วันพุธที่ 29 กรกฎาคม พ.ศ. 2552
No 372: Biểu tình KHÔNG phải là “phản bội Tổ Quốc”
Vietnam China Protest
Biểu tình, phản đối, chỉ trích Nhà nước Việt Nam (NNVN) và những người lãnh đạo cơ chế độc đảng này KHÔNG phải là hành động “chống phá đất nước” hay “phản bội Tổ Quốc”. Chống độc tài, tham ô và bất công KHÔNG phải là thái độ quay lưng lại với quê hương, đồng bào ở bên nhà. Ngược lại, có thể nói rằng phần lớn thái độ của những người Việt Nam biểu tình nhân các chuyến công du của Thủ tướng, Chủ tịch NNVN là chỉ nhằm thể hiện quan điểm và nguyện vọng trong tinh thần ôn hoà và xây dựng.
Rất tiếc là ông Nguyễn tấn Dũng và NNVN đã không muốn nhìn nhận thiện chí của những người biểu tình như vậy.
Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), “Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và luôn có trách nhiệm với kiều bào.” Tuy nhiên, trong thực tế thì ông Nguyễn Tấn Dũng không hề có bất cứ một cuộc tiếp xúc chính thức nào với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hay lên tiếng đáp lại lời đề nghị đối thoại ôn hoà và nghiêm chỉnh của một số đoàn thể, tập hợp, cộng đồng đã nêu ra trước khi ông đến Mỹ. Do đó, dư luận nhìn thái độ của người đại diện NNVN không có gì khác hơn chỉ là lời tuyên truyền cố hữu, hơn là một phát biểu chân tình.
Cũng cùng lúc đó, trong buổi tiếp xúc một số nhỏ Việt kiều thân NNVN, ông Nguyễn tấn Dũng còn cho rằng những người biểu tình là “còn mặc cảm với quá khứ”. Ông nói điều này hoàn toàn sai, hay ít nhất là ông đã nhận được những báo cáo sai về thực trạng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Trước nhất, cộng đồng người Việt ở nước ngoài không có gì để mặc cảm với quá khứ. Ở hiện tại, thì cũng là KHÔNG. Và không những thế, NNVN lại đang cần nguồn ngoại tệ từ những người Việt xa xứ hơn bao giờ hết.
Kế đến, trong số những người đi biểu tình có rất nhiều khuôn mặt trẻ và trung niên. Đây là một thành phần hoàn toàn không có hận thù, vì vào thời điểm tháng 4/1975, những người này chưa sinh ra, hoặc còn rất trẻ. Mặt khác, cũng trong lớp trẻ bất đồng chính kiến với NNVN, có vô số người sinh trưởng tại Hoa kỳ. Thành phần tuổi trẻ này không có mặc cảm gì với quá khứ.
Mặt khác, ngoại trừ một vài lời phát biểu cảm tính có vẻ phẫn uất vì các kinh nghiệm đắng cay do chế độ hiện tại gây ra, người ta không nghe thấy có bất cứ sự khích động hận thù, bạo động nào. Hầu hết những khẩu hiệu được đám đông hô to là: “Tự Do cho Việt Nam, Nhân quyền cho Việt Nam, Dân chủ cho Việt Nam, Dẹp bỏ tham nhũng, Đả đảo Cộng sản, v.v…”. Những lời này chỉ nói lên quan điểm và nguyện vọng của những người còn quan tâm đến hiện tình đất nước — một sự kiện mà đúng ra một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân đã phải trân trọng ghi nhận, thay vì là hiềm khích. Ngay cả khẩu hiệu “Đả đảo Nguyễn tấn Dũng”, NNVN và bản thân ông Dũng cũng không nên lấy đó làm đố kỵ, mà phải tự hỏi rằng tại sao những người này đả đảo ông, thay vì hoan hô. Vì thế, những người Việt này biểu tình không phải là vì còn mặc cảm gì với quá khứ.
Nếu ông Dũng nói rằng Việt kiều là một bộ phận của Việt Nam, rồi kêu gọi “khép lại quá khứ và đoàn kết xây dựng đất nước”, thì đúng ra chính ông phải thể hiện tinh thần hoà giải này bằng cách chính thức tiếp xúc, lắng nghe và đối thoại với những kiều bào bất đồng chính kiến đang sinh sống ở ngoài nước. Rất tiếc là ông Dũng và toàn phái đoàn đã không tự tạo ra cơ hội để “khép lại quá khứ và đoàn kết xây dựng đất nước”. Ngược lại, chính thái độ dửng dưng, đố kỵ của ông và NNVN đã đào sâu thêm hố mâu thuẫn giữa đảng CSVN và những người Việt ngoài đảng đang sinh sống ở nước ngoài.
Ở thời điểm này, ông Nguyễn tấn Dũng và NNVN cần mạnh dạn nhận diện thực tế ở trong và ngoài nước.
Ở trong nước, tình hình kinh tế, xã hội và chính trị của nước ta đang mỗi ngày trở nên khó khăn hơn. Sự khủng hoảng này không do thế lực thù nghịch nào gây ra cả! Nó là hậu quả của các chính sách đầy sai lầm, thiếu sót trong thời gian qua. Nếu NNVN đã tạo cơ hội đóng góp đồng đều cho mọi công dân, đặc biệt là những người ở ngoài đảng và NNVN, thì các vấn đề lớn của Việt Nam ngày nay như bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế và suy thoái xã hội có thể đã không xảy ra một cách tồi tệ như hiện nay; và với sức lực cả nước, thì phần lớn những khó khăn này đã được hoá giải.
Việt Nam ngày nay không thiếu người tài và có tâm huyết, ở cả trong và ngoài nước. Chỉ cần nhìn lại sự đóng góp ý kiến của rất nhiều người trong giai đoạn sắp xảy ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (là đại hội lần thứ mười của đảng CSVN, được tổ chức từ ngày 18 đến 25/4/2006 tại Hà Nội), người ta có thể tin được rằng nếu NNVN thật sự muốn nghe ý kiến và đề nghị cải cách, xây dựng của người dân thì tình hình đất nước đã không có nhiều vấn đề nghiêm trọng như hiện nay. Vì sự chủ quan, độc đoán đó, chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” của Đại hội X đã cho ra một hậu quả hết sức mâu thuẫn. Nếu ông Nguyễn tấn Dũng và NNVN thật sự muốn đất nước cất cánh trong hoà bình, tự do và đoàn kết thì điều đầu tiên ông cần làm là thật sự mở cửa, bằng cách cho toàn dân có cơ hội được phát biểu một cách tự do những nhận định, phê bình và ý kiến đóng góp, xây dựng của họ. Cánh cửa này đồng thời cũng phải rộng mở cho những cá nhân và đoàn thể đối lập với đảng CSVN. Có được như vậy thì những bế tắc hiện nay mới có thể có được cơ may hoá giải một cách sớm sủa và hiệu quả.
Mặt khác, nếu những nhân tài ở ngoài đảng CSVN, và cũng không thuộc các tổ chức chính trị, có cơ hội tham gia vào hàng ngũ quản lý, diều hành bộ máy nhà nước, thì chắc chắn hiện tình nước nhà đã tốt đẹp hơn nhiều.
Đối với tập thể người Việt ở hải ngoại, ông Dũng và NNVN cũng cần phải có thái độ và chính sách mới.
Trước nhất, chính phủ do ông lãnh đạo cần có thái độ ôn hoà và công khai lên tiếng đề nghị tiếp xúc, đối thoại với “bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc”, kể cả những đoàn thể đối lập. Thử hình dung bối cảnh hải ngoại khi việc này xảy ra, người ta có thể thấy được hình ảnh của một giải pháp chung cho Việt Nam đã tượng hình cụ thể. Nếu NNVN tiếp tục xem đối lập là thù nghịch, thì chắc chắn là các đoàn thể đấu tranh không có sự chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục chống lại NNVN bằng mọi cách trong mọi cơ hội có được. Hậu quả mà NNVN phải nhận lãnh là, dù tình hình kinh tế Việt Nam có tiến bộ thật sự, các nhân vật đại diện của NNVN vẫn sẽ không bao giờ được cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp đón một cách chính thức, thân mật và nồng hậu. Ngược lại, những cuộc biểu tình rầm rộ sẽ diễn ra ở bất cứ nơi nào phái đoàn NNVN đi đến. Tình trạng này có thể nhất thời không làm lung lay sự cai trị độc quyền ở Việt Nam, song nó tiếp tục tô đậm một điều vô cùng bất lợi cho NNVN là tập thể người Việt sinh sống ở nước ngoài KHÔNG chấp nhận chế độ hiện thời. Sự khẳng định này sẽ tiếp diễn theo thời gian và dưới mắt thế giới, hình ảnh chống đối NNVN vẫn tiếp tục là một sự thật hiển nhiên.
Nếu ông Nguyễn tấn Dũng và NNVN muốn “khép lại quá khứ và đoàn kết xây dựng đất nước”, thì việc đầu tiên phải làm là hoà giải ngay với những người bất đồng chính kiến ở cả trong và ngoài nước. Người Việt sinh sống ở nước ngoài không bao giờ quay lưng lại với đất nước hay phản bội Tổ quốc, song ngày nào NNVN còn duy trì tình trạng độc tài, tham ô và bất công, thì ngày đó những người Việt Nam yêu nước, yêu dân sẽ tiếp tục nỗ lực đấu tranh giành lại quyền sống và sự sống cho các đồng bào thân yêu ở quê nhà. Chính ông Nguyễn Tấn Dũng cần “khép lại quá khứ và đoàn kết xây dựng đất nước”! —
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น