Ngày 17/12/2008, Vietnamnet đưa tin một cơ phó của hãng hàng không Việt Nam bị tạm giữ tại Nhật để "điều tra nghi vấn có liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này." (1)
"Phía Nhật cho biết, từ năm 2006 đến nay, khi vụ việc bị phát hiện, tổng cộng đã có 85 người bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ, với tổng số hàng hoá, quần áo và đồ vật nghi ngờ là bất hợp pháp lên tới 140 triệu yen." (2)
Ngày 18/12/2008, tờ Asahi của Nhật Bản đưa tin về việc đang lần ra nhiều đầu mối dính đến đường dây các tu nghiệp sinh Việt Nam ăn cắp hàng hóa tại các siêu thị Nhật Bản. Điều này có liên quan tới việc tạm giữ cơ phó của hãng hàng không Việt Nam. (3)
Hai sự việc liên tiếp nhau trên đây đủ gây cho những người Việt biết xấu hổ một ấn tượng mạnh, để những người Việt biết xấu hổ ấy "có cơ hội" nhìn lại người dân mình, và nhìn lại đất nước mình.
Với những ai đã từng sinh sống tại Nhật Bản, hẳn nhận thấy rất rõ tính kỷ luật và tính trung thực của người Nhật Bản. Chẳng hạn, khi vào một siêu thị Nhật Bản, bạn có thể tự tính tiền cho những đồ bạn mua, và tự giác trả tiền.
Một đất nước với những con người biết tôn trọng kỷ luật và đề cao tính trung thực như Nhật Bản hẳn không thể nào thích hợp cho một số “người Việt xấu xí” như trong hai sự việc trên.
Ăn cắp có thể có nhiều nguyên nhân. Hành vi ăn cắp thứ nhất của cơ phó hãng hàng không Việt Nam xuất phát từ tư lợi cá nhân. Hành vi ăn cắp thứ hai của các tu nghiệp sinh Việt Nam lại xuất phát từ việc tiền trợ cấp hướng nghiệp cho họ quá khiêm tốn, đến mức họ không đủ sống nếu không ăn cắp (!).
Ăn cắp, nếu xuất phát từ một công dân hay một nhóm các công dân bình thường, có thể dễ bị phát hiện và đưa ra ánh sáng. Ăn cắp, trong nhiều sự việc quy mô lớn, xuất phát từ một hay một nhóm các quan chức, có thể không khó bị phát hiện, nhưng dễ bị đưa ra ánh sáng hay không còn tùy vào cơ chế giám sát và nền luật pháp của mỗi quốc gia.
Vụ tham nhũng PCI mới đây là một điển hình của việc ăn cắp ở quy mô quốc gia và quốc tế. Quốc gia bạn Nhật Bản đã nhanh chóng vào cuộc và sớm đưa ra trước công luận các kết quả điều tra. Trong khi đó, sự trì trệ và thái độ "bình chân như vại" của các cán bộ, cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam khiến người dân trong và ngoài nước phải đặt câu hỏi lớn về quyết tâm chống tham nhũng mà đảng và chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh.
Tham nhũng, xét cho cùng, là ăn cắp, mà ăn cắp với bình phong của quyền lực và những liên hệ quyền lực. Quốc gia nào cũng có tham nhũng. Nhưng trong một quốc gia có nền luật pháp thiếu công minh, cộng với cơ chế giám sát đầy những lỗ hổng, thậm chí bao che và dung túng cho những sai phạm, thì tham nhũng dễ trở thành quốc nạn.
Ăn cắp và tham nhũng - ở cấp độ tệ nạn, xét về nhiều khía cạnh, là sản phẩm của hoàn cảnh sống của người dân một quốc gia, của nền văn hóa, của nền luật pháp,... của quốc gia đó.
Một nước nghèo, khi chưa thể mang lại cho người dân một cuộc sống no đủ, khi chưa thể giúp người dân sống tốt, hoặc không tạo đủ cơ hội cho người dân được hoàn thiện nhân phẩm, không có cơ chế giám sát nghiêm ngặt, không có nền luật pháp công minh,... thì mãi mãi không thể trở thành một quốc gia tiến bộ.
Nhưng, đất nước Việt Nam không thể chậm tiến mãi. Trước vấn nạn ăn cắp và tham nhũng đang hoành hành, người dân và chính phủ phải tìm cho được giải pháp khắc phục để Việt Nam có thể vươn lên.
Đề ra giải pháp không khó, song thực hiện giải pháp còn tùy vào quyết tâm của người dân và chính phủ. Nếu tập hợp lại những điểm đã được đúc rút nhằm giải quyết vấn nạn này, ta có một giải pháp tương đối đầy đủ cho cả người dân lẫn chính phủ, với 5 điểm sau:
1. Thuợng tôn pháp luật
2. Thực hiện tự do báo chí
3. Mở ra các cơ quan điều tra độc lập
4. Minh bạch hóa các khoản tài chính, công khai các dự án công cộng
5. Thay đổi triết lý giáo dục, vì văn hóa và giáo dục là cội nguồn của sức mạnh dân tộc và của lương tri
Vấn nạn ăn cắp và tham nhũng tại Việt Nam đã và đang tồn tại như một trở lực to lớn, ngăn cản sự phát triển và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Để giảm thiểu được vấn nạn đó, quyết tâm của chính phủ phải được biểu hiện bằng những hành động “đã nói là làm” chứ không phải chỉ bằng những khẩu hiệu suông, quyết tâm của người dân phải được biểu hiện bằng sự ý thức cao độ về quyền làm chủ xã hội, cùng trách nhiệm đối với quốc gia và đối với cộng đồng.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn: Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ
Chú thích:
(1, 2) Phi công Vietnam Airlines bị tạm giữ tại Nhật Bản
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/12/819044/
(3) Nạn ăn cắp siêu thị của tu nghiệp sinh VN ở Nhật liên quan đến vụ bắt phi công HKVN
Link bản tiếng Nhật của báo ASAHI SHINBUN
http://www.asahi.com/national/update/1218/SEB200812180003.html
Link bản tiếng Việt
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6812
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น