วันพฤหัสบดีที่ 19 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No314:"Nhóm những kẻ kình địch" - câu chuyện lãnh đạo Trung Quốc


Cheng Li là giám đốc nghiên cứu và thành viên kỳ cựu tại Trung tâm China Thornton, thuộc Viện Brookings và gần đây là biên tập của ấn phẩm "Phong cảnh chính trị thay đổi của Trung Quốc: Triển vọng cho Dân chủ" (Washington: Nhà xuất bản Viện Brookings, 2008).


Thảm sát Thiên An Môn

Sự tụt dốc của hệ thống tài chính Trung Quốc hứa hẹn thử thách quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc theo cách chưa từng thấy kể từ sau vụ Thiên An Môn. Nhưng quyền lực đó đang bị chia rẽ, khi phe bảo hoàng (princelings) đối đầu với phe dân túy (populist), và các nhà nghiên cứu về Trung Quốc đang cố gắng giải thích điều sẽ xảy ra. Liệu đội ngũ lãnh đạo, vốn được xây dựng để đạt thành tích về kinh tế, sẽ tan rã khi hết tiền? Bài viết này là hướng dẫn của người trong cuộc về các vị lãnh đạo đang nắm quyền kiểm soát Trung Quốc.

Hai tá chính trị gia cao cấp, những người nắm vị trí tối cao ở Trung Nam Hải, trung tâm chỉ huy của Đảng CSTQ tại Bắc Kinh, đang lo lắng. Điều mà một năm trước đây chưa ai có thể tưởng tượng được, nay đe dọa sự cai trị của họ: Một nền kinh tế đang rơi tự do. Xuất khẩu, tối quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế nóng bỏng của Trung Quốc, đang lao xuống. Hàng ngàn nhà máy và doanh nghiệp, đặc biệt là ở những khu vực giàu có gần bờ biển, đã phải đống cửa. Trong 6 tháng cuối năm 2008, 10 triệu công nhân, cộng với một triệu sinh viên mới ra trường, phải ra nhập đội ngũ thất nghiệp vốn đã khổng lồ của quốc gia này. Trong cùng giai đoạn đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 65% giá trị, tương đương với 3000 tỉ USD. Cuộc khủng hoảng, chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nói gần đây, "là một thử thách cho khả năng duy trì kiểm soát của chúng ta trong một tình huống phức tạp, và cũng là thử thách về khả năng cai trị của Đảng".

Với sự suy sụp nhanh chóng của nền kinh tế, Đảng CS Trung Quốc bỗng dưng trông có vẻ dễ bị tổn thương. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi động các cải cách kinh tế 30 năm trước, tính chính đáng của Đảng luôn dựa trên khả năng [của Đảng] duy trì nền kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu Trung Quốc không còn khả năng duy trì tốc độ phát triển cao hay cung cấp công ăn việc làm cho lực lượng lao động lớn chưa từng có của mình, sự bất mãn rộng rãi của công chúng và những bất ổn xã hội sẽ nổ ra. Không ai nhận thức rõ điều này hơn Bộ Chính Trị, những người đang lèo lái Trung Quốc. Tăng trưởng 2 con số đã bảo vệ họ khỏi nạn dịch SARS, động đất khủng khiếp, và những scandal bẩn thỉu. Giờ đây, câu hỏi sống còn là liệu họ có được chuẩn bị để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế ở mức độ lớn như hiện tại - và họ có sống sót sau những thử thách chính trị mà cuộc khủng hoảng đem lại hay không?

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, và quyền hành của Đảng không còn nằm trong tay một người mạnh mẽ nhất, như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Thay vào đó, Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành của nó - tổ chức có quyền hành lớn nhất ở Trung Quốc - được điều hành bởi hai liên minh ngầm, đối chọi với nhau để dành quyền lực, ảnh hưởng và kiểm soát các chính sách. Sự cạnh tranh trong Đảng CS Trung Quốc, là điều mà, tất nhiên, không có gì mới mẻ. Nhưng sự cạnh tranh ngày hôm nay không còn là trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), trong đó người thắng cuộc chiếm mọi thứ nữa. Cũng cần phải nhớ lại rằng, khi Giang Trạch Dân trao quyền hành lại cho người kế nhiệm, Hồ Cẩm Đào, vào năm 2002, đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sự chuyển giao quyền lực mà không có đổ máu hay thanh trừng. Và hơn nữa, Hồ Cẩm Đào không phải là người được Giang Trạch Dân che chở; họ thuộc hai nhóm khác biệt đang đấu đá nhau. Xin mượn một cụm từ đang thịnh hành ở Washington hôm nay, Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình được điều hành bởi một "nhóm những kẻ kình địch"

Sự cạnh tranh nội bộ được coi như một "tục lệ" của Đảng CSTQ từ chỉ hơn một năm trước đây. Tháng 10 / 2007, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào làm bất ngờ nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc khi từ bỏ thủ tục "nối ngôi" thẳng ruột ngựa mà Đảng vẫn sử dụng từ trước đến nay, và chỉ định - không phải một - mà là hai người kế nhiệm. Trung Ương nêu tên Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang) - hai nhà lãnh đạo rất khác biệt nhau ở độ tuổi 50 - trước 9 thành viên của Ban Chấp hành Bộ Chính trị, nơi mà những lãnh đạo của Trung Quốc được chuẩn bị tinh thần để bước vào nghề. Vai trò tương lai của hai vị này, người sẽ chia sẻ quyền lực sau Đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2012, đã được xác nhận: Tập Cận Bình sẽ là ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch nước, và Lý Khắc Cường sẽ kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hai ngôi sao đang lên này không có nhiều điểm chung trên khía cạnh nguồn gốc gia đình, đoàn thể chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo hay định hướng chính sách. Nhưng bọn họ mỗi người đều có ảnh hưởng lớn tới việc định dạng chính sách kinh tế Trung Quốc - và họ được trông đợi là sẽ dẫn dắt hai liên minh cạnh tranh lẫn nhau để vẽ nên quỹ đạo kinh tế và chính trị Trung Quốc trong thập niên kế tiếp và sau đó.



Có một điều chắc chắn là: Họ có một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả mô hình phát triển nhờ xuất khẩu mà quốc gia này theo đuổi đã lâu. Nhiệm vụ này yêu cầu sự cân bằng khéo léo giữa các cải cách sáng tạo, tự do hóa hơn nữa nền kinh tế, và đôi lúc, sự can thiệp mạnh của chính phủ để tái định dạng nền kinh tế Trung Quốc sang hướng phát triển dựa trê nhu cầu nội địa. Đây là một thử thách làm nhiều người nản chí, đặc biệt là khi những nhà lãnh đạo lại có sự khác biệt lớn đến vậy. Chắc chắn sẽ có những đấu đá quyền lực. Nhưng cũng có một cơ hội là, những kình địch hàng ngày này, hiểu rõ tình thế sự sống còn của Đảng đang nằm trên sợi chỉ, sẽ đặt những đấu đá sang một bên để hướng dẫn Trung Quốc ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Việc thu xếp tạo ra "nhóm những kẻ kình địch" không phải là một lựa chọn, mà là nhu cầu mới của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc. Khi nâng đỡ cả Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào năm 2007, Hồ Cẩm Đào đã cho thấy sự quan trọng của những nhóm cử tri khác nhau mà mỗi nhân vật nói trên đại diện, và lòng tin rằng chỉ có xây dựng sự đồng thuận mới có thể vượt qua những chấn động chính trị nghiêm trọng trong thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc, trong đó Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là thành viên. Ý tưởng biến kình địch thành liên minh "vì mục đích cao cả", như Abraham Lincoln từng nói, đã được báo chí Trung Quốc đăng tải rộng rãi. Một bài viết gần đây trên tờ China Youth Daily, một trong những tờ báo phổ biến nhất ở Trung Quốc, đã gọi "nhóm những kẻ kình địch" (zhengdi tuandui) là “sáng kiến tuyệt vời để đạt thỏa hiệp chính trị nhằm đem lại lợi ích chung lớn nhất và vốn chính trị cho sự sống còn.”

Hai nhóm này có thể được nhìn nhận như nhóm "dân túy" (populist) và nhóm "bảo hoàng" (elitist). Nhóm dân túy hiện tại được Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo lãnh đạo. Thành viên chính của nhóm, bao gồm Lý Khắc Cường (Li Keqiang), Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao) - Trưởng ban tổ chức Đảng (Director of Party Organization), Uông Dương (Wang Yang), Bí thư Quảng Đông, được biết đến với cái tên "tuanpai", tức là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, con đường tiến thân của những đồng chí nói trên. Phần lớn tuanpai - họ bây giờ chiếm 23% Trung Ương và 32% Bộ Chính Trị - đang là lãnh đạo địa phương và tỉnh, thường là ở những khu vực nghèo nàn nằm sâu trong lục địa, và rất nhiều người là chuyên gia về tuyên truyền và sự vụ pháp luật. Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng từng là tuanpai, và các lãnh đạo của nhóm này đa số coi ông là bạn tâm tình lâu năm: phần lớn bọn họ đã làm việc dưới trướng Hồ Cẩm Đào từ những năm đầu thập niên 80, khi ông dẫn dắt Đoàn Thanh niên. Tuanpai được biết tới với khả năng tổ chức và tuyên truyền, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm khi phải đối mặt với kinh tế thế giới. Uy tín của họ đã không được đánh giá cao trong thời Giang Trạch Dân, khi đầu tư quốc tế và toàn cầu hóa nền kinh tế được ưu tiên trên tất thảy, nhưng họ bây giờ lại được coi là rất cần thiết bởi nguy cơ bất ổn xã hội và căng thẳng chính trị đang lên cao.




Liên minh bảo hoàng sinh ra vào thời Giang Trạch Dân, và mặc dù hai lãnh đạo hiện thời của nó - Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo), Chủ tịch cơ quan lập pháp quốc gia; và Cổ Khánh Lâm (Jia Qinglin), lãnh đạo cơ quan tư vấn chính trị quốc gia - ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, họ là hai trong số những lãnh đạo có địa vị cao nhất ở Trung Quốc. Thành viên thế hệ thứ năm chính của nhóm bảo hoàng bao gồm Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Vương Kỳ San (Wang Qishan), Bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai (Bo Xilai), được biết tới như những vương tử, bởi họ là con cháu của các cựu quan chức cao cấp. Ví dụ như cha của Tập Cận Bình, Vương Kỳ San và Bạc Hi Lai đều đã từng là phó thủ tướng. Nhóm vương tử nắm 28% số ghế trong Bộ Chính trị hiện thời. Đa số các vương tử lớn lên từ những khu vực bờ biển giàu có và theo đuổi các lĩnh vực tài chính, thương mại, quan hệ quốc tế và công nghệ. Mặc dù mối quan hệ nâng đỡ ô dù không phải lúc nào cũng bền vững giữa các vương tử này, nhưng nhu cầu chung bảo vệ lợi ích của họ, đặc biệt trong thời điểm mà dư luận ngày càng phẫn uất với thói gia đình trị, đã gắn kết họ lại với nhau.

Trong số sáu thành viên thế hệ thứ năm đang phục vụ Bộ Chính trị hiện giờ, có 3 là tuanpai và 3 là vương tử. Sự khác biệt chính sách giữa các bè phái này là rất lớn, do sự tương phản về nguồn gốc của họ. Ở mức độ rộng lớn hơn, sự khác biệt của họ phản ánh các lực lượng kinh tế xã hội đang cạnh tranh nhau ở Trung Quốc: Nhóm bảo hoàng hướng tới phục vụ lợi ích của các doanh nhân và tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy, trong khi nhóm tuanpai thường đòi xây dựng một xã hội hài hòa, với sự chú trọng nhiều hơn vào các nhóm xã hội dễ tổn thương như nông dân, công nhân di cư và người nghèo thành thị.

Lấy ví dụ, cương lĩnh chính trị của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường bất đồng đáng kể. Sự thiết tha với tự do hóa thị trường và tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Tập Cận Bình được cộng đồng kinh doanh quốc tế biết đến từ lâu. Không có gì đáng ngạc nhiên, các mối quan tâm chính sách chủ yếu của ông bao gồm làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn, giữ cho GDP phát triển nhanh, và Trung Quốc hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Tập Cận Bình đặc biệt quan tấm đến việc duy trì hạnh phúc cho giới đại gia giàu có ở khu vực bờ biền phía Đông Trung Quốc.

Ngược lại, Lý Khắc Cường lại lo lắng hơn về con số thất nghiệp ở Trung Quốc. Ông đã cố gắng có nhiều nhà giá rẻ cho dân ở khắp nơi, và hiểu rõ sự quan trọng của việc phát triển hệ thống phúc lợi xã hội sơ đẳng, bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ y tế cơ bản. Làm trẻ lại những tỉnh Đông Bắc, khu công nghiệp cổ xưa của Trung Quốc và cũng là khu vực thâm dụng lao động (labour-intensive) nhất, dường như là sự quan tâm của Lý Khắc Cường. Đối với Lý Khắc Cường, giảm bớt sự chênh lệnh về kinh tế còn khẩn cấp hơn nhiều so với nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Những ưu tiên chính sách trái ngược giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ còn tăng lên khi họ đối mặt với những vấn đề kinh tế cấp bách, như Trung Quốc nên phản ứng thế nào trước áp lực quốc tế về trị giá đồng Nhân Dân Tệ, và chính quyền phải tiến hành kế hoạch kích thích nền kinh tế ra sao?

Bất chấp rất nhiều khác biệt giữa họ, thế hệ thứ năm của các tuanpai và vương tử cùng chia sẻ một chấn thương: Họ là một phần của "thế hệ mất mát" của Trung Quốc. Sinh ra sau khi Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập, họ là những đứa trẻ khi Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966. Họ mất đi cơ hội được học hành bình thường do biến cố chính trị này, và nhiều người trong số họ là những "đứa trẻ bị gửi đi", bị đuổi khỏi thành phố về những khu vực nông thôn và làm việc như những nông dân trong nhiều năm trời.

Vương tử Tập Cận Bình và Vương Kì San đã bị dồn từ Bắc Kinh về Diên An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi họ trải qua nhiều năm tại nông trại. Tuanpai Lý Khắc Cường và Lý Nguyên Triều lao động tại những khu vực hẻo lánh nghèo nhất thuộc tỉnh An Huy và Giang Tô. Những kinh nghiệm gian khổ và thấp hèn đó buộc các lãnh đạo tương lai này phải học một số tính cách, như chịu đựng, thích nghi, tính cẩn thận trước tương lai, và nhún nhường. Họ không chỉ có cơ hội đặc biệt để biết về nông thôn Trung Quốc, mà họ còn phải điều chỉnh và thích nghi với một môi trường kinh tế xã hội hoàn toàn khác biệt. Sự điều chỉnh này buộc họ phải học từ thời bé cách đối mặt với những thách thức và cách thỏa hiệp. Tập Cận Bình gần đây nói với truyền thông Trung Quốc rằng thời gian ông ở Diên An là "kinh nghiệm đặc biệt quan trọng", một "bước ngoặt" của cuộc đời ông.

Còn một sự kiện khác có mức độ quan trọng tương đương với Cách mạng Văn hóa trong cuộc đời của những nhân vật này, đó là sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Chúng ta không có thông tin về sự kiện này ảnh hưởng tới mỗi cá nhân trong số họ như thế nào, nhưng họ thuộc thế hệ già hơn đa số những người biểu tình, và tại thời điểm đó, vài người là lãnh đạo hay bí thư của các đoàn thanh niên. Có thể thấy rõ là họ nhận thức được, với tư cách tập thể, việc lãnh đạo Trung Quốc tại thời điểm đó chia rẽ như thế nào trong việc đáp trả biến cố. Họ cũng nhận ra rằng những đấu đá nội bộ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và bậc cuối cùng chính là sự đáp trả tàn bạo.

Những sự kiện này dạy cho [lãnh đạo] thế hệ thứ năm hai bài học: Thứ nhất, họ phải duy trì ổn định chính trị bằng mọi giá, và thứ hai, họ không được để lộ sự rạn nứt giữa họ ra cho công chúng biết. Cho dù các lãnh đạo này khác nhau từ chân tới cổ, có một sự đoàn kết ở mức cao, hun đúc bởi những bất ổn quá khứ, là phải tránh bất cứ dấu hiệu nào của sự chia rẽ trong lãnh đạo, đó là mối nguy hiểm cho Đảng và cho cả đất nước.

Như thế, những khác biệt sâu sắc và những kinh nghiệm chung đầy ảnh hưởng này nói cho những nhà nghiên cứu Trung Quốc điều gì về cách thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ lèo lái nền kinh tế Trung Quốc? Năng lực kinh tế của các vương tử sẽ là thứ cần thiết để xử lý những thách thức kinh tế vĩ mô mà Trung Quốc sẽ đối mặt trong năm nay và sau đó. Và sự nhạy cảm của tuanpai, vốn giỏi về tổ chức và tuyên truyền, sẽ là thứ không thể thiếu để Trung Quốc giải quyết các vấn đề xã hội sinh ra và bị kích thích bởi khủng hoảng kinh tế.

Sự xuất hiện của nhóm những kẻ kình địch có thể đưa tới kết quả là sẽ có ít hơn các chính sách nhằm tối đa tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Thay vào đó, các chính sách cân nhắc thích đáng giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội sẽ được ban hành. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra đã làm lãnh đạo Trung Quốc thay đổi quỹ đạo, từ tăng trưởng bằng hướng xuất khẩu sang khuyến khích cầu nội địa, điều này có nghĩa là họ phải đáp ứng những nhu cầu của nông thôn. Một kế hoạch cải cách đất đai đầy tham vọng đã được chấp nhận vào mùa đông 2008, hứa hẹn sẽ cho nông dân nhiều quyền hơn và các khuyến khích mang tính thị trường để thúc đẩy họ thầu lại và chuyển nhượng đất đai. Chính sách này nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giảm sự chênh lệch về kinh tế, thúc đẩy quá trình thành thị hóa bền vững, và cuối cùng chấm dứt một thế kỷ phân ly giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc cải cách đất đai này, cùng với kế hoạch 600 tỷ USD kích thích kinh tế được thông báo vào tháng Mười một nhằm xây dựng đường tàu và cơ sở hạ tầng nông thông, sẽ thúc đẩy rất mạnh nền kinh tế nội địa và hi vọng sẽ kéo Trung Quốc ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Mặc dù việc cải cách luật đất đai chủ yếu phản ánh kế hoạch của Hồ Cẩm Đào và ảnh hưởng của nhóm dân túy, những lãnh đạo bên phe bảo hoàng cũng là những người ủng hộ của sáng kiến chính sách này. Thỏa hiệp chính trị và xây dựng đồng thuận, không đấu đá phe nhóm, đã tạo ra sự phát triển nông thôn và kế hoạch kích thích kinh tế nói trên.

Nhưng ván bài mới của các nhà chính trị Trung Quốc có thể đổ vỡ. Điều gì sẽ xảy ra, nếu ví dụ, điều kiện kinh tế tiếp tục tồi tệ? Chủ nghĩa bè phái trong lãnh đạo có thể mất kiểm soát, thậm chí dẫn tới bế tắc hoặc thù hận công khai. Những tầm nhìn khác biệt ở nhiều vấn đề - bao gồm cả cách tái phân bổ nguồn lực, thiết lập hệ thống y tế công, cải cách khu vực tài chính, đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì trật tự chính trị, và giải quyết các căng thẳng sắc tộc trong nước - đã lôi thôi đến mức các nhà lãnh đạo sẽ thấy càng ngày càng khó khăn trong việc xây dựng sự dồng thuận cần thiết để lãnh đạo một cách hiệu quả.

Dù sao, nếu loại trừ những thứ hoàn toàn không thể ngờ tới, nền tảng chính sách của nhóm dân túy sẽ thắng thế trong vòng 3-4 năm tới, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay sẽ tiếp tục thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc tăng cường sự can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể có sự chuyển dịch về hướng ngược lại trong năm 2012, khi vương tử Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào, tương tự như cú chuyển chuyển đổi từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào. Việc tạo ra sự chuyển dịch như thế trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo cao cấp tạo ra động lực chính trị hữu ích giúp ngăn cản một phe nắm quyền lực quá lớn. Bởi vì những khác biệt về chuyên môn, uy tín và kinh nghiệp của các lãnh đạo mới, những phe phái đối đầu sẽ nhận ra rằng họ phải tìm đường cùng nhau tồn tại để tiếp tục nắm quyền. Xét cho cùng, họ có chung một lợi ích, đó là duy trì ổn định xã hội và mong ước đưa Trung Quốc bước lên sân khấu thế giới. Xét theo lịch sử lâu đời của Trung Quốc, với quyền quyết định độc đoán thuộc về một nhà lãnh đạo duy nhất, thì thí nghiệm "một đảng, hai phe" này thể hiện một bước tiến lớn về phía trước - cho cả đảng và nhân dân Trung Quốc.

ไม่มีความคิดเห็น: