วันศุกร์ที่ 2 มกราคม พ.ศ. 2552

No218: Một số vấn đề biên giới Việt - Trung cuối năm 2008

1/ Vài nhật xét về buổi lễ cắm mốc số 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị ngày 22 tháng 12 năm 2008.

Ngày 22 tháng 12 vừa qua cột mốc mang số 1116 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Nam Quan) được cắm. Buổi lễ cắm mốc diễn ra long trọng, có mặt của đại diện bộ Ngoại Giao hai nước Việt – Trung. Phía Việt Nam do ông Vũ Dũng, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao làm trưởng đoàn. Báo chí trong nước đăng tải rầm rộ với tít lớn nơi trang nhất: Hoàn thành phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2008: Việt - Trung đã xác định đường biên giới rõ ràng.

Nhân dịp này ông Vũ Dũng cho biết :

- Việc cắm cột mốc số 1116 đã đánh dấu công tác phân giới và cắm mốc (PG&CM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đang tiến tới đích cuối cùng, hoàn thành công tác này trên thực địa trong năm 2008, đúng như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Đây là cầu nối hết sức quan trọng trong giao thương, phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và Trung Quốc với cộng đồng ASEAN nói chung. Việc hoàn thành phân giới và cắm mốc tại cửa khẩu Hữu Nghị sẽ tạo điều kiện cho hai bên hoàn thành việc đấu nối 2 tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Bằng Tường và Lạng Sơn - Hà Nội trong thời gian tới.

Một câu hỏi liên quan thời điểm kết thúc công tác cắm mốc được Ông Dũng trả lời :

Hiện nay, 6/7 tỉnh của Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn đã hoàn thành công tác PG&CM trên thực địa; tỉnh Cao Bằng còn một số vị trí mốc chưa cắm. Hai bên đang khẩn trương hoàn thành việc xác định và cắm các mốc còn lại trong tháng 12 này.

Công việc phân giới vẫn chưa hoàn tất nhưng báo chí loan tin rầm rộ với cái tít thật lớn “Hoàn thành phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam”, việc này không hề đúng với thực tế. Buổi lễ được tổ chức long trọng nhưng rất gượng ép, không khác một đám cưới chạy tang. Nó cũng trở thành buổi lễ khánh thành việc : “nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội”.

Người ta có cảm tưởng nhà nước CSVN treo đầu heo bán thịt chó, công tác rao bán được giao cho tập đoàn báo chí !

Nhưng mỉa mai là tuyến đường này cũng chưa làm xong. Thịt chó vì vậy cũng là chó vẽ.

Nhiều người đã nói việc mở các tuyến đường (xe lửa và đường bộ) Nam Ninh – Lạng Sơn - Hà Nội và Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng là chỉ làm lợi cho phía Trung Quốc. Kết luận này không phải không có căn cứ. Thời Pháp thuộc, nhà nước thực dân đã xây dựng đường xe lửa từ Hải Phòng đi Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) do ý kiến của ông Paul Doumer (Toàn Quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902). Công trình này hao tốn rất nhiều cho ngân sách nhưng đã không tạo ra lợi lộc mà chỉ tạo sự phồn thịnh cho Hồng Kông.

Nhiều người khác cũng nói việc mở đường chỉ tạo sự dễ dàng cho TQ đem quân sang xâm lăng VN. Điều này có thể đúng, nhưng việc không sai là các tuyến đường này sẽ mở cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam. Các tuyến đường chưa mở mà kinh tế VN đã điêu đứng. Mở ra thì chưa biết sẽ còn thê thảm ra sao ?

Điểm quan trọng khác, trên quan điểm “địa lý chính trị”, có 3 yếu tố cấu thành “tương quan lực lượng” giữa hai bên, gồm có : con người, tiền bạc và văn hóa. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là yếu tố con gười. Cả ba yếu tố này TQ đều vượt trội VN. Về tiền bạc và văn hóa TQ đã thống trị VN. VN ngày nay còn giữ được độc lập phần nào là do yếu tố con người. Văn hóa (và con người) Tây Tạng, Mông Cổ… đã bị tộc Hán đồng hóa hầu như hoàn toàn. Hiện nay hầu hết các nước Đông Nam Á, không mặt này thì mặt khác, đã bị Hán hóa. Tân Gia Ba là một tiểu quốc của người Tàu. Kinh tế các nước trong khối ASEAN hầu hết đều do người Hoa nắm giữ. Một trong những mục tiêu chiến lược của TQ, đã được tiết lộ từ đầu thiên kỷ, là trong một vài thập niên các nước ASEAN sẽ được lãnh đạo do các thành phần người gốc Hán. Điều này đã và đang xảy ra tại Thái Lan : ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng là người Thái gốc Hoa. Ông Abhisit Vejjajiva, thủ tướng mới cũng là người Thái gốc Hoa. Đặc biệt hai ông thủ tướng này nổi lên từ các cuộc bầu cử dân chủ tự do, trung thực nhất trong lịch sử nước Thái.

Việc mở đường Hà Nội – Lạng Sơn - Nam Ninh và Hải Phòng – Lào Cai - Côn Minh, cộng với chính trị “không cần visa” của nhà nước CSVN ưu đãi cho người TQ, cũng không bao lâu VN sẽ trở thành “một thành phần” của TQ. TQ sẽ chiếm lĩnh vùng Đông Nam Á không tốn một viên đạn ; bởi vì họ là bậc thầy trong việc “cài người”.

Trở lại vấn đề, cắm mốc chưa xong, tuyến đường chưa hoàn tất, nhưng buổi lễ vẫn long trọng cử hành. Để đánh dấu cho cái gì ?

VN luôn tạo cho người ta thấy tình trạng nóng vội của mình. Điều này cho thấy đảng CSVN đang cố gắng mọi cách làm hài lòng cho đàn anh Trung Quốc.

Xem ra bộ Ngoại Giao của nhà nước CSVN ngày càng “xuống cấp”. Đã chạm đáy của lố bịch hay chưa ? Báo chí cũng thế, đều là một tập đoàn lá cải, chỉ loan tin vịt, đánh lừa dư luận.

2/ Tình trạng phân giới khu vực Hữu Nghị Quan.

Một câu hỏi liên quan khu vực Hữu Nghị Quan được ông Dũng trả lời như sau:

- Do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản pháp lý về hoạch định và PG&CM giữa Pháp và nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng, đặc biệt tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại khu vực này.

Chính vì vậy, tại khu vực này đã xảy ra tranh chấp rất phức tạp và kéo dài. Hiệp ước 1999 đã xác định đường biên giới đi qua Km0, qua mốc 19 cũ do Pháp và nhà Thanh cắm và qua điểm nằm cách điểm nối ray 148m về phía Bắc. Ông Dũng đã cho biết đường biên giới khu vực Hữu Nghị quan đi qua cột km zéro, qua mốc 19 cũ và qua điểm cách điểm nối đường ray xe lửa 148m về phía Bắc.

Hình 1
Cột kilo mét zéro không phải là mốc biên giới. Mốc biên giới cũ mang số 18, cách cổng Nam Quan 100m. Theo hình chụp dưới đây (nguồn phổ biến trên mạng internet) thì Hữu Nghị Quan là nhà hải quan của TQ, mái tròn, màu xanh, được xây cất mới sau này (Hình 1). Đây không phải là Nam Quan. Nhà này cách cổng Nam Quan về phía nam, ước lượng trong hình khoảng trên dưới 100 m. Nơi đây có thể là vị trí cột mốc số 18 cũ. Đường biên giới lý ra phải đi qua chỗ này. Cột ki lô mét zéro, do ông Phạm Văn Đồng dựng vào đầu thập niên 60, ở xa về phía nam, cách tòa nhà mái tròn của hải quan TQ ít nhất 300 mét. Đứng chụp hình từ cột km zéro (Hình 2) không thấy tòa nhà hải quan của TQ. Như thế đường biên giới tại đây lấn qua Việt Nam ít nhất 300m.

Hình 2.
Theo bản đồ khu vực 249C (khu vực Hữu Nghị Quan – Hình 3) đính kèm hiệp định 1999 sau đây thì đường biên giới đi qua cột mốc 19 nhưng sau đó đi về phía nam tạo thành một lỗ trũng, thay vì theo hướng đông đông - bắc như bản đồ SGI. Cột mốc 19, theo bản đồ của sở Địa Dư Đông Dương (SGI 1954, 1/100.000), vẽ theo công ước Pháp-Thanh, là nơi đường xe lửa đi qua – tức là điểm nối đường ray hai nước (Hình 4). Tại đây, theo ông Dũng, đường biên giới mới lấn về phía Việt Nam 148m.

Hình 3.
Như thế việc mất đất vùng Nam Quan là việc có thật. Có nơi lấn vào trên 300m, có nơi mất 148m… Ông Dũng đỗ thừa việc này do “hạn chế lịch sử”, là do các văn bản pháp lý về hoạch định và Phân Giới & Cắm Mốc giữa Pháp và nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng.

Hình 4.
Nhưng thực tế các văn bản này có “không rõ ràng” hay không ?

Cột mốc cắm tại Nam Quan, theo biên bản phân định số 4, ký ngày 7 tháng 4 năm 1886 :

”La Commission de Délimitation Franco-Chinoise a reconnu, le sept avril mil huit cent quatre –vingt - six, qu’à partir du point situé à cent mètres en avant de la Porte de Nam-Quan, sur la route de Nam-Quan à Ðồng-Ðăng, la frontière remonte à l’Ouest jusqu’au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint, suit à partir de ce fort le haut de la muraille rocheuse qui domine la route de Ðồng-Ðăng jusqu’au point marqué B sur le croquis. Ce point B se trouve à l’endroit où le sentier qui, se détachant de la route de Ðồng-Ðăng à Nam-Quan, conduit au village de Lung-Ngieu, coupe la muraille rocheuse. Elle suit ensuite ce même chemin jusqu’au la Porte du village de Lung-Ngieu. A partir de cette Porte elle reprend le haut des rochers qui contournent le cirque du village de Lung-Ngieu pour arriver à un point marqué C. Du point C elle se dirige à l’Ouest jusqu’à la Porte de Kida…”

Tác giả tạm dịch và chú giải thêm như sau:

"Ủy ban Pháp - Trung Phân định Biên giới nhìn nhận, nhằm ngày Bẩy tháng Tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18 – tác giả), đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có cô sự đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới từ điểm này theo đường đỉnh cao của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (cột số 17 – tác giả). Ðiểm B là điểm mà con đường mòn - đường mòn này là một nhánh rẽ của con đường Ðồng Ðăng đi Nam Quan - dẫn đi đến làng Lung Ngieu (Lũng Ngọ 隴午, còn viết là Lộng 弄 – tác giả) cắt bức tường núi đá. Ðường biên giới theo con đường mòn cho đến cổng làng Lung Ngieu. Từ cổng, đường biên giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc quanh thung lũng làng Lung Ngieu để đi đến điểm C (cột số 16 – tác giả). Từ điểm C đường biên giới đi về hướng Tây cho đến cửa Ki Da (trên bản đồ ghi Khua-Da, có lẽ là Cửa Du, tức ải Du)…”

Xem thêm tại : http://www.talawas.de/ ngày 21 tháng 10 năm 2008.

Biên bản cắm mốc, đoạn từ Chí Mã đến Nam Quan. Dòng cuối: "à 100m en avant de la porte de Nam Quan sur le chemin de Dong Dang”. Biên bản ngày 19 tháng 6 năm 1894 xác định rõ rệt vị trí các cột mốc đã cắm vùng Quảng Tây.

Vị trí cột mốc 18 xác định đường biên giới tại Nam Quan mô tả như thế không thể rõ ràng hơn. Hướng đi của đường biên giới cũng được mô tả rõ rệt theo biên bản ở trên.

Việt Nam không chỉ mất 300m trước Nam Quan hay 148m tại điểm nối ray. Đối chiếu với bản đồ SGI và khu vực 249C đính kèm ta thấy Việt Nam bị mất thêm khu núi đá đối diện phía Bắc của Đồng Đăng. Trên khu núi đá này người Pháp ngày xưa có xây công sự, nay nó thuộc về TQ. Theo bản đồ SGI, đường biên giới cũ cách Đồng Đăng khoảng 1.800m theo đường chim bay. Hiện nay đường biên giới đi sát Đồng Đăng, không tới 100m. Từ trên núi người Tàu có thể quan sát mọi động tĩnh ở Đồng Đăng. Thời Pháp, Đồng Đăng được bảo vệ do các công sự trên núi đá về phía bắc. Ngày nay Đồng Đăng bỏ ngõ, TQ muốn “tiếp thu” lúc nào chẳng được ?

Việc mất đất khu vực Nam Quan không thể do “các văn bản pháp lý về hoạch định và PG&CM (phân giới và cắm mốc, tg) giữa Pháp và nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng” như ông Dũng đã nói. Các biên bản cắm mốc theo tinh thần công ước Pháp - Thanh 1887 và bộ bản đồ SGI thành lập hiện vẫn còn được tồn trữ tại trung tâm Văn Khố Hải Ngoại Pháp (CAOM) tại Aix-en - Provence (Pháp Quốc). Chứng cớ còn nguyên đó, ông Dũng không thể nói theo chỉ thị. Đây là việc mà lãnh đạo CSVN sẽ phải trả lời trước quốc dân và lịch sử.

3/ Vấn đề bãi Tục Lãm.

Theo một số tin tức thì Việt Nam đã nhượng bãi Tục Lãm cho TQ. Xem http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=21094 .

Bãi Tục Lãm ở đâu ? bãi này thuộc về ai ?

Theo tài liệu http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.chinhtri.quanhenhandan.42402.qdnd thì bãi Tục Lãm là khởi điểm của 3.200km chiều dài bờ biển Việt Nam từ bắc vào nam. Tài liệu này cũng nhắc nơi đây đã có tranh chấp gay gắt. Hồi ký của ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại Giao cũng có nhắc đến vụ tranh chấp ở Lục Lầm, Quảng Ninh.

Theo bản đồ Móng Cái http://www.mongcai.gov.vn/index.aspx...&page=1&id=159 Tục Lãm thuộc xã Hải Hòa, là phần đất giữa sông Ka Long và phụ lưu hữu ngạn của nó là sông Lục Lâm. Xã Hải Hòa được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Hải Xuân, có diện tích tự nhiên là: 3.891,52 ha. Phía Đông giáp phường Trà Cổ, phía Tây giáp phường Trần Phú, phía Nam giáp xã Hải Xuân, phía Bắc giáp Trung Quốc. Dân số: 8.452 người. Có 5 dân tộc gồm: Kinh, Mường, Tày, Sán Dìu, Hoa. Xã Hải Hòa có 13,5km chiều dài đường biên giới chung với Trung Quốc.

Trên bản đồ SGI 1/100.000 sau đây, vùng Tục Lãm tương ứng với địa danh Lục Lâm. Vì thế chiếu theo công ước 1887 vùng Tục Lãm (Lục Lâm) hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Vùng biên giới giữa tỉnh Hải Ninh (Quảng Ninh ngày nay) được xác định theo biên bản phân giới ngày 15-4-1890 và biên bản ngày 21-12-1893 của công ước 1887. Biên bản 15-4-1890 có xác định vị trí của 20 cột mốc biên giới (10 trên lãnh thổ VN và 10 trên lãnh thổ TQ) nhưng thực ra không hữu ích thực sự vì đường biên giới ở khu vực này là sông Ka Long. Đã được xác định là dòng sông thì các cột mốc không còn quan trọng. Điều ước đáng chú ý nhất của văn bản này có nguyên văn như sau:

”Conformément aux conventions admises par les deux Commissions dans la séance d’ouverture des travaux, le 1er Novembre 1889 - 9e jour de la 10e mois de la 15e année de Kouong-Siu, on prendra toujours pour frontière le chenal navigable, c’est à dire le plus profond de la rivière formant la limite des deux Etats.

Si, par suite de crues ou de baisses des eaux, le chenal navigable se déplace et si des bancs ou ilots nouveaux viennent se former, la frontière se trouvera reportée naturellement dans le nouveau chenal navigable et les bancs ou ilots de nouvelle formation appartiendront à la puissance du côté de la quelle ils se trouveront”.

Tác giả tạm dịch như sau :

”Chiếu theo các công ước đã được hai ủy ban công nhận trong phiên họp khai mạc công trình phân giới, ngày 1 tháng 12 năm 1889 nhằm ngày 8 tháng 10 năm Quang Tự thứ 15, người ta luôn chọn đường biên giới là đường nước tàu bè lưu thông, có nghĩa là phần sâu nhất của dòng sông, là đường giới hạn giữa hai nước.

Nếu sau này, vì ngập lụt hay vì cạn nước, đường tàu bè thông lưu thay chỗ, và nếu những dãi đất hay các cù lao được thành hình, đường biên giới sẽ đương nhiên dời qua đường tàu bè thông lưu mới và những dãi đất hay cù lao mới thành hình sẽ thuộc về nước mà phía bờ của nó ở đó”.

So sánh hai bản đồ SGI và Móng Cái đính kèm, ta thấy hai bản đồ phù hợp hầu hết mọi nơi, chỉ ngoài một điểm : cù lao không tên (khoanh màu xanh trên bản đồ Google) phía cực đông của sông Ka Long. Theo bản đồ SGI thì cù lao nay thuộc TQ. Theo bản đồ hành chánh Móng Cái thì cù lao này thuộc VN. Việc này giải thích ra sao ?

Xem bản đồ google vùng đông bắc Móng Cái : http://maps.google.com/maps?f=q&hl=e...=lmc:panoramio

Ta thấy trên bản đồ vệ tinh, nhánh sông biên giới phía nam cù lao đã không còn là dòng chảy chính. Dòng chảy chính là nhánh sông phía bắc của cù lao. Theo điều ước nói trên, phần viết đỏ, thì đường biên giới phải đổi sang dòng chảy chính, là dòng tàu bè lưu thông. Đường biên giới vì thế là nhánh sông phía bắc.

Điều đáng chú ý, trên bản đồ Google ta thấy phía bờ TQ có kè bờ theo hình xương cá lấn ra sông, nhằm mục tiêu thu hẹp dòng chảy chính để dòng sông biên giới đổi dòng về phía nam. Nhưng việc này không thành công vì thiên nhiên đứng về phía VN. Nhờ phù sa bồi đắp mà nhánh sông biên giới trước kia, tức nhánh phía nam, bị cạn dần, dòng chính trở thành nhánh phía bắc.

Như thế bản đồ hành chính Móng Cái của VN phù hợp với thực tế và tinh thần của điều ước của công ước 1887.

Vùng Lục Lâm (hay Tục Lãm, vùng khoanh màu đỏ trên bản đồ google), kể cả cù lao không tên (khoanh màu xanh trên bản đồ google), đều thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Theo trả lời phỏng vấn của ông Vũ Dũng thì vùng Hải Ninh đã hoàn tất việc phân giới, cắm mốc. Số phận của bãi Tục Lãm ra sao ? Đến lúc tác giả viết bài này thì số phận vùng đất này vẫn chưa ai biết. Hy vọng nhà nước CSVN không phạm sai lầm như đã phạm tại các khu vực Nam Quan, Bản Giốc, công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng v.v…

ไม่มีความคิดเห็น: