Ngày này 90 năm trước, 07/08 tháng Mười Một (25/26 tháng Mười theo lịch Julius) năm 1917, sự kiện đi vào lịch sử với tên gọi “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại” đã mở ra một chương sử đặc biệt của nhân loại, với sự ra đời của nước Nga Xôviết, nhà nước cộng sản đầu tiên, và sau đó là sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Việt Nam đã bước vào chương sử đó. Hôm nay, gần hai mươi năm sau sự sụp đổ của hệ thống ấy và sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản ở bình diện toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường nào, khi một mặt nó vẫn duy trì định nghĩa về mình như một nhà nước xã hội chủ nghĩa với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, và mặt khác, khi xã hội Việt Nam đã và đang phát triển về những hướng không còn dung hợp với các nguyên lí rường cột của chủ nghĩa xã hội như giai đoạn quá độ của chủ nghĩa cộng sản?
Nhân ngày kỉ niệm này, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết và bản dịch, mong cung cấp cho độc giả những thông tin có thể giúp cho việc đi tìm một câu trả lời.
talawas
Ban đầu tôi chỉ định viết vội vài suy nghĩ nhân sự kiện này để post tại blog, nhưng ý tưởng tuôn ra lại không cho phép chỉ vài đoạn. Rồi thì chợt nhớ rằng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười sắp đến. Đã tròn 90 năm ngày đó. Nhớ lại thuở học sinh, sinh viên, trái tim hồng trong tôi dành cho cuộc cách mạng này và Liên Xô… Lý ra tôi nên viết gì đó cho ngày này nhưng điều kiện thời gian không cho phép. Để qua đi, đến ngày nó tròn 100 năm, không biết tôi còn đủ chất trẻ để hoài niệm với tư duy “lửa” hay không. Vậy nên xem như bài viết này để nhắc đến một “khoảnh khắc” đen tối nhất liên quan đến nó, như một bài học mà có lẽ cần cho rất nhiều người.
Lê Tuấn Huy
Ngày 30.10.2007, Tổng thống Vladimir Putin đã tham dự một thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân của chế độ Stalin. Phát biểu của ông được trích tại BBC là: “Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó”. VOA thì dẫn gián tiếp như sau: “Ông Putin nói rằng - như là một quy luật thường thấy, các nạn nhân này là những người có những ý kiến riêng và không e ngại bày tỏ những ý kiến đó. Họ là những con người tài giỏi và là những tinh hoa của đất nước”. Tuổi Trẻ, trong một tin “2 trong 1”, nép mình dưới tin về vụ khủng bố tại một vùng thuộc tây nam Nga, thì đưa lời Tổng thống ở đoạn: “người Nga không được phép quên bài học quan trọng từ bi kịch này để khi chọn lựa con đường phát triển, phải hiểu cần có những cuộc tranh luận chính trị, chỉ có điều nó phải diễn ra theo phương cách xây dựng chứ không phải là phá hủy...”.
Dù là dẫn lại dưới dạng nào, đều toát lên hai ý chung từ quan điểm của Putin: 1. lên án quốc sách khủng bố của Stalin, và 2. tranh luận chính trị là tất yếu và cần thiết, và những người dám tranh luận chính trị (hay - dùng thẳng từ của nó - người “bất đồng chính kiến”) là một phần tinh hoa của đất nước mà việc tiêu diệt họ là tội ác!
Ở Việt Nam, trước đổi mới, Stalin gần như được xem là một nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin và là một lãnh tụ Xôviết thần thánh. Chỉ đứng sau Lenin về mặt lý luận và cách mạng giành chính quyền, nhưng không một lãnh tụ nào có thể vượt qua Stalin trong thành tích công nghiệp hóa và trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Thời kỳ đầu của đổi mới, hình ảnh của Stalin bị vạch trần: thủ phạm của sự giáo điều hóa chủ nghĩa Marx-Lenin, của mô hình Xôviết nhiều khuyết tật dẫn đến sụp đổ của chủ nghĩa xã hội; là một lãnh tụ độc tài, sùng bái cá nhân và chủ trương khủng bố. Từ giữa những năm 1990 đến nay, hình ảnh của Stalin (dường như) ngày càng được âm thầm “phục hồi”. Những nhắc nhở về sai lầm của ông thì không bị bác bỏ nhưng chỉ còn thi thoảng trong giới lý luận, còn công trạng và “hệ tư tưởng” của ông thì khi có dịp lại được thổi phồng, như một thủ thuật nhằm lấn át mặt trái khủng khiếp và đáng lên án gấp bội phần của nó. Nếu việc thừa nhận và lên án tội ác của Stalin không phải là từ Putin, một hình tượng đang nhận được nhiều thiện cảm của không ít giới bảo thủ và “chính thống” [1] , thì sẽ có chăng những lời lẽ phản bác, xem đó như là sự “bôi nhọ sự thật lịch sử” với “ý đồ xấu”?
Chỉ ở đợt cao điểm 1937-1938 thôi mà đã có 20.000 người bị hành quyết tại riêng trường bắn Butovo, ngoại vi phía nam Moskva. Còn cùng thời điểm đó, trên khắp Liên bang, con số người bị giết hại theo ước tính bị cho là dưới mức thực tế, là hơn 681 ngàn người. Nhiều chục triệu người khác thì bị bỏ tù, đưa đi các trại lao động cưỡng bức hay bị giết chết. Đó là còn chưa nói đến việc nhiều đồng chí trực tiếp của nhà độc tài này và của Lenin cũng bị giết hại công khai… Liệu suốt chiều dài của chế độ phong kiến Nga, số nạn nhân trực tiếp kiểu như thế có đạt đến tỷ lệ một con số so với tổng số này trong những năm cầm quyền của Stalin?
Có bao giờ các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, trong đó có các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đây cũng như hiện nay, chịu tự vấn rằng vì sao dưới chế độ tốt đẹp nhất của nhân loại lại sản sinh ra những quái nhân hung hãn nhất loài người thời hiện đại, sẵn sàng tiêu diệt đồng loại, đồng chí bằng những phương cách man rợ nhất?
Ta thấy rằng trong những cuộc tàn sát có tính “cột mốc” của thế kỷ XX thì ngoài sự chống cộng hoặc thân cộng của Suharto tại Indonesia và của Pinochet tại Chile, tất cả còn lại đều ít nhiều gắn với danh xưng “chủ nghĩa xã hội”. Stalin với cuộc đại thanh trừng. Mao Trạch Đông với Cách mạng Văn hóa, và sau đó là những người trung thành với lý tưởng của Mao với sự kiện Thiên An Môn. Pol Pot với những cánh đồng chết và cách thức giết người của thời hồng hoang. Vẫn chưa hết. Quá nhiều người Việt vẫn không biết rằng chế độ Đức Quốc xã của Hitler với những lò hơi ngạt, cũng mang cái tên rất “anh em”, là “chủ nghĩa xã hội quốc gia” (National Socialism, Nationalsozialismus) [2] . Và còn Miến Điện nữa, vụ đàn áp đẫm máu năm 1988 đối với phong trào dân chủ của sinh viên và tấn công hung hãn vào định chế tinh thần rường cột của xã hội vào năm 2007, không ai khác là tập đoàn quân nhân từng khoa trương một nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Miến Điện [3] .
Nông Ðức Mạnh ba hoa chầy cối về sự xụp đổ của Chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội đã sản sinh ra những con người như thế, những thảm trạng đẫm máu như thế, chính là vì cái gốc lý luận của nó. Đó là lấy “bạo lực cách mạng” và “chuyên chính vô sản” làm nền tảng. Vào những giai đoạn giành chính quyền đã xảy ra trong lịch sử, bạo lực cách mạng luôn là cần thiết, dù giai cấp nào lãnh đạo. Chuyên chính vô sản cũng đóng vai trò lịch sử vào thuở còn tồn tại mặt đối lập của nó, là “chuyên chính tư sản” của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu. Thế nhưng những chuyển biến thực tế của lịch sử đã không hề được ghi nhận vào lý luận Marx-Lenin, dẫn đến hành xử bạo lực và chuyên chính tràn lan, nghiêm trọng trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa.
Những bạo chúa xã hội chủ nghĩa đó, với nhu cầu tất yếu được quy định từ lý luận, có sự “thôi thúc nội tâm” cần phải khai triển bạo lực và chuyên chính một cách thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ và kiên quyết. Nó cần đến đối tượng, và bất kỳ thành phần xã hội hay cá nhân nào cũng có thể trở thành đối tượng, như đã thấy ở những điển hình vừa được nói ở trên. Giới bạo chúa không biết phản tư, không biết tự cật vấn, vì mục đích cao cả của bạo lực cách mạng và tính chính nghĩa của chuyên chính vô sản luôn đem lại cho họ sự cao cả và chính nghĩa, cho dù những gì mà họ thực hiện có tàn ác và man rợ đến đâu. Stalin và Mao Trạch Đông, những người xuất thân từ công nhân và nông dân, hẳn đã thấy mình hoàn toàn thánh thiện và tràn trề chính khí khi phát động những chiến dịch chuyên chính, buộc quỳ gối hay giết hại giới trí thức “tiểu tư sản”, chứ không hề nghĩ rằng họ đang triệt hạ một cách đê tiện thành phần tinh hoa của đất nước. Pol Pot, một trí thức “chính quy” từ nhỏ, từng học tập tại Pháp, khi cho đập đầu người hay xé xác trẻ em, ông ta hẳn không hề cắn rứt trước bạo lực diệt chủng này, bởi sự tự hào về con người đã “vô sản hóa” của ông ta, bởi cái suy nghĩ đầy “nhân hậu” rằng tất cả chỉ để thanh lọc giai cấp và xã hội nhằm tức thời đi đến một xã hội đại đồng. Ngay như Hitler, khi sàng lọc người Do Thái ra như những con vật, ông ta cũng vì một chủ nghĩa xã hội quốc gia của đất nước ông đấy chứ, nào phải vì riêng bản thân - thật cao thượng!...
“Bạo lực cách mạng” và “chuyên chính vô sản”, hay bất lỳ loại bạo lực và chuyên chính nào khác, khi đặt sai bối cảnh, đưa vào sử dụng trong điều kiện tái cấu trúc và kiến thiết, trong một không gian chung của sự phát triển dân sự và hòa hoãn xã hội, sẽ chỉ còn là tấm bình phong - không hơn không kém - cho những tội ác có một không hai, và là liều thuốc kích thích cho những cơn khát máu, khát quyền và khát tiền.
Vấn đề còn là tại sao không một bạo chúa xã hội chủ nghĩa nào bị chính thức phán xét, phán xử bởi chính chế độ, hay thậm chí chỉ là phê phán (khác “phê bình và tự phê bình”) khi còn tại chức hay tại thế?
Hãy nhìn trường hợp của Pinochet và Suharto [4] , những bạo chúa phi xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh tội, họ vẫn có những công lao nào đó đối với đất nước họ, nhưng điều đó không thể ngăn chặn việc công lý cuối cùng cũng phải nhắm vào họ, ngay khi họ còn sống. Trong khi đó, việc công khai phán xét Stalin chỉ bắt đầu có dưới thời của Gorbachev [5] , khi chủ nghĩa xã hội kiểu toàn trị mà Stalin xây dựng đang trên đà cáo chung. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình và lớp lãnh đạo sau đó đã phải chỉnh lý cho chủ nghĩa xã hội kiểu Mao, nhưng lãnh tụ vĩ đại này vẫn không hề mất đi thanh danh và vị trí. Và ai cũng biết, cả hai vị này đều đã qua đời từ lâu… Một nhân vật khác, Nicolae Ceausescu (và cả bà vợ của ông), bạo chúa xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu, chính là vì không hề bị phê phán ngay trong lòng chế độ, mới phải chịu cảnh bị hành hình trong cơn phẫn nộ của đám đông khi chế độ toàn trị sụp đổ - cũng vẫn là sự phán xét ngoài chế độ mà thôi.
Họ không hề và không thể bị phán xét trong lòng chế độ không những bởi cái chính nghĩa của bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản mà chế độ đã vũ trang hoàn hảo cho họ, mà còn bởi tính thần thánh hóa nằm ngay trong lý luận và sự thiểu năng của một cơ chế phán xét trên thực tế.
Hiện nay, trong các tài liệu giáo khoa, ở vấn đề về quần chúng và cá nhân, ta thấy việc phê phán bệnh sùng bái cá nhân được chú trọng hơn. Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài trước đó, ở nội dung này, một phần không nhỏ được dành cho vai trò của lãnh tụ, đại để lãnh tụ của giai cấp vô sản là những người hội tụ đầy đủ nhất mọi đặc tính ưu tú của giai cấp vô sản (mà giai cấp vô sản là ưu tú nhất loài người), nắm vững mọi quy luật, tài trí trong chiến lược và sách lược, gắn bó với quần chúng, dân kính, dân yêu… Những ông thánh sống trong lý luận đó đã bước ra hiện thực với quyền lực của các thiên tử. Và chính họ - mà điển hình nhất là “nhà kinh điển” (về mọi mặt) Stalin đây, chứ không phải giai cấp tư sản hay bọn phản động, đã phạm tội với nhân dân trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng là các lãnh tụ vô sản - những người làm cách mạng thật sự, có công lao không nhỏ chứ không phải là những kẻ “cơ hội chính trị” - cũng có khiếm khuyết, thậm chí “khiếm khuyết” mang tầm tội ác chống nhân loại, nhưng đã không hề có bất kỳ tấm chắn hữu hiệu nào để ngăn ngừa điều đó.
Về lý luận, một cơ chế như vậy đã bị tước bỏ và sẽ tiếp tục bị tước bỏ một khi việc nhìn nhận thực tế chính trị và con người chính trị không bằng một loại triết học chính trị và chính trị học đích thực, mà bằng văn phong ca ngợi và lập luận nhằm thẳng tiến tới tương lai tươi sáng của một “chủ nghĩa duy vật lịch sử” và “chủ nghĩa cộng sản khoa học” truyền thống được khoát lên cái tên triết học chính trị và chính trị học có gắn tính từ “Marx-Lenin”.
Còn trên hiện thực, cơ chế nào để kiềm chế, ngăn chặn những điều sai trái hay tội ác của giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa một khi trong tư duy, lý luận và thực luật đã không cho phép việc ngăn chặn đó, mà trước tiên chính là việc kiểm soát quyền lực và ngăn chặn việc lạm dụng nó; một khi không cho phép những tiếng nói phê phán và bất đồng trực diện [6] ; một khi không cho phép sự đòi hỏi hoàn toàn chính đáng và hợp lý, cũng như không có những công cụ xã hội để buộc thực thi một điều, là nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa phải ra đi và cũng bị trừng phạt vì những sai phạm? Nếu chỉ là thừa nhận cái sai và cái ác nhưng hoàn toàn lặng im để giữ gìn hình ảnh của lãnh đạo và chế độ, để rồi sau đó không dám thừa nhận công khai, cứ để cho vấn đề lơ lửng, bất định; hoặc cho dù là thừa nhận công khai nhưng cứ thế trút sang khiếm khuyết tập thể và hạn chế lịch sử, thì đó thực chất chính là cơ chế để chấp nhận cái ác. Cái được gọi là cơ chế quyền lực tập thể, trên thực tế hoặc sẽ biến thành quyền lực cá nhân tối thượng, hoặc biến thành cơ chế phe cánh, vì không bao giờ có cái tập thể nào là đồng nhất tự thân. Và rốt lại đây chỉ là cái cơ chế để che đậy, che chở và lảng tránh trách nhiệm cho cá nhân tối thượng hoặc các phe cánh quyền lực.
Chắc rằng không phải giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa lớp sau không nhận ra sai lầm và tội lỗi của người đi trước. Lớp lãnh đạo đương thời với nhau chắc hẳn cũng có những nhận định về những sai trái của nhau. Nhưng vấn đề là vào lúc đương thời hay hậu thời đó, cái sai chỉ được nhận ra ở người mà không thừa nhận ở ta, luôn cho rằng chủ nghĩa xã hội của mình tốt đẹp hay đúng hướng hơn của bạn… Trong khi Liên Xô khẳng định vị thế của xứ sở đầu tiên trên trái đất đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất để tiến lên chủ nghĩa cộng sản, thì Trung Quốc khinh thường điều đó và tiến hành những bước đi đối lập về mặt chính trị-ngoại giao cùng một đường hướng khác về kinh tế. Belgrade cũng nằm ngoài vòng kiềm tỏa của Moskva và xem mình như một vùng xã hội chủ nghĩa sinh động hơn. Ngay cả Rumania của Ceausescu cũng thế, từng là một chủ nghĩa xã hội kiểu khác so với cái khuôn Xôviết, cũng hẳn đã nghĩ rằng mình mới là chủ nghĩa xã hội tốt… Nhưng rốt cuộc, ngoại trừ Trung Quốc thành công về kinh tế (trên cái căn nguyên gốc của nền kinh tế tư bản), té ra tất cả họ chỉ là khác biệt ở chỗ muốn tự do để “xử” dân theo ý của riêng mình - những lãnh tụ vô sản bạo quyền đó - ở những mức độ khác nhau.
Những trường hợp của Pol Pot, Stalin, Mao, Ceausescu, hay cả Hitler…, toàn là tự cho mình tuyệt đối sáng suốt hơn người khác, tự cho mình quyền giết chóc, truy bức một cách tàn bạo và man rợ vì - theo tuyến logic của họ - đó cũng chỉ là “thay trời hành đạo” nhằm đem lại điều tốt hay một thiên đường nơi trần gian mà thôi! Nào có kẻ độc tài nào lại nghĩ rằng mình đang làm điều xấu! Những ai đó, một khi đã bước trên con đường chuyên chế, với sự vũ trang hùng hậu, không chỉ theo nghĩa vật chất, mà còn theo nghĩa tinh thần và lý luận, lại có thể bằng trò hề tự kiểm điểm mà thay đổi được sao? [7] Do vậy, bài học phản tỉnh luôn là điều đáng để tâm niệm ở những nhà lãnh đạo có lương tâm. Và hơn thế nữa, bài học tối quan trọng khác mà thiếu nó cho dù có lương tâm cũng không đem lại được gì cho hiện thực, là những bạo chúa xã hội chủ nghĩa có cơ may xuất hiện và thống trị không phải vì không có đạo đức - dù họ đương nhiên đã không có đạo đức rồi - mà là vì không có cơ chế chính trị thực tiễn [8] để ngăn chặn điều đó.
Điều tôi muốn kết thúc ở đây lại là về Stalin. Trong bài về ông tại BBC Việt ngữ được dẫn ở trên, có nhắc đến phim Sám hối. Thật may mắn, tôi cũng xem được phim này. Với một khán phòng không còn lại bao nhiêu người đủ sức theo dõi đến cùng, cho đến nay, đối với tôi đó vẫn là bộ phim nặng nề, u uất nhất từng xem: thời lượng dài với toàn cảnh bắt bớ đằng sau những hô hào đầy tính anh hùng ca của vị lãnh tụ - gương mặt của Stalin trong phong cách của Hitler vốn được diễn tả trong các phim Liên Xô, và toàn là cảnh ông ta bị dựng xác dậy. Người phụ nữ kiên quyết và kiên trì làm việc đó là con của một người đã bị giết hại bởi mệnh lệnh của lãnh tụ vĩ đại (tôi không còn nhớ đó là một trí thức hay một đồng chí của lãnh tụ)… Quả thật, cai trị và đạt được thành công dựa trên nỗi sợ hãi của người dân thì cũng đồng nghĩa với sự cai trị và thành công đó đang đuợc đặt trên cái nền của sự căm thù từ mọi người và, đúng như thông điệp của bộ phim, rồi sẽ đến lúc không có đất nào dung chứa nổi cho những gì đã cố tình nhân danh cái thiện tột cùng để làm nên cái ác tột cùng!
[1]Ở đây tôi không nói lên quan điểm của mình về Putin.
[2]Phong cách dịch thuật này hiện diện không ít trong ngôn từ “chuẩn” của Việt Nam, bằng cách lợi dụng việc kết hợp từ kiểu Hán-Việt để che đậy từ gốc thật sự và mang bản chất của nó: “Chủ nghĩa xã hội quốc gia” thành “Quốc xã”; “Đảng Lao động”, “Đảng Công nhân” (Labour Party) thành “Công đảng”; “chuyên chế” thì mỹ miều thành “chuyên chính” với thực chất là “chuyên chế chính trị”, nhiều đảng Âu, Mỹ có tên “Socialism” chỉ còn là “Đảng Xã hội”… Thời sinh viên, khi chưa tiếp xúc ngôn ngữ gốc, tôi cũng chẳng hể hiểu “Quốc xã” là gì, “Công đảng” là sao, “chuyên chính” là thế nào…!
[3]Tên này có từ tháng Giêng 1974 đến tháng Chín 1988, tập đoàn quân nhân thì nắm quyền từ năm 1962 đến nay.
[4]Với Suharto, Việt Nam từng hữu hảo trong giai đoạn vận động vào ASEAN và những năm đầu trong tổ chức này, khi ông còn tại vị đến tháng Năm 1998.
[5]Trước đó từng có sự phán xét nhưng chỉ gói gọn trong nội bộ cấp cao, khi Nikita Khrushchev, tại phiên bế mạc của Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng Hai 1956), công bố một báo cáo mật mang tên Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó.
[6]Tức có cho phép phê phán và bất đồng… sau lưng và “bên dưới”, phê phán “bên trên” thì đương nhiên là không rồi.
[7]Ngay đến trẻ con cũng đã biết cái trò “viết tự kiểm” ấy là vô bổ và chửi rủa chuyện đó dù luôn “thành khẩn” viết ra mà.
[8]Tức cơ chế chính trị không tưởng thì có.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น