Nhà nước Trung Quốc đã huỷ bỏ tất cả các kỳ nghỉ phép thường niên của cán bộ nhân viên lực lượng công an vũ trang cũng như nhân viên an ninh phụ trách công tác an ninh trật tự ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Hình như họ cảm thấy cần thiết phải tăng cuờng an ninh ở các phi trường, bến xe, bến tàu, ga xe lửa và những nơi công cộng để ngăn ngừa không cho xảy ra các cuộc nổi loạn của quần chúng.
Theo Ðài Á châu Tự do thì nhà cầm quyền tỉnh Tứ Xuyên (nơi vừa xảy ra trận động đất ngày 12/5/08), hai tỉnh Tân Cương và Tây Tạng (nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống) đã ra lệnh cho công an và lực lượng an ninh phải hoãn lại các kỳ nghỉ phép của họ.
Khi công an ra tay đàn áp (Hình: Secret China)
Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông đưa tin hôm Thứ Tư tuần trước cho biết tình trạng tài chánh suy kém của Trung Quốc buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa khiến nạn thất nghiệp dâng cao khắp nơi.
Một số lớn rất nhiều những sự kiện bất an đã xảy ra khi công nhân đòi chủ nhân các xí nghiệp phải trả cho họ những khoản lương bị thiếu và yêu cầu cho quyền lợi của họ được bảo đảm. Trật tự xã hội đang đi xuống. Thêm vào đó năm 2009 là một năm có nhiều dịp kỷ niệm lịch sử mang tính cách chính trị.
Cũng theo tờ Minh Báo thì các biện pháp an ninh được tăng cường ngang với nếu không muốn nói là cao hơn mức độ như trong thời gian có Thế vận hội. Trong các ga xe lửa, tất cả các túi xách gói hàng của hành khách phải được khám xét kỹ lưỡng. Ông Liu Feiyue phụ trách Phòng Quan sát Ðời sống Trung Hoa nói rằng không khí xã hội Trung Quốc trong thời gian gần đây đã trở nên rất căng thẳng vì phần lớn là do nền kinh tế suy sụp.
Ông Liu nói, “Xét từ những phản ứng của nhà nước, thì chúng ta có thể thấy rằng họ đang lo ngại về một sự bùng nổ của đủ thứ các vấn đề bất an xã hội. Cho nên họ kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh đời sống. Chế độ đã thi hành nhiều biện pháp, bao gồm cả việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Các quan chức nhà nước nói rằng sự ổn định là tất cả. Chế độ thật sự là đang lo ngại”.
Tờ Minh Báo đưa ra một thí dụ về việc trật tự và ổn định xã hội ở Trung Quốc đang đối diện với một thử thách nghiêm trọng. Mới đây nhất, một nông dân ở huyện Qinhuangdao, tỉnh Hồ Bắc đã ném lựu đạn vào một quán rượu ở Kunming, khiến 3 người bị thiệt mạng.
Một bài phân tích của nhà bỉnh bút Zhang Tianliang nhận xét rằng trong nhiều năm qua, nguồn gốc sự chính đáng của chế độ nằm ở mức tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, nhiều mối bất đồng xã hội gia tăng khi nền kinh tế đi xuống. Quần chúng không hài lòng với nhà nước. Ông Zhang viết, “ÐCSTQ giữ độc quyền về quyền lực, cho nên họ phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự xảy ra. Trong trường hợp này thì lẽ dĩ nhiên là người dân sẽ nhắm vào Ðảng mà nguyền ruả khi kinh tế không được khả quan. Còn đối với ÐCSTQ thì vấn đề kinh tế không còn đơn thuần là về kinh tế mà là một vấn đề chính trị. Nhiều người sẽ quay sang dùng bạo lực khi họ muốn tuôn ra những nỗi uất ức của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua sự kiện điển hình xảy ra ở Weng’an và vụ án Yang Jia. Vì thế ÐCSTQ hiện đang rất lo lắng”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sự kiện xảy ra ở Weng’an là vụ nổi loạn khi hàng ngàn người dân xuống đường tấn công đập phá và đốt cháy nhiều đồn công an và cơ sở văn phòng nhà nước, vì họ tức giận việc nhà cầm quyền bao che cho con trai của phó chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện Weng’an (tỉnh Quý Châu) về tội ác hãm hiếp và giết chết một nữ sinh 15 tuổi rồi quăng xác xuống sông. Còn trong trường hợp của Yang Jia, anh ta đã giết chết 6 viên công an thuộc đồn công an quận Áp Bắc ở Thượng Hải ngày 01/7/08, sau khi liên tục bị họ hành hạ, sách nhiễu và đánh đập. Yang Jia bị tuyên án và tử hình một cách vội vã vào ngày 26/11/08, chỉ 5 ngày sau khi đơn kháng án bị Tòa án Nhân dân Tối cao bác bỏ. Lời nói đầy uất hận của Yang Jia với công an, “Chúng mày không cho tao một câu trả lời, thì tao sẽ dạy cho chúng mày một bài học” đã trở thành một câu châm ngôn cho tất cả mọi người dân khốn khổ trong bước đường cùng, hiện đang sống dưới lớp bùn đen trong xã hội Trung Quốc.
Theo tờ Minh Báo thì giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc đã ra lệnh cho Bộ công an cũng như lực lượng công an vũ trang phải tăng cường các biện pháp an ninh bắt đầu từ tháng Giêng cho đến khi kết thúc khoá họp thường niên của Quốc hội và Hội nghị Tư vấn chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng Ba. Các kỳ nghỉ phép hàng năm dành cho nhân viên của Bộ công an, lực lượng cảnh sát chống bom và công an vũ trang được tạm hoãn. Việc khám xét ở các phi trường, bến xe, ga xe lửa và bến tàu được tăng cường. Ông Liu nói rằng năm 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn cho nhà nước Trung Quốc.
Trong một báo cáo được tiết lộ trước đây cho biết, từ tháng 11/2008 cho đến cuối tháng 3/2009, Bộ công an Trung Quốc sẽ ra tay tiến hành chiến dịch đàn áp “bọn khủng bố”, các giáo hội Thiên Chúa giáo thầm lặng không nằm trong hệ thống tôn giáo quốc doanh, các nhà hoạt động nhân quyền, tranh đấu dân chủ cũng như dân oan biểu tình.
Trong các sảnh đường của Trung Nam Hải, năm 2009 sẽ hứa hẹn là một năm nhiều biến động của khủng hoảng và đàn áp—và điều đó sẽ thành sự thực ngay cả nếu không có sự đi xuống của nền kinh tế hiện đang khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải tìm đường bỏ chạy. Ðối với năm nay, 2009 có thể được mô tả một cách đúng đắn nhất là “Năm của những ngày kỷ niệm” — với nhiều dịp kỷ niệm những mốc lịch sử quan trọng đã xảy ra trong quá trình cai trị đầy bạo ngược của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ).
Chỉ trong vòng hai tháng tới đây, mọi sự sẽ bắt đầu với dịp tưởng niệm lần thứ 50 cuộc vùng dậy chống cộng sản của người dân Tây Tạng hồi năm 1959. Ðúng thế, những nỗi uất hận để dồn vào cho năm nay đã được xả bớt trong vụ xuống đường đẫm máu của các nhà sư ở cao nguyên Tây Tạng hồi năm ngoái, đó là một lý do tại sao nhiều người cho rằng nhà nước cộng sản Trung Quốc đã cố tình nhúng tay vào xúi giục bạo loạn ở đó, nhưng oán hờn vẫn còn chồng chất rất nhiều chỉ chờ dịp bộc phát.
Cộng thêm vào đó là quyết tâm của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma muốn liên kết công cuộc tranh đấu đòi quyền tự trị cho người Tây Tạng với phong trào tranh đấu cho dân chủ nhân quyền ở lục địa Trung Hoa, và dịp kỷ niệm 50 năm này có thể gây ra một vấn đề rất khó khăn cho ÐCSTQ.
Rồi chỉ hơn một tháng sau, khi tháng Tư sắp chấm dứt và mùa xuân bắt đầu vào giai đoạn nở rộ, mọi người sẽ có dịp tưởng niệm một thập niên mới —kỷ niệm lần thứ 10 cuộc phản kháng của giáo đồ phong trào Pháp Luân Công (PLC) năm 1999. Phong trào này tuy rất thầm lặng nhưng đầy quyết tâm đòi hỏi cho quyền tự do tôn giáo—ba tháng theo sau đó (tháng 7/1999), là quyết định của ÐCSTQ, hoàn toàn nghiêm cấm sự hoạt động của phong trào —sẽ rọi một luồng ánh sáng vào sự bách hại của nhà nước cộng sản ít nhất là trong 3 tháng này, và mang sự chú ý của thế giới đến số phận nghiệt ngã của các giáo đồ PLC.
Nhưng trước khi tiến đến ngày kỷ niệm 10 năm của lệnh cấm tháng Bảy 1999 và 10 năm nhà nước Trung Quốc chính thức tuyên chiến với phong trào PLC, mọi người sẽ đụng phải dịp tưởng niệm lớn nhất trong tất cả các dịp tưởng niệm—20 năm cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn. Cuộc thảm sát Thiên An Môn xảy ra vào đầu tháng Sáu (ngày 04/6/1989), nhưng tháng 5/2009 sẽ là những chuỗi ngày dài tưởng niệm mùa xuân Thiên An Môn và hàng triệu người có thể sẽ đổ về quảng trường này để bày tỏ thái độ không hài lòng của họ đối với chế độ độc tài tham nhũng, và cũng để tưởng nhớ những nạn nhân của một cuộc thảm sát đẫm máu.
Rồi trước khi tháng Tám bắt đầu chấm dứt, là dịp tưởng niệm lần thứ 60 ngày Trung Quốc chiếm đóng miền tây Turkestan ở vùng Trung Á, hiện nay là Khu Tự trị Tân Cương, nơi sinh sống của người Hồi giáo Uyghur, mà trong bối cảnh của môi trường toàn cầu hiện nay, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sự chú ý của thế giới về tình hình thật sự ở đó.
So sánh với mùa xuân và mùa hè đầy ngột ngạt, thì mùa thu sẽ là thời gian dễ thở cho ÐCSTQ. Ngày 19 tháng Chín đánh dâú 5 năm Hồ Cẩm Ðào lên giữ chức vụ Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, nắm quyền cai trị Trung Hoa lục địa.
Mùng 1 tháng Mười kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập nước “Công hoà Nhân dân Trung Hoa”, ngày này có thể sẽ đến một cách thong thả cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, trừ khi có ai đó lên tiếng nhắc nhở họ rằng cả thế giới thắc mắc không hiểu bao nhiêu người dân Trung Hoa đã chết thảm thương tức tưởi để thoả mãn cho cái ảo tưởng chính trị điên khùng của Mao Trạch Ðông, kẻ thành lập ra nó.
Hai dịp kỷ niệm sau cùng trong tháng Mười Một, tuy ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề: bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ngày 9 tháng Mười Một là dịp kỷ niệm 20 năm ngày phá bỏ Bức tường sắt Bá Linh, tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản ở Ðông Âu. Trong khi trên mạng internet cũng như báo chí thế giới hầu hết mọi người đều chú tâm vào việc bàn cãi châu Âu ngày hôm nay ra sao sau khi Bức tường sắt Bá Linh xụp đổ, thì một điều chắc chắn là họ vẫn còn dư nhiều bút mực và băng thông truyền tải dữ liệu để viết về một cỗ máy cộng sản khổng lồ ở Ðông phương vẫn chưa bị xụp đổ.
Nông dân huyện Hanyuan (tỉnh Tứ Xuyên) xuống đường biểu tình ngày 5 và 6/11/04
Còn dịp kỷ niệm kia trong tháng Mười Một nằm ngay trong tầm tay của ÐCSTQ: 5 năm cuộc thảm sát ở huyện Hanyuan, tỉnh Tứ Xuyên. Những nông dân ở đây không hài lòng với việc nhà nước trưng thu đất đai của họ mà không bồi thường thoả đáng để xây đập thủy điện, đã tổ chức biểu tình phản đối. Ðích thân La Cán, một uỷ viên Bộ chính trị ÐCSTQ đã đến Tứ Xuyên để chỉ huy cuộc đàn áp. Ông ta ra lệnh dùng bạo lực để giải tán cuộc biểu tình: Tối ngày 06/11/2004, năm xe công an vũ trang đến huyện Hanyuan bắn bom ngạt và hơi cay vào các nông dân, làm một cụ già chết ngay tại chỗ và hàng chục người bị thương nặng. Gần nửa đêm, thêm khoảng 200 xe vận tải và xe quân sự đầy công an dã chiến đến bắt giữ hàng trăm người. Họ chĩa súng bắn thẳng vào những người dân không tấc sắt trong tay. Khi cuộc đàn áp chấm dứt, 17 nông dân bị thiệt mạng và hơn 40 người bị thương. Các phóng viên đến lấy tin bị ngăn chận cách hiện trường khoảng 70 cây số và đuổi trở lại. Ðây là một nhắc nhở rõ ràng và mới nhất cho những ai còn nghi ngờ về bản chất tàn bạo của Hồ Cẩm Ðào cùng các đồng chí ở Trung Nam Hải, sẵn sàng dùng đạn và máu để “duy trì sự ổn định”.
Nói chung thì các đồng chí ở Trung Nam Hải có thể đón chờ một năm mới 2009 đầy thú vị. Căn cứ vào sự thiếu am tường của các nhà lãnh đạo thế giới về mối đe doạ của một cuộc chiến tranh lạnh thứ 2, thì chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn còn nhiều khả năng sống còn để vượt qua một năm đầy sóng gió, nhưng những dịp tưởng niệm trong năm 2009 sẽ châm thêm dầu vào ngọn lửa uất hận của các nạn nhân của chế độ: người dân Trung Quốc. Do đó, năm 2009 sẽ mang tự do dân chủ đến gần hơn cho mọi người trong lục địa Trung Hoa.
Gần hơn bao nhiêu thì thời gian sẽ trả lời. (theo Epoch Times)
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น