วันศุกร์ที่ 31 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No384:Cẩn thận với sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông

Cẩn thận với sự khẳng định chủ quyền
ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trên Biển Đông

Micah Springut

Ngày 27-7-2009

Trong lúc quân đội Hoa Kỳ vẫn còn phải bận tâm với các hoạt động đang diễn ra tại Trung Đông, thì cuộc đua tranh dồn dập vào vùng Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa] gây nên nguy cơ xung đột lớn hơn nếu như không được kiểm soát đúng mức. Hai vụ xô xát hải quân mới đây trong khu vực liên quan tới hải quân Mỹ và Trung Quốc là những biểu hiện của chiêu thức ganh đua đang diễn ra giữa hai cường quốc, và là một thứ nhắc nhở rằng những thay đổi tinh tế trong sức mạnh đã đưa những khu vực mới ở châu Á vào trong canh bạc. Những chiếc tàu hải quân Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò của Mỹ, tàu U.S.N.S. Impeccable, cách bờ biển đảo Hải Nam 75 dặm, và vào tháng Sáu, một tàu ngầm Trung Quốc lén theo sau một khu trục hạm Hải quân Hoa Kỳ đã va chạm với dàn thiết bị phát hiện tàu ngầm sau đuôi tàu này.

Bộ Quốc phòng đã đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại với các đối tác Trung Quốc trong tương lai gần với những hy vọng ngăn ngừa những vụ việc rắc rối trong tương lai và thiết lập những thủ tục để giải quyết. Đây là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, một loạt những chiều hướng đảo lộn tạo nên mối nghi ngờ tính hiệu quả trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực này và làm nổi bật một tình trạng khó xử cho Hoa Kỳ, cho thấy sẽ chỉ sâu sắc thêm qua thời gian.

Những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông và các quần đảo, những vòng cung đảo san hô là chồng lấn với một loạt các quốc gia Đông Nam Á khác. Kim ngạch buôn bán được vận chuyển qua lại vùng biển này làm cho nó có tầm quan trọng chiến lược sống còn ở châu Á, trong khi cuộc tranh giành nguồn tài nguyên và bành trướng quân sự có khả năng phát sinh xung đột.

Những vụ đụng độ hải quân mới đây nhất phản ánh một lập trường quả quyết hơn từ Bắc Kinh trong những năm gần đây và xảy ra khi Trung Quốc tỏ ra coi trọng việc hiện đại hóa năng lực hải quân của mình một cách ấn tượng. Chỉ mới đây thôi, Bắc Kinh đã gây sức ép trở lại lên các đòi hỏi về lãnh thổ đang tranh chấp của mình với Philippines và Việt Nam (và lên các kế hoạch khai thác tài nguyên trong khu vực này của các công ty dầu lửa phương Tây), ném ra mối nghi ngờ cho một thỏa thuận kiểm soát những căng thẳng trong khu vực được ký kết năm 2002. Phản ứng của Trung Quốc đối với vụ tàu Impeccable cũng đáng lo ngại, với việc một người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã biện minh trái ngược với luật pháp quốc tế khi cho rằng các con tàu của Mỹ cần “được sự chấp thuận” khi đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ trước những hành động khiêu khích này rõ ràng là ôn hòa. Chính phủ không làm gì hơn là đưa ra một lời phàn nàn với chính phủ Trung Quốc sau vụ Impeccable, và công khai tuyên bố vụ va chạm trên biển là không cố ý, từ chối làm cho vụ việc này trở thành một vấn đề còn để ngỏ. Những phản ứng này rõ ràng là được trù tính nhằm giữ cho các vụ xô xát không đẩy chương trình nghị sự lớn lao hơn của Washington với Bắc Kinh đi vào tình thế hiểm nghèo. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã tuyên bố chính sách về những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là thận trọng tương tự và đã không thay đổi kể từ những năm giữa thập niên 1990, khi Hoa Kỳ quả quyết là mình sẽ không giữ một lập trường về bất cứ tuyên bố lãnh thổ nào và sẽ cố thuyết phục cho một môi trường hòa dịu để giải quyết một cách hòa bình các mối bất đồng.

Một lối tiếp cận như vậy để lộ ra một tình trạng khó xử trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ đã theo đuổi điều mà một số người gọi là “chiến lược bao vây,” tìm cách thuyết phục người Trung Quốc hợp tác trong một phạm vi các lợi ích được chia sẻ, trong khi đồng thời chuẩn bị cho khả năng là Trung Quốc sẽ chọn giải pháp đối đầu. Song, căn cứ vào tham vọng duy trì các quan hệ với Bắc Kinh và tránh nuôi dưỡng thêm những mối căng thẳng, Hoa Kỳ đã thiên về khả năng sự răn đe của quân đội nước mình sẽ ngấm ngầm hơn là rõ ràng dứt khoát. Hy vọng rằng những bộ óc tỉnh táo ở Bắc Kinh, những người hiểu về sự cần thiết cho một môi trường quốc tế hòa bình để có được tăng trưởng kinh tế, sẽ thắng thế.

Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ trong trường hợp này đã thất bại trước việc đánh giá các toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông. Mối quan tâm chủ yếu không phải là Trung Quốc sẽ đi tới một lựa chọn chiến lược tai hại nhằm đương đầu mặt đối mặt với Hoa Kỳ ở đó. Mà đúng hơn, là Trung Quốc có thể hành động một cách hung hăng – có lẽ thông qua sức ép kinh tế và quân sự lên các nước láng giềng phía nam của mình – nếu như họ tin rằng họ có thể hạn chế sự chống đối của Hoa Kỳ và phản ứng quốc tế.

Những phần tử bên trong chính phủ Trung Quốc rõ ràng được khích lệ bởi những xu hướng gần đây. Tờ Global Times, một tờ báo của chính phủ trung ương, mới đây đã cho đăng một bài báo tuyên bố rằng 92% người dùng internet nghĩ là cuộc tranh chấp Biển Đông sẽ phải được giải quyết bằng vũ lực, điều đó gợi lên là hành động quân sự có thể là một lựa chọn hấp dẫn để làm sao lãng bất cứ tình trạng rối loạn cuối cùng nào ở trong nước. Một nhóm cố vấn thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân, trong tháng này, đã kêu gọi sắp đặt một chiến dịch quân sự để có thể “đánh vào bản tính kiêu ngạo của một hoặc hai quốc gia nhỏ, giành lại thực sự một ít quần đảo và dải đá ngầm có ý nghĩa chiến lược, kể cả những cuộc tấn công chống lại những giếng dầu hoạt động bất hợp pháp.” Nhân tố quyết định, trong cách nhìn của họ, là Hoa Kỳ đã thiếu quyết tâm chống lại hành động quân sự [của Trung Quốc]. Nếu không thức tỉnh những ý niệm mơ hồ này, thì Quân Giải phóng Nhân dân và những lực lượng khác sẽ tiếp tục nhìn thấy cơ hội ở nơi mà họ cho là chỉ có một mối đe doạ duy nhất [tức là chỉ có Trung Quốc làm bá chủ - BS].

Để chú tâm vào những quan niện sai lầm này, Hoa Kỳ phải làm sáng rõ những cam kết của mình trong việc bảo vệ vùng Biển Đông chống lại hành động gây hấn xâm lược. Cùng lúc, nước này phải có những bước đi thận trọng để giảm bớt quy mô to lớn nhất có thể xảy ra một phản ứng dữ dội của Trung Quốc, trong khi chấp nhận một khoảng thời gian cho Bắc Kinh ghìm cương đối với những thái độ biện hộ cho hành động đối đầu này.

Bộ Quốc phòng cần phải sử dụng những cuộc thảo luận đã được lên kế hoạch cho các vấn đề về biển để truyền đạt quyết định của Mỹ duy trì sự hiện diện của mình trên vùng Biển Đông. Song, do vấn đề này lớn hơn những vụ việc chỉ là xô xát trên biển, nên những nỗ lực đó phải được tiếp theo sau bằng những biện pháp khác nữa. Một bài diễn văn công khai ở cấp cao từ một quan chức hàng đầu trong Bộ Quốc phòng cần phải giải thích về những mối quan tâm của Mỹ trong khu vực này – trong đó có quyền tự do hoạt động hàng hải trên vùng biển có giá trị sống còn đối với dân chúng trên toàn cầu, và cách giải quyết trong hòa bình những tranh chấp lãnh thổ – và tái khẳng định thái độ sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ những lợi ích này. Hoa Kỳ cũng cần phải tăng cường các mối quan hệ về an ninh với các đối tác Đông Nam Á của mình.

Cùng lúc, Hoa Kỳ cần phải làm rõ rằng nước này không chống lại sự hiện diện chính đáng của Trung Quốc trong khu vực, và mời Trung Quốc tham dự vào một tầm mức to lớn hơn trong các nhiệm vụ giữ an ninh trên biển chống lại hải tặc và cùng phát triển. Việc kết hợp những biện pháp này sẽ giúp hạn chế sự ngăn cản đối với Mỹ trong khi khích lệ sự hòa nhập của Trung Quốc vào trong một cấu trúc an ninh hợp tác chung.

Một số người ở Hoa Kỳ có thể không được thoải mái khi đưa ra “sự rõ ràng về chiến lược” to lớn hơn cho khu vực này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tới, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ có được khả năng phóng chiếu sức mạnh của mình tới những điểm giới hạn xa nhất trên Biển Đông. Nếu người Trung Quốc đã không nhận thấy những giới hạn trong sức mạnh của mình và bị chọc tức trước lúc đó, thì sẽ khó cho chiến lược bao vây, không thể phát triển được chính sách ngăn chặn.

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

ไม่มีความคิดเห็น: