วันอังคารที่ 20 มกราคม พ.ศ. 2552

No263: Lạc Bước Giữa Vườn Hoa Hà Đông


“Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có tên gọi là Xứ Đoài. Địa danh của quê tôi nay đã bị xoá tên trên bản đồ tổ quốc. Tôi đang lưu lạc ở xứ sở của các loài hoa trên cao nguyên phương nam. Sau khi đọc truyện ký “Một đêm ở bến xe Hà Đông” của cựu chiến binh Hoa Mộc Miên tôi vô cùng bức xúc. Tôi đã lặng lẽ làm một chuyến “Bắc du” trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình những mong được nói một lời chia sẻ với những người đồng đội và đồng hương lúc mà tôi cũng chỉ là một tha nhân lỡ bước giang hồ và khi tôi đã hoàn toàn thất bại trên bước đường tìm kiếm một chữ NHÀN cho chính mình trên miền đất lạ”.
(Mimosa)

… Phải mất gần cả buổi sáng tôi mới tìm được nhà vị đại tá về hưu của quân đội nhân dân Việt Nam ở La Khê – Văn Khê – Hà Đông. Tiếp tôi ở ngay trước cửa cánh cổng sắt vẫn còn khoá chặt cái ngõ 17m2 suýt bị chính quyền cưỡng chế, người nhà của đại tá bảo: Ông bà tôi mới khởi hành sáng nay rồi. Ông tôi bảo đưa bà đi thăm đồng đội cũ trên biên giới phía Bắc. Nói đoạn bà ta lỉnh kỉnh mở khoá cổng để mời tôi vào. Tôi vội xua tay: Tôi cũng từ xa đến để thăm ông bà chủ. Thật tiếc quá, tôi xin phép dịp khác đến sau vậy và tôi nhanh chóng quay ngược trở lại con đường vừa đi. Phải nói là vùng dân cư này có tốc độ đô thị hoá thực sự chóng mặt. Đường xá hoàn toàn bê tông hoá từ lâu. Hai bên đường nối nhau san sát là những nhà cao tầng có kiến trúc hình ống với mặt tiền hoàn toàn dành để phục vụ cho buôn bán và làm các ngành nghề dịch vụ. Tôi đi ngang qua Bia Bà thực sự xúc động trước những huyền thoại về đức độ, về phẩm hạnh của người con gái làng La Ninh (tên cũ của La Khê) có tên là Trần Thị Hiền công nương, hoàng hậu thời nhà Mạc. Có thể chính nhờ địa điểm mang tính tâm linh này mà vùng đất xung quanh Bia Bà có sự khởi sắc hơn hẳn những vùng mà tôi vừa đi qua. Sự sung túc càng rõ hơn khi tôi đi xuyên dọc phố chợ La Khê để tìm ra đường 6. Hàng hoá tràn ra hai bên đường với đủ mọi loại hạng. Nhưng cũng hơn lúc nào hết tôi đã chứng kiến thật toàn diện cái mặt trái của tăng trưởng chính là sự ô nhiễm đến kinh khủng về môi trường ở nơi này.

Ra khỏi đoạn phố chợ La Khê tôi thoát ra quốc lộ 6 mênh mang là hai làn đường xuôi ngược tách biệt. Đây rồi đúng là đoạn đường 6 nổi tiếng mà ngày nào tôi đọc qua ghi chép của ông giáo già tôi không còn nhớ tên. Bài báo đó có nhan đề: “Có một “Đồ Sơn” nằm giữa lòng Thành phố Hà Đông”. Nghe đâu cũng vì bài viết này, ông giáo đó đã nhiều lần bị an ninh điều tra công an Hà Tây cũ thẩm vấn. Cuối cùng hoá ra điều mà ông giáo viết chẳng có gì là sai. Đó cũng chính là công việc không mệt mỏi của ông già cựu chiến binh Đỗ Văn Thỉnh ở Văn Phú đã bỏ ra nhiều năm tranh đấu mong những đòi lại được quyền lợi cho người dân quê hương ông. Không biết giá trị thực của hai vạn 6 nghìn mét vuông đất theo giá trị của mặt đường 6 lúc này nó là bao nhiêu triệu USD cho đúng đây! Nghi án 2 vạn 6 nghìn mét vuông đất ngày mở đường lẽ nào lại mãi mãi chỉ là nghi án và phải chìm xuồng? Tôi chỉ thực sự thoát ra khỏi những dằn vặt khi tôi đến gần một đám đông trên hè phố Quang Trung. Lách qua đám đông những người đi chợ tôi thấy một bé gái chừng 13 – 14 tuổi áo quần bẩn thỉu ngồi bệt dưới đất lưng tựa vào một gốc cây bên hè phố đang thiêm thiếp. Bên cháu là một túi nhựa đựng mấy đồ cũng rách nát. Tôi đến gần hơn nhận thấy đó là một bé gái tuy có lem luốc nhưng vẫn giữ được một gương mặt Thiên sứ thật dịu hiền. Tôi khẽ hỏi người đàn bà có một mẹt hoa quả bán rong ngồi gần đó đang săn sóc cháu bé: Có chuyện gì vậy đó bà ? Bà bán rong chép miệng: Rõ khổ quá ông ạ, tôi ngồi bán hàng cứ thấy nó đi đi lại lại và lả đi vì đói mà chẳng thấy nó dám xin sỏ ai cái gì. Tôi ngước nhìn ngang là dãy dãy những hàng ăn thơm lừng mùi nước phở và tấp nập các quý ông, quý bà, quý cô, quý cậu vào ăn sáng. Người ta đã dửng dưng ơ hờ bước qua nó, nhìn nó như nhìn một con mèo hen lạc nhà đang ngơ ngác. Bà cụ nói với tôi mà như độc thoại với chính bà: Đói quá sinh ra thế này đây. Tôi nghĩ chắc nó đi thăm bố mẹ ốm đau nằm viện hay là gia đình nó đã tan nát vì một lẽ gì đó chăng? Tôi rất dễ xúc động trước những cảnh ngộ như thế này. Đây lại là một cháu bé gái không biết trên đất nước này, vào lúc này có bao nhiêu những đứa trẻ rơi vào cảnh ngộ như thế này? Tương lai của chúng nó sẽ ra sao nhỉ! Tôi nói với bà hàng rong: Bà xem cháu nó đói quá thì vào kia mua cho cháu nó bát cháo bà ạ. Đói quá ăn cơm không được đâu. Bà hàng rong bảo: Lúc vừa nãy có cô hàng rau đi qua mua cho nó một hộp sữa Vinamilk đây rồi mà nó cũng chưa uống được. Giữa chốn náo nhiệt của Hà Tây, cửa ngõ thủ đô mà tôi vẫn thấy buồn đến tái tê. Tôi nói nhỏ với bà hàng rong: tôi cho cháu 10.000 đồng, bà bỏ vào trong túi của nó giúp tôi. Cháu nó cũng lớn rồi chắc cũng biết dùng tiền đấy bà ạ. Bà cụ chép miệng, có mấy người lúc nãy cũng cho nó tiền tôi bỏ cả vào túi nó đây.
Tôi vội lách qua mọi người trở ra, tôi phải ra thôi nếu không tôi sẽ rơi nước mắt mất trước nỗi đau của người đồng hương nhỏ tuổi của mình. Đúng lúc đó tôi thấy bà chủ hàng ăn béo núc bước ra la hét: Biến đi, biến đi ngay cho người ta còn bán hàng, mở mắt ra đã kéo nhau đến mà ám quẻ! Biến đi không công an nó đến nó đuổi đi tất bây giờ. Thưa các chính trị gia, thưa các nhà hoạch định chính sách khả kính! Nếu nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà lại ngày càng nhiều những cảnh ngộ như thế này thì rất cần phải xem lại cái mô hình đó đấy. Thưa các nhà Mác xít, sẽ chẳng có chuyện gì mà nói với ai nữa đâu một khi những hình ảnh này, sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. Sẽ chẳng có một định hướng gì hết một khi phía trước của những đứa trẻ, phía trước của những gia đình nghèo khó chỉ là những bất công, bất trắc khó mà lượng định được, một tương lai là mù mịt và vô vọng.

Tôi lững thững ngược đường Quang Trung về phía bến xe, rẽ phải hỏi đường ra chợ Hà Đông dự định vừa thăm chợ vừa mua vài thứ làm quà cho bà xã thì bỗng thấy biển đường Tô Hiệu, tôi đi ngược về phía trước sực nhớ trong ghi chép của Hoa Mộc Miên đã kể về trường hợp mẹ con gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách bị chính quyền thị xã Hà Đông, chính quyền Hà Tây cũ bỏ rơi. Theo đúng lời chỉ dẫn của nhân vật xe ôm trong ghi chép tôi đã đứng trước căn phòng cấp 4 của mẹ con bà cụ Rối. Đó là một gian của cả một dãy nhà cấp 4 được xây từ thời bao cấp. Dãy nhà đó trước kia chẳng ai đoái hoài nhưng khi đường Tô Hiệu được mở rộng dãy nhà đó lại thành ra mặt đường thẳng ra chợ Hà Đông nên giá trị của nó tăng lên ghê gớm. Dãy cấp 4 đó nay đã xập xệ lại chềnh ềnh chắn mặt cả một dãy biệt thự cao tầng của các đại gia, các ông lớn bên cạnh chính vì thế nó như chiếc gai cần phải nhổ. Tôi để ý gần hết cả dãy cấp 4 này người ta đã thu hồi được chỉ còn sót lại hai gia đình. Đầu dãy là một gia đình đang mở quán bán nước và tạp phẩm, kề bên là một gian cửa đóng kín. Đúng như tôi dự đoán, hỏi người hàng xóm bên cạnh thì được biết đó là gian nhà của bà Giáo 65 tuổi sống cô đơn. Bà Giáo vốn là cán bộ của Hội nông dân đã nghỉ hưu và đang trông nuôi bà cụ Rối là mẹ đẻ. Bà cụ Rối nay đã 96 tuổi là vợ liệt sĩ chống Pháp chết trận năm 1952 và cũng là mẹ của một liệt sĩ con trai duy nhất chết trận năm 1974. Bà cụ thủ tiết thờ chồng, thờ con. Tôi lân la bắt chuyện làm quen với một anh xe ôm đang dựng xe đón khách ngay trước cửa nhà bà Giáo. Tôi hỏi: Mẹ con bà cụ Rối đi đâu rồi hả ông? Anh xe ôm bảo: Mấy tháng trước tôi vẫn thấy họ dọn hàng nước ở đây. Lâu nay thấy cứ đóng cửa suốt ngày, thỉnh thoảng thấy về rồi lại đi. Nghe nói chính quyền người ta đang muốn lấy lại cả dãy nhà này chẳng hiểu để làm gì, lúc thì nói để làm văn phòng gì đó, lúc thì bảo sẽ phá đi làm bến xe buýt. Họ đã lấy được gần hết cả dãy chỉ còn lại hai gian này. Nghe đâu người ta đã cắt đất cho hai mẹ con ở ngoài cánh đồng Văn Phú. Mẹ con họ không chịu vì họ sống làm sao nổi khi không bấu víu được với mặt đường để nhặt nhạnh từng đồng lẻ nhờ cốc nước, điếu thuốc. Ông cứ đi quá về đầu phố kia sẽ thấy một biệt thự to bật bãi của ông cựu chủ tịch Vương Văn Biện đang toạ lạc. Bên cạnh toà biệt thự đó còn một thẻo đất nhỏ bỏ không, mẹ con bà cụ có nguyện vọng xin được ở thẻo đất nhỏ đó thì bị chính quyền từ chối vì nghe đâu ông Biện đã đặt đơn xin nốt cho gia đình ông rồi. Thật đúng như người đời đã rủa xả: “Đầu chợ là thằng Biển thủ - cuối chợ là gã Sở khanh”. Rõ khổ cả mẹ cả con đều già yếu, cô đơn, kêu cứu biết bao năm rồi rốt cục chẳng đâu đến đâu dù cho đài báo lên tiếng bênh vực ầm ầm. Thật khổ cho họ, chính quyền nay bắn tin cưỡng chế, mai bắn tin cưỡng chế làm mẹ con họ bối rối chẳng sao làm ăn được. Nghe đâu họ đang tá túc cùng bà con họ hàng gần đây, thỉnh thoảng mới tạt qua lấy đồ và thắp vài nén hương trên bàn thờ hai liệt sĩ rồi lại lặng lẽ khoá cửa bỏ đi.

Tôi bước tới sát cánh cửa xếp, qua khe cửa huếch hoác tôi thấy trên bàn thờ rất đơn giản là những bông hoa đã héo quắt bên phía trên tường là tấm bằng Tổ quốc ghi công và hình ảnh hai bố con liệt sĩ đang buồn buồn nhìn xuống như trách móc, như ai oán một điều gì đó.

Thưa các vị quan tham của chính quyền Hà Đông – Hà Tây cũ! Thưa bà hiệu trưởng kiêm ĐBQH Hà Tây nọ! Thưa các vị mũ cao áo dài đang ngự ở toà nhà bên kia đường treo tấm biển Thanh tra Tỉnh! Các vị nghĩ gì về ánh mắt của hai cha con liệt sĩ là thân nhân của bà cụ 96 tuổi? Cha con họ đã ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh và hôm nay vì sao mà ánh mắt của họ đau buồn và ai oán đến thế!? Cha con họ đã ngã xuống trong âm hưởng hùng tráng của lời ca: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm !” dứt khoát không phải là để thân nhân của họ bị đối xử như ngày hôm nay.

Tôi cám ơn anh xe ôm đã cho tôi biết những nỗi trần ai mà mẹ con bà cụ Rối đang phải gánh chịu.

Tạm biệt anh xe ôm tôi lững thững thả bộ về hướng phường Hà Trì, ngang qua bên hông chợ Hà Đông trong cảm hứng trống rỗng mà một lần Tố Hữu đã viết:

“Ta dạo bước trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi”

Những gì còn đọng lại trong câu chuyện với người xe ôm làm tôi chẳng còn hào hứng, chẳng còn thiết tha gì nữa việc tham quan cái chợ mới xây. Thú thực tôi rất ngại vào chợ bởi cái ám ảnh cố hữu: “Thương trường là chiến trường”. Nơi đó chỉ có những chao chát mạnh được yếu thua, những khôn sống mống chết và “Bộ mặt nào như cũng điêu điêu !”. Ngang qua UBND phường Hà Trì tôi thấy một đám đông dân chúng cũng đang rất bức xúc. Họ tranh luận mà như la hét ầm ầm. Thấy sự lạ tôi tiến đến trong tâm thế vừa tò mò vừa hiếu kỳ. Một bà xồn xồn la tướng lên: Thế này là thế nào hở giời ơi là giời! Tôi hỏi một ông cụ già trầm ngâm đứng bên cạnh: Cái gì đấy hở cụ? Cụ già đáp: UBND phường Hà Trì dán thông báo để dân biết số diện tích đất bà con sẽ được hưởng sau khi đất sản xuất bị thu hồi cho các dự án. Người ta chỉ ghi có mỗi tên người và số mét vuông được hưởng nên bà con rất bất bình và phản đối. Tôi buột miệng hỏi lại ông cụ: Họ ghi thế thì sao mà phải phản đối? Ông cụ vẫn điềm tĩnh giải thích cho tôi: người ta chỉ ghi có tên người và số m2 thông tin vẻn vẹn chỉ có thế để họ yêu ai, thích ai, người thân của họ là những ai thì họ cho nhiều còn lại họ ghét ai thì cho ít, có người chẳng được tấc nào. Họ đẩy dân chúng vào cảnh mù tịt thông tin, không biết gì để mà so sánh, mà đối chiếu, mà thắc mắc…có thế mà bác không hiểu.

Tôi chưa kịp bày tỏ điều gì thì thấy mấy ông trung niên bức xúc quá nói như quát: Trưởng thôn và ban chia đất đã thu của chúng tôi từ 2005 mỗi người 15 triệu đồng mà nay tôi lại không được chia đất. Để có 15 triệu chúng tôi phải vay ngân hàng chịu lãi suất cao chứ đâu phải chúng tôi dư thừa gì đâu. Mấy ông trung niên chưa kịp nói hết thì mấy bà xồn xồn khác đã lại ào ào: Là xã viên hẳn hoi, nông dân chính gốc thì lại không được chia đất dịch vụ, có người chẳng cấy một khóm lúa nào lại được chia đất dịch vụ. Sau này tôi biết đó là bà Tuyết ở khu 3 Hà Trì. Bà Tuyết lại rền rĩ: Mẹ tôi là nông dân xã viên HTX thực thụ đã mất trong khi đó có nhiều người chết trước mẹ tôi, có cả những người chết sau mẹ tôi mà vẫn được chia đất thế thì ra làm sao? Tôi chưa kịp hiểu mô tê thế nào mà bà Tuyết bức xúc đến thế thì lại thấy một bà khác chen vào lanh lảnh: Tôi là Nguyễn Thị Thái ở khu Hà Trì 3 đây, nông dân chính hiệu, mẹ tôi 83 tuổi lão thành cách mạng bị Pháp bắt bỏ tù có giấy chứng nhận, chồng tôi là thương binh 1/4…Gia đình tôi có tội lỗi gì đâu mà không được chia đất dịch vụ ?

Tôi cứ ngớ người ra như được xem một cuốn phim thật sinh động về thảm cảnh chia đất dịch vụ ở phường Hà Trì – Hà Đông – Hà Nội. Ông cụ già mà lúc đầu tôi đã nói tới trầm ngâm với tôi: “Họ làm trái nghị định 84CP về thu hồi đất. Họ không hề có quyết định thu hồi tới từng hộ gia đình là để họ dễ nhập nhèm tiêu chuẩn được hưởng của các hộ có đất canh tác để lấy đất dịch vụ chia cho những người không có đất bị thu hồi như người thân của họ, như những người đã thoát li, đã được nhà nước chia đất, đã được hưởng lương hưu… Lợi dụng sự không tỏ tường, không hiểu cặn kẽ đường lối chính sách của người dân mà sự không tỏ tường đó là do chính họ gây ra, họ đã tha hồ thu vén cho bản thân, cho gia đình, cho phe cánh của họ ông ạ”.

Tôi buột miệng như một thằng ngớ ngẩn để sau này về Đà Lạt tôi cứ hối hận mãi: “Bà con bức xúc quá cũng rất bất lợi. Lãnh đạo cấp trên là sáng suốt đúng đắn và thương dân lắm. Cán bộ cơ sở họ vận dụng không chính xác nên mới ra nông nỗi như thế này cụ ạ”. Thấy chẳng giúp được những người nông dân khốn khổ điều gì, tôi lẳng lặng bỏ đi về hướng bến xe để chấm dứt một ngày lang bạt mà như lưu vong, như lạc loài ngay giữa quê hương mình. Ngày mai tôi sẽ đi đâu, sẽ thấy những điều gì nữa đây trên hành trình như vô định của mình, tôi chưa thể biết. Tôi chỉ thấy buồn, thấy thất vọng đến tái tê về những gì đã nhìn thấy, đã nghe thấy trong ngày. Ngang qua vườn hoa Hà Đông tôi thật súc động khi nhìn thấy một cành Mimosa của ai bỏ lại trên mặt ghế đá công viên. Chắc là của một cặp uyên ương nào đó vừa qua đây. Họ đã ngồi đây để tình tự, để ái ân, để nhìn sâu vào mắt nhau, để nhìn sâu vào mắt người đời mà thấy lòng đau xót. Họ đã bỏ đi và bỏ lại cành hoa này. Tôi nâng niu những cánh hoa mong manh gợi nhớ những sớm chiều lãng đãng trên cao nguyên tôi đang nương náu trong những ngày tôi là một tha nhân. Bất giác tôi thấy vang vọng từ trong vô thức lời bài ca:

“Mimosa! Mimosa !
Từ đâu em tới chốn này…”

Người viết
Mimosa Nguyễn
CCB Đoàn Chi Lăng ngày đầu năm 2009
Hoàn thành bài viết này tại cửa hàng bia
Liên hiệp thực phẩm Hà Đông – Hà Nội

ไม่มีความคิดเห็น: