วันอังคารที่ 13 มกราคม พ.ศ. 2552

No240: VềChủ nghĩa xã hội Marxit & phi Marxit (1)



Chỉnh sửa tiêu đề hay giới thiệu.
Lý luận triết học:VềChủ nghĩa xã hội Marxit & phi Marxit (1)

I.VÀI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA MARX VỀ CNXH:
Chủ nghĩa cộng sản khoa học của Marx là lý thuyết trung tâm là kết quả của các nghiên cứu của Marx là bộ phận lý thuyết làm sóng gió lịch sử thế giới trong thế kỷ 20.

Marx cho rằng với sự sản xuất tập trung xã hội hoá cao độ với trình độ cao, hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa sản xuất ra một lượng của cải khổng lồ, trong khi đó giai cấp thụ hưởng là giai cấp tư sản chỉ là một bộ phận nhỏ của xã hội. Còn đại bộ phận xã hội là giai cấp công nhân (giai cấp làm thuê) thì không thể tiếp cận được của cải mà họ làm ra vì họ không có quyền sở hữu phương tiện sản xuất đang nằm trong tay các chủ tư bản. Các chủ tư bản thì không đời nào từ bỏ độc quyền tự nhiên của mình để bóc lột giai cấp công nhân. Do đó giai cấp công nhân phải vùng lên dùng bạo lực cách mạng để giành lấy phương tiện sản xuất xoá bỏ tận gốc rễ nguyên nhân "người bóc lột người" của chủ nghĩa tư bản. Đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi giành được chính quyền trong cách mạng xã hội chủ nghĩa thì sở hữu phương tiện sản xuất sẽ là sở hữu toàn dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ thay mặt nhân dân điều hành sản xuất và nắm quyền sở hữu này vì nhà nước bây giờ là nhà nước của toàn dân. Trong xã hội đó con người làm việc theo năng lực hưởng thụ theo lao động. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa thì chức năng của nhà nước ngày càng suy giảm, sự tự giác của nhân dân ngày càng cao và đến lúc đó sẽ xuất hiện xã hội phi giai cấp, không còn mâu thuẫn đối kháng dẫn đến sự tự teo của nhà nước, sẽ xuất hiện một xã hội mà ở đó nguyên tắc phân phối của cải sẽ là "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" đó là chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên Marx không tin tưởng vào một tương lai gần của thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản vì theo ông thì "Cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể chiến thắng đơn độc tại một nước" vì giai cấp tư sản thế giới ở các nước khác sẽ bao vây và bóp chết cách mạng để duy trì lợi ích ích kỷ của mình. Vậy cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ nổ ra khi nào mâu thuẫn đã quá khủng khiếp "trong tất cả các nước tư bản hoặc chí ít là số lớn các nước tư bản đứng đầu thế giới". Và khi đó sẽ là một cuộc cách mạng thế giới long trời lở đất của giai cấp công nhân chôn vùi chủ nghĩa tư bản. Để giác ngộ giai cấp công nhân hiểu được vai trò lịch sử của mình (Giai cấp công nhân - Giai cấp tiên phong của tiến bộ xã hội, giai cấp cách mạng nhất - Người đào mồ của chủ nghĩa tư bản - Karl Marx) và lãnh đạo cuộc đấu tranh đó Marx chỉ ra là phải có các đảng cộng sản là tổ chức của những người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sẽ hướng dẫn đoàn kết lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.

II.VÀI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA LÊNIN VỀ CNXH:
Cũng như Marx, Lenin là nhà cách mạng nhiệt thành của chủ nghĩa cộng sản. Lenin không phải là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Marx vào Nga mà đó là một nhà Marxist ôn hòa - Plekhanov người sáng lập đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Nga. Sau này người ta gọi những người theo Plekhanov trong đảng này là phái Menshevic (thiểu số)- là những người không tán thành làm cách mạng vô sản vì họ theo lý thuyết của Marx cho rằng làm cách mạng như vậy là chưa chín muồi, họ chiếm thiểu số trong đại hội đảng năm 1902). Và những người theo Lenin là phái Bolshevic (đa số)- là phái tán thành cách mạng. Từ đó phái Bolshevik của Lenin tách ra thành lập đảng riêng - Đảng Cộng sản (Bolshevik).

Lenin hiệu chỉnh rất nhiều ở chủ nghĩa Marx và sáng tạo ra rất nhiều ý tưởng lý luận mới. Nhưng điểm nổi bật và lớn nhất phân biệt Lenin với Marx là lý luận về chủ nghĩa đế quốc và ý tưởng về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa xã hội) trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc: Lenin lý luận rằng chủ nghĩa Marx chỉ đúng trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh khi các quốc gia tư bản chưa trở thành đế quốc chủ nghĩa. Còn thời đại của mình (đầu thế kỷ 20) là thời đại của chủ nghĩa đế quốc - là đỉnh cao tột cùng của chủ nghĩa tư bản khi mà hình thức kinh tế chính của nó là các tập đoàn tư bản độc quyền, lũng đoạn nền kinh tế để có thể thu được siêu lợi nhuận và đặc tính đối ngoại là hiếu chiến và xâm chiếm thuộc địa. Trong các điều kiện phát triển khác nhau thì trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã xuất hiện các "khâu yếu" (theo lời của Lenin là các "mắt xích yếu") và cách mạng vô sản có thể chiến thắng tại một trong các mắt xích yếu đó (Cách mạng vô sản là cách gọi khác của cách mạng xã hội chủ nghĩa - Thuật ngữ "Giai cấp Công nhân" còn được gọi là "giai cấp vô sản"). Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Lenin so với Marx và được những người Marxist-Leninist xem là sáng tạo lý luận vĩ đại nhất trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Như vậy khi đề ra chủ nghĩa cộng sản Marx không tin rằng chủ nghĩa của mình có thể thành công trong tương lai gần và cũng chỉ nói chung chung về mặt lý tưởng như vậy mà thôi, và cũng không chỉ ra được cách tiến hành cách mạng như thế nào, các đặc trưng của cách mạng đó ra sao, sau cách mạng xây dựng xã hội mới thế nào. Còn với Lenin thì chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, cách mạng xã hội chủ nghĩa đã là một thực tế và mọi nỗ lực của mình Lenin giành cho sự nghiệp đưa chủ nghĩa cộng sản vào cuộc sống. Có thể nói vai trò của Lenin đối với chủ nghĩa cộng sản không nhỏ hơn nếu không nói là lớn hơn vai trò của Karl Marx, người ta còn gọi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa Marx-Lenin (Marxism-Leninism).

III.ĐẢNG CSVN ĐỔI MỚI ĐÃ TỪ BỎ KHÁ NHIỀU CN MARX-LENIN HAY SAO?

Không phải là nhiều lắm đâu! Tính chất lêninnít vẫn chi phối rất mạnh “đường lối cách mạng” của Ðảng cộng sản Việt Nam: bằng chuyên chính vô sản thực hiện “thị trường xã hội chủ nghĩa” (rất giống với đường lối hiện nay của Trung Quốc) – nghĩa là tiếp tục con đường của Lênin, dùng chuyên chính vô sản để làm kinh tế tư bản trên một quy mô toàn diện hơn thời Lênin rất nhiều. Bước lùi đã đi xa hơn nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của chủ nghĩa Lênin: duy trì cho bằng được sự lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản trên phương diện chính trị và văn hóa. Tất nhiên về mặt trình bày công khai - đặc biệt trong những thứ văn bản nói với người nước ngoài - người ta đã cố ý che giấu bớt những cái làm dư luận kinh sợ (bạo lực cách mạng, kẻ thù giai cấp, chuyên chính vô sản…) nhưng thực chất bên trong thì chẳng có gì thay đổi cả: không nói chuyên chính vô sản nhưng cứ làm chuyên chính vô sản, ai không hiểu điều đó thì chẳng hiểu gì về tình hình “cách mạng” hiện nay của Việt Nam cả! Sự “ổn định chính trị” thường xuyên được viện ra, gọi là tạo điều kiện “phát triển kinh tế”, nhưng chủ yếu là để răn đe, trấn áp các xu hướng đòi hỏi dân chủ hóa trong giới trí thức và văn nghệ sĩ, nhất là trong nội bộ đảng. “Nhà nước pháp quyền” – một khái niệm mà ngôn ngữ mácxít không hề biết đến – cũng được “tạm mượn” để biểu thị một cái gì đó có vẻ mới về chính trị; nhưng thực tế đó cũng chỉ là một cách nói mới mà thôi: nhà nước hiện nay vẫn được coi là “nhà nước xã hội chủ nghĩa” (mặc dù chẳng có một tí gì là xã hội chủ nghĩa cả!), một nhà nước được coi là công cụ của đảng, do đảng đạo diễn lập ra, đa số thành phần là đảng viên, bên ngoài được gọi là đại diện cho dân… nhưng ngoài một số công việc về hành chính, thực chất vẫn chỉ đại diện cho bản thân nhiều hơn. “Pháp quyền” ở đây chỉ có nghĩa là dùng luật pháp để cai trị dân theo quan niệm của phái Pháp gia ngày trước, đảng chỉ đạo làm ra luật pháp và duyệt xét tất cả các vụ xét xử quan trọng: đảng vẫn là một thực thể siêu nhà nước và siêu công dân. Trong nhiều lĩnh vực, luật pháp nhiều khi chỉ là cái nhãn “pháp quyền” bày ra cho vui vậy thôi: từ khi có luật báo chí ra đời đến nay chưa hề có tờ báo nào “được” đưa ra tòa xét xử cả, tất cả đều chỉ bị kiểm điểm răn đe, thanh trừng bởi những “cơ quan chức năng” trong đó các Ban an ninh nội chính, Ban bảo vệ văn hóa đã ngày trở nên quan trọng hơn Bộ văn hóa và cả Ban tuyên huấn nữa.

Nhiều nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm đã cho rằng phát triển kinh tế phải đi trước sự tự do hóa về chính trị.

Kinh nghiệm ấy là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng đó là kinh nghiệm đến từ một mô hình hoàn toàn khác với cái mô hình lêninnít mà chúng ta đang nói: một bên, sau một thời gian thực hiện độc tài, một xã hội công dân cũng từ đó ra đời một cách cứng cáp để tự đảm nhận lấy vài trò phát triển kinh tế trong một thể chế dân chủ đa nguyên, còn một bên, như chúng ta đã biết, có thể sẽ có phát triển kinh tế, nhưng chẳng bao giờ có dân chủ cả: bản thân “chuyên chính vô sản” đã là dân chủ rồi, và là “dân chủ gấp triệu lần” những thứ dân chủ khác! Những gì mà Ðảng hứa về “đổi mới” trong chính trị và văn hóa đều chỉ là lời hứa mà thôi: tất cả tập trung vào kinh tế, nhưng kinh tế ở đây cũng chỉ được hoạt động trong cái định hướng có lợi cho bản thân sự tồn tại của Ðảng. Chúng ta hình dung xem nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào dưới sự quản lý của một định chế không xuất phát từ bản thân nó. Ðiều chắc chắn trước tiên là những hành động làm ăn bình thường trước đây bị cấm đoán đến phải chui vào “thế giới ngầm”, nay được giải phóng cho tự do, sẽ tạo nên một không khí cực kỳ ồn ào, náo nhiệt, nhờ vậy mà đời sống người dân cũng có chỗ xoay xở để kiếm sống. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy: không được bảo vệ một cách lâu dài và nghiêm chỉnh về mặt luật pháp, không được thật tình khuyến khích để trở thành những hoạt động có quy mô lớn, vẫn bị “điều tiết” bằng cái thang giá trị gọi là “xã hội chủ nghĩa”, sự phát triển kinh tế đã đi theo cái hướng mà không ai là không thấy: chụp giật, lừa đảo, buôn lậu, tham nhũng và đặc biệt nhất là tất cả mọi chủ thể kinh tế (cá nhân, tập đoàn, tư nhân, quốc doanh, trong nước, ngoài nước) đều âm thầm đồng lõa cấu kết nhau lại để đục khoét đến nơi đến chốn bất cứ cái gì thuộc về cái gọi là “sở hữu nhà nước”. Và người ta không thể làm được việc đó nếu không có sự tiếp tay của chính những quan chức trong bộ máy nhà nước ấy: tuy gọi là “nhà nước cách mạng” nhưng tính chất “cách mạng” của nó đã mất đi hoàn toàn từ ngày đảng lên cầm quyền - từ chỗ là một bộ máy cai trị quan liêu làm dân khiếp sợ, nó đã trở thành một bộ máy bất lực, thối nát khi lao vào hoạt động trong cơ chế thị trường. Lý luận gọi là nhà nước xã hội chủ nghĩa “điều tiết” thị trường thực chất chỉ là một miếng vải và víu do những nhà lý luận quan phương tạo ra để che giấu xu thế đang tư sản hóa theo cái chiều hướng hoang dã của bản thân cái nhà nước ấy.

IV.CHỦ NGHĨA XÃ HỘI PHI MARXITS:
1.Có phải chủ nghĩa xã hội mác xít là bất khả thi và do đó phải từ bỏ hoàn toàn?
Dứt khoát là như vậy. Vì thế bất cứ mưu toan nào hy vọng “đổi mới” thứ “chủ nghĩa xã hội” ấy, dù bằng cách của Lênin hay bất cứ cái gì đó lấy cảm hứng từ Lênin, dựa vào chuyên chính vô sản để làm kinh tế thị trường hoặc không làm kinh tế thị trường đều chỉ đưa ra được những thứ lý luận chắp vá để hiện thực hóa cái huyễn tưởng của Mác. Sự khập khiểng về lý luận ấy cũng dứt khoát không thể biện minh được cho sự tồn tại độc quyền và chuyên chính của đảng cộng sản nhân danh cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động: đó chỉ là một ý thức hệ lập ra để che giấu cho sự chuyên chính đơn thuần của một thiểu số cầm quyền (như bất cứ một nền chuyên chính nào khác) thống trị lại đa số dân cư: không phải chỉ đối với bọn đế quốc, tư sản phản động mà còn đối với cả nhân dân lao động, trong đó có cả giai cấp vô sản và những đảng viên bình thường nữa. Hoàn toàn không có gì gọi được là khoa học, cho nên con đường gọi là “cách mạng vô sản” của Mác rút lại chỉ là một thứ ý chí luận mang tính tư biện triết học, vì thế đem cái gọi là thiện chí “vì nước vì dân” ra để bày tỏ tấm lòng của đảng, việc đó cũng chẳng giải quyết được gì - thiện chí nhưng huyễn tưởng và lại cho phép dùng bạo lực để thực hiện thì cũng chỉ đưa người ta đến… địa ngục thôi. Chính vì không bao giờ dám nghĩ đến điều đó bằng một tinh thần tự nhận thức nghiêm chỉnh, cho nên những người cộng sản cứ loay hoay, mò mẫm thí nghiệm làm hao tốn không biết bao thì giờ, công sức, mồ hôi và xương máu của bao thế hệ. Sự sụp đổ của Ðông Âu và Liên Xô, sự lùi bước quá xa của những xã hội chủ nghĩa còn lại, muốn nói gì thì nói, đã chứng tỏ tính bất khả thi không gì biện minh được của thứ chủ nghĩa xã hội mácxít thực hiện bằng chuyên chính và bạo lực. Sự sụp đổ mang tính lịch sử đó cũng gợi cho mọi người bài học: cuộc cách mạng xã hội của những người lao khổ, khốn cùng vùng lên tước đoạt những người giàu có không hề đồng nghĩa với việc những người lao khổ, khốn cùng ấy tự tạo ra được cho mình khả năng xây dựng một xã hội giàu có, văn minh và nhân đạo.

2. Nếu từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì, nói như những người cộng sản, chúng ta phải quay lịch sử về với chủ nghĩa tư bản?

Xin được nói lại rằng chủ nghĩa xã hội không phải là sự sáng tạo riêng của Mác; cũng xin nói thêm rằng từ bỏ chủ nghĩa xã hội mácxít cũng không có nghĩa là từ bỏ những giá trị nhân đạo hiển nhiên trong chủ nghĩa Mác (ý hướng bảo vệ người lao động, nhân bản hóa các hoạt động kinh tế, chính trị chống lại mọi hình thức tha hóa con người…). Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi tiếp thu những giá trị tích cực ấy thì phải đưa chúng vào con đường lớn mà nhân loại đã đi trong suốt mấy trăm năm qua – và con đường ấy không có gì khác hơn là thị trường và dân chủ. Và nếu hiểu thị trường và dân chủ là chủ nghĩa tư bản thì cũng có thể cho rằng từ bỏ chủ nghĩa xã hội mácxít cũng tất yếu trở về với thứ “chủ nghĩa tư bản” ấy. Nhưng đó không phải là thứ chủ nghĩa tư bản “lỗi thời” mà Mác đã phê phán: thực chất của thứ chủ nghĩa tư bản bị phê phán đó chính là cái cơ chế thị trường mù quáng, hỗn loạn, hút máu mủ người lao động để tự tăng trưởng như cái máy vô tri - rất khác với thứ cơ chế thị trường hiện đại, đã bị chính sự tác động của chủ nghĩa Mác, của những quá trình tranh đấu của công nhân làm cho văn minh hơn, đỡ mù quáng và tàn khốc hơn, và do đó vẫn chưa hoàn toàn bị lịch sử phủ định trong việc giữ được cho xã hội cái động lực thúc đẩy phát triển. Sự kiện các nước quê hương của chủ nghĩa tư bản không “giãy chết” như những người cộng sản mong mỏi, cộng thêm sự kiện các nước chưa phát triển gần đây, bằng con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, đã đưa dân tộc họ “cất cánh” và bay được đường bay của thế giới hiện đại đã chứng minh cho điều đó. Ngược hẳn với những nước có chế độ tự cho là tiên tiến hơn chủ nghĩa tư bản không biết bao lần – là những nước đem chủ nghĩa xã hội mácxít ra thực hiện – ở đó lại không có phát triển kinh tế lẫn không có dân chủ cho người dân, ở đó giai cấp công nhân và những người lao động, những người trí thức vẫn chỉ là những kẻ thừa hành, phục vụ cho những ông chủ mới, mị dân thì nhiều nhưng giảo quyệt cũng không kém. Tôi cho rằng đem một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng ra đối lập với thứ chủ nghĩa tư bản hoang dại là một thứ lập luận hoàn toàn mang tính chất tuyên truyền thô sơ, do đó chẳng hề có chút sức thuyết phục nào. Vấn đề hiện nay là phải trên cơ sở những cái bình thường mà nhân loại đã đạt được để đặt ra vấn đề xây dựng một mô hình chủ nghĩa xã hội khả thi hơn chứ không phải đưa ra các khái niệm “tư bản chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa” lên cõi trừu tượng để cãi nhau về sự “tiến bộ” lẫn “lạc hậu” cũng trừu tượng như vậy.

3.Tại sao không bỏ luôn mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” ấy đi - khỏi cần chủ nghĩa gì cả miễn nhân dân được giàu có, tự do: rất nhiều người hiện nay đã nghĩ như vậy!

(còn tiếp phần 2)

Kami tổng hợp.
-----------------------------
Nguồn:
1.Đàm thoại về CNXH-Lữ Phương
http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_DamThoaiVeChuNghiaXaHoiMacXit_full.htm
2.Nói về CNXH và CNCS-http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_c%E1%BB%99ng_s%E1%BA%A3n
3.Karl Marx -http://vi.wikipedia.org/wiki/Karl_Marx

ไม่มีความคิดเห็น: