วันพฤหัสบดีที่ 15 มกราคม พ.ศ. 2552
No247: Tài Chánh Đảng CS Viet nam
Một hiện tượng thấy rõ, khác biệt giữa Đảng CSVN và các đảng chính trị ở hầu hết các nước trên thế giới là vấn đề "tài chánh đảng." Không phải vì chuyện các tờ giấy bạc khác nhau, nhưng chỉ vì các chặng đường tới và đi của các tờ giấy bạc này khác nhau. Vấn đề tài chánh của Đảng CSVN… Đúng là một rừng bí mật còn hơn là lỗ đen của vũ trụ.
Khi chúng ta nói "tài chánh," chỉ là cách nói theo giọng miền Nam của chữ "tài chính." Ngắn gọn, đây là chuyện tiền bạc, kinh doanh. Những người sống tại Hoa Kỳ đã thấy, các cuộc vận động gây quỹ rất là mệt nhọc, tốn thì giờ, kêu gọi và thuyết phục đủ thứ mới làm được một bữa cơm gây quỹ, và vân vân. Làm không khéo, vẫn có thể bị lỗ. Mà nhận tiền quyên góp từ nguồn bất minh, từ người có tai tiếng… là phải trả lại ngay, chỉ vì sợ dân chúng nổi giận, làm mất phiếu. Như trường hợp hồi ông Al Gore tới chùa Tây Lai Tự, được các sư và ni cô góp tiền để giúp tranh cử, tới khi bị báo chí hài tội là phạm luật bầu cử, vì chùa này đang hưởng quy chế bất vụ lợi, thế là ban tranh cử của Al Gore phải hoàn lại tiền… Vậy mà cực kỳ bí mật, Đảng CSVN không hề mệt nhọc gây quỹ gì hết, mà vẫn có dư tiền làm đủ thứ, nuôi cả bao nhiêu guồng máy cồng kềnh vẫn tự không thấy mình vi phạm luật pháp cho dù đó là từ tiền ngân sách nhà nước. Có trời đất nào mà một nhóm người lại dám lấy tiền nhà nước chia nhau mà xài như thế?
Nhà báo lão thành Bùi Tín từ Paris tuần này có bài viết nhan đề "Nhân Hội nghị Trung ương 9 đảng Cộng sản VN: Những sự thật cần nhận rõ," đã có đoạn nêu vấn đề tài chánh đảng CSVN. Nhà báo Bùi Tín viết, trích:
"…Theo tôi có một số sự thật lớn nhất dưới đây không thể bỏ qua, nhắm mắt làm ngơ được…
2./ Hai là cần có một quyết định về công khai minh bạch triệt để nền tài chính quốc gia. Các chuyên gia quốc tế có trình độ cao và tâm huyết với Việt nam đều băn khoăn vì những con số về tài chính do các cơ quan Nhà nước Việt nam đưa ra vừa chậm trễ, không đầy đủ và thiếu độ tin cậy. Những con số về ngân sách quân sự, về ngân sách cho cơ quan an ninh tình báo có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng tất cả các chi tiêu, kế toán khác được công bố phải có độ chuẩn xác cao. Đặc biệt là khoản tiền Nhà nước chuyển cho đảng CS mỗi năm là bao nhiêu thì hoàn toàn mờ mịt. Cơ quan của đảng " Ban tài chính - quản trị Trung ương đảng " là cơ quan kinh tế - tài chính của đảng, có hàng vạn nhân viên, có một trưởng ban ngang cấp bộ trưởng, có 8 phó ban ngang cấp thứ trưởng, mỗi phó ban phụ trách một mảng tài sản của đảng. Nó bao gồm hàng ngàn nhà cửa, biệt thự, nhà khách, nhà nghỉ, nhà giải trí, trụ sở đảng các cấp, cơ quan chính trị, kinh tế, văn hoá, kinh doanh của đảng; các nhà máy, nhà in, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, thủ công nghiệp, trồng và tiêu thụ ma tuý của đảng; các cơ sở xuất nhập khẩu, kinh doanh du lịch, ngoại tệ, đá quý của đảng; các phương tiện xe tải, xe khách, xe con, canô, tàu thuyền lớn nhỏ...Cơ quan chính của Ban này đóng gần như toàn bộ cơ ngơi của trường Albert Sarraut cũ, sát bên phòng họp của Ban bí thư và Bộ chính trị nhìn ra đường Hùng Vương. [năm 1987, tôi có dịp gặp ông Hoàng Quốc Thịnh, trưởng Ban này để bàn chuyện dùng ngoại tệ của đảng mua máy in hiện đại của Nhật để in báo Nhân dân Chủ nhật với 6 màu, nhân đó ông Thịnh giới thiệu về Ban tài chính quản trị của ông, và cho biết ở Hànội, Sàigòn, Hải phòng, Huế, Đà nẵng, Nha trang, Vũng tàu cũng như ở Chapa, Tam đảo, Đồ sơn, Sầm sơn, Đàlạt ... Ban của ông đều có nhiều cơ sở.]
Quốc hội có được biết ngân sách quốc gia do dân đóng thuế đã bị cắt cho đảng mỗi năm là bao nhiêu, thanh toán và kiểm soát ra sao? Được biết chỉ có vài người trong bộ chính trị biết rõ chuyện này; rõ nhất là phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, người từng làm bộ trưởng tài chính hơn 10 năm trước khi làm phó thủ tướng.
Trong một chế độ dân chủ cũng như trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vấn đề công khai minh bạch tài chính trở thành yêu cầu khẩn cấp, tránh cho nền tài chính - được coi là tài nguyên gốc, huyết mạch đất nước - không bị rò rỉ, cắt xén và tước đoạt từng mảng lớn…"(hết trích)
Như thế, chúng ta thấy rằng Ban Tài Chánh Đảng là một cơ quan quyền lực lớn, vì là nguồn tiền nuôi đảng CSVN, một bộ máy hiện lãnh đạo và điều hành cả nước, có trưởng ban ngang cấp bộ trưởng, và có hàng ngàn cơ sở kinh doanh… Tại sao một đảng chính trị lại có thể ngang nhiên xài ngân sách nhà nước kiểu bí mật như thế?
Thậm chí, Ban Tài Chánh Đảng rất nhiều khi đã giẫm chân lên luật pháp về kinh doanh. Cách nay vài năm, báo chí quốc nội loan tin rằng một cao ốc 33 tầng lầu đã xây xong giữa thủ đô Hà Nội, mới bị một cơ quan khảo sát về các dự án thành phố khám phá là việc xây dựng cơ sở kinh doanh này hoàn toàn chưa có giấy phép nào cả. Chuyện này ầm ĩ lúc đó, nhưng rồi cũng êm sau khi một bản tin loan rằng tòa nhà cao tầng này là của Ban Tài Chánh Đảng CSVN xây để kinh doanh, nhưng lại sơ xuất chưa xin giấy phép - một thủ tục rất là dễ với cơ quan này. Bản tin này lúc đó cho chúng ta thấy rằng, các dự án kinh doanh của Ban Tài Chánh Đảng hoàn toàn tách rời với các dự án kinh doanh của phía nhà nước, và quyền lực tới nổi có lúc quên cả xin giấy phép. Đúng vậy, xây tòa nhà 33 tầng lầu để kinh doanh giữa Hà Nội, mà không cần giấy phép. Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ tại Mỹ mà nghe tới chuyện như thế hẳn là rất ngạc nhiên.
Một bản văn nhan đề "Thông Tư Của Ban Tài Chính - Quản Trị Trung Ương, Bộ Tài Chính: Hướng Dẫn Thực Hiện Cơ Chế Quản Lý Tài Chính Đảng," đề số 04/TT-LB đăng ở trang Bộ Tư Pháp (www.moj.gov.vn), ngày 24-9-1997 đã nói rõ rằng tài chánh đảng CSVN có nhiều nguồn khác nhau, kể cả nguồn lấy thẳng từ tiền nhà nước. Bản Thông Tư viết, trích:
"…3. Căn cứ vào tổng mức dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Đảng được thường vụ cấp uỷ Đảng các cấp duyệt, cơ quan tài chính Nhà nước các cấp có trách nhiệm cấp phát kinh phí thường xuyên cho cơ quan Đảng bằng hình thức lệnh chi tiền và quyết toán kinh phí theo mục lục ngân sách Nhà nước như Luật Ngân sách qui định… (…)
…1. Ngân sách Đảng cấp TW, tỉnh uỷ, huyện uỷ có các nguồn thu và các khoản chi sau đây:
1.1. Nguồn thu:
Đảng phí: Mức đóng đảng phí của đảng viên do Bộ Chính trị quy định.
Thu từ các doanh nghiệp do Đảng quản lý (trừ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo luật định). Khoản thu này chỉ phát sinh ở cấp TW và cấp tỉnh uỷ.
Thu sự nghiệp từ các đơn vị xuất bản và các đơn vị sự nghiệp có thu của Đảng.
Thu khác: Thu thanh lý TSCĐ, các khoản thu ủng hộ... (nếu có).
Thu kết dự năm trước.
Thu từ ngân sách Nhà nước: Là khoản chênh lệch giữa tổng dự toán chi được duyệt và các khoản thu nêu trên… (…)
… 4.2. Cơ quan tài chính cấp uỷ lập dự toán ngân sách quý, gửi cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp; cơ quan tài chính Nhà nước cấp phát kinh phí thường xuyên (gồm cả kinh phí dự phòng) cho cơ quan tài chính cấp uỷ bằng hình thức lệnh chi tiền theo dự toán được duyệt. Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm chuyển tiền theo lệnh của cơ quan tài chính Nhà nước.
4.3. Căn cứ vào thông báo phân bổ ngân sách của cơ quan tài chính cấp uỷ, đơn vị dự toán cấp II lập dự toán chi ngân sách quý (có chia ra tháng).
Cơ quan tài chính cấp uỷ xem xét, kiểm tra các yêu cầu chi, duyệt dự toán chi và đồng gửi kho bạc Nhà nước nơi đơn vị dự toán cấp II mở tài khoản. Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm chuyển kinh phí từng tháng, quý cho đơn vị dự toán cấp II theo yêu cầu của cơ quan tài chính cấp uỷ…"(hết trích)
Xài từ Kho Bạc Nhà nước? Đúng vậy, nói rõ trong bản văn như thế, không mắc cỡ giấu giếm gì hết. Đảng CSVN chơi còn bảnh y hệt triều đình nhà vua Fidel Castro của Cuba hay Hoàng Đế Kim Jong-il của Bắc Hàn.
Bạn muốn biết Ban Tài Chánh Đảng CSVN có bao nhiêu cơ sở kinh doanh? Bạn cứ việc lái xe ở Việt Nam, và khi ghé vào một trạm xăng để đổ xăng, sẽ có một xác suất là 10% bạn đang bơm tiền nuôi các cơ sở kinh doanh của Ban Kinh Tài Đảng CSVN và xác suất 5% là bạn đang nuôi các cơ sở kinh doanh của quân đội CSVN.
Bản văn nhan đề "Đánh Giá Thực Trạng Kinh Doanh Xăng Dầu Trên Địa Bàn Tỉnh Đồng Nai Thời Kỳ Đến Năm 2002," đăng ở trang www.dongnai-industry.gov.vn/hoso.asp nói riêng về các trạm xăng ở tỉnh Đồng Nai, cho thấy, trích:
"…Đối tượng kinh doanh xăng dầu:
Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn rất đa dạng gồm mọi thành phần kinh tế tham gia, bao gồm các thương nhân đăng ký kinh doanh theo các loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước trung ương-địa phương, doanh nghiệp thuộc tài chính Đảng, các chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Quân đội.
Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ:
Tổng số các điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến ngày 31/12/2002 với tổng số là 224 trạm xăng dầu bố trí trên địa bàn Thành phố Biên Hòa và 8 Huyện (trong đó: 217 điểm nằm trong mạng lưới qui hoạch, 07 điểm thuộc quân đội đang chờ xử lý vì chưa đủ điều kiện trở thành thương nhân). Phân chia theo loại hình doanh nghiệp như sau: doanh nghiệp nhà nước là 32; công ty cổ phần là 14; doanh nghiệp thuộc tài chính Đảng là 21; quân đội là 11; công ty trách nhiệm hữu hạn là 28; doanh nghiệp tư nhân là 118…" (hết trích)
Như thế, riêng phần kinh doanh, nếu nói riêng về xăng dầu tỉnh Đồng Nai, Ban Tài Chánh Đảng CSVN đã nắm tới 21/224 trạm xăng. Nếu con số này tương tự với các tỉnh khác, sẽ có thể hình dung rằng Ban Tài Chánh Đảng CSVN đang nắm 10% cơ sở kinh doanh toàn quốc, hay để nói dè dặt, ít nhất cũng là nắm 10% cơ sở kinh doanh xăng dầu toàn quốc.
Vậy mà, Ban Tài Chánh Đảng CSVN lại là một lỗ đen tuyệt vời của vũ trụ… Tuyệt vời, có đảng chính trị nào bảnh như thế không. Tuyệt vời, chưa có thời nào như thế này, và cũng chưa thấy đảng nào ở VN mà chơi rất "khủng" như thế này… Bây giờ, chúng ta chỉ còn một thắc mắc lớn: Có phải ông Huỳnh Ngọc Sỹ khi cầm tiền hối lộ từ hãng Nhật PCI là để kinh tài cho Ban Tài Chánh Đảng CSVN hay không? Bởi vì không có cớ nào mà câu chuyện PCI dằng dai hoài...
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น