วันอังคารที่ 10 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No299: Không biết cười

Tuần này đến phiên ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng của Bắc Kinh bị ném giày. Kể từ ngày ông nhà báo Muntadhar al-Zeidi ném giày vào cựu Tổng Thống George W. Bush đến nay, cử chỉ phản đối này đã được nhiều người bắt chước thành ra cũng chẳng có gì lạ cả. Lạ chăng là phản ứng của chính phủ, báo chí và các blog ở Trung Quốc. Thay vì đùa giỡn, họ tức tối và tỏ ra rất hằn học. Nhưng thật ra chuyện đó cũng chẳng có gì là lạ cả.

Những nhà độc tài và nhất là những người cộng sản vốn không biết cười. Mặt mày lầm lì, ngay cả đến khi “làm bộ” gần dân, có bao giờ chúng ta thấy họ cười nói bình thường đâu. Ngay cả ông Ôn Gia Bảo, vốn được coi là người gần gũi với nhân dân nhất trong số các lãnh tụ gần đây của đảng cộng sản Trung Quốc, cũng không thật sự có được điều mà người Anh gọi là “a sense of humour”, một khả năng biết cười.

Chính vì vậy mà khi bị ném giày, thay vì cười cho nó qua, ông Ôn đã nói “Hành động đáng khinh này không thể ngăn cản tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Anh Quốc.” Ðối với một lãnh tụ Trung Quốc, nói như vậy là văn minh và tự chế lắm rồi. Nhưng nó không thể nào so sánh được với phản ứng của ông Bush, một người vốn thực sự rất thích cười.

Có lẽ cũng một phần tại chế độ. Trong chế độ cộng sản, tinh thần hài hước rất yếu đuối èo uột vì bị chèn ép quá nhiều. Mới đây một cuốn sách được xuất bản với cái tên là Hammer and Tickle: A History of Communism Told Through Communist Jokes của tác giả Ben Lewis. Với cái tựa dí dỏm đó, ông Lewis đã tìm cách trình bày một chủ đề là chế động cộng sản là chế độ duy nhất đã tạo ra được một hình thức khôi hài quốc tế. Ông giải thích là trong chế độ này, chuyện cười vừa là một hình thức kháng chiến, vừa là một hình thức “xả xú páp” cho chế độ.

Một trong những chuyện cười ông kể lại là chuyện địa ngục. Chuyện kể là một người chết xuống địa ngục nơi ông ta khám phá ra là có thể chọn địa ngục tư bản hay địa ngục cộng sản. Dĩ nhiên ông ta muốn tìm cách so sánh. Ông tìm đến địa ngục tư bản trước, và đứng ngoài cửa là Quỉ Sa Tăng trông mường tượng giống ông Ronald Reagan. Khi ông ta hỏi “Ðịa ngục ở đây ra sao?” thì Quỉ trả lời “Ờ thì ở địa ngục tư bản ông sẽ bị phân thây sống, rồi luộc trong vạc dầu, rồi cắt ông thành từng mảnh với dao rất sắc.” Nghe vậy sợ quá, ông ta chạy sang địa ngục cộng sản. Ở cửa địa ngục cộng sản là một ông già hom hem trông như Karl Marx. Người này tuyên bố “Tôi vẫn còn ở thế giới tự do, Karl, tôi còn có thể lựa chọn. Vậy địa ngục của ông có gì?” Marx gắt gỏng trả lời “Ở địa ngục cộng sản thì ông sẽ bị phân thây sống, rồi luộc trong vạc dầu và rồi cắt ông thành từng mảnh với dao rất sắc.” “Nhưng ở địa ngục tư bản người ta cũng làm vậy. Tại sao ở bên này người ta sắp hàng vào đông thế?” ông ta hỏi. Marx thở dài “Ờ, đôi khi chúng tôi hết dầu, đôi khi chúng tôi không có dao, đôi khi chúng tôi không có nước nóng...”

Ông Lewis nói đúng nhưng ông còn thiếu một giải thích nữa, chuyện cười ở chế độ cộng sản nó cay đắng và mỉa mai nhiều hơn là cười. Cứ thử đan cử một số những câu chuyện mà ở Việt Nam sau năm 1975 chúng ta đã nghe được. Hồi Hà Nội còn trong giai đoạn chưa tiến lên xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường, cả thành phố thiếu nước. Dân Hà Nội bèn có câu “Ban ngày cả nước lo việc nhà, tối đến cả nhà lo việc nước,” để tả cái cảnh ban ngày mọi người đều lo việc riêng của mình, có đi làm nhưng vẫn chỉ lo đi xếp hàng mua các thứ được bán theo tiêu chuẩn chứ đâu có lo công việc, trong khi đêm đến, cả nhà đều phải lo ra sắp hàng để lấy nước từ fontaine về. Sau năm 1975, khi nhà nước tung ra khẩu hiệu “Sạch nhà sạch phố” để đòi dân chúng làm vệ sinh thì ngay lập tức dân Sài Gòn hiểu ngay là “Sạch sành sanh chẳng còn gì vì đã bán hết đi để ăn.”

Nhưng khi cần phải cười thật thì người dân sống ở xứ cộng sản không biết cười. Tờ Tuổi Trẻ ở trong nước có một tờ tuần báo phụ trang tên là Tuổi Trẻ Cười, nhưng chuyện cười của Tuổi Trẻ Cười đọc ra khiến chúng ta “cười ra nước mắt”. Trong một số, tờ báo viết “Thời gian gần đây, mấy ông bạn của Róm tôi hay bảo nhau rằng thường xuyên bị ‘nổi da gà’ khi ghé vào một số cơ quan mà phía trước có treo một tấm bảng to tướng màu xanh da trời với hàng chữ “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”. Nhưng theo tờ báo, tại các cơ quan “Ðạt chuẩn văn hóa” này “cán bộ nay thường xuyên đi trễ về sớm và đặc biệt là mấy em, mấy chị luôn ăn mặc ‘thừa thịt thiếu vải’ và hay nhai nhóp nhép thức ăn hoặc kẹo cao su khi tiếp dân. Còn cánh mày râu thì ăn mặc xốc xếch, có hôm vào cơ quan mà mùi rượu bia cứ ‘bốc hơi’ nồng nặc như một hũ hèm. Nói chuyện điện thoại với nhau thì khỏi bàn, bởi nhiều ông luôn văng tục chửi thề, bàn chuyện mấy em ‘chân dài tới nách’ ở quán ‘tươi mát’ ngay trước bàn dân thiên hạ như đang nói chuyện một mình trong vườn nhà mình vậy.” Ðó đâu phải là một chuyện cười, mặc dầu cũng đáng tức cười lắm.

Thành ra cũng dễ hiểu khi ông Ôn bị ném dày Trung Quốc đã phản ứng hoàn toàn không có chút nào chứng tỏ là họ có thể thấy điều đáng cười ở trong hành vi đó. Dân chúng Mỹ và Tổng Thống Bush có thể gạt sang một bên hành động của một cá nhân nhưng chính phủ Bắc Kinh có vẻ không đủ sức để làm như vậy.

Mặc dầu sau vài giờ suy nghĩ chính quyền đành phải cho phổ biến chuyện này vì biết rằng trong thời đại Internet, có giấu cũng như không, nhưng đã ra lệnh cho báo chí “diễn dịch” theo ý nhà nước. Tiêu biểu là ý kiến của tờ Quang Minh Nhật Báo “Trong khi cử tọa đang chăm chú theo dõi bài diễn văn tuyệt hảo của Thủ Tướng Ôn, một người trông có vẻ Tây Phương xuất hiện ở cuối phòng rồi đột nhiên bắt đầu huýt gió và la lớn, và ném giày vào bục diễn giả. Toàn thể cử tọa đã phản đối và tỏ thái độ khinh bỉ hành động của kẻ phá hoại, và giữa tiếng la ‘đáng hổ thẹn’ và ‘cút ra khỏi đây’ người này đã bị bắt đem đi. Thủ Tướng Ôn đã hết sức bình tĩnh và không phản ứng gì trước vụ này.” Một tờ báo khác còn hằn học hơn nữa “Ðây là một hành động rất thô bạo và cộc cằn... Người ném giày chắc là một kẻ mắc bệnh tâm thần hay có thành kiến đối với Trung Quốc...” Nhưng hay nhất là bài bình luận của tờ China Daily, tờ báo Anh ngữ chính thức của Bắc Kinh “Chiếc giày ném vào Thủ Tướng Ôn ở Viện đại học Cambridge là một điều nhắc nhở cho chúng ta là người Âu Châu bình thường biết rất ít về Trung Quốc, và những điều vớ vẩn chính trị đã thấm sâu vào tri thức của người Âu đến mức nào. Cách hay nhất để giải quyết vấn đề này là ... phải quản lý công việc của chúng ta cho tốt”!

Cũng phải nói là tuy họ không biết cười nhưng quả là họ đã cung cấp cho chúng ta nhiều giây phút cười lý thú.

ไม่มีความคิดเห็น: