วันอังคารที่ 13 มกราคม พ.ศ. 2552

No241: Về Chủ nghĩa xã hội Marxit & phi Marxit (2)

(Tiếp)
3.Tại sao không bỏ luôn mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” ấy đi - khỏi cần chủ nghĩa gì cả miễn nhân dân được giàu có, tự do: rất nhiều người hiện nay đã nghĩ như vậy!

Hoàn toàn có lý để người ta nghĩ như vậy - nếu “chủ nghĩa xã hội” vẫn được hiểu là một cái gì quá đẹp đẽ, quá xa vời. Trong trường hợp đó, có lẽ chẳng nên nói đến chủ nghĩa xã hội làm gì mà chỉ nên cố gắng làm cho được những cái mà nhân loại bình thường đã làm thôi, nhất là trong điều kiện một nước chậm phát triển không có nhiều thời gian và vốn liếng để chúng ta thí nghiệm đi thí nghiệm lại những mô hình lý tưởng nào đó một cách phiêu lưu; trái lại, chúng ta nên dựa vào những giá trị đã được thời gian thử thách, những kinh nghiệm của sự thành công, căn cứ vào đó huy động tiềm lực dân tộc đi nhanh vào con đường hiện đại hóa là quá tốt đẹp rồi. Lý lẽ ấy rõ rệt là không phủ nhận được; nhưng vấn đề cũng không đơn giản là như thế: phát triển không đơn thuần là sự tăng thêm số lượng của cải vật chất mà còn là vấn đề phẩm chất cuộc sống, vấn đề con người nữa. Dù muốn hay không, để có được một trình độ phát triển nào đó, câu hỏi sau đây cũng phải đặt ra: với một sự chuẩn bị tinh thần nào chúng ta đạt được trình độ ấy và để đạt được trình độ ấy, chúng ta phải trả giá bao nhiêu cho nhân phẩm con người? Câu hỏi ấy mặc nhiên đặt ra cho sự phát triển kinh tế cái khía cạnh văn hóa của nó và cái chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang nói đến không có ý nghĩa gì khác hơn là những lời giải đáp mang tính văn hóa cho phát triển kinh tế và xã hội. Nó là những lời giải đáp đem thêm vào và cho tốt hơn những cái bình thường có thật chứ không phải nhân danh những cái sẽ có mịt mùng để hy sinh những cái đang có. Nó không tính bằng những giấc mơ mà bằng những con số cho bài toán của đời sống: là sự tăng lên hàng năm số đôla bình quân trên đầu người trừ đi dần dần những người thất nghiệp, những trẻ bụi đời, những khu rừng bị tàn phá… và cũng trừ đi cả những cảnh tượng những nhà văn, nhà báo bị bịt mồm bịt miệng, bị răn đe và đưa đi tù vì tranh đấu cho tự do - một thứ chủ nghĩa xã hội như vậy, tại sao chúng ta lại chống lại nó!



4. Có thể gọi đó là một thứ chủ nghĩa xã hội – dân chủ được không?

Gọi tên là gì cũng được, nhưng theo một nhà xã hội học người Pháp (4) có lẽ nên gọi đó là một thứ chủ nghĩa xã hội không học thuyết (socialisme sans doctrine): nó không muốn lệ thuộc vào bất cứ hệ thống tư tưởng nào đi ngược lại cuộc sống con người, bởi vì nó là một thứ chủ nghĩa xã hội muốn giải phóng con người trong thực tế chứ không phải trong ý tưởng.



5. Liệu một thứ chủ nghĩa xã hội như vậy có mang tính “khả thi” trong điều kiện hiện nay hay không?

Câu hỏi này đưa chúng ta trở lại thực trạng cực kỳ phức tạp của đất nước. Mọi người đều cảm nhận hoặc nhìn thấy – rõ ràng đến đau đớn – sự phá sản không gì chống đỡ được của cái hệ thống giá trị do chủ nghĩa Mác-Lênin đem đến cho đời sống trong suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng tìm ra cho được một giải pháp tích cực để thay thế cho những cái lỗi thời trì trệ thì lại rất khó, và giả sử như tìm ra được rồi thì từ lĩnh vực lý thuyết tìm cách bước sang thực hành lại cũng không dễ dàng. Có một điều cần ghi nhận trước tiên: có lẽ vì trải qua quá nhiều xáo trộn, những người Việt Nam hiện nay đã bớt lạc quan về những cái gọi là “cách mạng” – dù bất cứ thứ cách mạng nào. Lật đổ được một chính quyền tàn ác quả là một “ngày hội”, khi tình thế đã đến thì không muốn, cách mạng cũng sẽ đến. Nhưng cuộc sống lại không phải lúc nào cũng là ngày hội mà là sự cần lao âm thầm khó khăn: không cuộc cách mạng nào xong rồi mà có ngay nhung và lụa. Người ta hiểu rất rõ cái lỗ trống do cơ chế chuyên quyền tạo ra là lớn lao như thế nào: đảo lộn rồi sẽ lấy gì thay thế nếu không muốn đưa xã hội vào những rối ren triền miên? Câu hỏi đặt ra dễ dàng nhưng tìm cho được câu trả lời thỏa đáng thì lại không thể vội vàng được. Tuy thế, nếu chấp nhận con đường “đổi mới” do “nhà nước xã hội chủ nghĩa” tiến hành như hiện nay, gọi là tạo ra “ổn định để phát triển” thì sự ổn định ấy cũng chẳng vững vàng gì: sử dụng các tiêu chuẩn của thứ chủ nghĩa xã hội sơ khai và huyễn tưởng (chuyên chính vô sản, xóa bỏ giai cấp…) để gọi là “điều tiết” những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản man rợ đang bung ra mạnh mẽ sau “đổi mới” thì hai thực thể ấy sẽ cấu kết với nhau, cộng hưởng với nhau để làm cho tình trạng phát triển hoang dại tăng lên, tạo ra cho xã hội những mâu thuẫn trước sau cũng sẽ bùng ra theo một chiều hướng không bình thường. Trong khi đó thì đối với những người cộng sản sáng suốt, nhìn rõ được mọi thứ, việc tìm ra một con đường cải cách phù hợp với tình hình mới, vừa bảo đảm được phát triển kinh tế, vừa dân chủ hóa được đời sống chính trị và văn hóa, cũng chưa gặp được những điều kiện thuận lợi để hình thành được một phương hướng đổi mới thỏa đáng hơn đường lối quan phương hiện nay.



6. Chấp nhận tất cả những giới hạn hiện có, đưa quyền lợi dân tộc lên chỗ cao nhất làm điểm tựa, chúng ta hãy thử hình dung ra một kịch bản tốt nhất có thể có cho đất nước!

Hướng suy nghĩ của tôi về vấn đề này là: tự mình, đảng cộng sản Việt Nam phải đưa chủ trương “đổi mới” hiện nay lên một chất lượng cao hơn nữa mà điểm cốt tử là dứt khoát phải từ bỏ chuyên chính vô sản, từ bỏ dùng chủ nghĩa Lênin để thực hiện chủ nghĩa xã hội mácxít, từng bước chuyển sang con đường chủ nghĩa xã hội phi mácxít thực hiện bằng định chế dân chủ đa nguyên. Nói một cách cụ thể, đảng cộng sản phải chuẩn bị hóa thân thành một đảng xã hội chủ nghĩa phi mácxít (mang danh gì cũng được), biến thành một thực thể dân chủ thì mới có thể tiếp tục làm được hai việc đồng thời với nhau: giữ được sự ổn định liên tục để phát triển kinh tế và nhân danh được một thứ chủ nghĩa xã hội khả thi để điều tiết được cơ chế thị trường theo những định hướng phù hợp với bản thân nó. Ðứng trước sự phá sản quá hiển nhiên của chủ nghĩa xã hội mácxít, xét về mặt lý luận, tôi không thấy có cách nào để vừa thừa kế vừa thay thế cái cũ tốt hơn là cách vừa nói.



7. Còn đứng về mặt hiện thực?

Về mặt này, mọi sự vội vã là không thích hợp. Giả thử về mặt lý luận mọi thứ đã chuẩn bị xong, tôi cho rằng cách hay nhất là vạch ra cho được một kế hoạch chủ động để trong khi vẫn cứ tiếp tục thực hiện đường lối “đổi mới” hiện nay, tích cực tạo ra những điều kiện thuận lợi để chuyển toàn bộ hoạt động của đảng và nhà nước sang một chiều hướng mới hoàn toàn mà sau đây là một số cải cách quan trọng:

- Tiến hành phi quốc doanh hóa toàn bộ đời sống kinh tế và chỉ giữ lại trong tay nhà nước những khu vực nào mà tư nhân chưa đảm nhận nổi, mục đích là để khuyến khích sự ra đời lớn mạnh dần của tầng lớp doanh nhân bản địa có khả năng đảm nhận việc làm chủ đất nước về mặt kinh tế, không để lệ thuộc nước ngoài.

- Luật pháp hóa toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; không để bất cứ thực thể pháp nhân nào sống trên luật pháp – bắt đầu trước tiên là đảng cộng sản. Không làm gương đi vào luật pháp để tạo ra sự ổn định được bảo vệ bằng ý chí chung thì sự “ổn định” áp đặt do chuyên chính cũng không thể vững bền – nó tạo ra một kháng thể ngược lại, nhưng cũng đồng tính chất – trả thù, ngạo mạn, độc đoán…

- Thực hiện quyền tồn tại độc lập pháp định của tất cả các lực lượng quần chúng hiện có đối với nhà nước, sau đó có thể cho ra đời dần dần những tổ chức chính trị có xu hướng cấp tiến ôn hòa, tiến dần đến chỗ hình thành một chế độ dân chủ đa nguyên, điều hợp bởi nhà nước pháp quyền, giải quyết những bất đồng giữa các thành viên của xã hội bằng con đường thương lượng hòa bình.

- Trong một phạm vi giới hạn (các đoàn thể xã hội, các cơ quan nghiên cứu, các đại học…) nới rộng quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, chấp nhận sự đối thoại, cọ xát giữa những xu hướng tư tưởng khác nhau (đặc biệt trong lĩnh vực triết học, văn nghệ) để qua đó dần dần dân chủ hóa đời sống tinh thần của xã hội. Chủ trương này rất quan trọng để tạo ra sức bật cho tầng lớp trí thức sáng tạo ra những giá trị mới làm phong phú sinh hoạt văn hóa.

- Bằng những chương trình đào tạo khẩn trương (nhà nước và toàn xã hội) xây dựng nên một đội ngũ chuyên viên trẻ tiếp thu được những kiến thức mới nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại (đặc biệt trong quản lý kinh tế, luật pháp, chính trị…) để họ thay dần lớp cán bộ già nua xuất thân trong kháng chiến, không đủ năng lực điều hành nhà nước dân chủ.

Tất cả những cải cách trên đây đều nhắm vào mục đích chuẩn bị cho sự ra đời những phần tử ưu tú của một xã hội công dân mới, lành mạnh, thực tế, năng động dựa vào đó hình thành một giai từng lãnh đạo mới để đưa đất nước nhanh chóng vào con đường hiện đại hóa và dân chủ hóa. Khi đã có được một lực lượng xã hội tích cực để lấp dần cái chỗ trống do chế độ chuyên quyền tạo ra thì lúc bấy giờ việc hóa thân của đảng cộng sản cũng sẽ được đặt ra một cách tự nhiên trong điều kiện đất nước đã thoát khỏi tình thế chông chênh cực kỳ nguy hiểm như hiện nay.



8. Cũng có thể gọi đó là một “thời kỳ quá độ”?

Quá độ từ xã hội chưa phát triển sang phát triển mà cũng quá độ từ xã hội chuyên chính sang dân chủ. Tôi cho rằng nếu chấp nhận cuộc chơi mới này một cách tỉnh táo, khôn ngoan, đảng cộng sản, do có được nhiều thuận lợi về lịch sử lẫn hiện tại, sẽ có nhiều cơ may để tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo của mình đối với đất nước trong một thời gian nữa. Tất nhiên vai trò ấy cũng không chấm dứt với sự giải thể tất yếu của đảng cộng sản: tuy đã chuyển mình sang thể chế khác, vai trò có khác đi nhưng uy tín và sức mạnh vẫn không thay đổi.



9. Những người cộng sản Việt Nam liệu có chấp nhận nổi một “kịch bản” như vậy không?

Chấp nhận hay không là tùy vào trình độ trí tuệ và bản lĩnh của họ. Trong khi đó thì mọi việc trong đời sống dường như không còn nghi ngờ gì nữa: thế giới đang đi vào con đường dân chủ và đất nước chúng ta cũng không có cách chọn lựa nào khác, vấn đề đặt ra là bằng cách nào mà thôi – đổ vỡ hay hòa bình mà thôi. Theo chỗ tôi biết thì hiện nay, với tư cách là những cá nhân, rất nhiều người cộng sản cũng đã nhận ra điều đó.

Kami tổng hợp.
-----------------------------
Nguồn:
1.Đàm thoại về CNXH-Lữ Phương
http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_DamThoaiVeChuNghiaXaHoiMacXit_full.htm
2.Nói về CNXH và CNCS-http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_c%E1%BB%99ng_s%E1%BA%A3n
3.Karl Marx -http://vi.wikipedia.org/wiki/Karl_Marx

ไม่มีความคิดเห็น: