วันศุกร์ที่ 30 มกราคม พ.ศ. 2552
No277: Có dấu hiệu “nước đang tràn ly”
(NV) - Bất chấp những răn đe từ Bộ Thông Tin và Truyền Thông, dù lẻ loi nhưng giai phẩm Xuân của một tờ báo có manchette là “Du Lịch”, với cơ quan chủ quản là Tổng Cục Du Lịch, thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch CSVN, vẫn lên tiếng ca ngợi những thanh niên, sinh viên từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa là bất khả xâm phạm.
Giai phẩm Xuân của tờ Du Lịch được phát hành trước Tết Nguyên Ðán, với số lượng khoảng 10,000 bản đang gây xôn xao trong giới trí thức và sinh viên, học sinh bởi đây là lần đầu tiên, một trong khoảng 700 cơ quan truyền thông trực thuộc chính quyền CSVN, chính thức lên tiếng kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và cảnh báo về họa ngoại xâm, thậm chí công khai khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, diễn ra từ cuối tháng 12 năm 2007 cho đến nay và luôn bị chính quyền CSVN tìm đủ cách để ngăn chặn, đàn áp.
Ðây cũng là ấn bản đầu tiên do một cơ quan truyền thông “chính thống” thực hiện, dám “xé toạc hàng rào” mà Ðảng và chính quyền CSVN đã dựng lên từ trước đến nay. Với hàng rào này, các cơ quan truyền thông trực thuộc chính quyền CSVN bị cấm đề cập đến tương quan giữa quan hệ Việt-Trung với chủ quyền lãnh thổ, có nội dung nằm ngoài sự chỉ đạo của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương Ðảng và Bộ Thông Tin-Truyền Thông. Cũng vì vậy, ấn bản này đang được nhiều người săn tìm để photocopy.
Ấn bản đang thu hút sự chú ý lớn từ công chúng có sự góp mặt của khá nhiều tác giả vốn bị chính quyền CSVN xếp vào loại “có vấn đề về nhận thức chính trị” hoặc “không đáng tin cậy” như: Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A,...
Ðáng chú ý là trong bài “Tản mạn cho đảo xa” đăng trên hai trang 12 và 13, một tác giả tên Trung Bảo viết: “...Những ngày cuối năm 2007 đầu năm 2008, lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước, thanh niên Việt Nam đã xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước khi Trung Quốc công khai bày tỏ dã tâm với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ca ngợi công khai... nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt thành với đất nước của thanh niên, trí thức sẽ không bao giờ thay đổi...” Cũng tác giả này khẳng định: “Ngày 9.12.2007 có lẽ sẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẫn vào những người đã tạo dựng nên ngày lịch sử...” Tác giả Trung Bảo còn lên tiếng chỉ trích những kẻ đã ngăn cản, đàn áp thanh niên, sinh viên biểu tình chống ngoại xâm.
Những ý kiến vừa kể thật ra không mới nhưng những ý kiến này trở thành đặc biệt ở chỗ, chúng chưa bao giờ xuất hiện trên hệ thống truyền thông trực thuộc chính quyền CSVN. Theo dư luận, “Trung Bảo” là bút danh của một viên chức đang làm việc tại Mặt Trận Tổ Quốc của thành phố Sài Gòn.
Giai phẩm Xuân Du lịch còn nhiều bài viết khác nhấn mạnh, Ải Nam Quan và nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải khác là phần không thể tách rời khỏi chủ quyền của Việt Nam. Nhóm chủ biên đã đưa cả bài “Hận Nam Quan” vào giai phẩm. Những người theo dõi sát thời cuộc ở Việt Nam tin rằng, việc chọn đăng “Hận Nam Quan” nhằm phê phán tuyên bố của Vũ Dũng, thứ trưởng Ngoại Giao CSVN trên báo điện tử VietNamNet vào ngày 2 tháng 1 năm 2009. Bất chấp lịch sử dân tộc và vô số chứng cứ khác, trong tuyên bố đó, Vũ Dũng trâng tráo bảo rằng: “Theo lịch sử, thác Bản Giốc, ải Nam Quan đã là của Trung Quốc từ đời nhà Minh, nhà Thanh”.
Các nguồn thạo tin cho biết, do nội dung tờ Du Lịch vốn chỉ thiên về du lịch nên Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương của Ðảng CSVN, Bộ Thông Tin Truyền Thông và lực lượng an ninh của công an CSVN đã “mất cảnh giác”. Ðây là lý do giúp giai phẩm Xuân Du Lịch “lọt lưới”. Tuy nhiên, sau đó, các cơ quan này quyết định “án binh bất động”, chỉ “lặng lẽ thu hồi” để tránh làm dư luận xôn xao và tránh những phản ứng bất lợi có thể xảy ra ngay trong dịp Tết.
Vẫn theo các nguồn thạo tin, sắp tới, Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương của Ðảng CSVN, Bộ Thông Tin Truyền Thông và lực lượng an ninh của công an CSVN sẽ “xử lý sai phạm nghiêm trọng này rất nghiêm khắc”.
Trong khung xuất bản của giai phẩm Xuân Du Lịch, người ta đọc thấy tên người phụ trách xuất bản là phó tổng biên tập Nguyễn Trung Dân và tổng thư ký Trần Văn Tiến.
Từ cuối năm ngoái đến nay, áp lực càng ngày càng lớn từ dư luận trong và ngoài nước, kể cả trong cán bộ, đảng viên CSVN về sự bạc nhược, đốn mạt khi ứng xử với Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Ðảng và chính quyền CSVN hết sức lo ngại. Các viên chức cao cấp đã đưa ra nhiều tuyên bố, nhằm phân bua họ không “mãi quốc cầu vinh”. Sự xuất hiện một ấn bản có nội dung như giai phẩm Xuân Du Lịch cho thấy nước đang tràn ly, kể cả trong báo giới, vốn vẫn quen cúi đầu khuất phục. (G.Ð)
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น