วันพฤหัสบดีที่ 30 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No383:Hàn quốc tính sổ lại về chiến tranh Việt Nam




Hạ sĩ An Hạc Thọ (áo trắng)
Hơn bốn thập niên trước, Nam Hàn cùng với các nước đồng minh đã gởi quân đội sang giúp miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại làn sóng đỏ. Chuyện này công khai, cả thế giới đều biết chứ không bị giấu diếm như việc Liên xô, Trung cộng, Bắc Triều Tiên... đưa binh lính, vũ khí đến miền Bắc, giúp Hà Nội xâm lược miền Nam.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhà cầm quyền CSVN vẫn muốn giấu kín chuyện này, nhưng rồi thành trì cộng sản Liên xô bị sụp đổ, cộng thêm việc cơm không ngon, canh không ngọt với Trung quốc và Bắc Triều Tiên, nên những gì Hà Nội muốn giấu diếm dần dần được chính các nước đó tiết lộ ra trong một chừng mực nào đó, để vừa kể công, vừa dằn mặt Hà Nội hầu đòi hỏi quyền lợi.

Trong cuộc chiến 1954 – 1975 CSVN đã vay nợ nhiều nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa để có những phương tiện chiến tranh tàn phá đất nước và gieo rắc đau thương tang tóc cho hàng triệu người dân Việt Nam. Điều này đã được chính cố thủ tướng CSVN thừa nhận qua câu nói: "Cứ 30/4 tới có triệu người vui thì có cả triệu người buồn". Liên Xô và Trung Quốc đã công bố nhiều tài liệu về việc vay nợ này của Hà Nội; tuy nhiên Bắc Triều Tiên thì chưa. Vì một lý do nào đó, hoặc có thể vì Hà Nội không chịu trả số tiền mà Bình Nhưỡng bảo là họ đã cho CSVN vay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nên mới đây báo đài Bình Nhưỡng đã loan tin là lãnh đạo của họ trong chuyến công du Việt Nam vào năm 2005 đã đến viếng thăm và đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang quân đội Bắc Triều Tiên ở Hà Nội. Nếu không có sự tiết lộ này thì chẳng mấy ai biết đến việc chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên đã gởi quân đội sang phòng thủ Hà Nội, để cho bộ đội miền Bắc dồn mọi nỗ lực xua quân xâm vào đánh chiếm miền Nam Việt Nam.


Sư đoàn Mãnh Hổ Ðại Hàn tham chiến tại Việt Nam

Về phía Nam Hàn thì tuy đưa quân sang tham chiến, nhưng cho đến nay, qua nhiều đời tổng thống, chính phủ quốc gia này vẫn không thừa nhận chuyện binh lính của họ bị mất tích hay bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng vào trung tuần tháng 7 vừa qua, chính quyền Hàn quốc đã thừa nhận chuyện này, chẳng phải vì Tổng thống Lý Minh Bác muốn làm khác với các chính quyền trước; mà vì không thể nào bác bỏ được những bằng chứng cụ thể vừa mới được đưa ra do nỗ lực tìm kiếm của gia đình một người lính Hàn quốc bị mất tích tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Đó là hạ sĩ An Hạc Thọ (Ahn Hak-soo). Năm 1966, hạ sĩ Thọ (23 tuổi) theo đơn vị sang Việt Nam tham chiến, hai năm sau bỗng nhiên người ta thấy hạ sĩ Thọ xuất hiện trên đài phát thanh Bình Nhưỡng, cho hay là mình đã rời bỏ hàng ngũ, tìm đường sang tị nạn ở Bắc Triều Tiên, và đang được đối xử hết sức nhấn đạo. Hạ sĩ Thọ còn kêu gọi bạn bè đồng ngũ nên tìm cách đào thoát như mình và không quên lên án lẽ chính quyền Nam Hàn là tay sai của đế quốc Mỹ, bắt dân làm lính đánh thuê v.v....

Chính phủ Nam Hàn lúc đó đã ghi vào hồ sơ quân bạ của hạ sĩ An Hạc Thọ là kẻ đào ngũ, chạy theo giặc. Gia đình hạ sĩ Thọ ở Nam Hàn tuy không bị xếp vào thành phần thân cộng, nhưng chẳng hề lãnh được một đồng nào từ tiền lương suốt trong hai năm mà hạ sĩ Thọ chưa lãnh. Vì biết tính của con mình, nên cha mẹ hạ sĩ Thọ không tin con mình đào ngũ chạy theo cộng sản, và cho rằng, có thể trong một cuộc giao tranh nào đó anh đã bị bộ đội cộng sản Việt Nam bắt làm tù binh, rồi giao cho Bắc Triều Tiên để tuyên truyền. Gia đình của hạ sĩ Thọ đã nhiều lần yêu cầu tòa án quân sự xét lại bản án, nhưng không được đáp ứng vì hai lý do. Thứ nhất chẳng bao giờ có chuyện binh lính Nam Hàn mất tích hay bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam, và thứ hai là chính Thọ đã lên đài phát thanh Bình Nhưỡng nói thẳng là mình đào ngũ. Gia đình của hạ sĩ Thọ không còn cách nào khác hơn là tiếp xúc với những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở khắp nơi để hỏi thăm tin tức. Dù sau hơn 10 năm trời không có được kết quả nào, nhưng gia đình hạ sĩ Thọ vẫn không nãn lòng, và vẫn tiếp tục đi tìm kiếm. Mới đây, qua một người tị nạn Bắc Hàn định cư ở Seoul, họ mới biết được một số tin tức của hạ sĩ Thọ. Theo lời của người tị nạn này thì hạ sĩ Thọ đã bị xử tử hình vào năm 1975 khi tìm cách trốn thoát khỏi Bắc Hàn. Theo lời kể của hạ sĩ Thọ thì ông ta bị bắt làm tù binh trong một trận giao tranh ở ngoại ô Sài Gòn, sau đó bị dẫn ra Bắc, rồi giao cho người của sứ quán Bắc Triều Tiên ở Hà Nội. Khi đưa sang Bình Nhưỡng ông bị giam một thời gian dài, sau đó bị đưa lên đài đọc những lời đã viết sẵn. Lời tường thuật của người tị nạn vừa kể được xem là khả tín nếu không muốn nói là đúng sự thực. Là một người hoàn toàn xa lạ với gia đình hạ sĩ Thọ, lại sống ở Bắc Triều Tiên vào lúc hạ sĩ Thọ bị bắt, thì ông ta không thể nào biết được nhiều chi tiết liên quan đến hạ sĩ Thọ tại chiến trường Việt Nam, như số quân, đơn vị, tên người chỉ huy của hạ sĩ Thọ, và nhất là địa danh nơi xảy ra trận giao tranh khiến hạ sĩ Thọ bị bắt làm tù binh.

Sau khi thẩm xét lý lịch và những lời chứng của người tị nạn Bắc Hàn vừa kể, Sở quan An ninh quân đội Hàn Quốc đã đi đến kết luận là, chứng nhân này sẽ chẳng bao giờ biết được những thông tin như thế, nếu như không được chính hạ sĩ Thọ kể lại cho ông ta nghe.

Khi không còn kết tội hạ sĩ An Hạc Thọ là kẻ đào ngũ nữa, thì coi như chính quyền Hàn quốc thừa nhận là có chuyện binh lính của họ bị mất tích hay bị bắt làm tù binh tại chiến trường Việt Nam, việc phải khôi phục lại danh dự cho người hạ sĩ này chỉ là vấn đề thời gian.

Mặc dù trong những ngày cuối tháng 7/2009, dư luận ở Hàn quốc nóng lên vì vấn đề này, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng vẫn giữ yên lặng. Những người am hiểu về Bắc Triều Tiên không ngạc nhiên về thái độ im lặng này, vì họ biết rằng có nhiều xác xuất là rồi đây chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bằng cách nào đó dùng chuyện này làm điều kiện để đòi chính quyền CSVN phải trả nợ; nếu Hà Nội từ chối thì có thể Bình Nhưỡng sẽ cho công bố thêm những chi tiết liên quan khác để làm Hà Nội mất mặt, như là một cách làm áp lực để đòi nợ từ một con nợ vẫn nổi tiếng là lật lọng.

ไม่มีความคิดเห็น: