Bạn HT thân mến,
Ngày hôm nay khi tôi đặt bút (hay là đặt tay lên bàn phím!) viết bức thư này tôi đã rất hồi hộp. Sự hồi hộp này đến không chỉ từ việc lần đầu tiên tôi viết thư cho một người xa lạ mà còn đến từ việc lần đầu tiên tôi gửi thư cho một hội nhóm "đặc biệt" như các bạn. Quả thật bạn đã làm tôi rất ngạc nhiên về hai bài viết được đưa lên mạng internet (tôi đã đọc hai bài) mà ngay cả chính tôi còn chưa làm được. Tôi không ngờ rằng bạn lại có thể viết được những bài viết mang tính cách mạng như thế (cho tôi xin lỗi nếu như bạn không có ý định làm cách mạng), và từ đó tôi đã biết rằng trong số các bạn sinh viên không chỉ có tôi là ấp ủ giấc mơ lớn này.
Thực ra tôi rất hèn nhát, mọi thứ chỉ là lí tưởng, là suy nghĩ... bởi vì tôi chưa bao giờ nói ra, chưa bao giờ thể hiện. Tuy vậy nó đã manh nha từ khi tôi còn học cấp hai, tôi bắt đầu nhận ra cái thế giới xung quanh tôi nó bất thường. Có thể dùng từ gì để diễn tả đây, chỉ đơn giản là hỗn loạn không ra một trật tự nào; thế vậy mà nó lại nằm dưới sự vận hành của một cái trật tự rất thống nhất không thể đi chệch. Hai cái mâu thuẫn ấy nó đã sống chung và hòa hợp một cách kì lạ, nhưng tôi đã cảm thấy nó không tốt đẹp và không có một nền tảng vững chắc. Chỉ cần một chấn động vừa đủ là cái không ra một trật tự nào sẽ càng hỗn loạn hơn và cái trật tự to lớn kia sẽ càng thít chặt.
Một không gian sống như vậy nó làm tôi muốn thay đổi, thay đổi tận gốc.
Cũng như các bạn tôi đã trải qua sự nhồi nhét tất cả những lý thuyết của cái trật tự lớn đang thống lĩnh ấy. Tôi đã từng rất thích thú và luôn tin vào nó, thậm chí từng xem nó như một chân lý vĩnh cửu của thế giới này. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là bây giờ tôi hoàn toàn phủ nhận nó. Có lẽ bạn cũng đã nghe ai nói rằng để đánh thắng một đối thủ nào đó thì cần phải hiểu biết rõ về họ. Ở đây cũng vậy, tôi không quan niệm rằng sự nhồi sọ đó là khổ cực mà là niềm hy vọng cho chúng ta, chỉ có những ai nhận ra được một khuôn mặt khác của những lý thuyết đó mới có thể xem nó như niềm hy vọng, chúng ta sẽ dùng chính lý thuyết của cái trật tự ấy để phá vỡ chính nó như câu tục ngữ của cha ông: gậy ông đập lưng ông!
Tất nhiên những tâm tư của con người về thế giới thường bị lu mờ đi bởi những nỗi lo lắng của cuộc sống thường ngày. Cũng như nhà văn Nam Cao đã từng thể hiện trong nhiều truyện ngắn của mình. Những lo lắng cho cá nhân luôn chiếm lĩnh nỗi lo dành cho tập thể, cho xã hội; mỗi chúng ta đều đặt ra những mục tiêu lớn giành cho bản thân mình mà quên đi các mục tiêu dành cho xã hội. Người ta khuyến khích mọi người chạy theo đồng tiền để quên đi những tệ hại của nền chính trị. Không ai muốn chúng ta chỉ trích nhà nước cả, hãy cứ để nó như thế và đừng có thắc mắc gì hết, đừng có ý kiến gì hết. Do đó tại Việt Nam chính trị không gì khác hơn là tiếng nói của lương tâm và là niềm đam mê.
Vì vậy mà mảnh đất này ngày càng tiều tụy. Tính chất đó nó không hiện hữu ở những chỉ tiêu phát triển kinh tế đầy táo bạo, những chỉ số tăng trưởng 7% hay 8%, những cao ốc văn phòng hay khách sạn mà chỉ cần nhìn qua lớp kính cửa là ta đã thấy trong đó một thế giới xa hoa, những chiếc xe hơi bóng loáng chạy ngược xuôi mà ngồi trong đó là những con người lịch sự... Mỗi khi nhìn vào đó tôi như nhìn thấy chính mình, cái cá nhân trong tôi nổi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi mơ ước tôi sẽ được cao sang như vậy và thậm chí còn hơn như thế. Tôi sẽ chủ động tìm đến một cái thế giới như thế cũng như tôi từng tưởng tôi là trung tâm của thế giới này.
Mảnh đất này tiều tụy theo một cách khác: một nền văn hóa bị biến dạng đến mức không ra một hình thể nào, những con người nằm ngồi vật vờ trên hè phố thậm chí sát bên tường các tòa nhà sang trọng, những thanh niên thiếu nữ lạng lách ngoài đường như điên dại, những ngôi nhà xập xệ bên dòng nước đen kịt. Chúng như một đám mây u ám bao phủ đất nước này, làm cho tất cả những phù phiếm xa hoa trở thành vô nghĩa và rỗng tuếch. Tất cả những cái tù mù ấy không thể làm cho tôi không khỏi ngoái nhìn. Có bao giờ chúng ta ngoái nhìn lại bóng dáng liêu xiêu của một bà lão ăn mày khi bà đi khuất về cuối đường? Cuộc đời một con người là thế!
Tôi không sao biết được thế nào là đồng ruộng, thế nào là buôn thúng bán bưng, thế nào là làm việc quần quật trong các xí nghiệp.
Tôi có thể dửng dưng không khi mà nhân dân tôi đang đau khổ và bên cạnh đó có những kẻ hưởng thụ thành quả ngọt ngào trên sự đắng cay của người khác. Tôi đã từng ngưỡng mộ những kẻ như thế, thậm chí tưởng như họ đang chỉ đạo xây dựng một vườn địa đàng ngay trên đất nước này, đó là quan điểm của tôi từ hồi cấp một.
Tôi có lầm không khi sau này nhận ra rằng chính chúng, những con người có "sứ mệnh giải phóng cho nhân dân lao động" lại xoay ra bóc lột nhân dân lao động? Tôi có chủ quan không khi cho rằng có một giai cấp hoàn toàn tốt và một giai cấp hoàn toàn xấu, và cũng như vậy có những con người hoàn hảo tốt đẹp đến mức tưởng như họ không cần đến những nhu cầu cơ bản (như một vị thánh)? Tôi có lầm không khi nhận ra rằng bản chất con người là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chứ không phải là hoàn hảo hay xấu xa hoàn toàn? Họ tuyên truyển như thế và muốn ta tin theo. Nhưng không, tôi biết tôi không lầm, tôi không chủ quan.
Trong một thời gian dài tôi đã không muốn nhìn nhận vào cái sự thật ấy. Tôi không muốn biết tôi không muốn nghe. Tôi tự nhủ rằng mảnh đất này vẫn tốt đấy, cái trật tự thống lĩnh ấy rất tốt đấy chứ. Và rồi bố tôi, một thành viên mẫu mực của cái trật tự siêu việt ấy nói rằng: Không, nó vô cùng tồi tệ.
Có lần bố tôi đã đùa rằng không hiểu sao cái hồi cuối năm 1989 khi tôi sinh ra có nhiều sự kiện làm ông mừng rỡ thế, có lẽ chính vì vậy mà ông không thèm "phấn đấu" lên quyền cao chức trọng và vào Đảng! Rồi ông chờ, chờ mãi mà không thấy Việt Nam có động tĩnh gì! Thế rồi tôi nói bố chờ làm gì cho mất công, Đảng nói nhân dân ta đã chọn con đường này thì chắc là… phải đúng! Và rồi hai cha con phá lên cười!!
Tôi biết rằng khi đem ra so sánh mảnh đất này với thế giới xung quanh chúng ta sẽ nhận được những lời biện hộ hết sức hay ho và thuyết phục từ các lớp học chính trị của trường đại học. Những cái lưỡi dẻo dai và điêu luyện, nói không biết mệt để ra sức biện hộ bào chữa, đến nỗi tưởng như tất cả những lời được nói ra là khuôn vàng thước ngọc để mọi người cứ thế mà theo. Bạn có tưởng tượng được cảm giác khi chúng ta bị cả một giảng đường phản bác để bảo vệ hết mình cho cái trật tự siêu việt ấy, những đội mắt nhìn có cả ái ngại lẫn khinh khi và bị gọi: phản động, phản động! Chuyện đó không xảy ra với tôi mà xảy ra với một người khác trong giảng đường. Đó là một cuộc đấu tố vĩ đại!
Một câu hỏi: các bạn nghĩ gì về đa đảng?
Tất cả các ý kiến: hỗn loạn, khủng bố.
Một ý kiến duy nhất: tôi tin chắc nước ta sẽ có đa đảng.
Tiếp đến là cuộc đấu tố.
Bởi vì không có một ai muốn từ bỏ việc xây dựng vườn địa đàng để quay đầu xuống lại địa ngục cả.
Dù bằng bất cứ lời biện minh nào thì sự thật vẫn sẽ không thay đổi, những kẻ bóc lột bòn rút nhân dân sẽ không bao giờ thay đổi. Bản chất của cái trật tự siêu việt này là đứng yên một chỗ về tư duy nhưng không ngừng cải tiến những thủ đoạn bóc lột tinh vi hơn. Để làm gì? Để tiếp tục được hưởng thụ lâu hơn, để được sung sướng tột đỉnh hơn, để vênh váo hơn. Đất nước này là một nơi trú ẩn an toàn êm ái cho cái trật tự ấy. Từ khi tôi nhận ra sự thật, tôi đã cảm thấy đất nước này không hề tầm thường, tôi cảm thấy như bàn tay của tôi có sức mạnh để xoay chuyển đất nước này và lần đầu tiên tôi mới thấy đất nước này là của nhân dân trong đó có chúng ta. Làm sao mà trong quá khứ tôi lại có thể nói rằng tôi ghét đất nước này nhỉ? Không, chẳng phải là tôi ghét nó sao? Tôi căm ghét nó mà tôi lại mơ đến một tương lai huy hoàng dành cho nó, tôi mơ đến ngày nó sẽ thành một đại siêu cường thống lĩnh thế giới, tôi mơ mọi người trên thế giới đều phải tìm đến nó để học tập và hơn hết mơ nó không còn cái chế độ độc đảng tệ hại này. Tôi giấu kín giấc mơ của tôi. Thật khùng điên phải không bạn!
Những gì đang diễn ra không đến nỗi làm tôi và các bạn ngộp thở theo nghĩa đen, chúng ta vẫn học tập và chăm lo cho tương lai dù ngoài kia giá cả có tăng cao, đường sá vẫn đông nghịt bao dòng xe cộ hay ngập sâu sau mỗi cơn mưa, người ăn xin vạ vật trên đường phố hay những tiếng hô vang của bà con dân oan cũng không làm chúng ta mảy may để ý. Song nó sẽ để lại cho chúng ta sự dằn vặt vì ta biết ta đã trở thành vô cảm. Như vậy làm sao chúng ta có thể xứng đáng là con lạc cháu hồng? Chúng ta phải ý thức được rằng đất nước này là của chúng ta chứ không phải là của ai đó, các bạn có cảm thấy hạnh phúc không khi nghĩ đến điều đó? Khi nghĩ đến việc chúng ta là lãnh đạo của một đảng phái nào đó và ta có thể lãnh đạo đất nước này. Nó thay đổi không chỉ nhờ vào sự cần cù cố gắng của mỗi chúng ta trên con đường tạo dựng tương lai mà còn nhờ vào cuộc cách mạng sắp tới. ĐCS Việt Nam – tổ chức ngoan cố và độc tài sẽ phải chịu khuất phục trước sức mạnh vũ bão của nhân dân, họ sẽ không dám nã súng vào nhân dân, tôi chắc chắn điều đó. Khi đám mây mù u ám bao phủ nước Việt do quý vị tạo nên bay đi, quý vị sẽ phải nhường trọng trách lãnh đạo đất nước cho các chính đảng khác.
Cách mạng, đó là con đường mà nhân dân ta sẽ đi trên đó.
Tôi không biết suy nghĩ của bạn và nhóm bạn như thế nào nhưng trên đây là suy nghĩ của tôi. Và tôi rất hạnh phúc nếu các bạn có cùng chung ý tưởng và niềm tin. Tuy nói vậy nhưng thú thật tôi không có dũng khí lớn thế đâu và vì vậy chỉ cần đóng góp một điều gì đó nhỏ nhoi cho công cuộc dân chủ hóa này là tôi hạnh phúc lắm rồi. Nhưng khổ nỗi, tôi chưa làm được gì cả! Một thằng oắt con quậy phá như tôi thì làm được quái gì nhỉ?
Một khi đã viết những bài viết táo bạo như vậy trên internet tôi nghĩ là bạn đã rất dũng cảm. Tôi hiểu tâm sự của bạn trong việc nhận các email gửi về, có thể đến từ trong nước hay ngoài nước, đến từ những người dân thấp cổ bé họng hay từ các sinh viên, thậm chí từ… công an. Thậm chí khi gửi thư này tôi còn sợ bạn là… công an nữa cơ! Nhưng tôi cũng mặc. Biết làm sao được khi trong hoàn cảnh này chúng ta không khỏi nghi ngờ lẫn nhau. Tôi rất cảm phục những tâm tư mà bạn thể hiện trong hai bài viết vì nó đặt vấn đề đúng chứ không râu ria ngoài lề như báo chí hiện nay. Trong "Tâm thư gửi lãnh đạo..." giọng văn của bạn rất ôn hòa, đó là điều rất đúng đắn và cần phát huy. Và tôi cũng rất bất ngờ khi bạn xác nhận các thông tin về vụ thảm sát trong chiến dịch Mậu Thân 1968, công hàm của ông thủ tướng Phạm Văn Đồng hay chuyện riêng tư của Hồ Chủ Tịch (vụ bà Nông Thị Xuân). Chưa hết, cố TBT Nguyễn Văn Linh còn tiết lộ nhiều câu chuyện bí mật cho một sĩ quan quân đội về hưu, mà sau này người sĩ quan này có công bố nhỏ giọt. Thú thật là cho đến giờ này tôi vẫn còn chưa muốn tin vào những sự thật phũ phàng ấy. Làm sao có thể nói gì đây, thần tượng của tôi đã sụp đổ!
Cái quá khứ của chúng ta là sống trong những huyền thoại: huyền thoại về Hồ Chủ Tịch, huyền thoại về thành trì vĩ đại Liên Xô, huyền thoại về ĐCSVN quang vinh... tất cả đều giống như một câu chuyện cổ tích, nhưng tôi lầm, vì không có cái gì là hoàn hảo cả. Liên Xô ư? Đó là một tòa lâu đài đồ sộ nhưng được xây trên cát (ý của nhà văn Nguyễn Khải), Bác Hồ ư? Đó là một con người có đầy đủ những ưu và khuyết như bao con người bình thường. Các vị không cần phải ca tụng đến mức khóc vì cảm động!
Quá khứ đã trôi qua từ lâu nhưng luôn là một bài học quí giá để chúng ta nhìn vào đó mà đánh giá. Cho dù ĐCSVN có tốt như thế nào đi nữa thì cái hiện tại đầy mục ruỗng này là điều không thể chối cãi, các ông thầy dạy triết cãi rất hay, phải công nhận điều đó. Nếu bây giờ có một cuộc thi mang tên: "Bào chữa cho ĐCSVN" thì họ đi thi đậu chắc. Cái gì cũng có lý, cái gì cũng hay, thậm chí khi thầy bênh vực cho hai ngài Ceausescu và Iosif Stalin mà nghe cũng rất hay, rất thuyết phục!
Cách mạng nhất định phải nổ ra.
Năm 2008 này, là năm tiền đề cho cuộc cách mạng này. Tuy hầu như chưa có một dấu hiệu gì cả nhưng những điều kiện cẩn thiết đã có: sự mâu thuẫn càng ngày càng lớn của nông dân với chính quyền; công nhân bị bóc lột nặng nề bởi nhà nước và các công ty nước ngoài, sự tư bản hóa ĐCSVN, các chính sách đàn áp và kiểm soát được tăng cường. Tuy vậy nếu chúng ta nói chế độ đa nguyên đa đảng sẽ hình thành trong tương lai không xa thì e rằng hơi lạc quan quá, nó sẽ không có khi mà chúng ta chưa hành động (nói thế chứ tôi sợ bộ máy đàn áp lắm!).
Viết đến đây tôi bỗng nhớ lại lời một bài hát Liên Xô được viết trước năm 1990 mà tôi đã nghe từ nhỏ:
Giữa rừng taiga tôi ca vang, nơi thảo nguyên bao la tôi dang tay ra đón lấy vầng dương. Người bạn đường của tôi! Hãy nhìn về Matxcơva! Ánh dương sẽ làm tan cơn bão màu đỏ. Tôi là thợ săn khi mùa trăng đến, tôi là kỵ sĩ trên thảo nguyên bao la, bạn sẽ biết rằng người kỵ sĩ không bao giờ nói đùa…
Đừng nói lời dịu ngọt với tôi, đừng lừa dối tôi bởi bạn đâu biết tôi là ai, tôi có thể trở thành như thế nào? Vì tôi mang một giấc mơ, giấc mơ về một ngày mai cho nước Nga.
Đừng ru ngủ tôi hỡi người anh em, đừng hóa đá tôi bởi bạn đâu biết tôi là ai, tôi có thể trở thành như thế nào? Vì tôi mang một giấc mơ, giấc mơ về một chân trời cho nước Nga.
Khi viết bức thư này tôi không mong gì hơn là sự hồi đáp của bạn dành cho tôi, bởi vì tìm được một người hay một nhóm bạn cùng chung chí hướng như vậy đối với tôi là một niềm hạnh phúc và niềm vinh dự lớn lao. Hy vọng sẽ sớm nhận được hồi âm của bạn.
Xin kính chúc bạn sức khỏe và gặp nhiều thành công trên chặng đường sắp tới.
Chào thân ái.
HK
วันศุกร์ที่ 16 มกราคม พ.ศ. 2552
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น