วันพฤหัสบดีที่ 30 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No381: Thế cân bằng Mỹ – Trung Quốc

Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Bộ Trưởng Tài Chánh Tim Geithner đang họp Ðối thoại chiến lược và kinh tế với các ông Vương Kỳ Sanh, phó thủ tướng và Ðới Bính Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói nước Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến đến gần nhau hơn. Ông Ðới Bính Quốc mô tả hai nước như cùng đi trên một con thuyền lớn đang bị sóng to gió lớn, và quyền lợi hai bên liên hệ chằng chịt với nhau.

Người Việt nghe câu đó có người giật mình, nghĩ ngay đến những con “tầu lạ” đâm vào các thuyền của ngư phủ Việt Nam ra khơi đánh cá trong mấy tháng qua!

Cuộc gặp mặt hàng năm của hai chính phủ Trung Hoa và Mỹ tiếp nối một chính sách đã bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lịch sử năm 1972 giữa Richard Nixon cùng với Mao Trạch Ðông và Chu Ân Lai. Chuyến Hoa du của Nixon thúc đẩy Mao và Chu vào vị thế liên kết với Mỹ để cùng chống Nga, nhưng cũng cho Trung Quốc thấy Mỹ sẵn sàng rút khỏi Việt Nam vì có những quan tâm chiến lược lớn hơn khắp thế giới. Sau đó là chuyến công du lịch sử của Ðặng Tiểu Bình tới Washington năm 1979. Thăm viếng nước Mỹ rồi, Ðặng Tiểu Bình xua quân sang “dậy cho Việt Nam một bài học,” bài học dậy bằng những xác chết người Việt và người Trung Hoa vô tội.

Hôm Thứ Hai, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố bang giao Hoa-Mỹ sẽ có ảnh hưởng quyết định trên thế giới trong thế kỷ 21 – “shape the 21st century,” trong nguyên văn. Nói điều này ra cũng chỉ là nói một sự thật. Các chính phủ Mỹ từ thời Nixon đến nay vẫn tiếp tục chính sách giao thương giúp kinh tế Trung Hoa thoát khỏi cảnh trì trệ và lạc hậu do chế độ Cộng Sản gây ra. Họ chấp nhận sẽ có một cường quốc đối thoại ngang hàng với Mỹ bên kia bờ Thái Bình Dương, và viễn tượng đó đã thành hình qua các thời tổng thống thuộc cả hai đảng.

Người Việt Nam lại tự hỏi: Khi Mỹ và Trung Quốc đặt quan hệ ngoại giao của họ lên hàng chiến lược như vậy thì số phận Việt Nam có bị họ quyết định hay không và quyết định ra sao?

Chúng ta không nên quá lo lắng chuyện hai nước Mỹ, Hoa sẽ chia nhau ảnh hưởng trên các quốc gia ở Thái Bình Dương, trong đó các nước nhỏ như Việt Nam sẽ bị dùng làm một vật trao đổi. Kinh nghiệm lịch sử sẽ khiến các chính phủ Mỹ không dám theo con đường phiêu lưu đó. Và các hoạt động ngoại giao hiện đang diễn ra cũng cho thấy nước Mỹ chắc chắn sẽ không để cho Trung Quốc tự do bành trướng, hy sinh quyền lợi của các nước nhỏ chung quanh.

Trong thế kỷ trước, Mỹ đã trải qua một kinh nghiệm đau đớn khi một cường quốc Á Châu bành trướng, đó là Nhật Bản. Nước Nhật đã vươn lên từ khi đánh bại hải quân Nga năm 1905, và bắt đầu mở rộng vùng ảnh hưởng trên miền Ðông Bắc Châu Á. Khi Nhật Bản chiếm bán đảo Cao Ly, tới Mãn Châu, rồi gây chiến với Trung Quốc sau “biến cố” Lư Cầu Kiều năm 1937, Mỹ tuy bênh vực Trung Quốc nhưng vẫn đứng ngoài, nhìn các con cọp giao đấu. Những biện pháp phong tỏa kinh tế của Mỹ chỉ làm cho Nhật Bản càng thấy nhu cầu phải bành trướng mạnh hơn để chiếm lấy những miền đất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Chỉ đến khi quân Nhật tấn công Pearl Harbor cuối năm 1941 thì Mỹ mới chính thức bước vào vòng chiến. Bài học của cuộc chiến tranh đó là chính phủ Mỹ không thể để yên cho một cường quốc Á Châu xâm chiếm, ép buộc các nước Á Châu khác trong kế hoạch bành trướng ảnh hưởng của họ, mà tưởng là nước Mỹ sẽ được yên thân.

