Bắc Kinh ra tay ngăn chặn những kêu gọi cải cách
Nhà nước Trung Quốc đang khởi động một chiến dịch nhằm đè nát một nhóm các nhà bất đồng chính kiến và trí thức nổi tiếng vì dám đưa ra một lời kêu gọi công khai cho dân chủ, nhân quyền và tinh thần pháp trị.
Nhóm này gồm khoảng 300 nhà văn, nông dân nghèo, học sinh, giáo sư, ký giả, kinh tế gia, và các nhà hoạt động chính trị trên toàn quốc tất cả đều ký vào một văn kiện, được biết qua danh xưng Hiến chương 08, nhằm đưa ra một bản thiết kế rất chi tiết về nhiều vấn đề cho việc cải cách chính trị, luật pháp và kinh tế một cách ôn hoà ở Trung Quốc.
Kể từ đó, gần 7000 trí thức người Trung Hoa lẫn ngoại quốc trong cũng như ngoài nước đã ký vào Hiến chương 08 (零八宪章), cảnh báo rằng “khả năng có một cuộc xung đột dữ dội với một thảm hoạ khôn lường sẽ xảy ra” nếu Bắc Kinh không nhanh chóng tiến hành việc cải tổ lại nhà nước độc đảng.
Các nhà bất đồng chính kiến và giới trí thức Trung Quốc cho rằng tài liệu trên là sự kiện rất đáng chú ý trong ít nhất một thập niên qua, và có lẽ kể từ khi có cuộc biểu tình phản kháng ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Danh xưng của tài liệu trên ám chỉ đến Hiến chương 77, là lời kêu gọi cho nhân quyền do các nhà bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc đưa ra vào năm 1977.
Hiến chương 08 đã gây ra nhiều mối lo ngại ngày càng gia tăng trong giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Kể từ khi văn kiện trên được lưu hành, nhà văn Liu Xiaobo, một trong những người đề thảo ra bản Hiến chương đã bị bắt giữ vô cớ và thân nhân bằng hữu không nhận được một lời xác nhận nào về nơi chốn giam giữ ông ta cho đến hôm Thứ Sáu vừa qua.
Ít nhất 70 trong số 303 người ký tên đầu tiên vào bản Hiến chương đã bị công an triệu tập hoặc hạch hỏi, đồng thời Ban Tuyên giáo Trung ương đã răn đe tất cả giới truyền thông báo chí trong nước không được phỏng vấn hoặc đăng tải các bài báo của bất cứ người nào đã ký vào bản Hiến chương.
Việc hạch hỏi được tăng cường mạnh mẽ vào tuần này và tất cả những người được gọi lên đã bị ra lệnh phải rút lại sự ủng hộ của họ cho bản Hiến chương. Nhà nước Trung Quốc dường như rất lo ngại về cái ngôn ngữ rất kiên quyết chí lý của bản Hiến chương, cũng như nhiều người nổi tiếng đã ký tên vào, trong đó bao gồm cả các cán bộ trung cấp trong nhà nước và lý thuyết gia của đảng.
Bản Hiến chương được phổ biến công khai trên mạng Internet vào ngày 10 tháng 12 để đánh dấu dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và đến vào thời gian sắp sửa cho dịp kỷ niệm lần thứ 20, ngày 4 tháng 6, cuộc thảm sát Thiên An Môn, mà bản Hiến chương đã đề cập tới một cách thẳng thắn.
Các quan chức cao cấp trong nhà nước đã công khai bày tỏ sự lo ngại về khả năng bất ổn có thể xảy ra vì hậu quả của nạn thất nghiệp và mức tăng trưởng đang đổ nát. Bản Hiến chương có thể đáp ứng như một lời kêu gọi chung cho 1 triệu 500 ngàn sinh viên vừa mới tốt nghiệp hiện không có việc làm.
Ông Liu Xiaobo, một nhà phê bình văn học nổi tiếng, cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến và hiển nhiên là một trong những người đề thảo ra Hiến chương 08, đã bị an ninh nhà nước bắt giữ vào ngày 8 tháng 12.
Sau gần một tháng không có tin tức gì về nơi ông bị giam giữ và không bị chính thức buộc tội, vợ của ông đã được phép gặp ông ở ngoại ô Bắc Kinh vào hôm Thứ Sáu và được báo cho biết là ông Liu bị quản thúc tại gia ở một nơi bí mật, theo các tổ chức nhân quyền cho biết.
Cũng theo các tổ chức nhân quyền thì việc bắt giữ ông Liu hình như đã vi phạm luật hình sự của chính Trung Quốc, có ghi rõ ràng là nếu một nghi can là đối tượng của việc “giám sát ở nơi cư trú” thì người đó phải được giữ tại nhà riêng của họ.
Chiến dịch đàn áp bày ra bộ mặt trần trụi
Trung Quốc ăn mừng kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền hồi tháng trước bằng cách bắt giữ nhiều nhân vật bất đồng chính kiến ở khắp nơi trong nước.
Ðiều phạm pháp rõ ràng của họ là đã ký tên vào “Hiến chương 08”, một bản tuyên ngôn được phổ biến trên mạng Internet vào ngày 10 tháng 12 nhằm kêu gọi tất cả các công dân Trung Quốc trong cũng như ngoài chính phủ hãy nắm lấy cơ hội để “nhanh chóng thiết lập một quốc gia tự do, dân chủ và hợp hiến”, đồng thời chấm dứt quyền cai trị độc đoán của Ðảng cộng sản.
Nhiều nhân vận ký tên vào Hiến chương 08 là các nhà trí thức nổi tiếng, nhưng không được biết đến trước đây về các quan điểm cấp tiến và hoạt động chính trị của họ.
Bắc Kinh rõ ràng coi đây là một thách thức nghiêm trọng đối với quyền hạn của họ, vào lúc mà nạn thất nghiệp đang gia tăng và nền kinh tế đang đi xuống khiến cho các mối căng thẳng xã hội ngày càng dâng cao. Các bộ máy đàn áp rất có hiệu quả của nhà nước đã ra tay hành động ngay lập tức, với ít nhất 70 người trong số 303 người ký tên đầu tiên bị mời lên làm việc hoặc điều tra.
Mối quan hệ không vững vàng
1919 – Trong dịp nổi dậy ngày mùng 4 tháng 5, giới học sinh và trí thức đòi hỏi phải có “khoa học và dân chủ” như một liều thuốc giải độc cho sự thống trị của ngoại quốc và những xung đột ở trong nước
1949 – Mao Trạch Ðông và Ðảng cộng sản lúc đầu đề xướng ra một hình thức dân chủ, nhưng sau khi giành được thắng lợi trong cuộc nội chiến đã cho thực hiện một kiểu :Dân chủ Nhân dân Ðộc tài” kiểu Stalin.
1978 – Nhiều lời kêu gọi cho dân chủ gia tăng ở Bắc Kinh sau cái chết của Mao và thắng lợi của Ðặng Tiểu Bình trước nhóm Tứ Nhân Bang. Nhiều cuộc biểu tình đươc tổ chức ở “Bức Tường Dân Chủ” gần Quảng trường Thiên An Môn.
1989 - Nhiều cuộc biểu tình lớn bùng nổ khắp nơi trên toàn quốc với trọng điểm ở Quảng trường Thiên An Môn với nhiều học sinh đòi hỏi dân chủ và cải cách chính trị. Phong trào này đã bị nghiền nát vào ngày 4 tháng 6 khi giới lãnh đạo lão thành trong Ðảng cộng sản ra lệnh cho xe tăng dẹp sạch khu vực quảng trường.
Trong khi nhà nước Trung Quốc mới đây đã có nhiều nỗ lực để tự miêu tả mình là dễ dãi hơn với sự bất đồng quan điểm, nhưng bây giờ rõ ràng là họ đã quay sang một lập trường cứng rắn hơn.
Biện pháp của Bắc Kinh vào hôm Thứ Sáu để bịt miệng cha mẹ của các trẻ em nạn nhân của vụ xì-căng-đan sữa bị nhiễm độc, nhằm nhấn mạnh vào quyết tâm dập tắt các hành động không được phép của nhà nước, là một trong những phản ứng của họ đối với các khó khăn kinh tế và xã hội.
Ông Zhao Lianhai, người đứng ra tổ chức một mạng lưới gồm cha mẹ của các trẻ em bị bệnh hoạn sau khi tiêu thụ sữa trẻ em bị nhiễm độc chất melamine, đã bị bắt giữ khi nhóm của ông đang chuẩn bị vận động với chính phủ cùng hợp tác để tiếp tục việc chữa trị miễn phí cho con em họ và các nạn nhân khác.
Ông Zhao nói rằng ông bị giam giữ ở một đồn công an bên ngoài Bắc Kinh, là nơi công an trước đây thường giữ những người bị chuẩn bị đưa đi các trại lao động cải tạo.
“Có hơn 20 công an đang canh giữ tôi ở đây, và họ không thả tôi ra. Tôi phản đối lối đối xử trái phép này”, ông Zhao cho biết khi được tờ Kinh tế Thời báo liên lạc phỏng vấn qua điện thoại di động.
Trong một trường hợp khác, cha mẹ của các trẻ em bị thiệt mạng khi trường học của chúng bị xụp đổ trong cuộc động đất ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 12 tháng 5, năm 2008 cho tờ Kinh tế Thời báo biết vào tuần này rằng họ đã bị cảnh cáo nếu cứ tiếp tục theo đuổi việc đòi hỏi bồi thường và tiếp xúc với báo chí nước ngoài sẽ bị coi như những hành động trái phép có thể đưa họ vào tù.
Theo các nhóm bảo vệ nhân quyền và các luật sư thì Trung Quốc không có luật lệ nào như vậy. Những người đề thảo ra Hiến chương 08 nói rằng đây là những trường hợp mà họ đang cố gắng tìm cách giải quyết.
Theo Hiến chương 08 thì “Những bất đồng và khủng hoảng này hơn lúc nào hết đang tăng thêm mức độ căng thẳng … Sự tàn tạ của hệ thống hiện thời đã tiến đến lúc thay đổi không còn là một sự lựa chọn”.
Tất cả những điều được đề cập trong bản Hiến chương bằng tiếng Trung Hoa đã bị ngăn chặn trên các trang web, các cơ phận tìm kiếm (search engines) và thậm chí trong cả email. Các cán bộ tuyên truyền đã cấm chỉ báo chí truyền thông trong nước không được phỏng vấn hoặc đăng tải bài vở của bất cứ người nào đã ký tên vào bản Hiến chương.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế thì nhà cầm quyền Trung Quốc hiện đang coi bản Hiến chương như một “cương lĩnh phản cách mạng”, một dấu hiệu cho thấy những người ký tên vào có thể sẽ bị xử lý nặng nề.
Ông Liu Xiaobo, một trong những người đề thảo ra Hiến chương 08, đã bị an ninh nhà nước bắt giữ vào ngày 8 tháng 12, và giam giữ ở một nơi bí mật trong gần một tháng, không được liên lạc với gia đình hoặc tiếp xúc với luật sư.
Việc giam giữ ông Liu rõ ràng là đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, khiến cho nhiều nhân vật trí thức, chuyên gia luật pháp, các nhà văn và cả những người đã đoạt giải Nobel Hoà bình, gồm có Salman Rushdie, Seamus Heaney và Umberto Eco, phải gởi một lá thư ngỏ đến chủ tịch Hồ Cẩm Ðào vào tuần trước.
Vài người khác ký tên vào bản Hiến chương đã phải chịu đựng nhiều áp lực bên trong. Ông Xu Youyu, giáo sư triết học của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cỗ máy tư duy của chính phủ, đã bị một nhân vật cao cấp trong viện hạch hỏi về chi tiết của bản Hiến chương, và sau đó nói rằng tài liệu này là bất hợp pháp và ra lệnh cho ông phải rút tên ra.
Giáo sư Xu Youyu nói với tờ Kinh tế Thời báo, “Thật ra thì bản Hiến chương phù hợp với hiến pháp Trung Quốc và các công ước nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc đã ký kết, và tôi hoàn toàn từ chối việc rút lui sự ủng hộ của tôi cho bản Hiến chương này. Tôi không sợ hãi, ngay cả nếu họ sa thải tôi”.
Những sự đe nạt và dọa dẫm đã không làm được gì cả để ngăn cản lòng nhiệt tình của giới trí thức Trung Quốc trong lẫn ngoài nước đối với bản Hiến chương, và con số ký tên vào đã tăng lên khoảng 7000.
Jamil Anderlini and Kathrin Hille. The Financial Times Limited 2009
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น