Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã bế mạc hôm 13 tháng 1 sau một tuần lễ nhóm họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 13. Mặc dù là một buổi họp kín nhưng qua nội dung của bản thông báo do hội nghị phổ biến cho báo chí ngay sau khi bế mạc, người ta thấy là trung ương đảng CSVN đã tập trung thảo luận hai vấn đề khá then chốt. Thứ nhất là đối sách về tình hình suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội trong năm 2009. Thứ hai là vấn đề nội bộ đảng liên quan đến công tác chỉnh đốn cán bộ, chống tham nhũng, sắp xếp lại nhân sự trong Ban bí thư, Bộ chính trị.
Đối với vấn đề kinh tế - xã hội, trung ương đảng CSVN đã cố hạ quyết tâm ngăn chận suy giảm kinh tế và nhất là phòng chống lạm phát trong năm 2009. Mục tiêu mà họ nhắm đến không phải để phục hồi nhanh chóng nền kinh tế đang bị tuột giốc như hiện nay mà là để tránh bất ổn xã hội hầu giữ vững ổn định chính trị. Cái lo của Cộng sản Việt Nam là những bất mãn của người dân trong đời sống kinh tế khó khăn hiện nay có thể sẽ trở thành mồi lửa làm bộc phát thành các bất mãn xã hội trong quần chúng. Sự kiện nông dân ở Kiên Giang, Hưng Yên và Hải Dương đã có những cuộc biểu tình trước trụ sở Trung ương đảng trong mấy ngày vừa qua – tuy bề ngoài là chống cướp ruộng cướp đất – nhưng tiềm ẩn bên trong là để bày tỏ sự bất phục của người dân đối với các biện pháp giải quyết của chế độ.
Những cuộc biểu tình xảy ra ngay vào lúc Trung ương đảng nhóm họp là một dấu hiệu xấu cho chính nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Tình trạng tham ô nhũng lạm và bao che lẫn nhau giữa các phe nhóm quyền lực đã là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng dân oan khiếu kiện và những phê phán gay gắt của các nước tài trợ. Việc Nhật Bản tuyên bố ngưng viện trợ ODA hơn 1 tỷ Mỹ kim cho Cộng sản Việt Nam trong năm 2009 vì vụ tham nhũng xây xa lộ Đông Tây tại Sài Gòn là một đòn áp lực gây cho Hà Nội rất nhiều lúng túng. Nhật Bản buộc những người lãnh đạo CSVN tại Sài Gòn phải nhận trách nhiệm và từ chức. Ngày nào mà Cộng sản Việt Nam không thanh lọc hàng ngũ cán bộ lãnh đạo tại thành phố Sài Gòn, những thành phần đã a tòng tham nhũng hơn 2 triệu Mỹ kim từ công ty Tư vấn đầu tư Thái Bình Dương (PCI), thì phía Nhật sẽ tiếp tục ngưng viện trợ ODA. Do đó mà trong Hội nghị trung ương đảng lần này, Cộng sản Việt Nam đã tập trung thảo luận về trách nhiệm của lãnh đạo đảng ủy Sài Gòn, đặc biệt là sự ra đi của ông Lê Thanh Hải, ủy viên bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy Sài Gòn.
Theo nhiều tin tức cho biết là Hội nghị đã dành gần hai ngày để thảo luận về nghị án tham nhũng PCI và sự ra đi của Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, nội bộ trung ương đảng chia làm hai phe rõ rệt. Phe đòi phải làm rõ trách nhiệm của Lê Thanh Hải để lấy lại uy tín đối với chính phủ Nhật, đứng đầu bởi Nông Đức Mạnh, Hồ Đức Việt và có cả Lê Hồng Anh (Bộ trưởng công an). Phe chống lại việc áp lực Lê Thanh Hải từ chức là Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và nhiều ủy viên Trung ương đảng trong bộ máy nhà nước, vì họ cho rằng việc Nhật ngưng viện trợ ODA là quyền của Nhật nhưng qua đó đòi phải thanh lý hàng ngũ cán bộ cao cấp của đảng là can thiệp nội bộ. Thậm chí có một số Ủy viên trung ương đã lý luận rằng nếu để ông Lê Thanh Hải từ nhiệm theo khuyến cáo của Nhật Bản thì đó là tiền lệ nguy hiểm vì bất cứ quốc gia nào cũng có thể áp lực CSVN thay đổi. Rốt cuộc là Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã không giải quyết được vấn đề Lê Thanh Hải trong Hội nghị Trung ương lần này.
Núp dưới chiêu bài kiểm điểm 10 năm thi hành Nghị quyết về chiến lược cán bộ mang nội dung chống tham nhũng và chống tiêu cực trong nội bộ đảng, đưa ra dưới thời Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, phe Nông Đức Mạnh và Hồ Việt Đức muốn chặt vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang; nhưng phải nói là thế lực của phe hai ông Dũng, Sang còn mạnh nên đã tạm cứu được Lê Thanh Hải trong trận đấu vừa qua. Mặc dù phe Nông Đức Mạnh không bứng được ông Lê Thanh Hải ra khỏi trách vụ bí thư Sài Gòn, những đã thành công hai việc:
Một là đưa được ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tuyên giáo trung ương trở thành ủy viên thứ 15 của bộ chính trị; đồng thời đưa ông Ngô Văn Dự, chánh văn phòng Trung ương đảng và bà Hà Thị Khiết, trưởng ban dân vận trung ương vào trong Ban bí thư. Mục tiêu là để tạo thêm vây cánh cho phe ông Mạnh trong hai cơ chế có nhiều ảnh hưởng về mặt nhân sự và chính sách trong việc chuẩn bị đại hội đảng kỳ XI.
Hai là giao trách nhiệm chính thức cho ông Hồ Đức Việt, thay vì là cho Trương Tấn Sang, để bắt đầu chuẩn bị nhân sự cho đại hội XI, mặc dù còn tới 3 năm nữa. Hồ Đức Việt hiện được coi là nhân vật có nhiều xác xuất thay thế Nông Đức Mạnh lên làm Tổng bí thư cho nhiệm kỳ tới.
Những diễn biến bên trong Hội nghị 9 cho thấy là sự đấu đá giữa hai phe Nông Đức Mạnh và Nguyển Tấn Dũng bất phân thắng bại về cả hai mặt chính sách lẫn nhân sự. Tình trạng này sẽ tiếp tục tạo ra những xung đột ngầm trong nội bộ. Cả hai phe sẽ núp sau hai chiêu bài: 1/ Ngăn chận suy thoái kinh tế để giữ ổn định và 2/ Chống tham nhũng để thực thi nghị quyết chiến lược về cán bộ hầu tranh giành ảnh hưởng trong việc chuẩn bị đại hội XI. Thông thường, trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đề cập đến việc chuẩn bị đại hội đảng trước đó khoảng 1 năm, và khởi đầu là thảo luận về báo cáo chính trị, những dự phóng chiến lược và sau cùng mới là chuẩn bị nhân sự. Lần này, ngay ở hội nghị 9, tức còn khoảng 2 năm rưỡi nữa mà ông Nông Đức Mạnh đã yêu cầu Trung ương đảng phải đẩy mạnh cái gọi là đổi mới phương thức lãnh đạo đảng, đổi mới công tác cán bộ nhằm chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng kỳ XI. Rõ ràng là đang có những đợt sóng ngầm thay đổi nhân sự trong đảng Cộng sản Việt Nam.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น