วันพุธที่ 21 มกราคม พ.ศ. 2552
No267: Tổng thống Barack Obama và Việt Nam
Phải gọi đủ họ tên và chức vụ, “Tổng Thống Barack Obama” cho quen. Vì ai cũng phải tập cho quen. Sau khi nhìn ông Obama tuyên thệ và, ngay khi ông được ông chánh án Tối Cao Pháp Viện gọi là “tổng thống,” nhiều người theo dõi chính trị nước Mỹ vẫn còn bỡ ngỡ chưa quen nghĩ đây là ông tổng thống Mỹ. Cậu con trai của một sinh viên từ Kenya tới Mỹ trước đây nửa thế kỷ rồi lại đi, cậu trai đó bây giờ đứng đầu một nước có hiến pháp dân chủ lâu đời nhất, một quốc gia giầu nhất và mạnh nhất thế giới.
Hai triệu người Mỹ có lý do đổ về vùng thủ đô chứng kiến lễ tuyên thệ của ông Barack Obama. Họ muốn có mặt khi lịch sử chuyển mình. Và ở khắp nước Mỹ cũng vậy. Tại Birmingham, Alabama, 5 ngàn người theo dõi lễ tuyên thệ tân tổng thống ở hội trường Boutwell, mang tên một vị thống đốc từng chủ trương phân biệt chủng tộc. Ở hội trường này, năm 1938 người ta ra lệnh 3,000 đại biểu người Mỹ dự một hội nghị phải chia đôi, da đen ngồi một bên, da trắng một bên. Bà Eleanor Roosevelt, phu nhân tổng thống Mỹ lúc đó, đã phản đối nhưng cũng chỉ làm một cử chỉ tượng trưng là kéo ghế của mình ra ngồi chỗ giữa chứ không đứng dậy ra về. Năm 1956, ca sĩ da đen nổi tiếng Nat King Cole đã bị ba người da trắng hành hung trong khi đang trình diễn ở đây. Mục sư già Shuttlesworth hôm qua tới hội trường được vỗ tay vì ông là người đã tranh đấu đòi quyền công dân cho người da đen từ nửa thế kỷ trước. Ông đã bị cảnh sát bắt hơn chục lần, bị bọn Ku Klux Klan đặt bom và đốt nhà, và bị đánh đòn hội chợ khi ông đem đứa con gái tới ghi tên học ở một trường dành cho người da trắng. Nếu không có những người như Shuttlesworth thì không biết nước Mỹ ngày nay đã có một ông tổng thống Obama hay chưa?
Tại thị xã Coalgate, Oklahoma, hồi năm ngoái có 74% phiếu bầu cho Nghị sĩ John McCain trong một tiểu bang ông McCain đại thắng; hôm qua nhiều người đến ăn sáng ở quán để cùng theo dõi lễ tuyên thệ trên truyền hình. Bà chủ là người hâm mộ Nghĩ Sĩ McCain, cho mở máy ti vi suốt buổi, nhận xét: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chỉ buồn là đây lại không phải là John McCain!” Tới buổi trưa, các thực khách đều chăm chú theo dõi buổi lễ tuyên thệ. Bà chủ Barbara Elkins cảm động rớt nước mắt, bà nói, “Tôi không đồng ý với ông ấy về mặt chính trị. Nhưng đây là một ngày lịch sử của dân tộc Mỹ. Hồi xưa có những lúc nếu có khách hàng da đen vào quán thì tôi không được phép dọn thức ăn cho họ. Bây giờ chúng ta có một ông tổng thống da đen.”
Mọi người đã bắt đầu quen với tên ông Barack Obama, với những vấn đề mà ông hay nêu lên và ý kiến của ông đối với các vấn đề đó. Nhiều người Việt Nam ở Mỹ sẽ thắc mắc không biết ông Obama nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam - ông quá trẻ chưa đến tuổi đi lính trong thời chiến tranh đó.
Tổng Thống Barack Obama có nhắc đến cuộc chiến tranh Việt Nam, ở khoảng một phần ba đầu bài diễn văn nhậm chức. Trong đoạn đó ông Obama ca ngợi những tổ tiên của dân tộc Mỹ đã hy sinh nhiều đời để “đưa chúng ta lên con đường dài đặc và gập ghềnh tiến tới tự do và thịnh vượng.” Ông nói rõ hơn về những người đã hy sinh: Những người di dân đầu đến nước Mỹ “đã vượt qua đại dương đi tìm cuộc sống mới;” những người lao động đã “đổ mồ hôi trong các cơ xưởng” hoặc “đi khai phá miền Tây” nước Mỹ; những người đã “chịu những trận roi đòn và cầy bừa mảnh đất cứng rắn.” Và sau cùng, ông viết một câu riêng để nói về các chiến binh Mỹ đã tử trận từ hơn 200 năm qua. Ông Obama nêu tên bốn bãi chiến trường: “Những người đã chiến đấu và đã chết, ở những nơi như Concord; Gettysburg; Normandy và Khe Sanh.”
Chưa có vị tổng thống Mỹ nào vinh danh các chiến binh người Mỹ tử trận ở Khe Sanh như vậy. Obama đã so sánh họ với những chiến sĩ đã bỏ mình ở các trận đánh vinh quang nhất của lịch sử nước Mỹ. Trận Concord (1775) một trận đầu chiến thắng của dân quân Mỹ chống lại đạo quân chuyên nghiệp chính quy của Anh Hoàng trang bị đầy đủ và được huấn luyện tinh nhuệ hơn họ. Trận Gettysburg (1863) vào đoạn cuối cuộc nội chiến Nam Bắc, mà khi khánh thành nghĩa trang ở đó Tổng Thống Abraham Lincoln đã đọc một bài diễn văn ngắn, tuyệt tác. Trận Normandy (1944) xẩy ra khi quân Mỹ đổ bộ lên bờ biển Pháp để đuổi quân Ðức Quốc xã và giải phóng Tây Âu.
Khi nêu tên trận Khe Sanh để so sánh với các trận đánh lịch sử trên, ông Obama đã vinh danh những binh lính và sĩ quan Mỹ đã hy sinh trong cả cuộc chiến Việt Nam. Ông xác nhận đây là một cuộc chiến tranh mà người Mỹ tham dự và đã hy sinh vì những lý tưởng cao cả, không khác gì cha anh họ đã hy sinh ở các chiến trường Concord; Gettysburg; Normandy. Concord là một trận đánh của người dân thuộc địa nổi lên đòi được tự do. Trận Gettysburg diễn ra trong cuộc tranh hùng Nam Bắc với kế quả là kết thúc chế độ nô lệ, và Lincoln đã thề với các tử sĩ là những người Mỹ còn sống phải làm sao để “Những người đã qua đời không ai chết vô ích.” Normandy là nơi các binh sĩ Mỹ đã hy sinh để giải phóng nước Pháp và cả Tây Âu thoát khỏi một chế độ độc tài phát xít.
Tổng Thống Barack Obama đã đặt các tử sĩ ở Khe Sanh ngang hàng với những người Mỹ đã chết để giành độc lập, bảo vệ sự thống nhất của nước Mỹ. Nhưng khi đặt Khe Sanh ngang với Normandy, ông xác nhận việc tham chiến của người Mỹ ở Việt Nam là do cùng một lý tưởng bảo vệ tự do dân chủ; giống như khi quân Mỹ đi giải phóng Âu Châu năm 1944.
Ông Barack Obama là người thường tự soạn lấy các bài diễn văn quan trọng của mình, ông đã xuất bản hai cuốn tự truyện bán chạy và viết rất hay, chúng ta phải tự hỏi tại sao ông lại chọn nêu tên trận Khe Sanh trong tất cả những trận chiến mà người Mỹ đã dự ở Âu Châu và Á Châu từ sau Ðại Chiến Thứ Hai? Một nhà hùng biện như ông, thường nói những câu hai vế như câu đối, có thể chọn bất cứ trận đánh nào ở Á châu để đối với bãi biển Normandy. Vài chục ngàn linh Mỹ đã chết ở Okinawa khi chiến đấu với quân Nhật, có thể chọn tên hòn đảo này đối lại với tên Normandy ở Pháp. Trong trận chiến tranh Hàn Quốc quân Mỹ cũng trải qua những trận chiến khủng khiếp. Nhưng ông Obama đã chọn Khe Sanh, một mặt trận ở Việt Nam trong đó quân Mỹ chỉ thắng vì đã tử thủ được trước chiến thuật thí quân kéo dài của cộng sản.
Ông Obama đã đưa một tín hiệu cho dân Mỹ: Chiến tranh Việt Nam đã thuộc về lịch sử, một lịch sử khá xa, đủ để người Mỹ nhìn lại bằng con mắt thản nhiên. Và khi nhìn trở lại, Obama đã phục hồi ý nghĩa việc tham dự cuộc chiến ở Việt Nam của nước Mỹ.
Các vị tổng thống và phó tổng thống Mỹ gần đây nhất đều đến tuổi thành niên trong thời chiến tranh Việt Nam; họ đều ở tuổi quân dịch lúc đó. Ông Clinton được miễn dịch vì lý do học đại học, nếu không ông đã đeo súng sang Việt Nam rồi. Ông Al Gore đã nhập ngũ, qua Việt Nam làm phóng viên chiến trường. Hai ông George W. Bush và Dick Cheney đều có các lý do để không phải nhập ngũ, không phải tham chiến ở Việt Nam. Hai ứng cử viên tổng thống gần đây đã tham dự chiến tranh Việt Nam là các Nghị Sĩ John Kerry và John McCain, nhưng cả hai không đắc cử. Ông Obama thuộc một thế hệ sau, đàn em của những người trên. Trận Khe Sanh xẩy ra khi ông mới lên 7, 8 tuổi, chiến tranh Việt Nam chấm dứt khi ông mới ngoài mười tuổi. Với vị tổng thống trẻ tuổi này, nước Mỹ có thể khép sổ đối với chiến tranh Việt Nam.
Nhưng khép sổ bằng cách nào?
Tổng Thống Barack Obama đã đặt cuộc chiến tranh chống cộng sản ở Việt Nam thuộc cùng loại với cuộc chiến giải phóng Âu Châu khỏi chế độ độc tài phát xít. Ông Obama đã đặt chủ nghĩa cộng sản cùng một hàng với chủ nghĩa phát xít, khi ông giải thích với người Mỹ: “Nhớ lại rằng các thế hệ trước chúng ta đã đối đầu với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ bằng hỏa tiễn và xe tăng, nhưng với các liên minh hùng cường và những niềm tin bất biến.” Niềm tin bất biến giúp nước Mỹ hùng cường chính là niềm tin vào tự do dân chủ. Nếu người Mỹ không giữ được niềm tin đó thì ông Obama khó lòng trở thành tổng thống nước Mỹ. Ông Obama nhắc lại về các thế hệ đi trước ông, ít nhất là hai thế hệ đã tham dự các cuộc chiến ở Âu Châu và ở Việt Nam: “Họ hiểu rằng sức mạnh của chúng ta càng mạnh thêm khi chúng ta biết dùng một cách thận trọng; nền an ninh của chúng ta phát xuất từ sự chính đáng của lý tưởng mà chúng ta theo đuổi ...”
Tân Tổng Thống Obama đã khép hồ sơ chiến tranh Việt Nam với sự khẳng định mục đích người Mỹ theo đuổi ở đó, mặc dù sau họ đã bỏ cuộc, là để thực hiện một chính nghĩa, không khác gì cuộc chiến giải phóng Âu Châu. Chính nghĩa đó là lý tưởng tự do dân chủ.
Chúng ta hy vọng rằng 40 năm sau trận Khe Sanh, ông Obama sẽ lãnh đạo nước Mỹ để tiếp tục thực hiện lý tưởng tự do dân chủ đó ở Việt Nam cũng như ở khắp thế giới, bằng những phương pháp và phương tiện khác. Nếu nước Mỹ không hỗ trợ người dân Việt Nam trong cuộc tranh đấu thực hiện tự do dân chủ thì những lời ông Obama nói hôm qua sẽ không có ý nghĩa nào cả.
Ngô Nhân Dụng
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น