วันเสาร์ที่ 28 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No335: Dân Chủ cho VN: Chuyển Đổi Hệ Thuyết và sự Chuyển Tiếp Thế Hệ

Dân Chủ cho VN: Chuyển Đổi Hệ Thuyết và sự Chuyển Tiếp Thế Hệ

Thế hệ trước đã phải mang theo bên mình những hòn bi quá khổ nặng nề của cuộc nội chiến 20 năm trong suốt 30 năm qua. Thế hệ sau có cần phải tiếp nhận những hòn bi này để rồi lại phải kình nhau lê gót đến tương lai hay không?


Lời mở đầu

Tôi được biết đến danh từ Paradigm Shift [được gọi là Chuyển Đổi Hệ Thuyết] trong một khóa đào tạo Quản Lý Kế Hoạch Thương Mại 4 năm trước đây. Paradigm Shift mô tả một hiện tượng tương tự như Thuyết Tương Đối (Theory of Relativity) của Newton, nó tầm thường nhưng lại rất quan trọng. Hiện tượng này tầm thường vì nó rất hiển nhiên và xảy ra nhan nhản ở khắp nơi, khắp ngành, hầu như ai cũng đã biết đến hoặc từng trải qua. Đồng thời, nó cũng rất quan trọng vì khi nó xảy ra, tất cả những ai không nhận diện và có chuẩn bị trước đều phải trả một giá rất đắt. Trong môi trường cạnh tranh, nhận diện được hướng chuyển đổi sớm hay muộn có thể quyết định kẻ thắng người thua. Và trong trường hợp cùng đường bí lối, nhận diện được hướng chuyển đổi này hay không sẽ quyết định thành bại. Cũng tương tự như Thuyết Tương Đối, khái niệm về Paradigm Shift có thể sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, trong ngành gì, lĩnh vực gì, với ai, với bất cứ vấn đề gì.

Bài viết này được viết với hai mục đích: Trước là để giới thiệu cùng các bạn về Paradigm Shift và trình bài hiệu quả của nó trong thực nghiệm. Sau đó là để khai triển khái niệm này để nói đến phong trào tranh đấu giành tự do dân chủ cho VN, một phong trào mà tôi, cũng như rất nhiều người khác, mong mỏi sẽ thấy được sự thành công. Cũng xin nói trước với bạn đọc rằng Paradigm Shift, tương tự như Thuyết Tiến Hóa của Darwin, là sự nhận diện đặt tên của một quá trình chuyển đổi mà ở đoạn cuối, người ta có thể nhận định chính xác rằng cái gì đã chuyển đổi toàn diện từ đâu sang đâu. Hiện tượng này chỉ được trình bày bằng sự thành công của những chuyển đổi đã xảy ra nhằm để nhận diện và chuẩn bị cho những chuyển đổi sẽ đến. Tác giả không có câu trả lời nhất định, chỉ có thể nêu lên nhận định cá nhân để cùng nhau truy vấn xem một Paradigm Shift toàn diện trong phong trào tranh đấu có nhất thiết hay không? Sẽ xảy ra hay không? Và nếu sẽ xảy ra, nó sẽ xảy ra như thế nào? Trước hay sau sự chuyển tiếp thế hệ?

Chuyển Đổi Hệ Thuyết (Paradigm Shift) là gì?

Từ Paradigm Shift được khoa học gia Thomas Kuhn dùng đến lần đầu tiên năm 1962 trong tác phẩm khoa học ấn tượng của ông, The Structure of Scientific Revolutions (Cấu Trúc của những cuộc Cách Mạng Khoa Học), nhằm để miêu tả sự thay đổi của những nhận xét cơ bản trong giới hạn lý thuyết của khoa học. Sự thay đổi nhẹ nhàng này sau đó lại dẫn đến một cuộc cách mạng trí thức mãnh liệt. Ông Kuhn đã giới hạn và chỉ sử dụng từ Paradigm Shift trong lĩnh vực khoa học mà thôi vì theo ông, “một hệ thuyết là những gì thành viên trong cộng đồng khoa học, và chỉ trong cộng đồng này mà thôi, chia xẻ với nhau.”

Cho dù vậy, từ này đã được chấp nhận trong thập niên 1960 và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác với các cảnh ngữ khác nhau. Nói một cách tóm tắt thì Paradigm Shift là một sự chuyển đổi hoặc thay đổi trong tư tưởng của chúng ta về sự kiện, dân tộc, môi trường, đời sống. Sự chuyển đổi hoặc thay đổi này có tính chất lan rộng toàn diện trên lĩnh vực mà nó được áp dụng và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và cách sống của chúng ta hiện nay và trong tương lai.

Kết cấu của Paradigm Shift bao gồm (1) Ý tưởng mới làm chất xúc tích (2) Ứng dụng ý tưởng mới vào thực hành một cách hiệu quả (3) Hiệu quả được minh xác, ý tưởng mới được chấp nhận rộng rãi và trở thành một cuộc cách mạng tư tưởng (4) Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.


Các trường hợp điển hình của Paradigm Shift

Phản văn hóa (counter-culture) ở Hoa Kỳ: Thời điểm phản văn hóa ở Hoa Kỳ xảy ra vào hai thập niên 60 và 70. Bị thúc đẩy bởi cuộc chiến VN, thế hệ trẻ đối kháng chính quyền Hoa Kỳ có khuynh hướng chống lại quan điểm của chính quyền về đời sống xã hội và mức sống người dân. Thành phần bảo thủ bị họ xem là thành phần áp bức. Paradigm Shift tiếp nối sau đó bao gồm nhiều tư tưởng mới mẻ về tôn giáo, xã hội, tâm linh mà phần đông không lệ thuộc vào tư tưởng truyền thống Tây Phuơng. Những tư tưởng mới này làm giảm bớt căng thẳng giữa các sắc tộc, thắt chặt các mối quan hệ, mở rộng quan hệ ngoại giao, và chấm dứt cuộc chiến VN.

Cho dù sự đối kháng này của giới trẻ thường không vì lợi ích chung của nhân loại, nhưng Paradigm Shift tiếp nối sau đó đã khiến nguời ta mở rộng tư tưởng với sự đa dạng văn hóa, đẩy mạnh phong trào bảo vệ nhân quyền và tự do. Mặt khác, nó cũng có những tác dụng phụ như các tệ nạn nghiện ngập, ly dị, lộn xộn gia tăng trong xã hội.

Toàn cầu hóa nông nghiệp: Cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu vào khoảng 4000 năm trước CN là một chứng minh hùng hồn cho Paradigm Shift từ đời sống du mục, thu lượm thức ăn đến việc an cư, trồng trọt ở Tiểu Á và Bán Đảo Ả Rập. Chất xúc tích là nền Nông Nghiệp Phôi Thai được ghi nhận vào khoảng 8500 năm trước CN ở khu vực Lưỡng Hà cạnh Địa Trung Hải. 4000 năm sau đó, tiến trình chuyển đổi toàn cầu hóa được bắt đầu với sự xung đột giữa người Cápca (Caucasian) ở Caucasus và người Xê-Mít (Semites - tổ tiên lâu đời của người Do Thái). Theo nhận xét của nhà văn nổi tiếng Daniel Quinn thì sự xung đột này đã được lồng vào Sách Sáng Thế qua câu chuyện của “the Fall” với Abel và Cain. Thêm 2000 năm nữa thì hầu hết các vùng đất nơi đó đã biến thành làng mạc vây quanh bởi ruộng vườn. Hầu hết các tộc dân du mục hoặc bị tiêu diệt hoặc phải thích ứng với lối sống mới này.

Thiên văn học: Sự chuyển đổi trong nhận xét thiên văn từ mô hình địa tâm Ptolemaic (Geocentric model), quan điểm thống trị thời tiền hiện đại, sang hệ nhật tâm Copernian vào thế kỷ 16 là một Paradigm Shift có tầm vóc quốc tế. Chất xúc tích cho sự chuyển đổi này là bài viết của Copernicus năm 1497, De Revolutionibus orbium coelestium (Sụ vận chuyển của thiên thể trong vũ trụ), gây ảnh hưởng nặng đến quan điểm trong triết lý và kinh thánh thời đó. Nhưng vì Copernicus thiếu bằng chứng hỗ trợ hệ thuyết của mình, mãi cho đến năm 1610 khi Galileo phát minh ra viễn vọng kính và quan sát các tinh thể trong hệ Mặt Trời, hệ nhật tâm mới có thể hoàn toàn thay thế mô hình địa tâm.

Điện tử: Sự chuyển đổi từ việc sử dụng nhân lực sang hệ thống tự động điều khiển bởi các phần mềm vi tính, điện tử là một Paradigm Shift trên nhiều lĩnh vực xã hội đời sống. Ở các lĩnh vực khác, nó vẫn còn đang trong vòng chuyển đổi. Tiến trình chào đời của máy vi tính chính nó cũng là một Paradigm Shift lớn ở mức vĩ mô bao gồm những Paradigm Shift nhỏ ở mức vi mô. Bắt đầu từ kỹ nghệ Vacumn Tubes (đèn chân không) của thập niên 50 đến kỹ nghệ Transitors (linh kiện bán dẫn) giữa thập niên 60 đến kỹ nghệ Intergrated Circuit (vi mạch hay mạch tích hợp) giữa thập niên 60 và 70 đến kỹ nghệ LSI và VLSI (trong máy vi tính cá nhân thông dụng) cuối thập niên 70, và kỹ nghệ multiprocessors của thập niên 90 trở lại. Bộ phận xử lý (processor) trong máy vi tính cá nhân cũng đã chuyển đổi từ 1x (single core) đến 2x (dual core) và hiện nay là 4x (quad-core). Sự chuyển đổi sẽ hoàn tất khi hệ thuyết (paradigm) mới hoàn toàn thay thế hệ thuyết cũ và khi đó, có thể gọi hiện tượng này là một Paradigm Shift. Theo nhận xét của tôi, các loại bóng đèn điện hiện nay cũng đang trong quá trình chuyển tiếp mà ở cuối quá trình, loại bóng LED (light-emitting diode) sẽ thay thế tất cả các loại bóng khác.

Mạng Internet: Đối với mạng Internet ở VN, Blog là một hệ thuyết mà thông tin cá nhân và tự do ngôn luận trên mạng đang trong thời kỳ chuyển tiếp vào. Blog đã được ứng dụng, trở thành thịnh hành, và sự đa dạng sẽ còn phát triển xa hơn nữa. Những hình thức quản lý và hạn chế hầu như chỉ có thể chống đỡ tạm thời vì cơn sóng bất khả kháng này ở cuối quá trình chuyển tiếp, sẽ hóa giải các thế lực muốn cản trở nó. Sự chống đỡ càng mạnh, sự hóa giải sẽ càng khốc liệt.

Vật dụng thường ngày: Các thí dụ điển hình khác cho Paradigm Shift là sự chuyển đổi giữa tape Cassette sang dĩa CD, sự chuyển đổi từ băng video cassette sang DVD (trong tương lai sẽ chuyển sang dĩa DVD Blu-ray). Sự chuyển đổi từ đồng hồ Analog sang đồng hồ đeo tay Digital, giữa màn hình TV ống Cathoray sang màn hình mỏng LCD và sự chuyển đổi sóng truyền hình từ tín hiệu Analog sang Digital ở Hoa Kỳ sẽ là hai Paradigm Shift trong tương lai gần đây.

Paradigm Shift ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và lối sống của con người, hệ thuyết cũ sẽ bị đào thải dần dần và nhanh chóng biến mất. Theo thường lệ, khi Chuyển Đổi Hệ Thuyết xảy ra, những thành phần không thích ứng sẽ bị tận diệt. Nhưng cũng có khi thành phần không thích ứng vẫn tồn tại. Cho dù vậy, sự tồn tại này lại rất nhỏ nhoi và không đáng nhắc đến.

Paradigm Shift có thể cấu kết bằng các Paradigm Shift khác ở mức độ nhỏ hơn. Các Paradigm Shift có thể song hành hỗ trợ lẫn nhau; nhưng trong cùng một lĩnh vực ở cùng một mức độ, không thể có hai Chuyển Đổi Hệ Thuyết cùng tồn tại một lúc. Điều này không thể xảy ra vì theo định nghĩa của nó, chỉ có một Hệ Thuyết (paradigm) duy nhất thay thế các Hệ Thuyết khác. Thông thường thì Chuyển Đổi Hệ Thuyết sẽ đem đến những thay đổi tốt đẹp hơn trong tư tưởng và đời sống. Khả năng chuyển đổi sang một hệ thuyết tệ hơn tuy vẫn còn đó, nhưng rất hiếm và không vững bền vì thiếu tính chất nhân hòa.


XHCN: Một Paradigm Shift ngược chiều.

Với cuộc di cư của trên 1 triệu người từ Bắc vào Nam (1954-1956), 20 năm nội chiến, và làn sóng vượt biển tìm tự do sau biến cố 30 tháng 4… khó có thể cho rằng XHCN tượng trưng cho một sự thay đổi tư tưởng có tính chất nhân hòa. Thêm vào đó, với phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ chưa bao giờ tàn 30 năm sau khi chủ nghĩa CS toàn thắng, nền giáo dục XHCN thật ra đã không thành công ở mức đáng để gọi là một Paradigm Shift. Có hay chăng đó chỉ là một Paradigm Shift ngược chiều văn hóa dẫn đến các tệ nạn khó tin nhưng có thật như tranh giành gà vịt có lệnh tiêu hủy, cướp giật lương thực sau tai nạn xe cộ thay vì cứu người, phá hủy hội hoa Xuân, chính quyền tranh giành địa bàn với ông đồ trong dịp Xuân, bịt miệng trước tòa án, CA tát dân, CSGT hành hung người đi đường, “vô tình” rút kiếm tấn công nhân viên an ninh sân bay, ngăn chặn SV biểu tình chống Bắc phương xâm chiếm lãnh thổ, hỏi cung một học sinh 10 tuổi đến điên loạn, quan chức đánh bạc đến cả triệu USD, ngang nhiên đòi tiền hối lộ công trình với CT nước ngoài, cấm tự ý làm từ thiện, cấm ngực lép lái xe, bột đá trộn trong kẹo, v.v… Kể cả một cường quốc như Trung Quốc cũng phải đối diện với sự suy đồi văn hóa trong việc hủy hại môi sinh, coi thường sinh mạng (ô nhiễm thực phẩm). Cho dù có biện bạch như thế nào đi nữa, thì sự thật vẫn là sự thật, hệ thuyết XHCN tượng trưng cho sự thoái trào trong tư tưởng văn hóa con người.

“Một người tính bằng chín người làm!” Đó là câu danh ngôn thời phong kiến ông bà ta để lại. Câu nói này rất sai lầm và nguy hiểm khi áp dụng ở mức vĩ mô. Ứng dụng nó đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng trong 10 cái đầu, chỉ cần 1 cái là đủ. Khi đề cập câu nói này với ông chủ, bạn sẽ nhận được 1 cái gật gù; nhưng khi nhắc đến nó với 9 người đang sống kiếp “nô lệ” không có quyền lên tiếng, bạn sẽ lãnh được 9 cục đất sét vào đầu. Có lẽ vì nhận thức được sự trái ngược của ý tưởng XHCN đối với lợi ích người dân mà kể từ khi chủ nghĩa CS ra đời cho đến nay, có hơn 40 quốc gia đã từ bỏ thể chế CS và còn lại vỏn vẹn có 5 quốc gia mà thôi. Và đây cũng là lý do tôi mong rằng phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ VN sẽ sống mãi trong sự chuyển tiếp thế hệ. Nếu được tận mắt chứng kiến sự thành công của nó, thì quý lắm thay.

Chuyển tiếp thế hệ.

Nhóm từ “chuyển tiếp thế hệ” trong bài này được dùng để nói đến một sự chuyển tiếp nhân sự toàn diện từ thế hệ sinh trước 75 đến sau 75 trong các thể chế và đoàn thể chính trị người Việt khắp nơi. Theo tôi đoán, sự chuyển tiếp này sẽ hoàn tất trong 30 năm nữa và nó sẽ đem đến nhiều thay đổi đầy hứa hẹn. Quan điểm chính trị của thế hệ trước 75 bị ảnh hưởng rất nặng từ những kinh nghiệm đau thương và những khác biệt gây nên bởi cuộc chiến Nam Bắc. Sự ảnh hưởng này thể hiện rất rõ trong từng bài viết, từng lối tuyên truyền, trong văn phong, trong ngữ cảnh, trong ngôn từ, làm giảm đi khả năng truyền đạt ý tưởng của mình và khiến cho người nghe có cảm giác những gì họ nói không được khách quan cho lắm.

Ngoài những người trẻ thuộc thế hệ sinh sau 75 có lòng với đất nước, phần còn lại rất thờ ơ với đề tài chính trị xã hội. Quan trọng hơn nữa là phần còn lại này lại là một phần rất lớn. Trong nước, họ là những người lớn lên dưới nền giáo dục XHCN và sống trong sự thiếu thốn thông tin trung thực đa chiều. Ngoài nước, họ là những người không biết, [hoặc biết nhưng không hiểu, hoặc hiểu nhưng không cảm thông, hoặc cảm thông nhưng không chấp nhận] được những hoạt động chính trị, những cuộc biểu tình hàng loạt tiếp nối nhau cùng các lý do đằng sau đó. Nói cho cùng, họ không có quan điểm chính trị nhất định về ĐCS hay VNCH. Họ chỉ muốn nghĩ cho bản thân, chỉ sống cho mình và người thân dù cho hoàn cảnh xã hội, tình hình đất nước có tuột dốc đến mức nào. Vì vậy, phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ VN không có sự tham gia hoặc ủng hộ của họ. Vấn đề trước mặt là phải làm thế nào để có thêm sự ủng hộ từ thế hệ sau 75? Ở mức tối thiểu, làm thế nào để bảo đảm rằng khi sự chuyển tiếp thế hệ xảy ra, phong trào vẫn còn đó?

Những câu hỏi tiếp nối sẽ là: Paradigm Shift có cần thiết trong tư tưởng và đường lối tranh đấu để đến với những người trẻ hay không? Nó sẽ tăng tốc phong trào tranh đấu hay không? Nó sẽ xảy ra sau sự chuyển tiếp thế hệ hay không? Paradigm Shift xảy ra trước sự chuyển tiếp thế hệ có tốt hơn hay không? Làm cách nào để “chuyển đổi”?

Những thay đổi trong tư tưởng có thể dẫn đến Paradigm Shift.

Trong một phần góp ý trên diễn đàn DCV, tôi đã từng ví von: Kình bi là vấn nạn chính trị khó tránh của người Việt chúng ta kể từ năm 54. Và hai hòn bi lớn nhất trong quan niệm chính trị là ĐCS miền Bắc và VNCH miền Nam. Chán thay, giờ vẫn vậy. Tác giả vẫn không tránh được vấn nạn này. Trong ruột của hai hòn bi lớn này lại là những hòn bi nhỏ. 1 hòn bi lớn đã khổ, giờ đến 2. Ai cũng thích ôm bi của mình để so đo xem bi ai lớn hơn. Và dù biết bi to đặt cạnh nhau nhiều chỗ hở, vẫn chờ bi của đối phương teo trước hoặc chờ đến lúc sẽ được teo cùng một lúc. Nếu cách duy nhất để tránh nạn "kình" bi này là thẻo hết cả hai thì vẫn nên vì (nói một cách xấc xược và khôi hài) lạng quạng tất cả người Việt sẽ rơi vào tình trạng "vị bi vong quốc". Từ đó, tôi cho rằng một Paradigm Shift là hiệu quả nhất để tránh khỏi vấn nạn này. Thế thì phải bắt đầu “shift” từ đâu?


Thay đổi quan điểm chính trị:

Một người bạn trẻ thuộc thế hệ sinh sau 75 từng nói với tôi: “Muốn người trẻ quan tâm đến, phải bắt đầu từ xã hội dân sự (civil society), không thể bắt đầu từ chính trị (politic).” Thật vậy, muốn thuyết phục người khác nghe theo mình, phải bắt đầu từ những gì quan trọng đối với họ, không thể bắt đầu từ những gì quan trọng đối với mình. Đó là bài học đầu tiên của khóa đào đạo quản lý: What’s in it for me? (Có ích lợi gì cho tôi?).

Tương lai DC cho VN không phân biệt thân phận, kinh nghiệm, thể chế chính trị, màu cờ. Tương lai đó chỉ muốn nhận diện, đưa ra ánh sáng, và đập tan các tệ nạn cùng nguyên nhân cản trở sự hình thành của một xã hội dân chủ tự do. Đó là các tệ nạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như lạm dụng quyền hành, độc tài độc đoán, hối lộ tham nhũng, suy đồi văn hóa, đàn áp bất công, độc quyền tư bản, báo chí lề phải, nói một đàng làm một nẻo, v.v… Đó là những thứ mà một người trẻ sống trong xã hội, dù không quan tâm đến chính trị, vẫn phải đối đầu. Cho dù đang an phận ở hải ngoại, nhưng bà con họ hàng vẫn còn đang gánh chịu. Trước ánh sáng, đề tài xã hội dân sự rồi sẽ lần về chính trị, hậu quả trước mắt rồi sẽ được lần ngược về căn nguyên. Nhưng trước khi thấu hiểu được hậu quả, không ai màng tìm hiểu căn nguyên. Và khi thấu hiểu được hậu quả, không cần đến quan điểm chính trị như Đỏ Vàng, Ngụy Cộng để lần tìm đến mặc dù đằng sau các tệ nạn xã hội dân sự là nguyên nhân chính trị. Theo tôi, việc đi vào vấn đề từ đầu mối xã hội dân lần đến nguyên nhân chính trị, vì đại cuộc đè nén thành kiến khác biệt của cuộc nội chiến Nam Bắc, là một sự chuyển đổi.

Thái độ: Cũng từ quan điểm chính trị, quan niệm “Anh Là Ai” và “Anh Đã Làm Gì” đi trước “Anh Nói Gì” gây ảnh hưởng nặng đến những đối thoại đôi bên, kể cả “cùng phe”. Đó cùng là lý do kèm theo những phê bình, nhận xét là nhu cầu chụp mũ. Khi tham gia đối thoại, ai cũng phải nói rõ mình là ai và mình đã làm gì đáng kể trước khi hy vọng đại ý của mình được người khác nhận rõ. Nếu không thì hoặc là phải xoay trở biện minh khi người ta chẻ chữ tìm sơ hở, hoặc là phải phủi tay bỏ đi. Trong một diễn đàn DC, ai cũng cho rằng ý kiến của 1 người mang mũ “kiều vận” chẳng có gì hay ho dù anh ta có nói gì chăng nữa. Tương tự như thế, trong một diễn đàn quốc nội, ai cũng cho rằng ý kiến của một người mang mũ “phản động” chẳng có gì đáng để ý. Thông thường, nếu không biết anh là ai thì khi anh nói gì tôi không thích nghe, tôi sẽ tự phán “Anh Là Ai” với một cái mũ. Đó không phải là thái độ Dân Chủ.

Người Việt ở mọi nơi, một khi đã nhìn nhau cùng tầng số, cùng phe, cùng đồng đội, thì có nói gì sai cũng châm chế bỏ qua. Ngược lại thì rất khác. Nhằm khi ngứa lỗ ráy, tôi đeo “mặt nạ” bò vào diễn đàn góp ý như bình thường, cũng bị “phe ta” phang tới tấp. Tùy đối tượng phê bình, châm chế với “gà nhà” và thẳng tay với “phe địch” cũng không phải là thái độ Dân Chủ. Trong một môi trường Dân Chủ thực thụ, không phải chỉ mỗi người đều bình đẳng, mọi người cũng cần phải đối xử người khác một cách bình đẳng. Trong một môi trường Dân Chủ, người ta vẫn có thể đối xử với nhau bằng thái độ độc tài, bất công. Nếu nhận diện và thay đổi được hiện tượng này, đó là một sự chuyển đổi.

Ngôn từ: Theo bản năng tự nhiên, người ta thường khinh miệt, xem thường những gì mình chống đối. Và khi bực tức nóng giận đầy cảm xúc, thái độ khinh rẻ hiện rõ trong cách sử dụng ngôn từ. Bạn hãy thử trò chuyện với một người lớn lên dưới chế độ XHCN bằng những ngôn từ như “chó Hồ”, “cờ máu”, “khỉ Ba Đình” và cứ gạch một gạch lên giấy mỗi lần họ phản ứng và quên đi ý bạn đang nói gì. Cũng tương tự như thế khi trò chuyện góp ý, một tên “cẩu vận” hoặc một người trẻ “mất dạy văn hóa XHCN” cứ dùng mãi những từ như “cờ ba que”, “chó Ngụy”… thì bạn nghĩ một người thuộc chế độ CH cũ sẽ có bao nhiêu gạch trên giấy? Chẳng cần biết lý do, nếu một đám trẻ lớn lên cứ “Đù má cái này”, “đĩ mẹ cái kia” tượng trưng cho một sự suy đồi văn hóa, thì một nhóm người lớn tuổi có học thức hơn cứ tối ngày “chó mèo này”, "khỉ ngựa nọ”, “cứt đái”, “chửi này chửi nọ” luôn mồm (đôi khi công khai nơi công cộng khi biểu tình chứ không phải chỉ trong thế giới ảo) chẳng có gì đẹp đẽ cả.

Nhiều lúc đối với “phe nhà”, tôi cũng phải giải thích tá lả. Bạn có thể tưởng tượng khi tôi đối thoại với một bạn trẻ “cháu ngoan Bác Hồ”, cần phải mất bao nhiêu thời gian. Tôi cảm thấy rằng mỗi khi tôi lười biếng cứ viết hoặc góp ý qua loa rồi dông, tôi lại phải tốn thêm rất nhiều thời gian sau đó để giải thích. Cũng như dao búa, ngôn từ là dụng cụ để sử dụng. Ngôn từ càng to lớn, càng khó sử dụng chính xác và khi sơ sót không làm chủ được nó, sẽ bị phản tuyên truyền, tự mình hại mình. Sau khi dùng từ này giải thích từ kia nhiều lần, ý chính bị hoen ố và không còn rõ ràng nữa. Bỏ dùng dao búa trong ngôn ngữ, đối với tôi cũng là một sự chuyển đổi.

Mục đích: Cũng như ngôn từ, mục đích đấu tranh sau nhiều lần sửa đổi, sẽ bị hoen ố và không còn rõ ràng nữa. Chính nghĩa vì thế cũng lu mờ đi; thế lực cũng sẽ không còn vững mạnh sau những lần thay đổi mục đích. Sau khi mở blog qua đôi ba bài viết, tôi nhận được một tin nhắn: “Cùng phe hả, chúng ta họp sức chống Cộng!”. Tôi chỉ có thể xin lỗi anh ta rằng đó không phải là mục đích của tôi. Chống Cộng so với phong trào Dân Chủ đối với tôi rất khác nhau. Chống Cộng có nghĩa là chống CS, nhưng ĐCS hôm nay không phù hợp với chủ nghĩa CS nữa. Biết đâu chừng họ sẽ như một vài đảng viên ĐCS Pháp, thành lập một Đảng mới dưới tên khác (Nouveau Parti Anticapitaliste, tạm dịch là Tân Đảng Chống Tư Bản) và lặng lẽ... dời nhà.

Chống Cộng là một mục đích phát xuất từ quan điểm chính trị và có tính chất tạm thời, khi không còn tên gọi CS nữa thì sao? Sau ĐCS, thì đến Đảng A, Đảng B, Đảng C… tất cả vẫn có thể độc tài, tham nhũng, bất công, áp bức, bóc lột. Một xã hội Dân Chủ phôi thai vẫn đầy dẫy các tệ nạn này. Chống một Đảng cầm quyền chỉ là một mục tiêu chính trị tạm thời khi ĐCS còn tồn tại. Nhưng phong trào DC là một phong trào trường kỳ chống đối các tệ nạn xã hội dân sự cho đến khi có được xã hội DC vững bền thật sự, bất kể ĐCS còn tồn tại hay không.

Đường lối: Vì mục đích đối với tôi có khác, đường lối cũng vì thế khác nhau. Tôi không kêu gọi lật đổ ĐCS, nhưng vẫn để ý và nói lên quan điểm của mình đối với các sự kiện xã hội dân sự mà đằng sau đó là sự tham lam, lối hành xử côn đồ, thói ngang tàng hống hách, sự vô lối trong pháp luật, và sự bất lực khi chấp pháp của những người nắm quyền lực trong tay (những thứ mà đằng sau đó nữa là một guồng máy chính trị lỗi thời cần được thay đổi). Tôi chỉ biết rằng xã hội DC đúng nghĩa đòi hỏi thông tin phải đa chiều, dân trí phải cao, tư duy phải độc lập. Có vậy, những quyết định của người dân mới đáng giá. Vì thế, tôi vẫn theo gót các anh chị, chú bác đi trước (điển hình là DCV và các bậc trưởng thượng tôi quen biết) bằng cách mở blog nói lên chính kiến của mình, làm quen với các bạn trẻ và trao đổi tin tức, phổ biến thông tin mà tôi thấy cần.

Trong bài viết “Blog và Tính Thiết Thực của Việc Quản Lý Blog”, tôi đã nói rằng Blog là một hệ thuyết thông tin đa dạng mà thông tin cá nhân và tự do ngôn luận trên mạng đang trong thời kỳ chuyển tiếp vào. Và cũng nhận định rằng chính quyền VN sẽ không thể quản lý nó vì sự chuyển đổi này là một làn sóng bất khả kháng. Điều này chỉ đúng khi mỗi người chúng ta (những ai có thể kết nối mạng) là một blogger. Chúng ta không nhất thiết phải tốn nhiều thời gian trên các diễn đàn để đưa câu trả lời của mình ra, nhưng góp phần phổ biến thông tin giúp các bạn trẻ đi tìm câu trả lời cho chính họ là một việc làm không kém phần quan trong. Trong lúc điều 4 hiến pháp còn nằm ình trên con đường DC và các trang mạng có tiếng thường bị ngăn chận tường lửa hoặc bị đánh phá, Blog là một phương tiện thông tin những người bình thường như tôi có thể làm để mở ra những cánh cửa nhỏ trong khi chờ đợi cánh cửa lớn. Nếu ai cũng góp phần, làn sóng bất khả kháng này sẽ nhanh chóng trở thành một Paradigm Shift hóa giải nạn bưng bít thông tin trong nước.


Những dao động đáng kể trong thời gian gần đây

Dấu hiệu của sự chuyển đổi sang hệ thuyết Blog hiện rõ sau sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa và việc SV biểu tình cuối năm 2007. Ngay sau đó thì sự lúng túng của chính quyền đã lộ rõ sau khi báo chí loan báo rằng sẽ có thông tư quản lý Blog. Trước sự phản đối của cộng đồng mạng, Bộ Trưởng bộ 4T Đỗ Quý Doãn lại nói rằng “có thể coi đây là một thông báo chứ không phải thông tư”. Thật khó hiểu. Báo chí trong nước ngày 13/2 vừa qua lại đăng: “Theo chương trình thực hiện luật Phòng chống tham nhũng và nghị quyết Trung Ương 3, chính phủ đã yêu cầu quyền tiếp cận thông tin được luật hóa.” Nói tóm tắt là theo lời Tổng Thanh Tra chính phủ Trần Văn Truyền, “lối tư duy cục bộ nhằm bưng bít thông tin sẽ phải thay đổi khi có luật tiếp cận thông tin”. Thật khó hiểu hơn khi Điều 6 Nghị định 97/2008 cấm blogger “làm lộ bí mật nhà nước” (bí mật nhà nước blogger cũng có thể biết?) thì bác Truyền sau đó lại nói “Nếu bất kỳ tài liệu nào cũng đóng mật thì không đúng”.

Những tuyên bố tréo cẳng ngỗng như thế này tương tự với dự định ra quy luật ngực lép không được lái xe. Chỉ với một dao động nhỏ trong thế hệ trẻ thì nhà nước có thể đi từ “cấm” rồi lại cần phải hù bằng cách “ra thông tư quản lý” lại nhân nhượng sang “thông báo chứ không phải thông tư”. Đồng thời chỉ với một sự kiện tham nhũng bị phanh phui trước ánh sáng đến mức không thể chối cãi như vụ PCI, nhà nước lại đi từ “bưng bít thông tin nhưng chối” đến “nhận là có bưng bít thông tin” rồi đến “bưng bít là vi phạm qui định”. Đó cũng đủ để chứng tỏ sức mạnh tuổi trẻ và hiệu quả thông tin đại chúng xưa nay vẫn vậy, dù xã hội nằm trong sự cầm quyền của một thể chế độc tài, toàn trị.

Thêm vào đó, những cuộc biểu tình của nhân công bị áp bức, sinh viên yêu nước, nông dân khiếu kiện, các tín đồ đạo giáo đòi lại đất đai gia tăng trên khắp nước, bất kể các biện pháp ngăn ngừa đình công và biểu tình. Truyền đơn và biểu ngữ cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn. Đây cũng là những dao động đáng kể trong thái độ của người dân đối với chính quyền.

Lời kết

Những thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến sự vận chuyển (shift) hệ thuyết (paradigm) trong thế hệ trẻ, tư tưởng người dân, và thông tin mạng lan rộng đều sẽ giúp ích cho phong trào Dân Chủ. Xã hội Dân Chủ VN sẽ là một Paradigm Shift vĩ đại mà tất cả các Paradigm Shift trong mọi lĩnh vực khác sẽ hội nhập góp phần vào. Nhưng tiến trình nhanh chậm tùy theo chất xúc tích xuất hiện vào thời điểm nào. Có kịp để đoàn kết bảo vệ bờ cõi trước sự tham lam của Trung Quốc hay không? Sự hợp tác giữa thế hệ trẻ quốc nội và thế hệ trẻ hải ngoại một lúc nào đó cũng sẽ xảy ra. Và nó sẽ bắt đầu dựa trên lợi ích song phương (mutual interest) trên con đường hướng tới xã hội Dân Chủ chứ không phải bằng sự cả tin mù quáng (trust).

Đại cuộc có vượt qua được những quá khứ đau thương, phân biệt chính trị, thù hận cá nhân, khác biệt trong tư tưởng hay không? Những mánh khóe, thủ đoạn, lọc lừa của quá khứ có dạy cho chúng ta được bài học gì đáng giá để hóa giải và vượt qua chúng không? Hay quá khứ chỉ cho ta vỏn vẹn những bài học là phải tránh xa, cô lập, hoặc tận diệt chúng bằng mọi thủ đoạn? Thế hệ trước đã phải mang theo bên mình những hòn bi quá khổ nặng nề của cuộc nội chiến 20 năm trong suốt 30 năm qua. Thế hệ sau có cần phải tiếp nhận những hòn bi này để rồi lại phải kình nhau lê gót đến tương lai hay không? Con đường tiến tới xã hội Dân Chủ có vì vậy càng xa vời hơn không? Tôi xin kết thúc bài viết bằng những câu hỏi này để bạn đọc có thể cùng tôi suy gẫm.

Bài viết này thủy chung cũng chỉ là quan điểm của cá nhân tôi mà thôi. Tôi không viết cho những ai đã thành danh và đang vì đại nghĩa dấn thân trên con đường tranh đấu. Theo tôi, những người này đã tìm ra con đường của họ và sẵn sàng vì nước quên mình. Tôi chỉ viết cho những người như tôi, những ai đang còn nghĩ rằng mình chưa là ai cả và chưa làm gì đáng kể cả. Và sau đó cũng để chia xẻ quan điểm của một người thuộc thế hệ 7x, suy nghĩ theo kiểu bị cho là tiệm tiến (dân chủ rùa bò), không Đỏ, không Vàng, nhưng ưa chuộng tự do, độc lập, dân chủ. Vì chỉ là quan điểm của một kẻ vô danh, nếu bạn đọc đồng tình ở phần nào thì có thể toàn quyền cắt xén, chỉnh sửa, và đăng tải phần đó với tên mình. Quan điểm của một cá nhân trên thực chất chẳng có giá trị nào. Nó sẽ dần tắt lịm như nhiều quan điểm khác. Chỉ khi nào nó được hưởng ứng, xuất hiện khắp nơi dưới mọi hình thức với nhiều tên tác giả khác nhau thì lúc đó, nó mới có thể trở thành một ý tưởng mới, chất xúc tích cho một sự Chuyển Đổi Hệ Thuyết.

Tài liệu tham khảo:

* What is Paradigm Shift? (www.takeofleap.com)
* Paradigm Shift (en.wikipedia.org)
* What is a Paradim Shift – article by CarolAnn Bailey-Lloyd (www.ezinearticles.com)
* Ishmael – book by Daniel Quinn
* Geocentric model of the Universe: Ptolemaic System and Corpernican – (en.wikipedia.org)
* The birth of PC (www.doc.ic.ac.uk)
* Communist Countries: Past and Present (www.infoplease.com)
* CA tranh giành địa bàn với ông đồ (http://www.youtube.com/watch?v=cZweG20-WeI)
* CA giở thói lưu manh (Blog Điếu Cày)
* Thông tư quản lý blog cá nhân: Năm điều cấm đối với blogger (www.phapluattp.vn)
* Bộ Thông Tin Truyền Thông không có ý định quản lý blog (www.thethaovanhoa.com)
* Thông tin sẽ không còn bị bưng bít (Vietbao.vn)
* Pháp: Tân Đảng Chống Tư Bản ra đời (http://www.greenleft.org.au/2009/783/40327)

No334:Các thầy Mác-Lê sắp thất nghiệp hay làm không hết việc ?

Hoan và Lượng (nhóm Bách Khoa)

Nhờ “hầu hạ trà, nước” cho một nhóm các cụ ở câu lạc bộ Thăng Long, chúng tôi vừa có chút tiền cho cuộc sống sinh viên, lại được nghe lỏm chuyện của các cụ trước đây là cán bộ cấp cao trong đảng và chính quyền nước ta.
Chuyện các cụ cứ vô tư gọi là “thằng” những vị như Nguyễn Minh Tríp, Nguyến Lú Trọng hay Lông Đếch Mạnh… thì không có gì mới. Về mọi mặt, các vị này chỉ là hàng con cháu các cụ.

Nhưng mới nhất là chuyện Hội nghị thượng đỉnh của khối Asean lần thứ 14.
Năm nào khối này cũng họp, nhưng các vị nguyên thù chỉ đến bắt tay, nói năm câu ba điều, rồi ai về nhà nấy. Những lần họp từ xa xưa, báo chí VN còn làm rùm beng chuyện VN chủ trì, hoặc đưa ra “sáng kiến” gì gì đó cho có vẻ “vị thế VN được nâng cao”, nhưng càng ngày việc đưa tin này chỉ còn chiếu lệ.
Thì ra, nguyên tắc đồng thuận khiến khối này chẳng có được quyết định gì lớn; vì rằng ý thức hệ khác nhau giữa các nước (Miến Điện thì độc tài; VN và Lào thì độc đảng), làm sao cả 14 nước có thể đồng thuận 100% những vấn đề về thể chế, dân chủ và nhân quyền? Việt Nam ta phét lác về nhân quyền quá nhiều, nhưng khi có đề xuất thực thi theo quy định chung thì VN lại tuyên bố ở Asean rằng… “chưa sẵn sàng” (!). VN rành rành đã ký cam kết với quốc tế về thi hành bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà sau mấy chục năm còn chưa dám công bố cho toàn dân biết nội dung bản Tuyên Ngôn này, thì thử hỏi: Làm sao VN dám “đồng thuận” ở Asean về vấn đề này ?

Asian đã có hiến chương, đây là thời điểm phải thi hành
Vậy thì lần họp thứ 14 này của Asean có gì đặc biết mà các cụ bàn tán rôm rả đến vậy? Xin trả lời (theo tin của các cụ): Asean đã có bản Hiến Chương và năm nay phải thực thi. Hiến Chương được xem như hiến pháp của 14 nước, có nhiều điều khoản rất tiến bộ mà những nước “giả vờ tiến bộ” đành phải thông qua. Nay tới lúc phải thi hành. Chính do vậy, cuộc họp báo lần này có số phóng viên quy tụ “đông đảo hiếm thấy”. Vị tổng thư ký của Asean (chủ trì họp báo) nói: Tham vọng của Asean sau khi có hiến chương là tiến tới chỗ thống nhất thể chế - như gương EU - để tăng cường đoàn kết và sức mạnh cạnh tranh; tuy nhiên đó là tương lai rất xa…

“Thế có “bỏ mẹ” không cơ chứ”
Đó là câu đùa của cụ K, nguyên là cấp thứ trưởng ở thập niên 80. Cụ bảo: Các nước XHCN cũ ở Đông Âu khi trưng cầu dân ý để xin gia nhập EU đều biết rằng nghị viện EU đã ra quyết nghị lên án chế độ Cộng Sản là tàn ác; vậy mà họ vẫn cứ xin gia nhập có nghĩa rằng họ đã đoạn tuyệt với quá khứ XHCN rồi, giống như cố quên đi cơn ác mộng…
Xin các bạn đọc thêm tin của BBC (các cụ cũng đọc tin này ở BBC và của nhiều hãng tin khác) tại địa chỉ: http://www.bbc.co.uk/
để biết thêm về cuộc họp báo nói trên.

Các cụ bàn thêm: Báo chí VN chắc chắn sẽ dấu tịt những tin nhậy cảm và sẽ lái dư luận sang hướng khác.
Tuy nhiên, đây là cơ hội hiếm có để ĐCSVN thuyết phục Asean bắt chước VN mà “đồng thuận” bỏ chủ nghĩa tư bản và “đồng thuận” theo CNXH. Sau đó VN sẽ được tôn lên làm lãnh đạo Asean.

Chuyện cao xa, tôi không dám có ý kiến
Chỉ nghĩ rằng các thầy Mác-Lê, mà bao năm nay chúng ta cứ tưởng là vô tích sự, rất có thể được huy động sang các nước trong khối Asean để dạy cũng chưa biết chừng. Hạnh phúc mà sinh viên VN được hưởng sắp phải chia sẻ cho sinh viên các nước trong khối?

No333: Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết

Cách nay 20 năm, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đã đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu. Hai năm sau, đến lượt Liên Xô tan vỡ. Chế độ cộng sản sụp đổ, kèm theo các đảo lộn trong thời kỳ hậu Xô Viết, đã tạo ra chấn thương tâm lý nặng nề trong xã hội Nga, đẩy nhiều người vào con đường tự sát. Trong tập ký sự ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết'', qua những trường hợp cụ thể, nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievitch đã chẩn đoán căn nguyên của các hành động tuyệt vọng : tâm trạng đau đớn của những người cảm thấy mình bị đánh lừa.

« Một thời đại đã đi qua, thời đại của những lời nói dối tuyệt vời », nhà văn người Belarus Svetlana Alexievitch đã viết như vậy trong lời mở đầu tác phẩm Ensorcelés par la mort – Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết. Quyển sách này tập hợp chân dung của 14 nhân vật có thật. Đặc điểm chung của các nhân vật này là họ đã tự vẫn, có khi tự vẫn hụt, nhưng tất cả đều đã thành người thiên cổ.

Svetlana Alexievitch đã điều tra, tìm gặp những kẻ sống sót hoặc những người thân của kẻ quá cố. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chia sẻ tâm trạng hoài niệm chế độ Xô Viết. Chế độ này từ khi tan vỡ năm 1991 đã biến họ thành những kẻ lạc loài, những người vô căn cước, không bản sắc, những đồ thừa, những thành phần phế thải.

Động cơ khiến cho Svetlana Alexievitch tìm hiểu về làn sóng tự tử ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết là một mẩu tin đăng trên nhật báo Đức Frankfurter Rundschau với tựa Số người tự tử ở Nga gia tăng. Báo này viết ngày 28/03/1992 rằng năm 1991, 60.000 người Nga đã tự kết liễu đời mình, như vậy là so với năm trước, đã có thêm 20.000 trường hợp. Ông Guennady Ossipov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Xã hội tuyên bố : « Nước Nga đứng trên bờ vực thẳm, một triệu người Nga đã toan tự vẫn và 20% dân số, tức là 1/5 của dân tộc này, mơ tưởng được xuất cảnh định cư ở nước ngoài ».

Từ xưa đến nay, hành động tự sát là hiện tượng cá nhân thời nào cũng có, cộng đồng nào cũng có. Các nhà xã hội học chứng minh, đôi lúc trong lịch sử, tự sát là hành động tập thể, một hiện tượng xã hội. Điều này lâu lâu xuất hiện ở Tây Âu trong các giáo phái sống cách ly. Nhưng trong trường hợp nước Nga hậu Xô Viết, Svetlana Alexievitch, qua tác phẩm gom góp chứng từ của 14 kẻ bạc mệnh, đã mô tả hành động tự sát của người Nga là một hiện tượng chính trị.

Nỗi tuyệt vọng vì cảm thấy bị đánh lừa

Ý nghĩa của sự việc này thật đơn giản. Phát hiện ra họ đã bị một huyền thoại đánh lừa, huyền thoại mà họ đã góp công góp sức dựng lên bằng đức độ hy sinh và mù quáng, nhiều người Nga không thể chịu đựng nổi cú sốc này. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu.

Đầu tiên hết là sinh viên Ivan Ivachovest, 33 tuổi, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về chủ nghĩa «Marx và tôn giáo ». Cái chết của anh có thể xem là số phận nhà trí thức hoài nghi tuyệt vọng khi nhận thức ra rằng chân lý của chủ nghĩa Marx toàn điều huyễn hoặc. Một người bạn sinh viên học triết, Vladimir Stanokevich cùng ở nội trú với Ivan kể lại rằng :

« Bạn ấy đã muốn ra đi một cách kín đáo, hẳn là như vậy. Lúc đó vào buổi xế chiều, trời đã chạng vạng tối, nhưng nhiều sinh viên trong tòa nhà nội trú bên cạnh đã nhìn thấy bạn tôi nhảy lầu tự tử. Trước đó, bạn ấy đã mở toang cửa sổ. Bạn ấy đã trèo ra ngoài đứng trên cái gờ cửa sổ và nhìn xuống đất một hồi lâu, rồi quay lưng vào khoảng không, nhảy bổng như muốn bay lên không trung từ tầng 11. Ở dưới, một người đàn bà đang dẫn đứa con nhỏ đi ngang qua. Cậu bé ngước nhìn lên và kêu :

- Mẹ,mẹ, nhìn kìa, ông ta muốn làm con chim bay lên trời.

Hôm trước, tôi còn gặp bạn ấy ngoài hành lang. Anh nói : « Mình có chuyện muốn nói với cậu, nhớ sang chỗ tớ nhé ». Tối hôm ấy, tôi đến gõ cửa phòng bạn, anh nhất định không mở. Tôi ở phòng bên cạnh nên tôi nghe bạn ấy ở trong phòng, đi đi lại lại như một con thú bị nhốt trong chuồng. Tôi tự bảo, thôi, ngày mai mình lại cố tạt sang lần nữa. Thế nhưng, ngày hôm sau, tôi phải cùng với anh công an khu phố vào căn phòng này khi bạn tôi không còn nữa. Anh công an hỏi :

- Cái này là cái gì ? và chỉ vào tập hồ sơ dầy.

Tôi liếc nhìn và nói :

- Đây là bản luận án tiến sĩ của bạn tôi. Ông nhìn mà xem, cái tựa đề ghi rõ chủ nghĩa Marx và tôn giáo.

Tôi thấy tất cả các trang đều bị gạch chéo với dòng chữ đỏ viết thật to ở khắp nơi: Đồ dởm, láo toét, nói dối…

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô

Kẻ xấu số khác là bà Nathalia Pakovich, 55 tuổi, Giáo sư đại học. Bà có thể được xem là trường hợp phân thân tiêu biểu, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, không giải hóa được căn bệnh vĩ cuồng và nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tâm hồn Xô Viết từ thời Stalin. Bà giáo sư này thú nhận tâm tưởng của bà là bãi chiến trường giằng co xung đột giữa ba con người khác nhau.

Đầu tiên hết là một cô bé yêu Stalin một cách tuyệt đối. Cô bé này lớn lên vào đại học, gây kinh hoàng cho mọi người xung quanh vì cô tố giác tất cả những ai dám phê bình chỉ trích chế độ. Thứ nhì là một thiếu phụ đã biết yêu, đã lấy chồng, thế nhưng cặp vợ chồng luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi, trong nỗi ám ảnh bị bắt, bị đày ải, bị thủ tiêu. Trong nhiều năm tháng, cả hai người đều mang trong mình chất độc arsenic để có thể tự vẫn ngay tức khắc nếu bị lọt vào tay công an chính trị. Con người thứ ba là người đàn bà góa bụa luống tuổi hiện nay. Bệnh nhân sống trong nhà thương tâm thần đã hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít trong thực chất không khác biệt nhau lắm. Đó là nỗi đau của kẻ đã thoát khỏi nhà tù ý thức hệ nhưng đã quá muộn.

Tuy vậy, bà không thể quên lúc huy hoàng của thời điểm lòng tin chiến thắng thử thách trong những năm tháng tan băng dưới thời Khroutchev.

Chúng tôi, những đứa con của thời điểm tháng tư tan băng. Ngày nay đức tính tạo bạo của chúng tôi không còn giống như ngày xưa nữa, chân lý của chúng tôi không còn là chân lý nữa. Ngày xưa chúng tôi ngây thơ biết bao. Chúng tôi cho rằng Lê-nin là người tốt và Stalin mới là kẻ xấu, chúng tôi sẽ xây dựng một chủ nghĩa cộng sản mang bộ mặt nhân bản, chúng tôi không mảy may hoài nghi ý tưởng này. Dường như không gì lay chuyển được nó, nó vĩnh viễn tồn tại như bầu trời. Chúng tôi là đội quân đi tiên phong. Một mẻ kim lọai đang đựoc nấu chảy trong chiếc lò nung khổng lồ. Do đó tôi đã rời Leningrad trước những lời trách móc của bạn bè - Mày ngu xuẩn thật, mày sẽ hối tiếc, mọi người đều mơ ước được sống ở đây. Để được như vậy người ta phải chạy chọt đủ mọi cách, kể cả phải làm đám cưới giả, vậy mà mày lại ra đi, để đi đến nơi đâu ? -

Đến Minsk, các giáo sư của tôi gọi Minsk là thành phố xã hội chủ nghĩa nhất. Tôi gửi trả chìa khóa căn hộ ở Leningrad cho cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở. Lúc ấy tôi hãnh diện với chính mình. Trong tôi là nhu cầu được hy sinh, được tôn thờ một cái gì đó. Nhu cầu này luân lưu trong dòng máu của tôi. Phải là Freud mới giải thích được nhu cầu đó, có thể nhu cầu này phát sinh từ tinh thần nô lệ hay từ sự yêu chuộng cái chết được xem là mục tiêu tối thượng, hay cũng có thể nhu cầu nói trên phát sinh từ sự yêu thích cái nghèo, sự yêu thích lối sống khổ hạnh.

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ? (Ảnh : lefigaro.fr)

Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ?
(Ảnh : lefigaro.fr)

Đáng thương nhất là những người già đã từng oanh liệt một thời. Chiến công hiển hách của họ từ nội chiến đến thế chiến, nay bị ném xuống bùn đen. Huân chương rực rỡ của họ là nghịch lý trêu ngươi xã hội mới. Có ông già kể lại một bọn du côn đã túm lấy ông, đánh một trận nhừ tử khi chúng thấy các huy chương lấp lánh ông vẫn đeo trên ngực. Chúng còn nguyền rủa : « nếu ngày xưa mày bớt hiếu chiến thì ngày nay bọn tao đã được no nê ngồi uống bia ngọai ».

Một người giấu tên, đảng viên đảng cộng sản từ 1920, nay 87 tuổi, đã tâm sự giữa hai lần tự tử (lần thứ nhì ông thành công) : Cuộc đời của ông nhập với cách mạng, hết theo Lê-nin rồi đến Stalin, rồi Khroutchev. Ông vào tù, ra tội, bị xử oan, bị lưư đầy ra Gulag, nhưng vẫn tuyệt đối tin vào đảng cộng sản. Gia đình tan nát, người vợ cũng bị lưu đầy và bỏ mạng, đứa con trai từ lúc bé cũng bị đưa cho một gia đình vô danh nuôi nấng. Phải đợi đến chiến công của ông trong Đệ nhị thế chiến thì người ta mới phục hồi danh dự và trả lại thẻ đảng cho ông :

Người ta đã phục hồi danh dự cho tôi vào năm 1945 khi tôi trở về từ cuộc chiến. Khi ấy tôi bị thương và được tặng thưởng đầy huy chương vì đã tham gia vào cuộc tấn công đánh chiếm Berlin. Tôi được gọi đến chi bộ và tại đây người ta đã trả lại thẻ đảng cho tôi và nói rằng :

- Rủi thay vợ ông không thể trở về đoàn tụ với ông được bởi vì bà ấy đã mất, nhưng chúng tôi phục hồi danh dự cho ông.

Ôi ! bạn có tưởng tượng là tôi vui sướng đến nhường nào không. Dĩ nhiên là ngày nay, có lẽ tôi không nên thú nhận những điều như vậy thế nhưng những giây phút kể trên là lúc tôi hạnh phúc nhất trên đời. Bởi lẽ trước đây chúng tôi đặt đảng lên trên tất cả, trên cả tình yêu, trên cả cuộc sống của chính mình. Chúng tôi xem việc hy sinh tính mạng cho đảng là một vinh dự và tất cả mọi người đều sẵn sàng làm việc này. Tương lai chúng tôi phải huy hoàng, nhưng phải lấy cái chết và sự hy sinh để đổi lấy cái tương lai này. Người ta có thể bắt buộc tất cả mọi người trong chúng tôi phải hy sinh, hy sinh bất cứ lúc nào. Cả ngàn người đã chết xung quanh chúng tôi, việc này đã quá quen thuộc. Vợ tôi cũng đã mất và tôi, tôi cũng có thể chết. Tại sao tôi có thể vui sướng khi vợ tôi đã qua đời.

Không, bạn đừng xin lỗi bởi vì những câu hỏi của bạn không làm tôi phật ý đâu. Trái lại, một lần nữa, những câu hỏi này chứng tỏ tôi đến từ một thế giới khác, một hành tinh khác, cũng có thể từ một hành tinh không còn hiện hữu nữa. Hành tinh này có những quy luật riêng của nó, có lẽ chính vì thế mà chúng tôi đã yêu cái chết. Vâng, chúng tôi đã yêu cái chết. Tôi hiểu ra điều này cách đây không lâu vào một đêm thức trắng…

Tác phẩm « Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết » là bài kinh cầu siêu bên mồ chôn tập thể mang tên Chủ nghĩa Cộng sản. Svetlana Alexievitch đã hòan thành một bản đồng ca được phối âm cho 14 giọng hát về những thất thố của những người từng chót tin tưởng vững chắc họ là điểm tựa của lịch sử.

Nhưng điều dữ dội nhất là tính trung thực của tập ký sự này, trong bản điều tra này, là Svetlana Alexievitch đã ghi lại những điều ngày nay tại Nga, không ai còn màng đến nữa. Người ta muốn quên đi vì thẹn thùng vì mặc cảm. Svetlana đã gợi lại tất cả những mất mát với mục đích đơn giản - bó buộc con người ta soi gương tự vấn và sám hối - Bà nói : « dù là ác quỷ nó cũng cần phải được trao một tấm gương, bằng không nó tưởng rằng nó vô hình ».

วันศุกร์ที่ 27 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No332: Tiếng Cú Phương Nam

Tiếng Cú Phương Nam

Trong tiếng Việt “con ốc” với “con vít ” là một, nếu chúng đều nằm trong thùng đồ nghề sửa xe. Còn trên bàn ăn thì hai con tuyệt nhiên không có liên hệ gì ráo với nhau.



Sở dĩ có chuyện hơi rắc rối như vậy bởi con ốc có nguồn gốc từ phương Tây. Khi nó mới đến Việt Nam, có người thấy mặt (liền) đặt tên là “con ốc” vì trông cũng hơi giông giống.



Nhưng ốc có nhiều loại (ốc biển, ốc núi, ốc khe, ốc ao, ốc suối, ốc vườn, ốc ruộng…) với hình dạng và tên gọi khác nhau: ốc dừa, ốc gạo, ốc hương, ốc lác, ốc leng, ốc ma, ốc nhồi, ốc vòi voi, ốc sên, ốc móng tay, ốc bươu vàng, ốc mỡ, ốc đỏ, ốc ngựa, ốc vú nàng, ốc bàn tay, ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc tù, ốc trám, ốc bùn, ốc mượn hồn… Ngó bộ cũng lộn xộn dữ nên có kẻ (bèn) gọi nó là con vít – gần như cách phát âm chữ “vis” trong tiếng Pháp.



Tưởng như vậy là êm chuyện nhưng dân Việt Nam, ở vùng biển, không chịu vậy. Mấy chả nghe nói tới con vít là nghĩ ngay đến một loại rùa biển, mang khìa nước dừa để nhậu chơi, chớ không phải là … con ốc.



Do đó – có lúc, và tuỳ nơi – con ốc còn được gọi là con đanh vít, hay đinh vít. Cũng có khi, cho nó chắc ăn, người ta dùng danh từ kép: con ốc - vít.



Việt Báo.VN – số ra ngày 7 tháng 10 năm 2005 – có đăng một một bản tin rất ngắn (và hơi buồn) về ốc:



“Chúng Ta Chưa Tự Làm Ðược Cái Ðinh Vít”



“Mỗi năm kinh phí cho hoạt động NC&PT lên tới 200 triệu USD. Chúng ta cũng đã có trên 1,4 vạn tiến sĩ và 1,6 vạn thạc sĩ. Đây là niềm tự hào bởi con số này cao gấp gần năm lần so với Thái Lan và gần 6 lần so với Malaysia. Nhưng nhìn lại trên góc độ hiệu quả thì thật đáng buồn … dù có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren).”



Ôi, nếu “nhìn lại trên góc độ hiệu quả thì” ở “nước ta” chuyện gì mà chả … đáng buồn! Bản tin vừa dẫn nếu sửa lại vài chữ, có thể dùng để nói về một chuyện còn … đáng buồn hơn nữa:



“Xã Hội Chúng Ta Chưa Có An Ninh Và Trật Tự”



“Mỗi năm kinh phí cho hoạt động của ngành công an lên tới hàng tỉ USD. Chúng ta cũng có mấy trăm ngàn chiến sĩ công an. Đây là niềm tự hào bởi con số này cao gấp gần năm lần so với Thái Lan và gần 6 lần so với Malaysia. Nhưng nhìn lại trên góc độ hiệu quả thì thật đáng buồn … dù có hàng chục loại công khác nhau – kể cả công an văn hoá – nhưng trong nước vẫn còn vô số những phần tử phản động, không thiếu kẻ đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren).”



Ủa, nói vậy không lẽ con người cũng bị trờn ren luôn sao? Vặn hoài, và vặn quá tay thì con gì chả trờn ren – chớ có riêng chi con ốc – mấy cha! Sau đây là câu chuyện về một “người bị trờn ren,” ở Việt Nam.



Nhân vật này vừa cho phổ biến một bức thư như sau:

“Thông báo về tình hình hiện nay của tôi (Đỗ Nam Hải)”

“Chiều hôm qua, ngày 5/2/2009, viên đại úy công an khu vực tên Huệ, thuộc công an phường 9 – Q. Phú Nhuận – Tp. Sài Gòn lại một lần nữa đến nhà gặp tôi và đưa tờ Giấy Mời do viên thượng tá Trần Thanh Tá, Phó trưởng công an Q. Phú Nhuận ký, đóng dấu với nội dung yêu cầu tôi: " Đúng 8.30 sáng nay, ngày 6/2/2009 có mặt tại Trụ sở công an Q.Phú Nhuận, số 181 Hoàng Văn Thụ - phường 8 – Q. Phú Nhuận gặp ông Long để: Làm việc về một số vấn đề có liên quan đến ông". Tôi đọc xong và ghi luôn vào tờ Giấy mời để viên đại úy công an kia đem về báo cáo cấp trên của ông ta như sau: "Sài Gòn ngày 5/2/2009, Tôi phản đối Giấy mời phi pháp này và cương quyết không đi làm việc!". (tôi được giữ lại 1 bản và gửi kèm bản tin này.)”

“Mấy ngày tết Kỷ Sửu 2009 vừa qua, công an Tp. Sài Gòn thuộc Phòng PA21 (Phòng trinh sát ngoại tuyến) cũng vẫn không hề lơ là đến tôi suốt ngày đêm (24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần và 365 ngày/năm, tính từ ngày 8/4/2006 đến nay). Thậm chí họ còn tăng thêm người, thêm xe: ngày thường thì 3 người đi 2 xe máy, còn ngày tết thì 4 người đi 3 xe. Tôi đi đâu thì họ bám sát theo đó. Họ luôn có Camera đem theo sẵn để quay phim bất cứ ai lạ gặp tôi. Hồi tháng 1/2009 vừa qua, anh Hà Sỹ Phu từ Đà Lạt xuống đã tận mắt chứng kiến chuyện này, khi tôi và anh Phu cùng ngồi uống café trong khuôn viên phía sau Dinh Độc Lập – Q.1 – Sài Gòn. Vậy xin thông báo để quý vị và các bạn được rõ về tình hình hiện nay của tôi.”

Đây không phải là lần đầu tiên ông Đỗ Nam Hải “thông báo để qúi vị và các bạn được rõ về tình hình” lôi thôi, và tồi tệ như thế của mình. Ai cũng biết, chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa ông Đỗ Nam Hải và Nhà Nước CXHCNVN đã xẩy ra từ nhiều năm nay, và ai cũng hay – tự khởi thủy – đây không phải là chuyện lớn. Sự việc có thể được tóm tắt, một cách gọn gàng và chính xác, trong vài trăm chữ như sau:

Ông Đỗ Nam Hải là một người “sinh trưởng trong lòng cách mạng.” Một cuộc cách mạng vẫn được mô tả là đã mang lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho tất cả mọi người.

Sau một thời gian xuất ngoại, sống “ngoài lòng cách mạng,” Đỗ Nam Hải (bỗng) có một số “nhận thức lại” về tình trạng xã hội ở Việt Nam.Bằng bút hiệu Phương Nam, ông đã trình bầy những vấn đề này qua nhiều bài viếtdưới hình thức một tập tiểu luận (*) với ý chính được nhấn mạnh – như sau:

“ Tôi đề nghị hãy nghiên cứu, xem xét ý kiến đề nghị của tôi về 1 cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam. Trong đó, câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ đa đảng? Nếu ai đồng ý thì ghi Có. Ai không đồng ý thì ghi Không.”

Đề nghị giản dị này (tiếc thay) hoàn toàn không được Quốc Hội, và Chính Phủ lưu tâm. Còn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam thì chuyển đạt nguyện vọng của công dân Đỗ Nam hải cho Bộ Công An … xử lý.

Cách xử lý của họ, xem chừng, hơi bị nặng tay: gây áp lực nơi sở làm khiến Phương Nam mất việc, đe doạ và sách nhiễu cá nhân cũng như thân nhân của đương sự, canh chừng và theo dõi để cô lập, lục soát nhà cửa và tịch biên tài sản một cách hoàn toàn phi pháp, bôi bẩn bằng tất cả những phương tiện truyền thông của Nhà Nước …Chưa hết, chỉ trong vòng vài năm, ông đã nhận được hàng trăm giấy triệu tập và và cả chục lệnh xử phạt hành chính từ chính quyền địa phương.

Cách phản ứng của Phương Nam, xem ra, cũng dữ dội và nặng nề … không kém – sau khi đã bị dồn đến chân tường:

- Cách anh là đồ ăn cướp…

- Các anh hèn lắm…

Đỗ Nam Hải cũng từ chối đóng tiền “xử phạt hành chánh,” và trả lại những giấy “mời đi làm việc” của công an – với lời chú thích giản dị là “Đây là thứ cơm nếp nát của cả dân tộc Việt Nam trong suốt sáu mươi ba năm qua.”

Như vậy là kể như rồi. Cái thời “dù gian nan cách mấy cũng lên phường,” coi như, đã chấm hết. Bây giờ, người dân Việt không còn tuân phục cường quyền nữa. Họ đã bầy tỏ một thái độ khác: chúng tao đ… đi thì đã sao nào!

Nói cách khác, và nói tóm lại là Phương Nam đã bị …trờn ren. Không cách nào vặn vẹo gì được nữa.

Đương sự cũng không phải là người đầu tiên hay duy nhất có thái độ bất tuân như thế. Cứ đọc biên bản ghi những cuộc đối thoại giữa công an và những nhân vật đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, hay những biểu ngữ của đám dân oan biểu tình (đòi đất) ở khắp nơi là người ta có thể biết rằng tình trạng “trờn ren” đã đến mức … đại trà! Đây là những “tiếng cú” (báo chuyện chẳng lành) cho chế độ hiện hành.

Cách đây chưa lâu, một nhân vật lãnh đạo hàng đầu ở xứ sở này – thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đã ra chỉ thị cho toàn dân … bước ra biển lớn! Thuyền ra cửa biển (có lẽ) chưa xa. Nếu quay về, may ra, còn kịp.

Khi một chế độ không làm nổi một cái đinh vít, không dám hó hé khi lãnh thổ bị xâm chiếm, và cũng không còn đủ uy quyền để trị an thì điều cần phải làm ngay là … bỏ Đảng (và bỏ của) chạy lấy người – chớ đâu phải là lúc … bước ra biển lớn, cha nội! Thiệt nghe mà phát … mệt!

No331: Thư gửi Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Trọng Vĩnh v/v cho TQ

Thư gửi Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Trọng Vĩnh v/v cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên

Kính gửi: Các đồng chí uỷ viên Bộ Chính Trị,
Đồng kính gửi: Thủ Tướng và các Phó Thủ Tướng Chính Phủ.

Kính thưa các đồng chí,

Lâu nay tôi không có thông tin, mãi đến gần đây được đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc - Trung - Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá ! Tôi cũng thấy những nguy hại như mọi người đã phát biểu: tàn phá môi trường sinh thái, xâm hại rừng nguyên sinh, nguy hại cho đời sống của đồng bào dân tộc người Thượng, lưu độc cho các dòng sông phát nguyên hoặc chảy qua Tây Nguyên, ảnh hưởng rất xấu cho đời sống của người dân Nam bộ sống dọc hai bờ sông Đồng Nai, có thể ảnh hưởng đến các công trình thuỷ điện phía Nam. Điều đáng lo hơn cả là an ninh quốc giạ Chúng ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe dọa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một "thị trấn Trung Hoa", một "căn cứ quân sự" trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào ?!

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý, còn Trung Quốc thì không. Vậy mà báo chí Trung Quốc dựng ra chứng cứ, luôn công khai xí hai quần đảo đó là của họ. Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) công khai công bố quyết định lập huyện Tam Sa. Trung Quốc có nhiều hành động rất công khai mà lại dỗ chúng ta im lặng không đưa vấn đề ra công khai, thật là vô lý. Chúng ta muốn sống hòa bình hữu nghị với Trung Quốc, tôi cũng muốn thế. Nhưng hữu nghị cũng phải đấu tranh thích hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của Tổ Quốc ta. Nếu lãnh đạo chưa tiện lên tiếng công khai thì cứ để báo chí, các nhà khoa học lịch sử đưa ra chứng lý, cứ để cho quần chúng biểu tình hoà bình, phản đối khi lãnh thổ Quốc gia bị xâm phạm, không nên dập đi tinh thần yêu nước của họ.

Đành rằng các đồng chí có quyền, muốn làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm dư luận, lắng nghe những lời phân tích lợi, hại, phải, trái mà suy nghĩ cân nhắc. Từ xưa đến nay, ở triều đại nào cũng vậy, chủ trương, chính sách ích quốc, lợi dân thì được dân ủng hộ, chủ trương chính sách sai trái tổn quốc, hại dân thì dân oán. Dân oán, mất lòng tin thì khó yên ổn và thịnh vượng được. "Quan nhất thời, dân vạn đại", "vua cũng nhất thời, dân vạn đại".

Thưa các đồng chí,

Trên đây là những lời nói thẳng, tâm huyết của một đảng viên già 70 tuổi Đảng, đã gần đất xa trời, mong được các đồng chí xem xét.

Kính chào,
(đã ký)
Nguyễn Trọng Vĩnh
Địa chỉ: Số nhà 23, Ngõ 5, Phố Hoàng Tích Trí, Phường Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội

____________
Theo thông tin chúng tôi nhận được Ông Nguyễn Trọng Vĩnh tác giả lá thư này là Thiếu tướng, cựu chính ủy Quân khu 4 miền Bắc trước 1975 và là cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh giai đoạn 1974 -1989.

No330: Nói ngược

Nguyễn Dư



Mấy ông lãnh đạo cao cấp của nhà nước Việt Nam chuyên môn làm ngược và nói ngược. Trong khi người ta cần tự do dân chủ, nhân quyền trước rồi mới đến cái ăn thì mấy ổng hành động và quan niệm ngược lại.

Nhìn trong sinh hoạt đời sống cho thấy, khi người ta dạy con chó, con khỉ, con voi hay con cá heo trong gánh xiếc, trước tiên phải cho nó ăn trước. Thí dụ như trái chuối, khúc mía, hạt đậu hoặc một con cá tươi đem cho chúng nó ăn thì lúc đó mới điều khiển đươc. Nhưng con người thì khác con thú, không thể đánh đồng! Hay nói cách khác là hoàn toàn ngược lại. Con người có khối óc hoàn hảo hơn so với những loài động vật khác. Đem tiền bạc cho con cái ăn tiêu rồi bảo nó nghe lời! Có thể được đấy, và sẽ dễ dàng điều khiển với điều kiện nó có phải có bản năng gần giống con thú. Nhưng chỉ có thể thành công ở trước mặt, và sẽ thất bại sau lưng mà có khi đồng tiền vô tình tiếp tay làm cho nó hư thân. Cũng không thể cầm cái roi đe dọa giống như điều khiển con thú; bạt tai con cái trước rồi hỏi nó: Tao nói mầy có nghe không? Mầy phải nghe lời tao, không được cãi…(Đàn áp bằng vũ lực với con người, hoặc áp đặt tư tưởng là vi phạm nhân quyền)

Cách lèo lái hữu hiệu, khôn khéo là phải để cho nó tiếp cận mọi thông tin, mọi trường hợp (Nhân quyền); chỉ cho nó cái sai để tìm ra hướng đúng. Đúng, sai phải phân minh rạch ròi. Sợ con cái sa ngã trong cuộc sống hút chích thì trước tiên phải đem những hình ảnh tai hại đó ra, chỉ cho nó thấy rồi mới hướng chúng đi theo mình và sẵn sàng tranh luận tự do cho đến khi thành công. Tức là phải tạo ra kiến thức trước, cái ăn chỉ là thứ yếu. Kiến thức sẽ tạo ra cuộc sống ổn định và của cải vật chất, không thể ngược lại. Thiếu ăn có thể chết dần chết mòn kéo dài, nhưng thiếu hiểu biết thì có thể chết bất kỳ lúc nào. Nếu có tồn tại mà không hiểu biết thì cũng như người đã chết. Hiểu biết rất quan trọng. Như vậy thì người ta có thể hiểu rằng người Việt Nam được quyền ăn, nhưng lãnh đạo nhà nước chưa cho cái quyền được nói! Đối xử với con người giống như đối xử với con thú là dã man, đi ngược lại công ước về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Thử nhìn xem từ khi bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời cho đến nay, có những nước văn minh tiến bộ nào trên thế giới tuyên bố rằng họ cần cái ăn trước rồi mới áp dụng đến tự do dân chủ, nhân quyền? Hoặc là: Phong tục tập quán khác hơn những nước khác nên không thể áp dụng nhân quyền giống như người Tây Phương được (lời ông Triết). Mới chỉ nghe có nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố như thế! Ít ra thì người ta cũng tôn trọng luật pháp, áp dụng công ước về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền trước, hoặc hai sự việc cùng một lúc, uyển chuyển, hỗ tương cho nhau. Chỉ có những nước lạc hậu, nghèo đói, chính quyền không tôn trọng luật pháp, cai trị bằng cảm tính, bằng phong tục, tập quán; cái nào có lợi cho phe nhóm thì được phép, không có lợi thì kiếm cớ để đàn áp mới sinh ra xã hội bất công rồi tuyên bố như thế để chạy tội vì đã vi phạm công ước như đã cam kết. Những lời tuyên bố đó cũng chứng tỏ và tự thú rằng Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Khác với những gì mà mấy ổng thường khoe khoang là Việt Nam có nhân quyền (Chắc theo kiểu Việt Nam!)

Trong bộ luật hình sự Việt Nam có điều khoản: Tuyên truyền chống phá nhà nước là phạm tội. Là một điều khoản trắng trợn vi phạm nhân quyền, hết sức lạ đời! Thế thì nhà nước làm sai có quyền phản đối, chống phá không? Hay người ta phải lo cái ăn trước tiên, rồi để yên, làm ngơ, cúi đầu để rồi nhà nước tự ý? Từ cái quan niệm phản đối đến chống phá, kẻ hở khít khao, một cụm từ mập mờ (chống phá bằng vũ lực hay bằng lời nói?). Lợi dụng sự khít khao nên người ta có thể nhập nhèm để trấn áp, không tôn trọng luật pháp, cư xử giữa con người và con người như con thú hoang.

Có người đầu năm đầu tháng được đến nhà bác Khả Phiêu chúc tết. Thấy bác ăn nên làm ra, có cơ ngơi đồ sộ thì chúc mừng bác bằng cách khoe khoang giùm, tung hình ảnh cơ ngơi của bác, phổ biến khắp nơi. Những người khác bắt gặp, họ bảo trong khi biết bao người đói khổ, nhà cửa rách nát tả tơi mà nhà bác Khả Phiêu như một cung đình là tại bác sống trên đầu trên cổ người khác, làm ăn bất chính nên mới được như thế! Nhiệm vụ của bác là phải giải bày, chứng minh trước công luận cái cơ ngơi của bác là do mồ hôi nước mắt, công lao gia đình bác gầy dựng. Bác và những “người thân” không thể làm ngược lại là theo dõi, điều tra xem những ai đã làm những chuyện cho rằng “bôi xấu, xuyên tạc đời tư”.

Luật cấm phổ biến, xuyên tạc làm ảnh hưởng xấu đến đời tư cá nhân cần phải tôn trọng. Đúng quá! Không biết trường hợp kia có nằm trong điều cấm đó không, bởi vì giải thích thế nào là xuyên tạc làm ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân rắc rối lắm! Thí dụ như bác gái, hay con gái bác Khả Phiêu muốn khoe…của, chơi nổi; rồi có người phổ biến trước công chúng hình ảnh “bí mật đời tư” thì họ làm lơ, không thưa gởi gì ráo, biết đâu còn khoái nữa! Tự dưng cảnh sát tới nhà tóm cổ người ta, bảo rằng xâm phạm đời tư cá nhân! Chúng ta thấy có hai luồng dư luận trái chiều: Nói tốt cán bộ không đươc; nói xấu cũng cấm luôn. Thế mới khổ thân!

***

Sau đây cũng là một việc làm ngược đời của chính quyền: Trong vấn đề viện trợ của nước ngoài giúp Việt Nam xây dựng những hạ tầng cơ sở để phát triển. Trong nội bộ các cấp chính quyền, ăn hối lộ có hệ thống từ trên xuống dưới. Mọi vụ việc đã xảy ra thì không thể trách những nước viện trợ là tại sao để báo chí làm rùm beng lên. Rồi nào là để xảy ra sẽ làm mất tình hữu nghị, quan hệ truyền thống hai bên cùng có lợi… Đại khái như thế. Trước khi trách người thì nên nhìn lại mình. Để người ta “cấm vận” rồi mới nhảy cỡn lên, lấp liếm, thập thò, nghe ngóng; Kêu gọi mọi vấn đề phải minh bạch, công khai, nhưng chính mình lại không công khai, minh bạch! Rồi soạn ra những điều luật ràng buộc trong tự do ngôn luận: Cấm phổ biến những bí mật quốc gia, liên quan làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Như thế nào, đến chừng mực nào mới gọi là “bí mật quốc gia” nhỉ ? Chính những cái mập mờ đó là kẻ hở để chính quyền các cấp có thể đàn áp người dân bất cứ lúc nào khi cảm thấy không có lợi cho cá nhân, phe nhóm. Những trường hợp luật pháp mập mờ, cần phải tranh luận công khai trước tòa cho đến nơi đến chốn. Khi người ta “nói có sách, mách có chứng” thì không thể gọi là xuyên tạc được; do đó cũng không thể ngang nhiên ghép tội. Đừng cư xử giữa con người và con người như con thú hoang!

Không thể, và chắc chắn sẽ không có kết quả nếu mình chưa làm tốt mà đi cấm người khác nói xấu. Làm chuyện ngược đời! Lãnh đạo kiểu nhà nước Việt Nam, chính quyền mấy đất nước tự do nó cười cho thối mũi!

***

Người Việt hải ngoại sau hơn ba mươi năm đã thành đạt và ổn định cuộc sống. Thời gian đầu sống xứ người, họ cũng nhiều chật vật và đầy khó khăn; thế mà vừa đi làm kiếm tiền lo cho bản thân, gia đình, lại vừa cưu mang những người thân còn lại bên quê nhà. Sau khi có của ăn của để, tấm lòng lại mở ra, phóng khoáng hơn; nhìn về Việt Nam thấy đời sống xã hội càng ngày càng sa sút, họ nghĩ đến đồng bào ruột thịt còn biết bao nhiêu người nghèo khổ, thiếu ăn. Một mặt họ thành lập những hội đoàn các tôn giáo quyên góp gởi tiền về giúp đỡ; một mặt họ phản đối chính quyền tha hóa, tham nhũng chỉ biết lo cho bản thân, phe nhóm, để cho dân đói khổ, bất công, sinh ra tệ nạn xã hội, đạo đức suy đồi tràn lan. Mấy phái đoàn chính phủ Việt Nam đi ra nước ngoài, đi tới quốc gia nào có người Việt sinh sống cũng điều bị phản đối, la ó, chửi bới, đòi hỏi chính quyền phải cải tổ để cho người dân có cuộc sống tốt hơn.

Người Việt ta có câu thành ngữ: “Trong ấm, ngoài êm”. Thế mà mấy ông lãnh đạo nhà ta ở Việt Nam, trong khi ở trong không “ấm” mà đòi ngoài phải “êm”! Thế mới ngược đời!

No329: Cái giá của sự nói dối!

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO để tránh tiếng bắt bớ vô cớ những người đấu tranh cho tự do dân chủ, nhà cầm quyền buộc phải dùng đến nhiều loại thủ đoạn hèn hạ khác nhau để triệt hạ họ. Và vì phải làm chuyện ‘mượn gió bẻ măng’ nên tất cả những lý lẽ họ đưa ra đều rất ư là… vớ vẩn !!!

Có thể nhắc lại vài trường hợp điển hình:

- Blogger “điếu cày’ Nguyễn Hoàng Hải, bị đi tù không phải vì biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa hay viết báo không đi bên lề phải mà vì … trốn thuế!

- Còn đối với sinh viên Nguyễn Tiến Trung sau khi du học nước ngoài về liền bị bắt thi hành nghĩa vụ quân sự mặc dù đã sắp hết tuổi. Trong trại lính không computer với internet bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài nào có khác gì đi tù mà khỏi bị mang tiếng!

- Bà Bùi Kim Thành một luật sư hay bênh vực dân oan ở Sàigòn, trước khi được sang Mỹ tỵ nạn trong năm 2008 vừa qua cũng đã từng bao phen khốn khổ vì sự chăm sóc hết sức nhiệt tình của chính quyền tại nhà thương điên Biên Hòa vì bị cho là mắc bệnh tâm thần (!?) v.v...

Và nay thì đến lượt Ls. Lê Trần Luật. Văn phòng Luật sư (VPLS) Pháp Quyền của anh bị chính quyền quận Gò Vấp, Saigòn ‘tấn công’ nhân danh một vụ tranh chấp dân sự nhỏ nhoi.

Trong kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào, những chuyện rắc rối với khách hàng là điều bình thường khó ai tránh khỏi, càng làm ăn lớn càng dễ có nguy cơ cao. Ngay cả đến ‘người khổng lồ’ Microsoft mà vẫn phải khăn gói đi hầu tòa gần như mỗi năm. Đến nỗi ông chủ Bill Gates của tập đoàn này phải nuôi cả một đội quân hùng hậu nghe nói đến gần 40 chục mạng gồm các luật sư và những nhà tư vấn pháp lý, họ ăn lương chỉ để đi chuyên lo giải quyết việc Microsoft bị thưa kiện.

Ở Việt Nam những năm vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai tiếng với một số VPLS. Tuy nhiên, với Ls. Lê Trần Luật, mặc dù người viết chưa có dịp tiếp xúc với anh nhưng bằng hành động dũng cảm dám đứng ra bênh vực công lý giúp những giáo dân thấp cổ bé họng bất chấp những đe dọa từ phía chính quyền. Bấy nhiêu thiết nghĩ cũng đã quá đủ để chứng minh anh không thể thuộc loại luật sư chỉ biết kiếm có tiền, vì thế VPLS Pháp Quyền của anh chắc chắn không thể là loại văn phòng tư vấn pháp lý chuyên đi làm chuyện lừa đảo. Bản thân anh, một người trẻ với trình độ luật sư muốn tìm cho mình và gia đình một cuộc sống sung sướng như bao người chắc chắn không phải là việc gì quá khó!

Do vậy, chỉ cần ‘ngửi mùi’ sự việc mà chẳng cần đến tận nơi tìm hiểu, chắc chắn mọi người cũng thừa biết rằng chính quyền đã mượn vụ tranh chấp giữa VPLS Pháp Quyền và vị khách hàng nào đó (thậm chí không loại trừ khả năng anh VP của Ls. Luật đã bị họ gài bẫy!) để ra tay đánh phá. Đơn giản chỉ vì chính quyền không muốn thấy từ giấy phép hoạt động của VPLS này, Ls. Luật dùng nó để nhận trách nhiệm bào chữa cho tám giáo dân xứ Thái Hà ‘làm khó’ lại nhà nước.

Tóm lại, bằng những loại tội danh hết sức ‘vô duyên’ chính quyền CSVN quyết tâm nhổ bỏ cho bằng sạch tất cả những ai dám ‘lợi dụng dân chủ’ để ‘bắt bí’ họ khi biết cách khai thác tử huyệt của chế độ đó là sự gian dối khiến họ phải bẽ mặt với thế giới.

Chúng ta có thể xem đây như là những qui luật tất yếu của thời hậu XHCN khi chính quyền phải đối mặt với những hậu quả do chính họ gây ra trước kia. Ở đây là chuyện đài THVN và tờ HàNội Mới của đảng bị các giáo dân Thái Hà kiện vì thói quen ăn ngược nói ngạo lâu nay.

Càng lâm vào ngõ cụt, chó dữ sẽ cắn càng đau. Bất cứ ai bị đặt trong tầm ngắm của chính quyền rồi thì từng mili-giây đời tư của họ sẽ được một nhóm ‘chuyên gia’ bơi móc đời tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Đã là con người rất khó ai có thể hoàn hảo, ‘bới lá’ mãi thế nào cũng có lúc họ tìm thấy sâu.

‘Cháy nhà lòi mặt chuột’, vụ đánh phá VPLS Pháp Quyền của Ls. Luật chỉ khiến mọi người thêm thất vọng. Bản chất ‘nói một đàng làm một nẻo’ của cộng sản dường như sẽ là bất di bất dịch. Xưa cũng như nay, bao cấp hay đổi mới, mỗi khi phải đối mặt với sự thật, thái độ của họ vẫn không có gì thay đổi, vẫn chỉ là lối ‘thoát hiểm’ bằng những con đường lươn lẹo và bằng… cửa hậu!

Tuy nhiên trong chuyện này có vẻ như vì quá giận Ls. Luật mà chính quyền đã mất khôn. Giải pháp ‘đánh hội đồng’ VPLS xét cho cùng chỉ có giá trị ‘giận cá chém thớt’ không hơn không kém. Bởi cho dẫu họ có cố moi móc cho bằng được lý do ‘chính đáng’ để xoá sổ VPLS Pháp Quyền và thu hồi giấy phép hành nghề đối với Ls. Lê Trần Luật thì vụ kiện đài THVN và Báo Hà Nội Mới với tội danh ‘vu khống’ của các giáo dân Thái Hà càng khiến họ không thể vì thế mà dừng lại nếu không muốn bị hiểu là vì bị “kẻ xấu xúi giục”.

Hơn nữa sai lầm của hai cơ quan truyền thông khi đưa tin về phiên tòa đã quá trắng trợn. Bản tin vu khống “giáo dân đã cúi đầu nhận tội” nay đã bay đi khắp thế giới. Với tang chứng vật chứng rành rọt bằng cả audio lẫn text các giáo dân đang có trong tay, việc tranh luận tại tòa nay gần như chỉ còn xoay quanh hai chữ ‘Yes’ hoặc ‘No’. Một phiên tòa lập ra chỉ để xác nhận bấy nhiêu thì tám giáo dân Thái Hà, tự mỗi người đã là có thể một luật sư giỏi tự bào chữa cho mình và để cùng nhau buộc hai cơ quan truyền thông nọ phải “cúi đầu nhận tội” ngược lại, vì không thể chối cãi đằng nào được nữa.

Đây là ‘ván cờ’ quá khó đối với chính quyền. Chính vì không thể để việc này xảy ra nên họ đang tìm mọi cách vùi dập vụ kiện. Bên cạnh chơi trò cù nhầy thủ tục ‘hành là chính’ nay họ đánh phá luôn VPLS Pháp Quyền của Ls. Luật với hy vọng gia tăng thêm áp lực với các cha giáo xứ Thái Hà, liệu có nên tiếp tục vì bổn đạo mình mà làm khổ liên lụy đến vị luật sư?

Tóm lại, đằng sau việc đánh phá VPLS Pháp Quyền bức thông điệp chính quyền muốn gởi cho xứ Thái Hà hết sức rõ ràng: “làm khó nhau bấy nhiêu đã là quá đủ, chúng tôi đã hiểu… và xin quí vị hãy từ bỏ vụ kiện!!!.”

Cho dẫu vụ kiện kết cục ra sao chắc chắn nó sẽ trở thành là bài học ‘nhớ đời’ đối với Đài THVN và tờ Hà Nội Mới cũng như tất cả những báo đài khác khi nhận lệnh chỉ đạo của đảng khi đưa tin về những vụ việc tương tự như Thái Hà phải cân nhắc thận trọng nếu không muốn tự mình đút đầu vào rọ!

Vụ kiện của tám giáo dân Thái Hà có thể sẽ được ghi nhận như một trong những bước đi quan trọng đầu tiên của VN trên con đường tiến về đích ‘xã hội dân chủ’.

No328: Tư Bản và Xã Hội: Hai mặt của một vấn đề

Không có gì giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa khuynh hướng Cộng Hoà và khuynh hướng Dân Chủ tại Hoa Kỳ bằng hai câu nói của tổng thống Ronald Reagan và Barack Obama về vai trò của chính phủ.

Ngày 20/1/1981 trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống Reagan nói: “Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ không phải là giải pháp, chính phủ chính là vấn đề của chúng ta” (nguyên văn: “In this present crisis, government is not the solution to our problem; government is the problem”).

Tổng thống Obama, trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1/2008 thì nói: “Chúng ta không còn thắc mắc chính phủ quá lớn hay quá nhỏ, thay vào đó chúng ta hỏi chính phủ có làm việc hữu hiệu không – có tạo ra công ăn việc làm lương đủ sống, có chế độ săn sóc sức khỏe tốt, có hưu bổng đầy đủ cho người nghỉ hưu không…” (nguyên văn: “The question we ask today is not whether our government is too big or too small, but whether it works -- whether it helps families find jobs at a decent wage, care they can afford, a retirement that is dignified.”)

Đối với tổng thống Reagan, đại diện cho khuynh hướng Cộng Hoà, nguyên tắc cung cầu là bàn tay vô hình điều khiển nền kinh tế quốc gia. Và chính sách thuế khoá của chính phủ nếu thích hợp (chính yếu là giảm thuế) sẽ tạo điều kiện cho giới tư bản đầu tư tiền bạc đúng lúc đúng chỗ mang lại sự phồn thịnh. Nếu chính phủ dùng quyền viết ngân sách để đánh thuế cao rồi dùng tiền thuế bỏ vào các chương trình chi tiêu và trợ cấp để ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội thì nền kinh tế sẽ héo mòn như một cái cây cần đất khô lại được trồng vào một vùng đất lắm nước. Nói cách khác chính phủ sẽ là nguyên nhân của mọi vấn đề nếu can thiệp vào sự vận hành của luật cung cầu.

Những người Dân Chủ hiểu luật cung cầu là cốt tuỷ của một nền kinh tế tự do, và vai trò quan trọng của các ngân hàng và các đại công ty trong một nền kinh tế, nhưng họ không khoán trắng vào tay các nhà tư bản. Nếu để hoàn toàn tự do không có sự kiểm soát của chính phủ, lòng tham (bản tính tự nhiên của con người) sẽ làm các nhà tư bản bóp méo sinh hoạt kinh tế và đến một lúc nào đó khủng hoảng kinh tế sẽ bộc phát.

Mặt khác trong thế giới tư bản của luật cung cầu thành phần có khả năng trí tuệ và đa năng sẽ chiếm thế thượng phong, tích luỹ một tỉ số lớn tài sản quốc gia tạo ra sự chênh lệch khả năng kinh tế giữa các tầng lớp trong xã hội. Cho nên những người Dân Chủ chủ trương chính phủ phải nhúng tay vào sinh hoạt kinh tế, dùng quyền ngân sách để phân phối tài nguyên quốc gia sao cho sự vận hành dưới bảng chỉ đường của luật cung cầu không trở thành méo mó tạo ra bất công xã hội.

Nói chung người Cộng Hoà hay người Dân Chủ đều biết giới hạn kinh tế tư bản và sự cần thiết của sự can thiệp của chính phủ. Cái khác biệt là mức độ.

Kinh tế thị trường huy động sức người sức của hữu hiệu nhưng thỉnh thoảng theo chu kỳ tạo ra khủng hoảng kinh tế. Trong khi sự can thiệp quá nặng tay của chính phủ tạo ra sự trì trệ kinh tế. Cho nên ai cũng thấy sự cân bằng giữa sự vận hành của luật cung cầu và sự can thiệp của chính phủ là cần thiết.

Và đó là lý do tại sao tại Hoa Kỳ qua các cuộc bầu cử định kỳ đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà thay phiên nhau cầm quyền để sinh hoạt kinh tế (và qua đó sinh hoạt chính trị) được điều chỉnh vĩ mô qua thời gian, và tại sao nếu đảng này vào toà Bạch Cung thì đảng kia thường nắm Quốc hội để làm nhiệm vụ đối lập điều chỉnh vi mô các chính sách kinh tế làm cho sinh hoạt xã hội được hài hoà.

Trên thực tế, Lực lượng Tư bản và Sự Can thiệp của Chính phủ là hai điều đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Tuy nhiên mỗi lần do điều kiện kinh tế phải chuyển đổi “chính trị” từ phương thức này sang phương thức khác bởi quyết định của dân qua bầu cử thì phe mất quyền chính trị thường có khuynh hướng đối kháng để kềm hãm phe thắng thế không đi quá đà trong các chính sách mới, đồng thời chuẩn bị thế chính trị cho khuynh hướng của mình.

Và khi sự chuyển đổi chính trị là kết quả của một tình trạng khủng hoảng xã hội và kinh tế thì phản ứng đối kháng càng mạnh mẽ. Và điều này giải thích sự phản kháng đầy mầu sắc đảng phái của đảng Cộng Hoà đối với luật kích thích kinh tế 787 tỉ vừa được tổng thống Obama ký ban hành ngày 17/2/2009. Các lý lẽ phản kháng (như quá nhiều chương trình chi tiêu, quá nhiều chương trình trợ cấp, chương trình phi lý như giúp những người mất nhà do họ thiếu trách nhiệm khi vay tiền mua nhà biết rằng mình không có khả năng trả ...) đều hữu lý trên mặt lý thuyết nhưng không hữu lý trên mặt thực tế. Khi con bệnh đang hồi thập tử nhất sinh phương thuốc cần nặng về chữa trị biến chứng hơn là nặng về chữa trị nguyên nhân có tính dài hạn. Và đó là bản chất và nội dung của luật kích thích kinh tế 787 tỉ mỹ kim.

Trong 8 năm cầm quyền tổng thống George W. Bush áp dụng đường lối kinh tế thuần tư bản đặt nặng trên hai nguyên tắc làm kim chỉ nam từ thời tổng thống Reagan là (1) giúp đỡ cho các đại công ty phát triển làm ăn, tin rằng người nghèo sẽ được hưởng phúc lợi theo (trickle –down economics) và (2) giảm thuế - nhất là giảm thuế cho những người giàu có, những tay tư bản – để các nhà tư bản có thêm tiền đầu tư làm cho nền kinh tế chuyển vận mang lại phúc lợi cho xã hội (supply-side economics).

Tuy nhiên chính phủ Cộng Hoà đã tạo ra một khung cảnh sinh hoạt kinh tế thiếu kiểm soát đưa đến quá đáng và lợi dụng. Giới tư bản (tượng trưng là Wall Street và Main Street – Thị trường Chứng khoán và Ngân hàng) được tự do do sự phá bỏ các khâu kiểm soát (regulations) trở nên làm ăn thiếu nguyên tắc. Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất quá thấp và quá lâu, các dân biểu kiếm phiếu bằng cách khuyến khích mọi người mua nhà dù không đủ điều kiện và làm ngơ trước mọi dấu hiệu bất ổn đã đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào tháng 9/2008. Sau gần 6 tháng (9/2008 – 2/2009) các cơ sở tài chánh lớn và các ngân hàng kếch xù trụ cột của kinh tế quốc gia hoàn toàn sụp đổ và mới nhất là sự lung lay của hai đại ngân hàng còn sống sót là Bank of America và City Bank. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất và trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1929.

Và đã có khủng hoảng kinh tế thì chính phủ phải can thiệp.

Đó là điều từng xảy ra như một nguyên tắc, mặc dù mỗi lần xẩy ra đều có cuộc tranh cãi giữa các chính trị gia và các nhà kinh tế về mức độ và sự hữu hiệu của phương pháp chữa trị.

Trong cuộc đại khủng hoảng năm 1929 tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thành lập Tổng Cục Tìm Việc Làm (Work Projects Administration – WPA) tạo ra 8 triệu công ăn việc làm, thành lập chương trình An sinh Xã hội (Social Security) cho người nghỉ hưu và người già cũng như các cơ chế bảo vệ và kiểm soát như FDIC (Federal Deposit Insurance Commission) và SEC (Securities & Exchange Commisssion). Trong cuộc khủng hoảng tháng 9/2008 tổng thống Bush cũng đã khẩn cấp quốc hữu hoá hai đại công ty cho vay tiền (chính yếu để mua nhà) sạt nghiệp Fannie Mae và Fredie Mac và vội vàng thông qua luật cho phép Bộ Tài chánh tiêu 700 tỉ mỹ kim cứu nguy các cơ sở tài chánh nòng cốt của nền kinh tế quốc gia đang trên đà sụp đổ.

Và sau khi tổng thống Obama nhậm chức, công việc đầu tiên của ông là thúc đẩy quốc hội, và chưa đầy một tháng đã ký ban hành ngân sách kích thích kinh tế (stimulus package) 787 tỉ mỹ kim gồm gần 25% giảm thuế theo yêu sách của đảng Cộng Hoà, và còn lại cho các chương trình tạo công ăn việc làm ngay trước mắt và xây dựng căn bản hạ tầng cho sự phát triển bền vững như sửa chữa đường sá, cầu cống, trường học, hệ thống điện toán đa dẫn (broadband), chương trình tự túc năng lượng...

Các nhà kinh tế tư bản cũng như một số dân biểu nghị sĩ đảng Cộng Hoà cho rằng ngân sách 787 kích thích kinh tế của tổng thống Obama không giúp đặt căn bản cho sự phát triển dài lâu như sự giảm thuế cho giới tư bản và khuyến khích giúp đỡ các đại công ti. Họ quên rằng các chính sách trên đã được thi hành trong 8 năm của Bush và vì quá tin vào sự nhiệm mầu của thuyết supply-side và trickle-down quên cả nhiệm vụ kiểm soát đã đưa đến tình trạng nguy ngập hôm nay.

Người ta phê bình đảng Dân Chủ và ông Obama đang áp dụng nguyên tắc xã hội chủ nghĩa của Âu châu, hậu quả sẽ làm cho Hoa Kỳ trở nên nghèo khó thiếu thốn như tại Âu châu. Sự phê bình này có giá trị ở chỗ Hoa Kỳ là một nước tư bản và nền kinh tế tư bản cung cầu của nó đã giúp nước Mỹ thành cường quốc kinh tế thế giới. Nhưng sự phê bình không có giá trị ở chỗ là nếu không tạm thời Âu châu hoá nền kinh tế Hoa Kỳ thì trận bão táp kinh tế 2008 này có thể sẽ làm tê liệt quốc gia. Các nước Âu châu không phải bỗng nhiên có một chế độ kinh tế tư bản đậm mầu sắc xã hội như hiện nay, trong đó sự giúp đỡ người yếu kém trong xã hội cũng cần thiết như sự phát triển kinh tế. Là một lục địa già và cũ (Old Europe - theo lời của cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld) Âu châu đã trải qua mọi thử thách, và có thể họ đang chọn cái giải pháp mà họ cho là tối hảo.

Chương trình kích thích kinh tế tổng thống Obama vừa ký ban hành sẽ làm chậm lại đà suy thoái kinh tế hiện nay, đó là điều không cần bàn cãi. Điều cần bàn cãi là nó có giúp cho nền kinh tế phục hồi hoàn toàn hay không, và một câu hỏi then chốt khác là hệ lụy thâm thủng ngân sách (để có tiền kích thích kinh tế) là một gánh nặng con cháu chúng ta có kham nổi hay không. Vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới sau cuộc khủng hoảng này hoàn toàn lệ thuộc vào đáp số của hai câu hỏi trên.

Nhìn rộng ra, hình như chính trị và kinh tế thế giới biến chuyển qua lại giữa hai quan niệm phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Khi tình trạng phát triển kinh tế gặp trở ngại như suy thoái kinh tế đe doạ an sinh xã hội thì các biện pháp mang lại an sinh xã hội trở thành ưu tiên. Khi các biện pháp quá chú trọng về an sinh xã hội làm cho kinh tế bị ngưng trệ thì đó là lúc giảm sự can thiệp của chính phủ đề nền kinh tế được tự do.

Khi những người lập quốc Hoa Kỳ hình thành trên căn bản một chế độ lưỡng đảng, một bên Cộng Hoà chủ trương phát triển là chính (dân sinh sẽ được phục vụ do thành quả của kết quả kinh tế), một bên Dân Chủ chú trọng đến dân sinh (phát triển là một quan tâm nhưng ưu tiên sau dân sinh) bảo đảm bởi một Hiến pháp đa đảng họ đã thấy sự vận hành này của xã hội mà mọi chế độ chính trị đều phải tuân theo như một quy luật. Cho nên sự tranh cãi giữa Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hoa Kỳ không là một vấn đề. Đó là một sinh hoạt dân chủ để làm cho Hoa Kỳ luôn là một quốc gia hùng mạnh trong khi nhân dân được bảo đảm một đời sống tự do, phóng khoáng và đầy đủ.

Thuyết Mác xít do Karl Marx và Engels chủ trương trên bản chất là một nỗ lực giải quyết bất công xã hội do cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Anh quốc (cuối thế kỷ 18 kéo dài sang đầu thế kỷ 19) mang lại như môi trường bị huỷ hoại, đời sống kinh tế chênh lệch, thành phần thợ thuyền bị bóc lột... Nhưng lý thuyết cải tạo xã hội của Marx chủ trương tiêu diệt tư hữu và thị trường đã đi quá đà, chệch hướng, và đã cung cấp một căn bản lý thuyết cho những tay đầu cơ chính trị thiết lập những chế độ độc tài. Chế độ độc tài Mác xít tại Liên bang Xô viết (trong đó chính phủ nắm toàn bộ sinh hoạt kinh tế) đã tàn tạ cùng với các nước Đông Âu, và các chế độ cộng sản tại Trung quốc, và Việt Nam cũng trên con đường tàn tạ nhường chỗ cho kinh tế thị trường.

Tại Việt Nam chính quyền cộng sản từ năm 1986 đã tạm từ bỏ chế độ kinh tế tập trung trả quyền quyết định kinh tế cho nông dân và các thương gia nhưng vẫn kéo dài cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” trong một nền kinh tế mệnh danh là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Lý thuyết “định hướng” này không có gì sai trái nếu nó được dùng như một phương thức để tránh những thái quá của kinh tế thị trường như sự phân nhiệm “Cộng Hoà, Dân Chủ” tại Hoa Kỳ. Rất tiếc tại Việt Nam nó là một công thức để bảo vệ đảng cầm quyền. Đảng nắm các sinh hoạt quốc doanh nói là để bảo vệ xã hội nhưng thực chất là để bảo vệ quyền lợi của đảng.

Tại Trung quốc có một biến chuyển đáng quan tâm do ông Lý Thành (Cheng Li) nêu ra trong bài viết nhan đề “China’s Team of Rivals” đăng trong tạp chí Foreign Policy số Tháng Ba/Tháng Tư 2009. Theo ông Lý, Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc đã có một quyết định độc đáo trong Đại hội đảng thứ 17 (10/2007) là cất nhắc hai Ủy viên Trung ương đảng trẻ tuổi vào Uỷ ban Thường trực của Bộ chính trị là hai ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang) để chuẩn bị cho một trong hai trở thành Tổng bí thư đảng vào đại hội đảng thứ 18 năm 2012.

Hai nhân vật này có khuynh hướng và đường lối chính trị khác nhau. Ông Tập Cận Bình thuộc nhóm có khuynh hướng cởi mở chủ trương kinh tế thị trường, khuyến khích kinh tế tư nhân (gọi là nhóm Con Dòng – Elitism) (1) trong khi ông Lý Khắc Cường thuộc nhóm có khuynh hướng chăm lo các vấn đề xã hội và sự ổn định của đời sống nông thôn là chính (gọi là nhóm Dân Tuý – Populist). Hình như ông Hồ Cẩm Đào có ý chuẩn bị hai khuynh hướng đối chọi nhau trong đảng như một cơ chế điều chỉnh những thái quá của sự nhắm mắt phát triển bất chấp hậu quả hay sự can thiệp quá sâu đậm của nền kinh tế xã hội tàn dư của nền kinh tế Mác Xít. Có thể đảng Cộng sản Trung quốc đã cảm nhận được rằng đảng không thể giữ tính chính thống và tồn tại nếu tiếp tục đường lối kinh tế dựa vào xuất cảng là chính như hiện nay và đàn áp mọi tiếng nói đối lập của nhân dân. Với công thức mới đảng Cộng sản Trung quốc chuẩn bị cho đối lập lên tiếng qua khuynh hướng Lý Khắc Cường (hoặc ngược lại qua khuynh hướng Tập Cận Bình nếu khuynh hướng Lý Khắc Cường cầm quyền). Mèo trắng mèo đen đều có ích nếu duy trì được sự chính thống của đảng. Và vào đại hội thứ 18 tùy theo đảng Cộng sản Trung quốc chọn đường lối ưu tiên phát triển hay ưu tiên chăm lo dân sinh ổn định xã hội mà ông Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường sẽ được bầu vào chức vụ Tổng bí thư.

Nếu quả thật đây là thâm ý chính trị của đảng Cộng sản Trung quốc thì chuyển biến này sẽ tạo ra tại Trung quốc một khung cảnh chính trị không khác gì Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hoa Kỳ.

Âu, Á, Tư Bản chủ nghĩa và Xã Hội chủ nghĩa gặp nhau ở đây. Và cuối cùng công thức xã hội Âu châu, một xã hội có tự do dân chủ, có một nền chính trị đa đảng và một chế độ xã hội trong đó người không may mắn và ít khả năng vẫn có thể sống chứ không bị chôn vùi dưới lớp gạch nặng nề của các đại ngân hàng và của các đại công ty sẽ là cái xã hội mà Hoa Kỳ và Trung quốc vốn khởi đầu từ những xuất phát hoàn toàn đối nghịch với nhau sẽ cùng đi đến.

Trần Bình Nam
27/02/2009

วันพุธที่ 25 กุมภาพันธ์ พ.ศ. 2552

No327: DÂN TRÍ VÀ THỰC TIỄN

Những lý luận về dân trí thấp để chần chừ tiến hành dân chủ, đa nguyên của độc tài cộng sản đưa ra thì bất cứ ai cũng biết, cũng hiểu đó là mỵ dân và kéo dài thời gian. Nhưng để đánh giá vấn đề dân trí đang ở đâu, có song hành với dân chủ hay cái nào cần có trước thì ngay cả những cây lý luận thuộc phe dân chủ cũng chưa giải quyết rốt ráo vấn đề. Hiện nay vẫn có những tổ chức, hội đoàn...xác quyết dân chủ phải có trước để tạo điều kiện cho dân trí phát triển, và cũng không hiếm những đoàn thể khác lại nâng cao tuyên truyền theo kiểu "Khai dân trí" và họ cũng xác quyết trong thời gian này chỉ nên viết bài, phổ biến cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí cho họ để dần dần đưa đến sự chuyển hoá độc tài. Thực ra những lý luận như trên đều không sát thực tế. Vấn đề ở đây là do những lý luận đó xa rời thực tế đấu tranh trong nước, ôm đồm nhiều đặc tính của dân chủ mà không biết rằng để hoàn thiện cả mớ đặc tính đó cùng một lúc sẽ không bao giờ thực thi được.

Để chứng minh ta hãy trở lại những ngày Pháp thuộc, thời gian gần đây nhất đặc trưng cho việc "khai dân trí, chấn dân khí..." của cụ Phan Chu Trinh. Thực ra thời gian đó dân trí nước ta đâu có cần khai làm gì. Dân trí lúc đó có thể coi như là hoàn hảo 100%. Tại sao lại như vậy ?. Đó là bất cứ một ai từ già đến trẻ đều hiểu rằng cần phải đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, không cần bất cứ ai, hội đoàn nào dạy cho họ cả. Lúc đó họ cần độc lập, dân trí về độc lập là 100%. Nhưng kể cả khi đó, khi dân trí hoàn hảo đó mà phải mất đến cả 100 năm mới giành lại được độc lập. Vậy, tại sao lâu như vậy ?. Dân trí quá hoàn hảo rồi cơ mà ?. Lịch sử loài người đã chứng minh rằng bất cứ một chế độ nào từ khi nó sinh ra là nó đã trì trệ nó đã thua dân trí của quần chúng ngay từ lúc đó. Do vậy lý do để thay đổi chế độ thời nào cũng có. Khả thi nhất là chế độ nó tự thay đổi, đừng quá thua cách xa so với dân trí của nhân dân thì sẽ tồn tại được lâu. Một điều nữa cần nhấn mạnh , đó là dân trí luôn đồng nghĩa với ước mơ, một người dân hay đại đa số mơ được tự do báo chí chăng? hay mơ một cái gì đó họ thiếu ...thì rõ ràng xã hội thực mà họ đang sống không là hình mẫu mà họ yêu thích. Dân trí bao giờ cũng đi trước một bước so với ý thức hệ xã hội mà nhà cầm quyền đang muốn áp đăt. Đơn giản nhất hãy hiểu là dân trí luôn phát triển theo đường đồ thị tuyến tính đi lên, đi trước như lịch sử loài người vốn đã thế, còn những luật lệ đi theo đường bậc thang bám sát. Lý do là muốn thay đổi luật thì cần thời gian trễ để biểu quyết, xác nhận, thi hành.

Đến thời điểm hiện nay, 2009. Chúng ta phải công nhận rằng dân trí của nhân dân cao hơn hẳn tính áp đặt của chế độ chính trị hiện hành. Từ thời Pháp thuộc và cả VNCH dân ta đã biết sống với tự do báo chí, tự do tôn giáo. Có thể nói 100% nhân dân ta ghét tham nhũng, có thể nói họ biết rõ ràng rằng chỉ có đảng viên cộng sản mới có khả năng tham nhũng. Phần khác, 100% nhân dân ta biết rõ ràng rằng bầu cử chỉ là trò hề, là việc đảng cộng sản mỵ dân. Rồi hàng loạt những việc khác đang vỡ lở ra như làm mất đất, biển , đảo.... Nhân dân 100% không chấp nhận quản lý đất đai theo kiểu "đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" đã có nhiều nơi gây bạo động nhằm phản đối việc trưng thu, cướp đất . Vậy, nếu tất cả những sự việc xấu xa xảy ra ngay giữa ban ngày như vậy, ngay trước mắt người dân như vậy và người dân đều căm ghét nhưng sao họ vẫn chưa thể làm gì . Liệu có cần nâng cao dân trí cho nhân dân nữa hay không ?. Và khi dân trí "đủ" thêm nữa thì lúc đó có phải là thời cơ chuyển hoá của chế độ?. Hoàn toàn không phải như vậy.

Cả trăm năm Pháp thuộc dân ta mới giành lại được độc lập. Không phải vì thiếu dân trí mới lâu như vậy, mà vì thiếu tính tổ chức và thiếu cả thời cơ. Hiện nay dân trí nước ta cao hơn cả sự áp đặt của chế độ, giống như sự phát triển của cơ thể cường tráng mà lại đang mặc một chiếc áo chật. Ý thức về việc thay đổi một chế độ tốt hơn, cạnh tranh chính trị, ít tham nhũng, tự do, hùng mạnh hơn...đã nằm sẵn trong máu của mỗi con người. Vấn đề còn lại chỉ là tính tổ chức, chiến thuật, chiến lược để đạt mục đích đề ra mà thôi. Vấn đề thời cơ cho việc chuyển hoá trong gian đoạn này đã đầy đủ. Sự sụp đổ dây chuyền các chế độ cộng sản nhiều năm trước, sự gia nhập với thế giới văn minh, các sức ép quốc tế về dân chủ, nhân quyền....Nói chung lại, vấn đề tổ chức thực hiện, chiến thuật, chiến lược là điều mấu chốt của phong trào dân chủ hiện nay. Không thực hiện vấn đề này thì hàng trăm năm nữa vẫn không thể giải thể được độc tài cộng sản. Phong trào dân chủ phải thông qua những việc làm thực tế, sát sạt cuộc sống hàng ngày của đại đa số nhân dân để nhân dân biết rằng có một phong trào như vậy đang tồn tại và càng ngày càng phát triển, chứng tỏ sức mạnh của phong trào, chứng tỏ sự ưu việt cũng như kỷ luật. Phải làm sao nhân dân nể sợ và giúp đỡ phong trào. Sự tự nguyện dựa vào trái tim của phần đông dân chúng chỉ có thể xảy ra khi mà họ chắc chắc thấy rằng đi theo phong trào là thắng lợi ngay trong tầm mắt. Còn ai đó muốn nói rằng công an sẽ theo dân chủ thì hãy nhớ là họ chỉ theo khi thắng lợi dân chủ là tính bằng ngày, bằng giờ. Còn vấn đề trước mắt không thể làm cách nào để họ tham gia nhiều cho được. Họ cũng hiểu biết quá rồi, không cần nâng cao dân trí nữa. Vấn đề ở đây là sự dấn thân. Khi cách mạng tháng tám giành độc lập khỏi ách đế quôc thực dân Pháp, Nhật lực lượng cộng sản chỉ có chưa đến 5000 đảng viên , nếu so sánh với con số công chức lúc đó hay rộng hơn là bộ máy chính quyền ...thì rõ ràng không cân sức. Tính tổ chức kỷ luật, vận dụng thời cơ đã đưa đến thành công trước kẻ địch mạnh hơn cả ngàn lần. Đầu năm 2008 tôi đã viết bài thế trận dân chủ và tiên đoán rằng cộng sản sẽ phải ngồi lại với phong trào dân chủ, sự thật đã được chứng minh rằng một số chủ tịch đảng và lãnh đạo các tập hợp, lãnh đạo báo chí...đã được các viên chức cấp cao chế độ độc tài cộng sản gặp và mời về Việt nam. Đó mới chỉ là bước đầu, chưa là thành công, cũng chưa là làm độc tài chùn bước. Cũng có nhiều nguồn tin nói rằng cộng sản sẽ chấp nhận cả trăm ghế quốc hội cho các yếu nhân ngoài đảng cộng sản. Nhưng như vậy có phải là dân chủ hay là chia chác quyền lợi mà phần thượng phong vẫn là số đông cộng sản?. Cuộc cách mạng dân chủ sẽ phải khác hẳn. Chúng ta đã có trong tay cái gì để mặc cả với chế độ độc tài, để được chúng nể phục ngoài sự xác tín sẽ thành công mà tương lai xa hay gần vẫn chưa ấn định.

Nếu chỉ cố gắng viết bài để nâng cao dân trí thì dễ trăm năm nữa cũng không lay chuyển được độc tài. Những người đấu tranh trẻ tuổi nếu chỉ viết bài thì hãy tưởng tượng xem, đến năm 70 tuổi họ sẽ là ai ?. Lúc đó lại chỉ dấm dúi cho nhau xem những bài viết của mình và ngồi mong tự vỡ. Nâng cao dân trí sợ theo đuôi cộng sản nêu giờ lại có trường phái nảy sinh theo cụ Phan Chu Trinh, đó hoàn toàn là nguỵ biện. Hãy để tư tưởng đó của cụ yên nghỉ, có khêu dậy cũng không thể thắng lần này trước sự thật là đối mặt với độc tài , phát xít cộng sản. Hãy làm tuyên truyền đưa tương lai tươi sáng đến cho độc giả nhưng cũng phải hành động thì đó mới là tri hành hợp nhất, nhiệm vụ này đặt nặng trên vai của bất cứ một chiến sỹ dân chủ nào. Có những người tự cho là dân chủ nhưng chỉ đưa lên những thân phận ngang trái, bị trù dập, đưa lên những điểm nóng đâu đó để đồng bào hải ngoại biết, để phản đối và để giúp đỡ. Họ lờ đi việc chính là phải tạo ra được các điểm nóng đó chứ không phải đến quay phim chụp ảnh tự phát, và quan trọng hơn là mỗi điểm tự phát đó phải giành giật được các nhân tố tích cực để đưa vào hàng ngũ trước khi an ninh cộng sản bắt đi tù hay mua chuộc, vô hiệu hoá. Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay đến 80% là đấu tranh theo kiểu báo chí, đưa tin nóng để khai dụng hình thức tố cáo những cái xấu xa của chế độ cho thế giới biết, mà thế giới đã biết bản chất của các chế độ độc tài cộng sản là tội ác của nhân loại từ rất lâu rồi. Những việc làm để gây tiếng vang tốt trong quần chúng nhân dân của phong trào rất ít và chưa được cả phong trào coi như là bốn phận phải làm. Đâu đó vẫn còn tiếng nói là "khiêu khích công an", "tạo cớ đàn áp"....Như chúng ta đã biết là dưới chế độ độc tài cộng sản thì bất cứ một tiếng nói không đi theo khuôn khổ của chế độ là đã bị ghi sổ đen và trấn áp và vì vậy không thể nói hành động nào là tạo cớ hay hành động nào không tạo cớ. Không thể coi đấu tranh trong khuôn khổ pháp luật là đúng đắn mà phải coi đấu tranh tiến bộ là đúng đắn, kể cả việc đấu tranh nhằm thay đổi pháp luật, chẳng khác gì đấu tranh ngoài vòng pháp luật. Công an là tấm khiên và lá chắn là công cụ cho đảng cộng sản độc tài do vậy bất cứ một hành động gì tiến bộ, khác hơn ý chí của đảng cộng sản cũng đều là khiêu khích chế độ và công cụ chế độ sẽ lập tức ra tay. Những chiến sỹ đấu tranh dân chủ hãy tưởng tượng một chút, giống như mình đánh đổi những năm tù lấy việc làm hiệu quả cho đất nước, cùng năm tù giống nhau nhưng làm được nhiều việc thì lúc nào cũng hơn hẳn và tất nhiên làm nhiều mà ít hay không đi tù thì cũng phải được công nhận. Tất nhiên một phần đấu tranh của phong trào dân chủ là phải chống gián điệp và chống khủng bố. Chẳng một ai chấp nhận trong nội các dân chủ tương lai lại có vô vàn nhân viên tình báo của các quốc gia khác, và chẳng ai muốn tài trợ cho khủng bố để đấu tranh dân chủ. Nếu quá đáng lắm thì có thể có một vài nơi nào đó, một số đông nào đó gây bạo loạn như những sự việc chống thu hồi đất thì ta cũng nên hiểu đó không phải là khủng bố mà là giành lại quyền chính đáng của nhân dân trước sự đàn áp của chế độ. Có thể đến một lúc nào đó những chiến khu hay "phiến quân" mọc lên nhan nhản thì trách nhiệm thuộc về độc tài. Độc tài đã đẩy nhân dân đến mức không thể sống chung dưới một gầm trời. Việc chủ động "đánh du kích" gây bất ngờ, tạo tiếng vang tuyên truyền và xác nhận sự tồn tại trong xã hội thực tế (không phải mạng Internet) của một số các chiến sỹ dân chủ vẫn chưa được tôn trọng, đề cao đúng mức, những vấn đề "ám ảnh" viên chức tàn ác, ác ôn vẫn chưa được đề cao, việc thực thi 198 điều trong đấu tranh bất bạo động vẫn chưa quá được mấy điều, tính bí mật vẫn không được đề cao. Vấn đề tài chính cho phong trào thì mang nặng hình thức lấy tin, mặt nổi chứ chưa đi vào chiều sâu. Nhiều khi tài chính được đưa ra đua để giành một vài nhân tố mới ló ra công khai, việc này đe doạ tính kỷ luật của từng tổ chức dẫn đến tình trạng ai trả giá cao thì theo, tổ chức như một cái chợ, thích vào thì vào, thích ra thì ra. Tình trạng năm cha ba mẹ vẫn diễn ra và đặc biệt nguy hiểm là kể cả trong và ngoài nước an ninh cộng sản vẫn đang thao túng dược nhiều vấn đề. Nhận diện bạn thù bị coi thường. Có những ban biên tập một tờ báo nào đó đến hơn nửa là nằm vùng. Rồi những bí mật của các đảng phái cứ bị lộ hết và bị chặn, hay bắt người thực hiện ngay khi họ chưa kịp làm gì. Lực lượng dân chủ ít nhưng tai hại là khi có ai đó đến với phong trào thì rất thiếu thốn địa điểm đào tạo, thiếu kinh phí tồn tại và y như rằng an ninh cộng sản đã dễ dàng phá vỡ nhanh được những mối liên kết mới sơ khai của người mới với phong trào và như vậy làm cho số lượng không có tính bùng phát. Bây giờ đâu có một nơi kiểu như "An toàn khu" để truyền đạt kinh nghiệm cho những người mới mà không bị gây khó khăn, đàn áp?.

Vấn đề còn lại của phong trào là chuyên nghiệp hoá tổ chức, kỷ luật, tính bí mật và kinh phí. Tổ chức cũng đã có, nếu là người mới tham gia phong trào, bạn hãy chọn một trong số các tổ chức có uy tín và thực lực để tham gia, đừng nên tạo lập một tổ chức mới. Hãy biết đứng trên vai người khổng lồ và học tập kinh nghiệm những người đi trước. Tính bí mật chính là "an toàn khu" ngay trong lòng chế độ độc tài. Nếu hành động bí mật được thì sẽ làm được rất nhiều việc và không gây hoang mang nghi ngại cho những người khác là bị bắt bớ liên tục, triền miên và cũng gây cho những kẻ ác ôn biết chùn tay, răn đe để chúng biết chúng gieo gió thì sẽ gặt bão. Nếu kinh phí đi vào chiều sâu, đúng người đúng việc thì sẽ mang lại sức mạnh cho phong trào qua những việc làm thiết thực hơn nữa của những chiến sĩ đấu tranh và đến một lúc nào đó kinh phí sẽ được đến 90% là do đóng góp ngay trong nước. Mong quý vị phản biện và góp ý.

Hà nội, 23/2/2009.
Nguyễn Phương Anh.

No326: Biển Đông: có gì phải sợ?

Trong các tranh chấp về lãnh hải Biển Đông, chắc chắn rằng Việt Nam có nhiều bạn hơn là địch, có nhiều nước láng giềng cùng chia sẻ nỗi lo bị lấn đất, lấn biển hơn là số lượng các nước hung hiểm đối với Việt Nam. Và đây là vốn liếng để chúng ta có thể nương tựa, ngoài việc chuẩn bị cho sức mình là chính.

Trước tiên là Phi Luật Tân. Bất kể rằng Việt Nam và Phi Luật Tân có tranh chấp cùng một số hải đảo, nhưng các diễn biến cho thấy Manila luôn luôn ngó về Bắc Kinh trong các động thái liên hệ tới Biển Đông, hơn là dòm qua Hà Nội. Phần chính là vì Trung Quốc là quốc gia đã từng sử dụng hải quân với hoả lực mạnh để giao chiến với hải quân Phi Luật Tân. Các viên chức Phi tuy bày tỏ lòng hữu hảo với Hoa Lục, nhưng trong lòng vẫn giữ quyết tâm giữ đảo, giữ đất.

Báo Inquire.net hôm 22-2-2009 đã có bản tin nêu bật lên lời của Thượng Nghị Sĩ Phi Rodolfo Biazon, “Đừng sợ Trung Quốc về chuyện Trường Sa”. Chúng ta cần thấy rằng gần 700 tờ báo Việt Nam chưa bao giờ dám đăng một bản tin có cái nhan đề như thế, và cũng chưa từng có một cán bộ lãnh đạo CSVN nào dám nói minh bạch như thế.

Bản tin viết rằng:

“TNS Biazon đã yêu cầu chính phủ Phi gạt qua một bên các phản đối từ Trung Quốc đối với một dự luật vẽ ra các đường cơ sở của Phi Luật Tân, trong đó bao gồm các phần của đaỏ Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Biazon nói các nước khác đang tranh chấp ở vùng đảo này cũng đã lên tiếng phản đối dự luật đường cơ sở của Phi rồi, mà ông đã góp sức giúp soạn dự luật này.

Ông nói, ‘Mặc kệ người Trung Quốc, TQ không phải là nước duy nhất tranh chủ quyền Trường Sa. Các nước khác -- Brunei, Mã Lai, Việt Nam, Đài Loan - cũng nổi giận với dự luật của chúng ta.” Niazon nói với báo Philippine Daily Inquirer hôm Thứ Bảy, trong buổi họp mặt cựu sinh viên SQ Học Viện Quân Sự Phi Luật Tân.”

Ông nói, ‘Họ không thể làm gì được hết. Chuyện duy nhất họ có thể làm là lên LHQ và nộp đơn khiếu kiện’...”

Không phải là TNS Biazon nổi hứng mà lên đồng! Thực ra, Phi cũng đã từng giao chiến với hải quân Trung Quốc mấy phen. Nghĩa là, Bắc Kinh lúc nào cũng sẵn sàng dùng bạo lực. Khi thấy không giành được, mới chịu nhả ra.

Báo Nhật Bản The Japan Times hôm 24-2-2009 đã đăng bài viết nhan đề “Unbalanced bargaining game with China” (Trò chơi trả giá mất quân bình với Trung Quốc), của tác giả Du Tran, một tham vấn của tổ chức ERS Group (ersgroup.com), cho biết:

“Trung Quốc, quốc gia mạnh nhất khu vực, đã thực hiện một chính sách tương đối hung hăng đối với các nứơc tranh chấp [Biển Đông]. Năm 1947, TQ tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh hải chiếm hơn 75% Biển Đông. Năm 1992, Quốc Hội CSTQ ra bản văn tuyên bố các đường cơ sở này, mà, theo lời của cơ quan US Institute of Peace, chống kình với các diễn dịch công ước quốc tế.

Để thực hiện tranh chủ quyền, TQ đã dùng quân sự giao chiến -- chạm súng với Việt Nam năm 1974 và 1988, và giao chiến với Phi Luật Tân năm 1996 và 1997”.

Như thế, hai lần hải quân TQ tấn công đảo VN, và hai lần tấn công đảo Phi Luật Tân. Chắc chắn, chúng ta có một đồng minh tin cậy là Phi Luật Tân. Và qua lời của Thượng Nghị Sĩ Biazon, chúng ta an tâm vì lời tuyên bố “Không có gì phải sợ TQ cả!”.

Tuy nhiên, thực tế là ai cũng cần có hoà bình mới khai thác kinh tế được. Trung Quốc cũng như thế, vì nếu cứ đưa hải quân ra gây sự, sẽ không có công ty quốc tế nào dám vào vùng biển Trường Sa mà thăm dò dầu khí.

Một điều chúng ta cũng an tâm nữa, rằng các nước có vùng biển gần đó đều là đồng minh khả tín. Cụ thể như Indonesia và Nhật Bản. Và chính Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại, đã chịu đựng rất nhiều bực bội với các chính phủ đầy tham nhũng, thí dụ như chính phủ Hà Nội, để làm bạn cho êm thắm Biển Đông.

Đó là điều thấy rõ trong vụ hối lộ, ăn chận tiền dự án ODA mà chính phủ Nhật đã nhiều tháng chất vấn CSVN. Trong khi nhà nước CSVN chưa giảỉ quyết xong vụ án, và đã tìm cách làm nhẹ tội ông Huỳnh Ngọc Sĩ, thì chỉ cần vài lời vuốt ve từ Hà Nội, Nhật Bản đã nối lại tiền viện trợ ODA.

Bản tin từ thông tấn nhà nước VOV cho biết là “Nhật Bản đã chính thức nối lại ODA cho Việt Nam”.

Theo bản tin của Đài VOV từ Hà Nội ngày 23-2-2009:

“Chính phủ Nhật Bản cam kết nối lại viện trợ cho Việt Nam thông qua việc ký công hàm trao đổi viện trợ phát triển (ODA) cho 4 dự án cơ sở hạ tầng trong năm tài khóa 2008”.

Bản tin VOV nói rằng vào chiều ngày 23/2,

“tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone và Thủ tướng Taro Aso. Phía Nhật Bản đã chính thức công bố nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam...”

Cũng cần nhắc rằng, nhân vật ra mặt để nhận tiền hối lộ từ phía đối tác Nhật Bản làm dự án ODA là ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị bắt giam, chờ ra toà nhưng tội danh đã bị hạ giảm từ hối lộ sang tội “lợi dụng chức quyền”. Người ta tin rằng ông Sĩ được che chở, vì tiền hối lộ mấy triệu đô la tất phải chia cho cán bộ cao hơn, và giảm tội danh chỉ là để tránh án tử hình. Có phải Nhật Bản cần làm thân với Hà Nội để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh vùng Đông Nam Á?

Thực tế, hẳn là như thế. Bởi vì nếu chúng ta ở cương vị Nhật Bản, cũng sẽ thấy rằng nếu cứng rắn với CSVN, thì Hà Nội lại nghiêng thêm về hướng CSTQ, thế lại càng rách việc.

Tình hình cần làm cho êm thắm với CSVN lại khẩn cấp hơn, bởi vì Trung Quôc vẫn nuôi dưỡng một đàn em kiểu Chí Phèo ở Bắc Hàn. Các bản tin hôm Thứ Hai cho biết Bắc Hàn đã tăng cường khả năng chiến tranh qua việc bố trí các loại phi đạn mới và gia tăng quân số.

Bản tin VOA viết:

“Trong bạch thư quốc phòng công bố mỗi hai năm một lần, Nam Triều Tiên nói rằng loại phi đạn đạn đạo tầm trung mới của Bắc Triều Tiên có tầm bắn hơn 3,000 kilomét, và có thể bắn tới đảo Guam, mỏm phía bắc của Australia, và nhiều phần đất ở Nga và Ấn Độ.

Phúc trình này không cho biết những chi tiết khác của loại phi đạn mới này và bao nhiêu phi đạn đã được bố trí.

Ông Shin Won Sik, một giới chức cao cấp của Bộ quốc phòng Nam Triều Tiên cho báo chí biết rằng quân số của Bắc Triều Tiên đã tăng tới mức 1 triệu 190,000 người, tăng 20,000 so với năm 2006, trong khi số lính của lực lượng đặc biệt được huấn luyện để nhanh chóng tấn công miền nam đã tăng 50% và lên tới mức 180,000 người”.

Như thế, nếu Nhật Bản không nương nhẹ với chính phủ CSVN đầy tham nhũng, thì sẽ bận rộn thêm với tay Chí Phèo hung hiểm mà Bắc Kinh vẫn giựt dây không rời. Thực tế, không chỉ với Việt Nam, mà Nhật Bản vẫn rải tiền ra để tìm các đồng minh vùng Biển Đông.

Báo The Jakarta Post hôm 23-2-2009 viết rằng: hôm Thứ Bảy, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp hỗ trợ tài chánh trị giá 1.5 tỉ Mỹ Kim để bảo đảm cho Indonesia thực hiện một quỹ công khố phiếu dựa vào tiền yen, do ngân hàng Nhật bảo trợ, có tên là samurai bond. Lý do, chính phủ Indonesia muốn bán trái phiếu này để thu hút từ giới đầu tư Nhật Bản...

Như thế, đồng minh ở Biển Đông của Việt Nam trong các tranh chấp lãnh hải chắc chắn là nhiều. Và không có gì mà phải lo sợ quá lắm. Hãy để báo chí quốc nội tự do viết như lời của TNS Phi Biazon, rằng “Không có gì phải sợ Trung Quốc”! Mà tại sao lại cấm báo chí Việt Nam lên tiếng?