Với kinh nghiệm đó, chắc chắn các chính phủ Mỹ trong thế kỷ 21 này sẽ phải ngăn ngừa trước mọi kế hoạch bành trướng của bất cứ quốc gia nào trong vùng Châu Á; trước khi quá trễ. Rõ ràng là quốc gia duy nhất hiện nay có thể nuôi tham vọng bành trướng này là Trung Quốc, một nước với những vị hoàng đế tự xưng là Thiên Tử (Con Trời), mà qua hai ngàn năm vẫn tự coi họ là trung tâm của Thiên Hạ, tất cả mọi thứ dưới bầu trời.

Cho nên ngay trong lúc tiến hành chính sách giao thương và khuyến khích Trung Quốc thay đổi theo đường lối tư bản để cải thiện kinh tế, các chính phủ Mỹ vẫn không quên củng cố những hàng rào chung quanh cường quốc đang lên này. Nước Mỹ không có lý do nào để tiếp tục giữ quân đội đóng ở Nhật Bản và Nam Hàn, nếu không phải là đề phòng Trung Quốc. Mỹ vẫn tiếp tục những hiệp ước bảo vệ Ðài Loan, vẫn bán vũ khí chiến lược cho Trung Hoa Dân Quốc, và gần đây nhất bắt đầu hợp tác với Ấn Ðộ về quân sự, năng lượng nguyên tử, và sản xuất vũ khí. Các nước Ðông Nam Á đều nhìn thấy mối đe dọa từ Trung Quốc và thiết tha hợp tác với Mỹ. Úc là một đồng minh tự nhiên của Mỹ vì cả hai đều theo thể chế tự do dân chủ, mà Úc cũng là một quốc gia của di dân như nước Mỹ.

Tuần trước, bà Hillary Clinton mới tới Thái Lan họp và ngày 22 Tháng Bẩy 2009 đã ký vào bản Hiệp Ước Thân Hữu và Cộng Tác với khối Ðông Nam Á ASEAN. Lâu lắm chính phủ Mỹ mới cử một người cấp ngoại trưởng đến dự cuộc họp của khối này, trong thời Tổng Thống George W. Bush chỉ có những viên chức cấp thấp đến dự. Năm 2005, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã bỏ không dự một cuộc họp Diễn Ðàn Vùng ASEAN (ARF) của các nước Ðông Nam Á mà từ năm 1982 lúc nào các vị ngoại trưởng Mỹ cũng dự, khiến năm đó nhiều người lo ngại chính phủ Mỹ quyết định bỏ rơi không chú ý đến khu vực này nữa. Năm nay tình thế thay đổi, có thể chính vì chính sách gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong vùng này. Bà Clinton tuyên bố, “Hoa Kỳ đã trở lại Ðông Nam Á.” Bà không ngại nói thẳng đến mối lo ngại của các nước láng giềng của Trung Quốc, và nói, “cho nên chúng tôi muốn tăng cường mối bang giao với các nước ở phía Ðông và Ðông Nam Châu Á. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng là mọi nước có thể làm việc với nhau và Trung Quốc sẽ tập trung mọi nỗ lực của họ vào việc nâng cao đời sống kinh tế của dân chúng họ để cạnh tranh trên thị trường (thế giới).”

Sau khi trở về Washington, Hillary Clinton đã dự cuộc họp Ðối thoại chiến lược và kinh tế cùng với ông Tim Geithner, mà năm ngoái chỉ do ông Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson trong chính phủ Bush dẫn đầu. Các cuộc họp đối thoại trước đây chỉ nhắm vào các vấn đề kinh tế giữa hai nước. Từ năm ngoái ông Paulson đã mở rộng đề tài bàn cả về vấn đề bom nguyên tử của Bắc Hàn. Giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhiều vấn đề chung cần bàn cũng liên can đến kinh tế nữa, cho nên năm nay có mặt của bà Clinton. Trong cơ cấu chính quyền ở Washington, một bộ trưởng ngoại giao có địa vị cao hơn bộ trưởng tài chánh.

Ông Geithner vẫn tiếp tục lời kêu gọi thường lệ của chính phủ Mỹ là Bắc Kinh hãy bớt chú trọng đến xuất cảng hàng hóa mà nên hướng cho người dân Trung Hoa được tiêu thụ nhiều hơn. Nhưng ông Obama đến khai mạc cuộc họp đã không quên nhắc nhở chính phủ Trung Quốc phải tôn trọng quyền làm người bên trong lãnh thổ của họ. Một cách cụ thể, ông nhấn mạnh, “tôn giáo và văn hóa của mọi dân tộc phải được tôn trọng và được bảo vệ.” Ai cũng hiểu rằng ông Obama ám chỉ tới văn hóa và tôn giáo của người Uighur ở Tân Cương và người Tây Tạng. Hiện nay chính phủ Mỹ chưa quyết định ông Obama nên gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trước hay đợi sau chuyến công du của ông sang Trung Quốc rồi mới gặp.

Nếu Mỹ với Trung Quốc không quyết định cho cả thế giới thì mối bang giao giữa hai nước chắc chắn sẽ quyết định tình hình Ðông Nam Á trong thế kỷ 21 này. Ðó là hai cường quốc trong vùng, mặc dù nước Mỹ ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Nước Mỹ đã giúp cho Trung Quốc tiến đến địa vị ngày hôm nay, kể từ khi Tổng Thống Nixon bắt tay Mao Trạch Ðông và Tổng Thống Carter đón tiếp Ðặng Tiểu Bình. Khách tiêu thụ ở Mỹ giúp các xí nghiệp ở Trung Quốc phát triển, những đầu tư của người Mỹ và người Hoa ở Mỹ giúp nâng cao công nghiệp và kỹ thuật ở Ðài Loan rồi từ đó lan sang lục địa. Chính nước Mỹ góp phần nâng địa vị của Trung Quốc trong vùng Ðông Nam Á lên cao hơn.

Trong tình thế đó, đường lối ngoại giao của nước Việt Nam không thể nghiêng về một nước, dù là Trung Quốc hay Mỹ. Nhưng trong lúc bị sức nặng của Trung Quốc đè lên một bên vai, thì cần tái lập thế cân bằng mới, qua những liên hệ mật thiết hơn với Mỹ. Cần phải tái lập thế cân bằng giữa hai cường quốc Thái Bình Dương, nếu không Việt Nam sẽ bị lép vế đối với Trung Quốc mãi mãi.

Nhưng sau cùng, đường lối tốt nhất vẫn là gây dựng cơ bản cho các quan hệ song phương với tất cả các nước Á Ðông, đặc biệt là vùng Ðông Nam Á. Khi khối Ðông Nam Á đoàn kết và phồn thịnh hơn thì không còn sợ Trung Quốc bành trướng, cũng không sợ Mỹ bỏ rơi nữa. Một khối gần 600 triệu dân Ðông Nam Á sẽ đủ sức bảo vệ lẫn nhau.

Cho nên chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam cần phải tự tách dần ra khỏi vòng kềm tỏa của Cộng Sản Trung Quốc, để phát triển các quan hệ kinh tế, chính trị và cả quân sự với các nước Ðông Nam Á. Phải dùng diễn đàn ASEAN nhiều hơn nữa để đưa ra những vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên biển và trên đất liền với Trung Quốc. Nếu cứ nhắm mắt cúi đầu xin trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ còn chịu thiệt thòi rất lâu, có khi sẽ trở thành hoàn toàn lệ thuộc. Mà nhiều người Việt lo tình trạng lệ thuộc đó đã diễn ra rồi!

ไม่มีความคิดเห็น: