วันศุกร์ที่ 16 มกราคม พ.ศ. 2552
No254:Những suy nghĩ năm 2009“: nhân sự kiện biên giới phía bắc.
1. Lời mở
Những ngày qua, truyền thông nói nhiều đến sự kiện hai nhà cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố hoàn tất công việc cắm mốc biên giới. Có thể nói đây là chuyện làm nhức nhối tim óc nhiều người trong một thời gian dài qua và cả trong tương lai. Chung nỗi lo lắng và quan tâm sâu sắc với đồng bào, người viết nhờ diễn đàn cho phép được bày tỏ ít điều về sự kiện này.
Trong lưu trữ máy tính của tôi có tập hồ sơ (direction) mang tên “HSTS” – Hoàng Sa và Trường Sa; tại đây, tôi lưu trữ mọi bài và tin liên quan đến biên cương, hải đảo của Tổ Quốc kể cả những bài viết về quan hệ với các nước láng giềng - đặc biệt là Trung Quốc. Tôi đã đọc cẩn thận phần lớn những tài liệu này; nhưng có một số bài, tôi chỉ đọc sơ lược để biết nội dung và lưu trữ lại, vì không đủ thời gian.2 Bao giờ cũng thế, khi đọc và nhớ nghĩ về biên cương hải đảo, tôi đều thấy dội lên từ con tim dòng máu nóng truyền lan cơ thể; không ít lần rơi lệ, không ít lần phải rời màn hình đang đọc để dựa lưng trấn tĩnh. Như hôm nay, đọc trên BBC những lời bàn về cuộc chinh chiến cũ,3 thấy mọi ý kiến đều toát lên tình yêu thương đối với những người đồng bào chết vì nạn xâm lăng, với những chiến sỹ trẻ trai đổ máu xương cho đất nước; thấy hơn một lần câu “thương lắm Việt Nam” được viết lên, tôi đã bấy nhiêu lần thổn thức và để cho lệ nóng tự nhiên rơi... Không, đây không hề là sự yếu đuối! Khi chúng ta còn nói và hiểu nhau những lời “yêu nước, thương nòi” - Ấy là khi tình yêu và niềm tin của ta còn đủ lớn để sinh tồn.4 Biên giới đã được các nhà đương cục tuyên bố xác định; nhưng biên cương còn nhiều hệ lụy. Hoàng Sa - Trường Sa còn đó như lưỡi dao đang cắm nơi tim, nhưng lòng yêu quê hương và ý thức sáng tỏ của mỗi người con dân - đồng bào nhỏ bé chúng ta đã đem lại nhiều sức mạnh cho mỗi con người hơn là sự mờ lú và mê tối của quyền lực.
Đây là những suy tư trong những giờ khắc giao thời giữa những ngày đông giá cuối.
2. Đôi dòng lịch sử
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình đứng đầu chính quyền Trung Quốc đã cho quân sang đánh phá Việt Nam và tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Họ lấy tư cách gì để “ra bài học”? Bài học đó là gì? Họ muốn gì? Ta biết (và cần nhớ biết) điều gì?5
Chúng tôi sinh ra vừa kịp để trí óc tuổi thơ ghi lại hình ảnh chiếc máy bay bốn động cơ ném bom của Pháp ì ầm chấn động núi sông trời đất quê hương; để tâm trí còn ghi được hình ảnh những bà mẹ tản cư tất tả với gồng gánh trên vai cùng đứa con thơ và ít quần áo vụn. Chúng tôi lớn lên, đi trường và tâm trí lại tràn ngập tiếng hú xé trời của từng lớp máy bay “thần sấm, con ma” hai chiếc một lao đến thả bom vào cây cầu nơi phố huyện... Những lớp trai trẻ lên đường: Quân trang xanh, vũ khí nhẹ, những khuôn mặt non tơ,... Bao nhiêu đoàn quân đã ra đi? – Như nước! Nhưng bao nhiêu trong số họ đã trở về? ...
Khoảng năm sáu-sáu (1966), chiến tranh ác liệt. Một số địa điểm gần rừng núi đã thấy những nhóm quân Trung Quốc cắm trại và đào hang. Họ đào và mang đi những gì? Họ chôn dấu xuống những gì? – Có lẽ chỉ có những lời giải thích như những tin đồn. Nghe biết chuyện này, ông bác tôi - người có được học ít chữ nho nên làng giao cho việc chăm giữ ngôi đình làng6, chưa từng ra khỏi tỉnh - lẩm bẩm với tôi: Cái bọn Tàu lại sang thì lành ít dữ nhiều, chẳng hay ho gì sất!... Bác nay không còn, nhưng hình ảnh nhỏ bé già nua và lời ấy của ông còn mãi trong tôi. Cái gì đã cho phép một người bình thường như ông nói lời thẳng băng như thế? Sách vở lịch sử hay những lời tiền nhân truyền lại? Điều cần ghi nhớ là sự nhìn nhận của người dân tuy giản đơn mà như từ trong máu thoát ra chứ không cần biện giải dài dòng như những người gọi là “có học” chúng ta. Cảnh giác với Tàu là bài học của cả ngàn năm, cho cả ngàn năm và cho cả ngàn đời!
Thế giới các nước Cộng sản chủ nghĩa đã có một thời hùng mạnh. Lúc đó, người cán bộ tuyên giáo mạnh mẽ nói: Chuyên chính vô sản của chúng ta trải rộng từ bờ sông Bến Hải đến bức tường Bé Linh... Hãy khoan bàn những điều lớn như “giấc mơ chủ nghĩa cộng sản”; cũng khoan nói đến “những bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế” - giản đơn vì quá tầm người viết; Xin nhớ lại chút lịch sử.
Chiến tranh Triều Tiên là đụng độ lớn giữa phe Cộng sản và phe Tư bản. Trung Quốc lấy danh nghĩa “viện Triều kháng Mỹ” để đưa quân vào; Liên Xô tham gia bí mật bằng những phi đội MIG 15 lừng danh thế giới.7 Cùng với việc “quản lý bầu trời”, người Nga còn huấn luyện các phi công Trung Quốc, Triều Tiên và sau đó giúp người Tàu chế tạo chiến đấu cơ MIG các loại. Trước đó, người Nga đã trao cho quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc số vũ khi thu được của đội quân Nhật Quan Đông. Sau này người Nga cũng chuyển giao công nghệ chế tạo bom nguyên tử cho người Tàu mà nghe nói đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết cấp kỳ của Đại Nguyên soái Tư-đại-lâm (Stalin). Hai nước lớn (Nga, Tàu) còn tiếp tục là đồng minh chiến lược hay không? Việc này cũng xin không dám lạm bàn; nhưng những đụng độ quân sự tầm cỡ ở biên giới Trung-Nga thì đã là sự thật. “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” chỉ là sự cần thiết trong cuộc chiến giành chính quyền. Khi chính quyền đã được “dựng lên từ nóng súng”, nó phải dùng súng đó để giữ và (nếu có thể thì) mở rộng lãnh thổ nơi nó nắm quyền. Tình hữu nghị dù có được nạm bằng vàng cũng chỉ là câu đầu môi chót lưỡi! 8 “Bài học” của Đặng Tiểu Bình có thể có nhiều hoa lá; nhưng thẳm sâu trong tim đen của những người Tàu chỉ là điều đó mà thôi!
Trở lại cuộc chiến Việt Nam.
Sự trợ giúp của nhân dân Trung quốc là to lớn, nhưng quyết tâm của lãnh đạo Trung quốc là “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.9 Ngoài quần áo, lương thực, người Tàu còn giúp đào tạo công nhân và học sinh.10 Khi những người thực tập sinh Việt Nam nói: “Xin các đồng chí cứ trao quy trình làm mũ cối cho chúng tôi để chúng tôi làm lấy”; thì được giả nhời: “Các đồng chí cần bao nhiêu chúng tôi cũng có thể cung cấp; còn quy trình là vấn đề khác không thể,... vân vân.” Các kỹ thuật viên một nhà máy dệt ở Vĩnh Phú không thể có được công thức pha chế màu khi các chuyên gia “bạn” rút đi. Và, ... vân vân thêm nữa.
Năm Chín-sáu (1996), miền nam nước Đức.
Lưu có lẽ là anh bạn Tàu duy nhất làm cùng xí nghiệp; nhỏ, chăm, ít nói nhưng ẩn chứa nghị lực trong cái vẻ ngoài điềm đạm. Xuất xứ miền nam và nét người anh ta gợi ý tưởng về giòng giống nào đó trong Bách Việt. (Tôn Trung Sơn cũng gốc miền nam và từng nổi cáu khi một ký giả “tỉa tót” giọng điệu đại Hán của ông bằng cách nêu lên cái gốc gác này). Sau chuyến cùng gia đình về quê nghỉ phép năm, anh ta đi làm lại và kể ít nhiều về chuyến đi nghỉ ấy. Vẫn điềm đạm, nhưng không giấu hết sự hứng khởi trong ánh mắt và giọng nói, anh ta kể: “Chúng tôi đã đến nghỉ ở vùng Bản Giốc, biên giới với Việt Nam. Trước đây thác này của Việt Nam; bây giờ một nửa thuộc về Trung Quốc ...” Nghẹn, uất; nhưng biết làm sao?! Nó (có thể) lú, nhưng chú nó khôn! – Có thể “bốn phương vô sản đều là anh em”, nhưng cha ông chẳng từng đã dạy “anh em kiến giả nhất phận” đó sao? Cho nên “bên đây biên giới là mình”, mà “bên kia biên giới cũng tình quê hương” thì chắc chắn rất đáng nghi ngờ, phải xem xét lại!
3. Xem lại sử nhà
Lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc Việt Nam có thể nói là những trang oai hùng xứng đáng tự hào. Từ khi lập quốc đến Đinh Bộ Lĩnh xưng hiệu “Hoàng-Đế” là đã thể hiện tư tưởng “riêng một biên thùy” của Triệu Vũ vương; đến Lê Đại Hành giả vờ đau chân mà cũng để cho sứ Tàu biết rằng mình không quỳ nhận chiếu là tiếp nối ý chí đó. Nhà Lý, ngoài việc Lý Thường Kiệt - “chờ giặc đến không bằng đem quân đánh trước” - phá tan kế hoạch xâm lăng của người Tàu, đã dùng lý lẽ (trạng nguyên Lê Văn Thịnh) thu lại vùng đất bị mất. Lê Thánh tông đã để lại lời dạy muôn đời cho những người cầm quyền: Một tấc đất của Tổ tiên các ngươi cũng không được để mất vào tay giặc. Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ với sách lược của mình cũng đã làm người Tầu nguôi ngoai ý đồ nhòm ngó phương Nam. Dưới đây xin trích dẫn đoạn lịch sử về đức Thánh Trần (Trần triều Tiết chế, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) (Viêt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, phần 3, chương 9, mục 2 - bản điện tử Việt Nam Thư Quán; những chỗ ghi đậm là do chúng tôi nhấn mạnh):
Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng: "Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?"
Hưng Đạo Vương tâu rằng: "Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán Đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý Đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thế đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.
Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải như thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị; thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải dồn lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả."
Anh Tông chịu lời ấy rất là phải. Được mấy hôm thì ngài mất, vua cùng các quan ai nấy đều cảm thương lắm.
Chúng tôi nghĩ những điều trích dẫn trên đây thật đã rất sáng tỏ. Điều đáng để suy ngẫm là khi coi đất nước là di sản của tiền nhân, khi coi mình là những người nối dõi, mỗi người Việt Nam – từ dân thường đến quan to quan nhỏ – trong những ngày tháng Ba giỗ Tổ Hùng vương và tháng Tám giỗ Cha - đức Thánh Trần, hãy kính cẩn trước Tổ tiên và nói: Tôi không quên lời dạy, tôi không làm hư bại danh thơm Tiên-Tổ, tôi không làm mất mát đất đai, sông biển quốc gia.11 Lời này không nhất thiết phải đưa lên truyền thông hay báo giới, bởi lời khấn nguyện đó phải là lời nói tự tâm can!
Truyền thuyết Việt Nam có chuyện một con voi trong đàn bách tượng bị phạt vì phản phúc. Đó là việc rất đau lòng, nhưng dân Việt vẫn truyền cho nhau để nhắc rằng con voi phản phúc vẫn chung giòng máu với đàn voi. Tinh thần văn hoá đó đáng được suy ngẫm vì nó giúp cho tộc Việt trường tồn.
4. Tạm kết
Quan sát sự hình thành và tan vỡ của khối xã hội chủ nghĩa cùng việc xem xét lịch sử, chúng ta có thể xác quyết rằng quốc gia là hình thức tổ chức sinh tồn cơ sở của các cộng đồng dân tộc; ý nghĩa của nó chẳng những không mất đi mà còn cần được nâng cao trong tiến trình hội nhập toàn cầu hoá. Trong tinh thần nhận thức đó, việc quy trách nhiệm cho người cầm quyền về việc giữ gìn biên cương lãnh thổ - bên cạnh trách nhiệm chăm lo cho người dân được sống yên bình, tự do và hạnh phúc - là điều tất yếu. Không làm đủ trách nhiệm đó, những người nắm quyền không còn tư cách lãnh đạo quốc gia.
Trong tiến trình lịch sử, con người và quốc gia luôn phải biến đổi cách mạng để đáp ứng cạnh tranh sinh tồn. Tiền nhân đã làm công việc quan sát, đúc kết và để lại những bài học chuẩn xác. Để giải phóng dân tộc, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã phải “ngẫm trước đến nay, thế hưng phế đắn đo càng kỹ”. Đạo Phật trong giao lý của mình cũng tổng kết những biểu hiện suy thoái – “Ngũ suy tướng” (trích dẫn, suy luận sơ lược):
1. Trang phục dơ dáy (hình ảnh quốc tế thảm hại),
2. Hình thức nhầu như cành hoa tàn (hết hấp dẫn người dân),
3. Thân xác hôi hám (tham nhũng, đàn áp),
4. Thường ra mồ hôi (skandal các loại),
5. Không thích ngôi vị của mình (không còn đạo đức tư cách của danh vị mình giữ).
Nhà cách mạng vĩ đại Lênin nêu ra các điều kiện thành công của cách mạng (đại thể):
- Giai cấp tư sản không còn khả năng nắm quyền,
- Giai cấp vô sản đã trưởng thành,
- Đội tiền phong (ĐCS) sẵn sàng hy sinh.
v.v..
Tại sao đảng Cộng sản Việt Nam, với công lao đáng tự hào trong việc tham gia cách mạng giải phóng và thống nhất quốc gia, ngày nay lại bị phê phán và chán ghét? Với tất cả những phơi bày trong thời gian đã đủ dài, ta có thể nhận xét: đảng Cộng sản đã hết vai trò tiên phong, quy trình toàn trị làm cách mạng lật đổ và trấn áp không còn thích hợp cho sự phát triển của xã hội. Những phê phán - như “tại lỗi hệ thống”, etc. - chỉ là một cách nói khéo; những chỉnh sửa như “đổi mới kinh tế” chỉ là đối sách không hoàn chỉnh. Tiếp tục cách tư duy mòn cũ dẫn đến những hậu quả bi thương cho người dân và Dân tộc, những người hiện nắm quyền lực đã tự ghi tên mình vào danh sách “những đứa con hư”12 . Nhìn nhận như vậy là chúng tôi nghĩ đến triết lý nhân ái, bao dung của Dân tộc Việt: Con hư tại Mẹ - thay con tự gánh nỗi đau. Người mẹ Việt Nam nào cũng thương yêu con và sẵn sàng tha thứ. “Hồi đầu thị ngạn” - Trở về trong lòng Dân tộc, những người cộng sản có được sức mạnh của cả gần trăm triệu người dân, đủ để không phải loay hoay bán đất trời, sông biển!
Xã hội Việt Nam đang có những đòi hỏi cải cách rất lớn để phát triển mà trước hết là trong văn hoá, tư tưởng và tổ chức. Lãnh đạo Việt Nam không đáp ứng nhu cầu đó của xã hội; sự đổi mới mang tính cách mạng rõ ràng là cần thiết. Qua lịch sử đau thương của mình, người dân Việt Nam không muốn có cuộc cách mạng theo con đường bạo lực, chiến tranh; có điều, niềm tự hào chính đáng và ước mơ sống trong danh dự thôi thúc con người góp sức vào cuộc chuyển đổi. Tin tưởng vào quy luật lịch sử, chúng ta hy vọng những đen tối sẽ qua đi để ánh sáng cuộc sống lại bừng lên (Nhật nguyệt hối rồi lại minh). Nhưng lịch sử cũng sẽ lưu giũ những đen tối ngày nay cùng tên tuổi những người chịu trách nhiệm để làm bài học cho hậu thế sau này.
Mỗi ngày đều có cái mới thì mỗi năm phải có điều mới lớn hơn!
1Tựa bài "Biên Cương": Bài số 1 trong “Suy tư 09 - Những suy nghĩ năm 2009“: nhân sự kiện biên giới phía bắc.
2Những bài hay như của nhà báo Bùi Tín, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, Nhà văn Bùi Minh Quốc, ... Nhưng những lời ngắn gọn như ý kiến trích dẫn sau đây cũng không kém phần giá trị và truyền cảm.
3Bài viết „Phnom Penh còn nhớ”, 07 Tháng 1 2009 - Cập nhật 06h44 GMT
4Tình yêu và lời thề thoát lên từ trái tim thì không cần đến những định nghĩa hay quy định!
5Lời một bài hát thời đó:
Quân xâm lược bành trướng dã man,
đã giày xéo mảnh đất tiền phương;
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải quê hương....
6Thờ chân nhang rước về từ đền đức Thánh Trần; được các vua triều Nguyễn ban sắc phong.
7Động cơ Roll Roy của Anh quốc.
8Sir Williams (?): Không có kẻ thù vĩnh cửu, không có tình bạn muôn đời; chỉ có lợi quyền quyết định!...
9Hay cũng có thể nói là triệt để lợi dụng việc người Việt Nam đánh Mỹ và đánh nhau; chưa kể việc ngăn chặn, bớt xén hàng viện trợ của Nga cung cấp cho Việt Nam.
10Không nói đến việc đào tạo các "mầm non lãnh đạo“, vì việc này theo một quy trình khác.
11Cụ Hồ, sau khi ký tạm ước ngày 6 tháng Ba năm 1946 với người Pháp, đã đứng trước quốc dân tuyên bố: Hồ Chí Minh không bán nước.
12Chúng tôi không dùng chữ "con hoang của ngoại bang“, vì nếu thế sẽ tệ hại hơn nhiều.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น