hay không? Chắc chắn là không.

Nhất là những người dân xã Ðề Thám, thuộc thị xã Cao Bằng. Hai thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn đã bị quân đội Trung Quốc “làm cỏ” trong hai tuần lễ xâm lăng. Ðài phát thanh BBC mới kể chuyện bà Hoàng Thị Lịch, năm nay 72 tuổi, đã chạy trốn khỏi nhà ở huyện Hòa An, Cao Bằng khi quân Trung Quốc đánh, trước đây 30 năm. Bà cho biết, 18 ngày sau khi quân Trung Quốc phải rút về, họ đi qua vùng bà ở, và họ đã bắt 43 thường dân, gồm những đàn bà, trẻ con, người già không chạy được, đem chém giết hết. Ngày hôm qua Nhật Báo Người Việt đã in bức hình tấm bảng ghi lại cuộc thảm sát này, chôn dưới chân một bụi tre ở xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An. Trong tấm bảng ghi nguyên văn là “Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi, đập chết 43 phụ nữ và trẻ em, quăng xuống giếng nước.” Cảnh tàn sát thường dân không phải chỉ xẩy ra ở xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An. Nơi nào quân Trung Quốc đi qua trong cuộc xâm lăng năm 1979 đều có thể diễn ra những cảnh như vậy.

Bên cạnh hình ảnh tấm bảng đó, hôm qua báo Người Việt in hình ảnh một vòng hoa ở nghĩa Trang Long Môn, với hàng chữ viết: “Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Xã Ðề Thám - Ðời Ðời Nhớ Ơn Các Liệt Sĩ Trung Quốc.”

Không tưởng tượng nổi! Nếu vì phép lịch sự khi viếng mộ, người ta có thể viết hai chữ “Kính Viếng” hoặc “Thương Xót” những người đã chết, dù họ từng là kẻ thù của dân tộc mình. Nhưng tại sao phải nói “Ðời Ðời Nhớ Ơn?” Ơn gì? Ơn cướp nước, ơn đốt nhà, phá cầu, phá đường, ơn tàn sát những thường dân vô tội hay sao?

Chúng ta biết rằng chính quyền một xã như xã Ðề Thám không bao giờ dám quyết định viết “Ðời Ðời Nhớ Ơn” những người lính Trung Hoa đã sang giết dân mình. Họ phải được lệnh của cấp trên. Hoặc ít nhất họ đã hỏi ý cấp trên trước khi đặt vòng hoa, và được khuyến khích viết những hàng chữ “Nhớ Ơn” như thế. Cấp trên nào? Cấp huyện? Cấp tỉnh? Không chắc những người ở những cấp này dám quyết định bắt dân chúng Việt Nam “Ðời Ðời Nhớ Ơn” những người lính đã đánh nước mình. Chỉ có những người chỉ huy trên cao nhất, là Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam mới có quyền quyết định những điều quan trọng như vậy.

Họ quyết định như vậy để làm gì? Có phải cũng vì những lý do giống như khi họ cho các công ty Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Việt Nam, mặc dù các chuyên gia người Việt đã yêu cầu ngưng để nghiên cứu lại ảnh hưởng trên môi trường, hay không?

Nhưng khi bán tài nguyên quốc gia cho nước ngoài một cách mù quáng thì cũng chỉ làm thiệt hại của cải vật chất mà thôi. Còn khi bắt người dân Việt Nam phải “Ðời Ðời Nhớ Ơn” những người lính Trung Quốc đã sang nước mình tàn sát người mình, thì đó là một hành đồng làm nhục cả một dân tộc, một mối nhục ngàn đời khó rửa sạch.

Giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc có muốn người Việt mình phải cúi đầu chịu một mối nhục tập thể hay sao? Nếu là những người có học, chắc họ không làm việc đó. Hay là chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tự nguyện làm công việc nhục nhã này? Chỉ những người vô học mới có những hành động quỵ lụy ngu dốt như vậy.

Khi các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đi Trung Quốc, không biết các ông ấy đã được giới lãnh đạo Bắc Kinh hứa hẹn những gì mà họ nhẫn tâm bắt dân Việt Nam phải “Ðời Ðời Nhớ Ơn” đám quân xâm lược giết thường dân vô tội đó? Họ có được tặng những biệt thự ở gần Trung Nam Hải để về nghỉ hưu (khi cần sống lưu vong) hay không? Bắc Kinh có yêu cầu Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam lập đền thờ để ghi công ơn của Toa Ðô, Liễu Thăng, nữa hay không? Những ông đó cũng là những “liệt sĩ Trung Quốc” vào thế kỷ 13 và 15, họ cũng bị tử vong trong các hoàn cảnh giống như những “liệt sĩ Trung Quốc” đánh nước ta năm 1979 vậy!

Một chính quyền do dân bầu cử tự do không bao giờ dám làm những việc nhẫn tâm làm nhục dân nước mình đến mức bắt dân phải Ðời Ðời Nhớ Ơn quân xâm lược. Chính quyền nào làm như vậy sẽ bị dân bỏ phiếu đuổi đi ngay. Vì không một dân tộc nào lại chấp nhận sống nhục nhã.

ไม่มีความคิดเห็น: