Năm hai ngàn không trăm... hồi đó, tôi về Việt Nam vì công việc cho hãng, “tranh thủ” thăm gia đình trong 4 tuần lễ. Tình cờ gặp lại người bạn học cũ, đang làm việc ở Vũng Tàu, rủ ra ngoài đó chơi… “một cái” cuối tuần.
“Cung kính bất như phụng mạng.” Chiều thứ sáu một mình một kiếm; ý quên xin lỗi nói lộn, một mình một cái trolley tới bến Bạch Đằng, lên tàu cánh ngầm (loại tàu có hai cánh ngắn bên sườn như hai tay con hải cẩu nằm chìm dưới nước, có lẽ dùng để giữ cân bằng cho tàu) ra Vũng Tàu. Lúc đó là tháng 11, trời trong xanh, nắng “cực đẹp”, không một gợn mây. Lên tàu, được phát cho chai nước suối và một khăn vải ướp lạnh đóng gói trong bao plastic kín, loại recycle đúng tiêu chuẩn vệ sinh (nhưng không bảo đảm vệ sinh, báo chí trong nước đã lên tiếng nhiều về qui trình recycle khăn vải ướp lạnh này).
Đạt Lang tui ngồi ngay hàng ghế đầu, thoải mái dựa người vào lưng ghế, theo dõi trên truyền hình một chương trình thi đố có trúng thưởng của VT4. Hơn một tiếng sau, tàu cặp bến, đã thấy thằng bạn đứng chờ trên bờ.
Buổi tối hôm đó, sau một chầu nhậu sương sương ở một quán nhậu cao cấp, có người đẹp (xấu, tùy người đối diện) ngồi tiếp rượu và gỡ thịt cua, bóc vỏ tôm...và đút vào miệng dùm, tôi và thằng bạn xách xe Honda chạy vòng vòng mấy con đường trong thị xã cho giã rượu. Vì uống hơi nhiều bia Tai – Gơ (Tiger), tôi mót đi tiểu quá mà không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng, nên đề nghị với tên bạn ghé vô một nhà hàng nào đó có toilette... đi tiểu, rồi ngồi uống tiếp. Bạn tôi cười như ngựa:
– Hihihí! Mày muốn đi đái thì tìm con đường nào tối tối rồi tè đại đi. Bày đặt cái “phong cách” văn minh, trưởng giả của...Việt kiều. Đi! Tao chở mày qua chỗ này tha hồ mà “vô tư”. Gì đâu mà đi đái cũng phải tìm cho được nhà vệ sinh là thế nào?
Chưa dứt lời, hắn đã quẹo qua một con đường nhỏ, không có đèn đường nhưng không quá tối nhờ ánh sáng hắt ra từ những căn nhà hai bên đường. Chạy chừng hơn trăm thước, bạn tôi nhanh chóng tắp vào một gốc cây khá lớn trên lề đường, quay lại nói với tôi:
– Đó! Ra sau gốc cây mà tưới cho nó xanh tươi. Cây này trồng từ dạo ủy ban nhăn răng thị xã phát động phong trào “Trồng cây nhớ Bác” đó nghe mày, nhờ những ông thần lưu linh như mày đêm đêm ghé qua chăm sóc nên cũng lớn bộn. Tôi hơi ngượng vì đã chữa dứt bệnh... “đái đường” sau hơn 20 năm sống ở nước ngoài, nhưng vì mót quá nên đành làm theo lời hắn, nhẩy xuống xe đi vào gốc cây.
Tiểu xong đi ra, bụng đã nhẹ, tôi mới thoải mái nhìn quanh và chợt nhận ra không phải chỉ có mình tôi vừa lủi vào gốc cây. Đây đó, rải rác trong bóng tối của con đường có nhiều người vừa làm cái việc giống mình.
Leo lên xe, thằng bạn vừa tống ga chạy di, vừa hỏi tôi:
– Mày biết con đường đó tên gì không?
Tôi ngạc nhiên hỏi ngược lại hắn:
– Không! Sao mày hỏi tao?
Bạn tôi cười cười:
– Tên đường đó là Baku (thủ đô của Azerbaijan). Nhưng tao gọi là đường Thiên cu. Ba cu khỉ gì, bao nhiêu người ra đó đái thì phải cả trăm, cả ngàn cu chứ ở đó mà ba.
Đường trăm cu ngàn bướm - Kiểu nào cũng có: quay nghiêng, quay lưng, đái đứng, đái ngồi
Nguồn: DCVOnline
Tôi bật cười vì câu nói của hắn nhưng đồng thời cũng có chút băn khoăn trong đầu với ý nghĩ “Con người hành xử văn minh nhờ vào những yếu tô nào, giáo dục, xã hội, môi trường, phương tiên, luật pháp...?
Cũng trong lần về Việt Nam đó, vì nghe đồn (láo) từ lúc còn ở bên Đức, Sài Gòn hiện có một tiệm phở rất ngon là Phở Pasteur, nằm cuối đường Pasteur, gần đường Nguyễn thị Minh Khai (Hiền Vương cũ), tôi nhờ một tên bạn học cũ (cũng bạn cũ, bạn mới tìm đâu ra?) chở đi ăn cho biết.
Phở Hòa Pasteur
Nguồn: his3site.com
Lúc chúng tôi đến là khoảng 7 giờ tối, tiệm khá đông, mọi người ngồi ăn xì xụp chẳng ai để ý đến ai. Người hầu bàn độ chừng 40 tuổi, nhanh nhẹn, tất bật, chỉ chúng tôi một chiếc bàn tuốt bên trong, gần quầy tính tiền, có mấy người vừa đứng lên chưa kịp dọn:
– Hai anh ngồi đó đi! Tôi tới dọn bàn ngay.
Chúng tôi len lõi đi qua chỗ thực khách đang ngồi ăn. Vừa ngồi xuống ghế đã thấy người hầu bàn (hầu bàn chứ không phải phục vụ) quay trở lại với một cái khay và chiếc khăn ẩm ướt không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm. Anh ta nhanh nhẹn xếp tất cả tô, muỗng, đũa lên cái khay rồi dùng chiếc khăn hất tất cả những gì còn lại trên bàn xuống dưới đất, đoạn lau mấy vòng vội vã cái bàn đầy nước và mỡ.
Bấy giờ tôi mới ngạc nhiên nhìn xuống chân mình và nhận ra khăn giấy, rau ngò, giá, vỏ chanh... đầy trên sàn nhà. Không để ý đến ánh mắt “thể hiện” sự tò mò, dò hỏi của tôi, anh thản nhiên nói:
– Chút nữa tôi quét luôn một thể anh ơi! Đông quá. Chờ dọn dẹp sạch sẽ thì khách người ta đi tiệm khác hết.
Tôi đưa mắt nhìn quanh, mọi người vẫn đang ăn uống ngon lành, chuyện hất rác xuống sàn, kể cả anh bạn tôi hầu như chẳng ai để ý. Tô phở tối hôm đó, dù đang đói và cố gắng lắm, tôi chỉ ăn được một nửa; có lẽ lại do thói quen trưởng giả... Việt kiều.
Trên đường về nhà, tôi hồi tưởng lại khoảng thời gian từ 1975 đến 1978, nhiều lần vào sáng thứ bẩy, mấy ông, bà tổ trưởng tổ dân phố hay đi kêu gọi mọi nhà cho người đi quét dọn đường phố thực hiện nếp sống văn minh mới, tôi đã lầm bầm chửi:
– Mẹ! Ăn còn không đủ mà bày đặt văn minh mới với văn minh cũ.
Văn minh mới là quét dọn đường phố, nhặt rác rến...vậy còn văn minh cũ là gì?
Mja! Cái này thì chịu... “biết... chết liền.”
Lẽ tất nhiên trong một xã hội văn minh, con người chắc chắn phải được giáo dục đầy đủ hơn về xử thế nơi công cộng, nhưng môi trường sinh hoạt chung quanh cũng ảnh hưởng không ít đến cách hành xử của con người.
Từ lúc chế độ cộng sản VN thay đổi chính sách, mở cửa giao dịch với phương Tây và áp dụng kinh tế thị trường theo định hướng... xã hội chủ nghĩa (tức là tùy sức ép của Mỹ, các nước tư bản và anh láng giềng khổng lồ tham và độc như thịt vịt Bắc Kinh) đây đó không còn những cảnh chen lấn, xếp hàng trước các cửa hàng (thiếu) lương thực, chất đốt (không cháy) bán than (ma) bùn, củi ướt... quốc doanh của nhà nước nữa. Cũng không còn chuyện người bán, xô đẩy, chửi nhau với khách hàng trong lúc... cân, đong, đo, đếm. Quả cũng là một bước tiến... “vĩ đại” của con người xã hội chủ nghiã qua tư bản chủ nghĩa. Việt Nam hiện có phát triển kinh tế hàng năm với tỉ lệ 7– 8% mà sao nếp sống văn minh mới được kêu gọi thực hiện ngày nào lại thụt lùi thế này. Tàn dư của Mỹ – Ngụy để lại chăng?
Từ nãy tới giờ chỉ nói chuyện văn minh của người Việt mình trong nước mà hổng nhắc chuyện ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ là một thiếu sót... “cực lớn” à nghen (lại cũng cực, nhưng chưa đến nỗi... cực khổ). Làm vậy là có đầu óc thiên vị, không “nhất quán”, mang tâm lý nể Mỹ, phục Mỹ rồi... sợ Mỹ. Nhưng họ Thạch tui hổng sống ở Mỹ nên xin nói chuyện ở Đức trước, sau đó sẽ qua tới Mỹ. Đừng nóng nghe qúi vị (hay ca tụng, coi Mỹ như thiên đàng hạ giới, ở Mỹ cái gì cũng nhất, kễ cả tội phạm cướp của, giết người...). Từ từ, em nào cũng có.
Nhớ một lần đi ăn trưa trong Kantine (Canteen) với hai anh bạn đồng nghiệp trong sở, một người Đức (chính cống 100% giòng giống Aryan) tên Aaron, một người Thổ (Turkey) tên Kadir. Anh bạn Đức, Aaron đang ăn bỗng nhăn mặt, buông muỗng nĩa xuống cái khay, lẩm bẩm như đĩ khấn tiên sư:
– Es schmeckt mir nicht mehr! (Tôi không thấy ngon nữa!)
Tôi và Kadir ngạc nhiên nhìn anh. Anh bạn Thổ, sau khi nuốt vội miếng cánh gà đang nhai trong miệng (mặc dù là Thổ thế hệ thứ 3 thứ 4, nhưng vẫn chê thịt heo là dơ...như từ thời Mohamed, chỉ ăn thịt bò, gà, trừu...), Kadir lên tiếng:
– Warum ist es so? Du hast deine Lieblingsspeise gehabt, irgendwas stimmt nicht? (Tại sao vậy? Bạn đang có món ăn mình thích mà, có gì không ổn?).
Không móc thì xỉa vậy
Nguồn: flickr.com
Aaron lắc đầu, kín đáo chỉ tay ra dấu cho chúng tôi nhìn lại phía sau. Tôi liếc nhanh về phía sau, trông thấy một anh đồng nghiệp người Việt Nam khác độ ngoài 50 tuổi ngồi sau lưng, đang há hốc miệng, thò tay vào trong dường như để moi thức ăn dính ở răng.
Tôi hơi ngượng, chưa biết trả lời sao thì Kadir cười cười:
– Hast du das zum ersten Mal gesehen? (Bạn mới thấy lần đầu hả?)
Aaron gật đầu, Kadir bật cười lớn nhưng xuống giọng nói nhỏ vừa cho tôi và Aaron đủ nghe:
– Vậy thì may cho bạn là hãng này chỉ có vài người Việt Nam. Trước đây ít năm tôi làm ở một hãng bên miền Đông, có chừng 30– 40 người Việt, vào Kantine thấy cảnh này hoài.
Đến lúc đó thì tự ái dân tộc nổi lên, tôi tức quá, đá vào chân Kadir một cái dưới gầm bàn, nói nhỏ nhưng giọng đầy bực bội:
– Vừa thôi bạn! Dân tộc nào chẳng có những thói quen xấu.
Kadir nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên:
– Xin lỗi! Tôi không có ý chế nhạo dân tộc bạn. Tôi chỉ nói những điều mình thấy mà thôi.
Tôi không nói gì thêm nhưng bữa ăn trưa trở nên mất vui, không như thường lệ.
Trên đường trở về phòng làm việc, nghĩ mà thấy tức anh đồng nghiệp Thổ “man rợ” hay ăn thịt ...trừu, thứ thịt hôi... điếc mũi nếu không biết cách biến chế, nấu, nướng. Nhưng suy nghĩ cho cùng về những điều nhận xét của Kadir, tôi thấy hắn nói đúng.
Một lần khác vào ăn trong một nhà hàng Maredo ở Frankfurt, loại nhà hàng chuyên bán steak, tôi ngồi gần bàn có 4 người Việt Nam. Họ ăn mặc lịch sự, áo vest, kravatte đàng hoàng... nhưng nói chuyện ồn ào, trong khi ăn lại vừa nói, vừa nhai. Có một người độ chừng 50 tuổi, thỉnh thoảng còn tay dao, tay nĩa chỉa chỉa vào mặt người đối diện khi nói chuyện khiến những người ở các bàn chung quanh quay lại nhìn họ với vẻ khó chịu chen lẫn ngạc nhiên. Nhóm Việt Nam chẳng lộ vẻ gì để ý đến chung quanh theo kiểu đường ta ta cứ đi, chó... nhìn mặc chó. Lắng nghe những mẫu đối thoại, tôi mới biết 3 người trong họ mới xuất ngoại và qua Đức lần đầu.
Chuyện này xẩy ra ở Đức thì có xấu hổ... chút chút nhưng sẽ trở thành bình thường khi xẩy ra ở Việt Nam hay trong các nhà hàng, khu phố, tiệm buôn đông người Việt ở bên Mỹ như Lion Plaza, Century Mall ở San Jose hoặc Phước Lộc Thọ ở Santa Ana...
Tại sao? Có phải vì người Việt chúng ta trong cuộc sống chẳng ai để ý đến ai hoặc giả như có để ý đến thì đàn ông chỉ chăm chú nhìn cái xe người khác lái, còn các bà thì nhìn quần áo, nhẫn hột xoàn hay giỏ, xách tay người khác?
Sự vô ý thức của ta đôi khi làm phiền người khác rất nhiều mà ta không biết. Chính những hành động nhỏ nhặt do thói quen, không để ý đến chung quanh, dễ khiến người khác coi thường chúng ta về phép lịch sự, thể hiện cách hành xử có văn hoá.
Nếu không tin bạn hãy vào trong các khu phố hay nhà hàng nói trên, chịu khó quan sát một chút, sẽ dễ nhận thấy cái không khí tự do, thoải mái, thoải mái đến xô bồ, đặc trưng của dân Việt và Tàu. Trong nhiều nhà hàng ăn, có những người ngồi ăn vắt chân chữ ngũ một cách rất relaxed. Thật tôi không thể hiểu là ở thế ngồi như vậy làm sao họ có thể ăn uống ngon lành được? Đã vậy, khi nhai họ không ngậm miệng lại mà cứ há ra như cá mắc cạn đang táp táp không khí để thở vậy. Cũng may là nhà hàng Việt Nam, Tàu, rất ít khi có khách Mỹ hay các nước khác vào ăn ngoại trừ một số ít Mễ.
Đừng nghĩ rằng những cử chỉ lịch sự nhỏ nhặt không quan trọng, nhất là lúc ban đầu. Bạn dễ dàng làm mất thiện cảm người khác chỉ vì một vài cử chỉ hay hành động vô ý không đáng nói. Mà đã mất thiện cảm thì có thể mất thêm nhiều thứ khác nữa.
Tôi nhớ một lần đi với mấy người bạn vào trong một tiệm cà phê ở đường Tully, đâu gần tiệm bánh mì Hương Lan, San Jose, California bên Mỹ. Tiệm thuộc loại cà phê tươi mát, tươi mát thôi chứ không “Ôm” (nghe nói ở Mỹ mà ôm lạng quạng không có giấy phép là ngồi bóc lịch như chơi, chẳng biết có đúng không?)
Giá một ly cà phê sữa đá 4 đô la, cô tiếp viên xinh đẹp, sexy trong một cái semi bra hở ngực gần một nửa và một cái thong ôm cặp mông tròn trĩnh đầy vẻ “cống hiến” bưng ly cà phê đến. Vừa đặt cà phê xuống, cô thọc ngón tay út trái vào ngoáy mũi hai ba lần rồi nhoẻn miệng cười thật tươi. Tôi vừa cảm thấy xuân tình phơi phới vì hình dáng và gương mặt xinh đẹp của cô thì chợt khựng lại, đang định nói đùa vài câu, thả... con dê cho chạy lang thang chợt mất hứng, tôi im lặng cúi xuống ly cà phê của mình. Will it still be on?
Sự tự do, thoải mái đến không cần để ý đến chung quanh của người Việt không những chỉ giới hạn trong nhà hàng, khu shopping, giải trí... mà còn lan rộng ra đến bãi đậu xe, đường phố... Rất nhiều lần tôi thấy trên đường phố San Jose, những người bị hư xe, đậu chàng hảng giữa đường, không bật signal cho người sau biết xe mình bị hư; thản nhiên mở cửa xe xuống, để cửa mở, móc cell phone ra nói chuyện... tỉnh như ruồi thay vì đẩy xe sát vào lề đường, bật đèn warning. Không biết đây là sự thiếu sót khi học lái, khi cấp bằng hay do vô ý thức? Ở đâu thì không biết, chứ ở Đức mà làm như vậy là chắc chắn bạn sẽ bị bóp kèn inh ỏi và nghe chửi điếc tai, sau đó sẽ bị cảnh sát cho một cái ticket về tội cản trở lưu thông công cộng nếu xe kéo không đến kịp trước khi cảnh sát tới.
Tương tự như thế, thỉnh thoảng trong các tiệm bán thức ăn (không tính trong chợ, vô chợ dù là Mỹ hay Việt mà không “ghết in lai” khi tính tiền thì khó coi à nghe) vẫn có những trường hợp riêng lẻ, một vài ông (bà) từ ngoài sồng sộc chạy vào, nhặt một vài món rồi tiến thẳng đến cashier tính tiền mà không (muốn) nhìn thấy 4, 5 người đang xếp hàng chờ.
Một chuyện khác cũng cần nói đến là lời cám ơn. Cám ơn là lời nói lịch sự cần phải có khi người khác làm điều gì đó cho mình, cho dù ngay cả trong quan hệ mua bán. Người mua cám ơn người bán đã bán cho họ món hàng, và ngược lại người bán cám ơn người mua đã mua hàng cho mình. Đó là phép lịch sự, rất đơn giản nhưng sao có nhiều người Việt Nam dường như không thấy được điều đó. Rất nhiều lần trong các tiệm Việt Nam, Tàu ở San Jose hay Santa Ana, San Francisco... mỗi khi mua bán, ăn uống trả tiền xong, nói lời cám ơn tôi ít khi nhận được sự trả lời.
Tại sao? Có phải người Việt chúng ta thiếu văn hóa hay cảm thấy không cần cư xử văn minh, lịch sự với nhau khi không có liên hệ bạn bè, thân thuộc?
Tôi không nghĩ vậy. Nhưng nếu nhìn gần hơn, tôi thấy có điều gì đó vướng mắc khi tham gia sinh hoạt trên DCVOnline. Nhiều người tiêu, tiểu, phóng uế, xả rác... trên diễn đàn một cách rất thoải mái và tự nhiên như trên con đường Baku ở Vũng Tàu hay ngồi nói chuyện ồn ào với tay dao, tay nĩa trong nhà hàng Maredo. Hi vọng những điều này sẽ giảm bớt nhiều trong năm mới với sự ý thức của độc giả và chỉ có như thế chúng ta mới đẩy mạnh được sinh hoạt lành mạnh của diễn đàn.
วันเสาร์ที่ 3 มกราคม พ.ศ. 2552
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น