Nguỵ Kinh Sinh bị đưa ra xét xử lúc 26 tuổi
Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc tiên đoán nhà nước sẽ bị rơi vào cái bẫy giữa những người dân nghèo đang tức giận và thành phần giàu có đầy quyền lực.
Wei Jingsheng, The Times 14/01/08, Khưu Bình lược dịch
Lời giới thiệu của người dịch: Nguỵ Kinh Sinh (Wei Jingsheng) là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, đã bị nhà nước cộng sản Trung Quốc bỏ tù hai lần vào những năm 1979-93 và 1994-97 vì các hoạt động nhân quyền của ông.
Năm 1997, ông bị trục xuất sang Hoa Kỳ sống lưu vong. Ông được trao tặng Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng và Bằng tưởng lệ Robert F Kennedy về Nhân quyền vào năm 1996.
Ông tiên đoán chính quyền Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị xụp đổ, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, sự giận dữ cùng nỗi bất mãn của người dân trước tình trạng giàu nghèo chênh lệnh quá xa và mức thu nhập quá thấp, chưa đến một Mỹ kim một đầu người mỗi ngày.
Cả thế giới đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế. Một số người ở phương Tây, giống như một người sắp chết đuối khi vớ được cọng rơm cũng bám lấy, đã nói rằng chính phủ Trung Quốc có rất nhiều tiền, chúng ta hãy cầu khẩn họ cứu giúp chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng họ không hiểu rằng ngay cả chính quyền Bắc Kinh cũng không biết làm thế nào để tự cứu lấy mình.
Trung Quốc có 2 ngàn tỷ đô la ngoại hối dự trữ nhưng họ cũng đang phải chịu đựng một sự chênh lệch to lớn giữa kẻ giàu người nghèo: trong khi 0.4 phần trăm dân số nắm giữ 70 phần trăm của cải của đất nước, thì một phần năm (1/5) dân số -hơn 300 triệu người- có mức thu nhập hàng ngày ít hơn một đô la. Sự tập trung vô cùng tột bực về của cải vật chất này là một vấn đề nghiêm trọng cho nhà nước Trung Quốc và đe doạ đến việc nắm chặt quyền lực của họ.
Ðiều đầu tiên, nghĩa là có rất ít người tiêu thụ để giữ vững được một thị trường trong nước. Cho nên “cái xưởng của thế giới” phải lệ thuộc một cách đặc biệt vào vận mệnh kinh tế thế giới. Nhà nước Trung Quốc đã thông báo hôm qua rằng hàng hóa xuất cảng đã rơi xuống một tỷ lệ nhanh nhất trong một thập niên qua, sút giảm mất 2.8 phần trăm trong tháng 12, tính trên cả mức 2.2 phần trăm của cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng 11. Ngành xuất cảng của Trung Quốc đang xụp đổ, kéo theo nhiều doanh nghiệp khác. Nhà nước tuyên bố rằng nạn thất nghiệp đang ở mức 4 phần trăm trong các khu vực thị tứ; nhưng những con số chính thức do nhà nước đưa ra thì không thể tin tưởng được. Theo một vài nhà thống kê tin cậy thì tỷ lệ lạm phát có lẽ đã vượt qua mức 20 phần trăm. Ðiều này làm cho tính khốc liệt của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc sắc nét hơn là ở Hoa Kỳ và Âu Châu.
Thứ hai, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng và mức lương bổng cứ dậm chân tại chỗ sẽ quấy động lên sự ghen tức đối với thành phần giàu nứt đố đổ vách, đe doạ đến tư thế của tầng lớp cai trị. Chính phủ xem việc hàng chục triệu công nhân gốc nông dân sẽ trở lại các thành phố sau mùa lễ tết, vào thấy các hãng xưởng đóng cửa không có việc làm là một mối đe doạ bức thiết. Nông dân nghèo Trung Quốc có một truyền thống từ lâu đời là hay nổi loạn.
Bắt chước các biện pháp của chính phủ Hoa Kỳ, nhà nước Trung Quốc trong tháng 11 đã thông báo một gói kích cầu 4 ngàn tỷ nhân dân tệ (600 tỷ đô la) để cứu nền kinh tế thoát ra khỏi sự đình trệ. Nhưng điều này sẽ không có tác dụng ở Trung Quốc. Bởi vì chính phủ Trung Quốc không phải do người dân bầu lên và các chính sách của họ được đưa vào thi hành thay mặt cho tầng lớp tư bản quan liêu.
Thay vì hành động cho quyền lợi của người dân, thì nhà nước Trung Quốc lại cố cứu chữa các tập đoàn kinh doanh lớn của giới quyền cao chức trọng. Nhưng chủ nhân của các doanh nghiệp lớn này sẽ đơn giản chuyển tài sản của họ một cách an toàn ra khỏi Trung Quốc.
Bằng chứng có thể đã được nhìn thấy: Từ Los Angeles đến bờ hồ Lake Geneva, thành phần giàu có nứt đố đổ vách của Trung Quốc đang lo âu chụp vội lấy nhà cửa địa ốc và trả bằng tiền mặt. Càng có thêm xáo trộn –như nạn thất nghiệp đang làm rúng động trật tự xã hội– thì càng có thêm nhiều nguồn vốn sẽ chạy ra khỏi Trung Quốc. Ðiều này sẽ làm cái vòng lẩn quẩn thêm trầm trọng.
Vì thế nhà nước Trung Quốc hiện đang bị rơi vào một cái bẫy khủng khiếp vô cùng khó xử. Họ có thể hành động để giúp người dân Trung Quốc (như trong chiều hướng của các chương trình cải tổ trong nước “Một thoả thuận mới” (New Deal) của Tổng thống Roosevelt hồi thập niên 1930s ở Hoa Kỳ) hoặc giai cấp tư bản quan liêu. Nhưng họ không thể làm được cả hai.
Nếu chính phủ Trung Quốc không chịu nắm lấy một phương cách giải quyết giống như “Một thoả thuận mới”, thì họ sẽ gặp nguy cơ người dân nổi dậy và lật đổ những kẻ đang nắm quyền lực. Trên toàn cõi đất nước đang chồng chất nhiều bằng chứng về quần chúng bất mãn quay sang bạo động. Theo chính phủ Trung Quốc thì có hơn 80,000 vụ “xô xát đột ngột” –một cách dùng chữ tránh né của họ thay cho biểu tình– vào năm 2006; hiện nay được biết là con số của năm ngoái tăng đã lên đến 100,000 vụ. Cái trào lưu bất mãn ngày càng gia tăng này là lịch sử của Trung Quốc đang tự lập lại –mỗi khi một triều đại chấm dứt đều đánh dấu bằng một loạt gia tăng các cuộc bạo động.
Ðàn áp bằng quân sự không thể có tác dụng. Những người lính là thân nhân của các công nhân gốc nông dân vừa mất việc làm; gia đình của các sĩ quan quân đội cũng phải chịu khổ sở vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng nếu chính phủ Trung Quốc ra tay bảo vệ người dân, thì tầng lớp cai trị của những doanh nhân lớn và giới quan liêu sẽ lật đổ chính phủ, và thay thế bằng một nhà nước nhằm bảo vệ cho quyền lợi cho họ.
Con dê tế thần đầu tiên sẽ là Thủ tướng Ôn gia Bảo. Trong khi những giọt nước mắt của ông ta, phần lớn được nhìn thấy một cách rất nổi tiếng sau cuộc động đất ở Tứ Xuyên, có thể lừa bịp được một người trung bình, nhưng những giọt nước mắt đó không lừa bịp được tầng lớp tư bản quan liêu. Sự kết thúc của ông ta đã được định đoạt, ngoại trừ việc đếm giờ để ra đi.
Trung Quốc đã nhìn thấy nhiều cuộc tranh giành chính trị giữa tầng lớp cai trị với nhau. Thí dụ gần đây nhất là trong thập niên 1970s. Lâm Bưu thất bại trong âm mưu đảo chánh Mao Trạch Ðông vào năm 1971; trong khi Hoa Quốc Phong lật đổ nhóm Tứ nhân bang và chấm dứt cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm 1976. Một cuộc đảo chánh chính trị trong Ðảng Cộng sản có thể tạm thời cung cấp một sự ổn định cần thiết để giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Nhưng nếu một giải pháp không tìm ra được thì chính phủ sẽ xụp đổ. Trong một nền dân chủ, sự chấm dứt của một chính phủ là một việc bình thường. Nhưng trong một chế độ độc tài thì nó là vấn đề sống chết. Kể từ khi Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền lực, thì việc thay đổi các quan chức nhà nước đã trở nên đẫm máu hơn. Như một phần của việc đấu đá chính trị để tranh giành quyền lực, càng có thêm nhiều quan chức nhà nước bị tử hình hoặc bị đưa vào tù –thường là dưới sự che đậy của việc trừng trị tham nhũng. Sự tranh chấp nội bộ giữa những thành phần được trao cho quyền lực trong Ðảng Cộng sản ngày càng lớn hơn và mỗi phe đều muốn biến phe đối nghịch với mình thành những con dê tế thần.
Từ những gì tôi nghe được từ những người thuộc đủ mọi thành phần ở bên trong Trung Quốc, thì họ tin tưởng rằng, 20 năm sắp đến dịp kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn, thời gian đã hết cho chế độ -họ tin tưởng rằng vào năm 2009 hoặc 2010 thì người dân Trung Quốc sẽ tiến đến cái giới hạn của sự tôn trọng đối với Ðảng Cộng sản.
Một trường hợp đặc biệt tóm lược cái tâm trạng bất mãn này là Dương Gia, một người bị tử hình hồi năm ngoái vì giết chết 6 công an để trả thù vì bị đánh đập, đã trở thành một biểu tượng phản kháng cho nhiều người dân Trung Quốc. Anh ta được hoan nghênh như một anh hùng trên nhiều trang blog, những khẩu hiệu hỗ trợ cho Dương Gia xuất hiên trên khắp nước và quần chúng kéo đến tòa án để ủng hộ anh ta trong phiên xử. Sự biết đến của quần chúng đối với anh này đã minh hoạ một cách mãnh liệt tâm trạng muốn nổi loạn của người dân Trung Quốc. Cường độ của mối xúc cảm này vượt qua rất xa sự oán hờn nhắm về chính quyền Mao hồi thập niên 1970s hoặc tình trạng tham nhũng vào những năm 1980s.
Người dân của Trung Hoa hiện đại khác với tổ tiên họ: họ không còn trông đợi gì ở một minh quân và một quan tòa xét xử công minh để cai trị họ. Họ biết rằng chỉ có dân chủ mới bảo đảm được cho những gì họ muốn: thịnh vượng, an toàn và được đối xử công bằng. Tầng lớp cai trị của Trung Quốc cũng nghĩ như vậy –đó là lý do tại sao họ đã gởi con cái và tiền bạc của họ sang phương Tây.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น