วันศุกร์ที่ 31 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No387: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê”

Gần đây chúng tôi mới nói chuyện với một người Việt từng tham dự những cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh thành lập huyện Tam Sa ở đảo Hải Nam; anh đã từng bị công an đuổi bắt. Tôi hỏi đùa một câu vô duyên: Sao, đã biết sợ công an chưa? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Không sợ, vì họ cũng là người Việt cả. Tôi chỉ sợ công an Trung Quốc!

Công an Trung Quốc làm gì những người Việt biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn? Không, họ không cần làm gì cả. Họ chỉ cần theo dõi, ghi chép. Họ sẽ có tên tuổi, địa chỉ, tình trạng vợ con, kế sinh nhai, đường đi lối về hàng ngày của tất cả những người từng nói hay hành động chống quyền lợi Trung Quốc ở Việt Nam. Họ lập một cuốn sổ đen. Khi hữu sự, họ sẽ sẵn sàng. Hình ảnh “cuốn sổ đen” đó đang ám ảnh rất nhiều người Việt yêu nước.

Nghe anh bạn nói, tôi ngờ vực không tin. Nhưng nếu quý vị được nghe cả giọng nói bình thản, dửng dưng không xúc động của anh, quý vị sẽ hiểu mối lo sợ này là có thật. Mạng lưới công an Trung Cộng đã hoạt động ở Sài Gòn-Chợ Lớn từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Dù bây giờ nó không bành trướng lên tới mức đáng sợ như trên, thì mối lo sợ vẫn có thật. Không lẽ công an Việt Nam cũng cộng tác “chiến lược và toàn diện” với công an Trung Quốc trong mật vụ này hay sao?

Gần đây một nhà báo ở Sài Gòn mới bị một đám côn đồ “lạ mặt” hành hung vô cớ. Tình cờ, anh cũng là một nhà báo từng viết trên mạng những bài về đòi bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh cũng viết rất nhiều về vụ Bô Xít, và những vụ “tầu lạ” đâm chìm thuyền đánh cá Việt Nam ra biển. Ðám “người lạ” đánh anh nhà báo và đám “tầu lạ” đâm thuyền ngư phủ Quảng Ngãi có liên hệ gì với nhau không?

Một điều chúng ta biết chắc là chính quyền Cộng Sản Trung Quốc quyết tâm bành trướng ảnh hưởng không riêng trong vùng Ðông Nam Á mà ra khắp thế giới, ở bất cứ nơi nào trên thế giới có tài nguyên thiên nhiên để khai thác, Trong mục này đã có lần kể chuyện chúng tôi gặp một sinh viên người Congo ở Quảng Châu. Khi nói chuyện với nhau, anh ta bày tỏ nỗi ngạc nhiên không hiểu sao người Trung Quốc sang nước anh nhiều thế. Và họ đi khắp nơi, cả những vùng núi non xa xôi anh không bao giờ nghĩ đến mà họ cũng mò tới. Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đọc một bản tin cho biết hơn 200 nhà kinh doanh Trung Quốc ở Congo mới lén bỏ trốn về nước, để lại hàng ngàn công nhân bản xứ đến đập phá nhà cửa, máy móc, cơ xưởng vì họ không được trả lương! Ðám doanh nhân này là những người Trung Quốc sang Congo khai thác mỏ. Hồi đầu năm 2009 giá nguyên liệu kim khí tụt xuống khắp thế giới, các đại gia Trung Quốc chỉ tính làm ăn chụp giật, thấy lỗ vốn bèn bỏ của chạy lấy người!

Hôm rồi, một anh bạn từ Pháp qua chơi kể rằng anh đã đi khắp các nước Phi Châu vì công việc của sở. Tình cờ, anh cũng kể có lần đi đến thăm một chi nhánh của hãng anh ở Côte d'Ivoire, anh tới một thị xã xa xôi hẻo lánh. “Ông biết không? Mình đang bước đi ngoài phố bỗng giật mình thấy một da vàng mặc áo may ô ưỡn cái bụng phệ trên chiếc ghế trước cửa nhà! Ông ấy đang ngồi xỉa răng! Ở giữa cái xứ chỉ thấy toàn mầu da đen, mình tưởng là gặp đồng bào Việt! Hỏi chuyện rồi mới biết ông ấy là một cố vấn cho chính quyền tỉnh, do Bắc Kinh gửi tới! Ông ấy được mang cả gia đình vợ con sang Côte d'Ivoire để làm cố vấn!”

Không thể nói chính phủ Bắc Kinh chỉ nhắm riêng vào nước Việt Nam mình khi họ đi tìm các nguồn tài nguyên để khai thác. Trung Quốc đang cần công nghiệp hóa. Họ đi tới bất cứ nơi nào tìm quặng mỏ. Họ vừa bị hụt vụ mua 18% cổ phần trong công ty Rio Tinto ở Úc Châu, bắt người đứng đầu công ty Anh-Úc này ở bên Tầu, gán cho tội “gián điệp.” Ở Trung Ðông các nước Á Rập Hồi Giáo cũng chống Trung Quốc sau vụ đàn áp người Uyghur tại Tân Cương. Dân chúng những nước Trung Á cùng chung gốc Turk (Thổ) đã biểu tình chống Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh lo hối lộ chính quyền các nước này để mua dầu lửa và khí đốt. Dù ăn hối lộ, chính quyền các nước này cũng không dám đàn áp dân họ để bênh vực Thiên triều. Ở Algerie có những vụ tập kích đánh vào xe chở người Trung Quốc. Cũng vì vụ Tân Cương cả. Nhu cầu nguyên liệu và nhiên liệu khiến chính quyền Bắc Kinh phải tiếp tục bành trướng, khắp thế giới. Ðó sẽ là hiện tượng quan trọng nhất ở Á Châu trong thế kỷ 21, đặc biệt là trong vùng biển Ðông của nước ta.

Vì Ðông Nam Á vẫn là một trọng tâm của tham vọng bành trướng này. Chỉ vì lý do địa dư; đó là những nước láng giềng, nhỏ, còn yếu, và quyền lợi còn khác biệt nhau rất nhiều. Trong các nước ASEAN có nước dân chủ, có nước độc tài, có nước Phật Giáo, có nước Hồi Giáo, có nước độc tài Cộng Sản, có nước độc tài quân phiệt, có nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, có nước theo Thiên Chúa Giáo như Phi Luật Tân. Tình trạng này khiến ASEAN còn chưa thể liên kết chặt chẽ, và Bắc Kinh thì đã gõ cửa xin vào tham dự, đến năm nay Mỹ mới bước vô. Người Mỹ từng coi Tây Bán Cầu với những nước Châu Mỹ La tinh, là “sân sau” của họ, không muốn cường quốc nào đụng tới. Bây giờ Trung Quốc có thể cũng mong tới ngày cả miền biển Ðông Á và Ðông Nam Á trở thành “cái ao trước cửa” cho họ thả câu.

Ðứng về mặt đạo đức, chúng ta lên án tham vọng bá quyền này, của bất cứ quốc gia nào. Trên thực tế, bất cứ chính quyền độc tài một nước lớn nào cũng nuôi những tham vọng như vậy, và có khả năng khích động dân chúng ngả theo khuynh hướng đó. Thế kỷ trước, Nhật Bản đã làm như vậy. Ngay một Ðảng Cộng Sản nho nhỏ của các ông Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ cũng có thời muốn làm bá chủ toàn cõi Ðông Dương kia mà! Cho nên phải coi tham vọng bá quyền của Trung Quốc là một sự thật không thể tránh được, các nước Ðông Á phải đối phó chứ không thể chỉ lên án suông mà thôi.

Trong cuộc phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, đăng ngày hôm qua, Giáo Sư Carl Thayer đã nói, “Có Hoa Kỳ hiện diện, Trung Quốc không thể múa gậy vườn hoang.” Ðúng như vậy. Các nước Ðông Nam Á đều mong nước Mỹ trở lại vùng này để tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Trung Quốc đã lập căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam (Thời Tây Hán gọi tên là Châu Nhai và Ðạm Nhĩ) với 6 hàng không mẫu hạm và 20 tầu ngầm nguyên tử. Chỉ có hạm đội Thứ Bẩy của Mỹ đáng vai đối thủ. Nhưng chúng ta đã có dư kinh nghiệm về cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nước nào cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia của họ mà thôi. Người Việt Nam không thể trông nhờ vào ngoại lực. Muốn kháng cự được sức bành trướng của hơn một tỷ dânTrung Quốc thì người Việt phải lo lấy nước Việt chứ không thể trông cậy vào ai khác. Trong hai ngàn năm lịch sử tổ tiên chúng ta vẫn sống như vậy, bây giờ cũng không khác.

Nhưng dân tộc Việt Nam muốn đủ sức cự địch với sức bành trướng của Trung Quốc nếu chính quyền cũng chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc và toàn dân đoàn kết một lòng kháng cự. Hiện nay chúng ta không thấy những dấu hiệu đó. Ðiều đáng lo ngại đối với dân tộc Việt Nam bây giờ không phải là những đoàn quân Trung Quốc tiến qua biên giới như hồi năm 1979. Phương cách xâm lăng đó đã lỗi thời rồi, mà không cần thiết nữa. Ðiều lo lắng nhất là một kế hoạch “tàm thực,” (tầm ăn dâu), hay nói theo kiểu bà con trong nước, gọi là Diễn Biến Hòa Bình. Cộng Sản Trung Quốc không cần gây chiến với Việt Nam. Họ đang gậm nhấm nước Việt Nam từ từ, như đã gậm dần dần cho tới khi nuốt chửng đất đai của người Uyghur, người Mông Cổ, nước Ðại Lý, nước Tây Tạng.

Ngày hôm qua Nhật Báo Người Việt cũng đăng thiên phóng sự viết về chuyến đi thăm miền đất cực Ðông của nước ta, mũi Sa Vỉ, bờ biển Trà Cổ, thành phố Móng Cái, giáp giới Trung Hoa. Ký giả Thiên Thư viết tựa đề: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.” Ðó là “tám chữ vàng” mô tả một sự thật. Có những mảnh đất cho người Trung Quốc thuê 50 năm, còn dài hạn hơn nhiều nông dân Việt Nam chỉ được thuê đất 35 năm. Người Trung Quốc sang mở nhà hàng, khách sạn, sân Golf, và cả cờ bạc, đĩ điếm. Người Trung Quốc làm chủ, người Việt Nam làm thuê. Hai bên cùng có lợi. Các quan chức lợi nhất. Tổng cộng thành 20 chữ vàng, có thể coi là một chính sách, chủ trương lớn của đảng và nhà nước... Trung Quốc!

Nếu chưa đọc, xin mời quý vị đọc lại thiên phóng sự này. Nhiều nhà báo trong nước đã kể chuyện và chụp hình những “làng Trung Quốc” ở Việt Nam, từ miền Bắc vào tới miền Trung và Cao nguyên. Nhưng ở thành phố Móng Cái, ở mũi Sa Vĩ, có những trung tâm thương mại Trung Quốc mà người Việt muốn xin việc làm phải nói hai thứ tiếng. Con cháu người Việt khôn ngoan ở đây sẽ biết rằng muốn có tương lai phải học tiếng Quảng hay tiếng Phổ thông. Tiếng đầu lòng con học nói có thể là “Nỉ Hào Ma?” Người bạn ở Sài Gòn đang sợ công an Trung Quốc, anh vẫn tin tưởng rằng anh không cần sợ công an Việt Nam. Vì họ cũng là người Việt như mình cả. Niềm tin đó còn có cơ sở vững chắc hay không?

Nhiều người Việt ở Nam California đã nói đùa rằng có ngày Bắc Kinh sẽ đổi tên huyện Tam Sa thành Tứ Sa. Vì ngoài Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta, cộng với Tây Sa của họ, họ còn muốn có thêm chữ Sa thứ tư là Bôn Sa (Bolsa) nữa! Trung Quốc sẵn sàng đầu tư sang Bolsa mở nhà hàng, khách sạn, thương xá, cư xá cho người già, khu giải trí, vân vân; chỉ cần lúc nào cũng theo đúng 8 chữ vàng: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.”

Nhưng tầm ăn dâu ở Á Châu thì dễ, sang tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều. Vì ngay người Hoa và người Việt gốc Hoa ở Mỹ cũng sợ Bắc Kinh xâm nhập. Cho nên dân Bolsa không cần lo. Nếu có một huyện Tứ Sa thì chắc chữ Sa thứ tư sẽ là mũi Sa Vĩ trong tỉnh Móng Cái. Ở Quảng Châu đã có bãi Sa Diện (Mặt Cát, sách thường in nhầm là Sa Ðiện), nay có thêm Sa Vĩ (Ðuôi Cát) nối với nhau như khẩu hiệu “núi liền núi, sông liền sông” từ 50, 60 năm trước!

Tám chữ vàng “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” không nhất thiết chỉ áp dụng trong các khách sạn, nhà hàng. Tại sao không áp dụng (hợp tác chiến lược và toàn diện), ngay trong hoạt động của ngành công an hai nước? Người Trung Quốc có thể còn muốn áp dụng tám chữ vàng trong tất cả mọi phạm vi, từ trên xuống dưới, như công cuộc trị quốc và bình thiên hạ mà họ vẫn theo đuổi từ thời Tần Hán đến giờ. Trong tâm thức, họ có thể nghĩ đó là sứ mệnh ông Trời đã buộc dân Hán tộc phải thi hành! Người Việt Nam tất nhiên nghĩ khác, hai ngàn năm nay vẫn nghĩ ngược lại. Vậy người Việt Nam phải làm gì?

No386: Thông Cáo số 4 (31/7/2009) của VP Thư ký Tòa Giám mục Giáo phận Vinh

VĂN PHÒNG THƯ KÝ
TÒA Giám mục XÃ ĐOÀI
Nghi Diên – Nghi Lộc – Nghệ An
Đt. 0383 611 845 ; 0977006526
Email: tgmxadoai2004@yahoo.com


Ngày 30 tháng 7 năm 2009

Thông Cáo
số 4

V/v Tam Tòa tại Đồng Hới, Quảng Bình

1. Tin 2 linh mục và một số giáo dân Vinh bị nhóm “côn đồ” đánh đập tại Tam Tòa trước sự chứng kiến của những người mang sắc phục công an, làm cho dư luận khắp nơi thêm phẫn nộ, bàng hoàng, lo lắng. Nhiều nơi điện thoại về Tòa Giám mục thăm hỏi tình hình và phỏng vấn. Cha Fx. Võ Thanh Tâm – Tổng đại diện Giáo phận Vinh đã xác định chắc chắn có sự việc trên.

2. Chiều 27/7/2009, linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và mấy giáo dân bị đánh trọng thương về tới Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 21 giờ cùng ngày, linh mục Phêrô Ngô Thế Bính được đưa về Phòng khám Đa Khoa của Tòa Giám mục Xã Đoài. Giáo dân kéo đến, thấy cảnh linh mục bị đánh bầm dập mặt mũi và thân thể mang nhiều vết thương đã không thể kìm nén được sự phẫn uất của mình. Không khí sục sôi.

3. Chiều 27/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin chị Yên bị công an Quảng Bình tới nhà mang đi hôm 26/9/2009 được thả về. Lúc 01 giờ sáng 28/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin anh Thống bị mang đi hôm 26/7/2009, lúc đó đang bị công an tống ra đường.

4. Sáng 28/8/2008, phái đoàn Tòa Giám mục vào thăm Cha Phú tại giáo xứ của ngài coi sóc. Được Cha Phú kể lại, phái đoàn hiểu thêm âm mưu ác độc của nhóm côn đồ và những kẻ tiếp tay trong sắc phục công an đứng chứng kiến cảnh tượng kinh khủng đó. Ngài nói, chỉ trước đó mấy phút, khi xe của ngài vừa đậu tại phần đất gần nền nhà thờ Tam Tòa thì nhóm côn đồ ập tới đánh ngài và các giáo dân cùng đi.

5. Tại phòng khám Tòa Giám mục, từng đoàn người đến thăm Cha Bính và hỏi thăm sự thể. Dù bị đau đớn, ngài vẫn cố kể lại những hành động của nhóm côn đồ đánh hội đồng trước sự chứng kiến của công an Quảng Bình, làm cho không khí căng thẳng lan nhanh khắp Giáo phận Vinh. Cha Tổng đại diện và các linh mục tại Tòa Giám mục cố trấn an mọi người bình tĩnh, cầu nguyện, với ý thức rằng hành động của ma quỷ rất dễ lún sâu trong vũng lầy nhơ nhớp của nó. Còn con cái Chúa phải chiến đấu với quỷ ma bằng cách thế khôn ngoan như Lời Chúa dạy.

6. Tối 28/7/2009, một số gia đình có nạn nhân đang bị công an Quảng Bình bắt giữ báo cho Tòa Giám mục biết là chính quyền địa phương đề nghị tới “làm thủ tục” đón người nhà về. Rồi cả ngày 29/7 vấn đề đó cũng chưa xong!

7. Chiều 29/7/2009 phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội tới Tòa Giám mục thăm Giáo phận Vinh và gửi quà thăm anh chị em giáo dân Tam Tòa.

8. Ngày 30/7/2009, vào lúc 10 giờ, ông Nguyễn Đức Thịnh – Vụ phó vụ Công giáo và bà Đào Thị Đượm – Chuyên viên Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã tới Tòa Giám mục gặp và trao đổi với linh mục Võ Thanh Tâm – Tổng Đại diện Giáo phận Vinh cùng với linh mục Phạm Đình Phùng – Chánh văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài. Tại cuộc gặp này, Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ muốn nghe những ý kiến từ Giáo phận Vinh. Linh mục Tổng đại diện lần lượt nêu lên các ý sau đây :

- Sự việc Tam Tòa lúc đầu chỉ là việc nhỏ. Giáo dân chỉ đến dựng cái lán che trên nền nhà thờ Tam Tòa, nền đất thánh thiêng của giáo dân Tam Tòa suốt mấy trăm năm qua. Thế mà công an Quảng Bình đã đánh đập tàn nhẫn, bắt giữ trái phép giáo dân, chiếm đoạt Thánh Giá – biểu tượng cao quý của người Công giáo, chiếm đoạt tài sản của Giáo hội và của giáo dân, rồi lại tiếp tục sa vào sai lầm khi 2 linh mục và một số giáo dân bị đánh trọng thương, càng làm cho dư luận ngày thêm bất bình phẫn uất. Cha Tổng nói: “Chính tôi là người đã vào Tam Tòa thăm các nạn nhân. Họ kể và tôi thấy những viết thương bầm tím trên người họ mà xót xa, đau đớn”.

- Về phía Giáo hội, chúng tôi cố gắng trấn an dân chúng. Họ sục sôi vì những hành động tàn nhẫn của công an Quảng Bình.

- Chúng tôi tự hỏi : Nếu UBND tỉnh Quảng Bình nói chỉ có giáo dân và lương dân xô xát với nhau, vậy tại sao công an chỉ bắt giữ giáo dân, đánh đập, giam cả 10 ngày nay rồi, mà lại không bắt một ai là lương dân ?

- Nếu công an nói rằng họ đến để dẹp việc gây rối trật tự công cộng thì tại sao lại lấy hết tất cả các máy quay phim, chụp hình của giáo dân, tới nay cũng chưa trả lại. Nếu họ làm việc chính nghĩa thì phải để cho dân thấy chứ?

- Và nếu công an đến để dẹp việc gây rối thì tại sao lấy hết tất cả, từ Thánh Giá, khung sắt, tôn lợp, xe cộ, máy phát điện, thức ăn, cả đến tiền bạc của giáo dân mà không lập biên bản gì cả?

- Cụ thể hơn cả là tại sao trong mấy ngày qua, công an không bắt nhóm “côn đồ” đông tới hàng trăm đánh đập 2 linh mục và các giáo dân trong ngày 27/7/2009 ?

9. Sau khi nghe những lời trình bày của linh mục Tổng đại diện và linh mục Chánh văn phòng, đại diện Ban tôn giáo chính phủ hiểu rõ hơn vấn đề và muốn được Tòa Giám mục đưa ra những đề xuất. Tòa Giám mục lặp lại những yêu cầu từ ban đầu:

- Thả ngay, thả hết những giáo dân bị công an Quảng Bình đánh đập và đang bị bắt giữ.
- Săn sóc, chữa lành những giáo dân bị công an đánh đập.
- Bồi thường tại chỗ lán che của giáo xứ Tam Tòa.
- Trả lại Thánh giá, trả lại tài sản của Giáo hội và tài sản của giáo dân.
- Dừng ngay việc xuyên tạc sự thật, bôi nhọ tôn giáo, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo.
- Còn việc 2 linh mục và các giáo dân bị đánh đập, UBND tỉnh Quảng Bình phải chịu trách nhiệm việc chữa trị, lo thuốc men và phải xét xử những kẻ “côn đồ” theo pháp luật.

11. Lúc 18 giờ ngày 30/7/2009, Tòa Giám mục nhận được tin từ người nhà của các nạn nhân cho biết : công an Quảng Bình đã thả thêm 4 giáo dân bị bắt giữ từ ngày 20/7/2009. Hiện còn 3 giáo dân bị giữ. Còn ông Nguyễn Công Lý bị mang đi ngày 26/7/2009 đã được thả ngày sau đó.

Xin mọi người tiếp tục hiệp ý cầu nguyện và thể hiện tình yêu thương liên đới với Tam Tòa.

Văn phòng Thư ký Tòa Giám mục
Chánh Văn phòng
(Đã ký và đóng dấu)
Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng.

No385:Cuộc tấn công vào tu viện Bát Nhã


BBC News
Bat Nha monastery sign
Cuộc tấn công vào
một tu viện ở Việt Nam

Một cuộc tấn công mới đây vào một tu viện đang tu luyện theo một môn phái Phật giáo phi truyền thống chỉ là một trong một số biến cố làm dấy lên mối quan ngại về những hạn chế quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Krassimira Twigg của Đài BBC quan sát các sự kiện tại tu viện Bát Nhã.

Thứ Năm, ngày 30-7-2009

Vào ngày 29 tháng Sáu, một nhóm đội viên dân phòng đã cố xua đuổi các nhà sư và ni cô đang sống tại tu viện Bát Nhã trên vùng cao nguyên trung phần của Việt Nam.

Cuộc tấn công đã làm cho các nhà sư trong suốt hai tuần lễ không có đồ ăn thức uống và tu viện còn không có cả điện nước.

Mặc dù không có ai bị thương nghiêm trọng, song nhà cửa bị lục soát, đồ đạc cá nhân bị lấy đi và các nhà sư bị đe doạ.

Pháp Hội là một trong 379 người đang sống trong tu viện Bát Nhã. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đài BBC, ông đã cho biết rằng mặc dù những kẻ tấn công đã rút lui, song các nhà sư và ni cô vẫn đang sống cùng với những hậu quả của những gì đã xảy ra.

“Cuộc sống vẫn còn khó khăn. Vấn đề lớn nhất là nước. Chúng tôi không có điện, chúng tôi không thể bơm được nước từ giếng lên,” ông nói.

“Nhà bếp và phòng ăn bị khoá, nên chúng tôi không thể sử dụng … Chúng tôi không có bất cứ nguồn cung cấp đồ ăn uống nào trong tuần đầu tiên. Giờ thì người dân từ trong làng đã đem đồ ăn cho chúng tôi.”

Những điều quen thuộc với bối cảnh của câu chuyện này cho thấy tình hình là phức tạp và “u ám”. Những người chứng kiến nói rằng trong đám đông tấn công liên miên các nhà sư có những nhà sư khác, với lối tu hành gần với truyền thống hơn, họ chống lại những cách truyền đạo kiểu mới được thực hành tại tu viện này.

Mặc dù sự liên quan của chính quyền là không thể chứng minh được, nhưng nhiều người tin chắc rằng chiến dịch đẩy đuổi các nhà sư đến từ một cấp cao hơn.

Cảnh sát mặc thường phục và đồng phục cũng có mặt, song theo tin tức thì họ không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công.

Ngăn cản hoạt động tôn giáo

Các nhà sư ở tu viện Bát Nhã theo học các khóa giảng dạy của ông Thích Nhất Hạnh – một Thiền sư nổi tiếng thế giới, nhà hoạt động hòa bình và là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất.

Ông đã và đang sống lưu vong kể từ năm 1966, khi ông tới Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên quê hương mình.

Ông đã lập Làng Mai tại miền nam nước Pháp – một trung tâm thiền tập và là tổ ấm cho Giới luật cùng Hiện hữu của ông *.

Năm 2005, chính phủ Việt Nam đã mời ông trở về và thuyết giảng ở trong nước **. Thích Đức Nghi, thầy viện trưởng của tu viện Bát Nhã, cũng đã mời ông giúp đỡ phát triển tu viện.

Các môn đồ của thầy Thích Nhất Hạnh cho biết họ đã mua đất đai và xây lên những ngôi nhà tại tu viện này để có nơi ở cho gần 400 nhà sư và ni cô Việt Nam trẻ tuổi trải qua thời kỳ tu tập ở đó theo các bài tập của Làng Mai.

Thế nhưng lòng khoan dung khai mở và mới mẻ đối với những lối truyền giáo phi truyền thống này đã bị chết yểu. Trưởng ban Việt ngữ của Đài BBC, Nguyễn Giang, nói rằng chính quyền đã lợi dụng những gì mà họ cần từ một mối quan hệ với ông Thích Nhất Hạnh, và giờ đây họ đang gạt bỏ sự hậu thuẫn đối với ông.

“Lúc đó, chính phủ đã muốn được xem như là mềm dẻo và có thể xem xét tới những hệ tư tưởng khác nhau. Họ muốn được đưa ra khỏi bản danh sách đen về tôn giáo của Hoa Kỳ, muốn trở thành một thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới WTO và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Giờ đây họ đã đạt được điều đó,” ông nhận xét.

Các môn đồ của thiền sư Thích Nhất Hạnh cảm thấy rằng pháp môn Thiền của ông bị chính phủ Việt Nam coi như là một mối đe doạ tiềm tàng, khi nó trở nên phổ biến đối với những người dân còn trẻ tuổi, có học và có thiên hướng độc lập.

Đối với Ni cô Chang Kong từ Làng Mai, những lý do đằng sau cuộc tấn công là rõ ràng.

“Chính phủ lo sợ rằng chúng tôi quá mạnh và họ không thể kiểm soát được chúng tôi. Công an địa phương tại tất cả các tỉnh đã và đang đến thăm những bậc cha mẹ của các môn đồ trẻ tuổi của chúng tôi, để nói với họ là hãy bảo con họ đừng dính líu với Bát Nhã nữa vì chúng tôi liên quan tới ‘chính trị’ “.

“Tình huống nhạy cảm”

Không có tuyên bố chính thức về những gì đã xảy ra tại Bát Nhã, và các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đã không đưa bất cứ tin tức nào về sự kiện này.

Thế nhưng một manh mối cho thấy cách mà các nhà chức trách nhìn nhận về lối tu tập ở đây có thể được tìm thấy trong một cơ quan về các vấn đề tôn giáo được chứng minh bằng tài liệu vào năm 2008, trong đó chỉ trích các tu sĩ từ mạng lưới Làng Mai về việc có “cách tiếp cận sai trái đối với các vấn đề chính trị của nhà nước Việt Nam”.

Một sĩ quan công an địa phương, người muốn được giấu tên, đã nói với BBC rằng các nhà chức trách đã không làm gì đối với hành động tấn công và họ có nhiệm vụ phải để cho các nhà sư tự quyết định nếu như họ muốn ở lại hay ra đi.

“Đây là mối quan hệ nội bộ giữa hai nhóm Phật giáo. Chúng tôi không biết ai là những người tấn công và họ đến từ đâu. Đã có một đám đông rất nhiều người. Một vài người trong số họ mặc những bộ quần áo tu viện, cho nên chúng tôi không thể kết luận rằng họ là những kẻ tội phạm,” ông nói.

“Những viên cảnh sát có mặt tại hiện trường đã không can thiệp do đó là một tình huống nhạy cảm cần được các lực lượng an ninh và ban tôn giáo chính phủ xử lý.”

Ông Trần Giác Hạnh là một môn đồ của Sư ông Thích Nhất Hạnh hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã chứng kiến vụ tấn công và cho rằng chính sự thiếu vắng hành động của công an đã tự nó nói lên tất cả.

“Chuyện không thể tin được. Khi một cuộc xung đột bạo lực như vậy xảy ra, các nhà chức trách phải can thiệp vào, nhưng họ đã chẳng làm gì. Họ đã đứng nhìn khi những người chân tu bị đánh đập và tài sản bị huỷ hoại,” ông kể.

“Anh không thể làm vậy ở một đất nước nơi mà luật pháp được tôn trọng. Liệu họ có thể nói rằng họ tôn trọng tự do tín ngưỡng được không khi họ lại ngăn cản những tín đồ đức hạnh tới chùa chiền để tu luyện và thờ cúng?”

Tự do tôn giáo không phải là mối quan ngại duy nhất đối với chuyện rắc rối này. Trish Thompson, một môn đệ của thầy Thích Nhất Hạnh đang sống ở Việt Nam, nói rằng những sự kiện ở tu viện Bát Nhã làm dấy lên những vấn đề mang tính khái quát hơn.

“Mọi người ở trên khắp thế giới, trong đó có tôi, đã đóng góp gần 1 triệu đô la để xây dựng tu viện này. Chúng tôi cảm thấy việc đầu tư của mình cho lớp trẻ hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam, mà nhiều người trong đó đã đến từ những nơi nghèo khổ nhất trong những nơi nghèo khổ, giờ thì đã bị mất cả.” ***

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

* Trang web Làng Mai.

** Xem: Đằng sau chuyến trở về của Thầy Nhất Hạnh (BBC).

*** Xem thêm các bài khác: – Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã (BBC). – Vụ

No384:Cẩn thận với sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông

Cẩn thận với sự khẳng định chủ quyền
ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trên Biển Đông

Micah Springut

Ngày 27-7-2009

Trong lúc quân đội Hoa Kỳ vẫn còn phải bận tâm với các hoạt động đang diễn ra tại Trung Đông, thì cuộc đua tranh dồn dập vào vùng Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa] gây nên nguy cơ xung đột lớn hơn nếu như không được kiểm soát đúng mức. Hai vụ xô xát hải quân mới đây trong khu vực liên quan tới hải quân Mỹ và Trung Quốc là những biểu hiện của chiêu thức ganh đua đang diễn ra giữa hai cường quốc, và là một thứ nhắc nhở rằng những thay đổi tinh tế trong sức mạnh đã đưa những khu vực mới ở châu Á vào trong canh bạc. Những chiếc tàu hải quân Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò của Mỹ, tàu U.S.N.S. Impeccable, cách bờ biển đảo Hải Nam 75 dặm, và vào tháng Sáu, một tàu ngầm Trung Quốc lén theo sau một khu trục hạm Hải quân Hoa Kỳ đã va chạm với dàn thiết bị phát hiện tàu ngầm sau đuôi tàu này.

Bộ Quốc phòng đã đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại với các đối tác Trung Quốc trong tương lai gần với những hy vọng ngăn ngừa những vụ việc rắc rối trong tương lai và thiết lập những thủ tục để giải quyết. Đây là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, một loạt những chiều hướng đảo lộn tạo nên mối nghi ngờ tính hiệu quả trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực này và làm nổi bật một tình trạng khó xử cho Hoa Kỳ, cho thấy sẽ chỉ sâu sắc thêm qua thời gian.

Những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông và các quần đảo, những vòng cung đảo san hô là chồng lấn với một loạt các quốc gia Đông Nam Á khác. Kim ngạch buôn bán được vận chuyển qua lại vùng biển này làm cho nó có tầm quan trọng chiến lược sống còn ở châu Á, trong khi cuộc tranh giành nguồn tài nguyên và bành trướng quân sự có khả năng phát sinh xung đột.

Những vụ đụng độ hải quân mới đây nhất phản ánh một lập trường quả quyết hơn từ Bắc Kinh trong những năm gần đây và xảy ra khi Trung Quốc tỏ ra coi trọng việc hiện đại hóa năng lực hải quân của mình một cách ấn tượng. Chỉ mới đây thôi, Bắc Kinh đã gây sức ép trở lại lên các đòi hỏi về lãnh thổ đang tranh chấp của mình với Philippines và Việt Nam (và lên các kế hoạch khai thác tài nguyên trong khu vực này của các công ty dầu lửa phương Tây), ném ra mối nghi ngờ cho một thỏa thuận kiểm soát những căng thẳng trong khu vực được ký kết năm 2002. Phản ứng của Trung Quốc đối với vụ tàu Impeccable cũng đáng lo ngại, với việc một người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã biện minh trái ngược với luật pháp quốc tế khi cho rằng các con tàu của Mỹ cần “được sự chấp thuận” khi đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ trước những hành động khiêu khích này rõ ràng là ôn hòa. Chính phủ không làm gì hơn là đưa ra một lời phàn nàn với chính phủ Trung Quốc sau vụ Impeccable, và công khai tuyên bố vụ va chạm trên biển là không cố ý, từ chối làm cho vụ việc này trở thành một vấn đề còn để ngỏ. Những phản ứng này rõ ràng là được trù tính nhằm giữ cho các vụ xô xát không đẩy chương trình nghị sự lớn lao hơn của Washington với Bắc Kinh đi vào tình thế hiểm nghèo. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã tuyên bố chính sách về những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là thận trọng tương tự và đã không thay đổi kể từ những năm giữa thập niên 1990, khi Hoa Kỳ quả quyết là mình sẽ không giữ một lập trường về bất cứ tuyên bố lãnh thổ nào và sẽ cố thuyết phục cho một môi trường hòa dịu để giải quyết một cách hòa bình các mối bất đồng.

Một lối tiếp cận như vậy để lộ ra một tình trạng khó xử trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ đã theo đuổi điều mà một số người gọi là “chiến lược bao vây,” tìm cách thuyết phục người Trung Quốc hợp tác trong một phạm vi các lợi ích được chia sẻ, trong khi đồng thời chuẩn bị cho khả năng là Trung Quốc sẽ chọn giải pháp đối đầu. Song, căn cứ vào tham vọng duy trì các quan hệ với Bắc Kinh và tránh nuôi dưỡng thêm những mối căng thẳng, Hoa Kỳ đã thiên về khả năng sự răn đe của quân đội nước mình sẽ ngấm ngầm hơn là rõ ràng dứt khoát. Hy vọng rằng những bộ óc tỉnh táo ở Bắc Kinh, những người hiểu về sự cần thiết cho một môi trường quốc tế hòa bình để có được tăng trưởng kinh tế, sẽ thắng thế.

Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ trong trường hợp này đã thất bại trước việc đánh giá các toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông. Mối quan tâm chủ yếu không phải là Trung Quốc sẽ đi tới một lựa chọn chiến lược tai hại nhằm đương đầu mặt đối mặt với Hoa Kỳ ở đó. Mà đúng hơn, là Trung Quốc có thể hành động một cách hung hăng – có lẽ thông qua sức ép kinh tế và quân sự lên các nước láng giềng phía nam của mình – nếu như họ tin rằng họ có thể hạn chế sự chống đối của Hoa Kỳ và phản ứng quốc tế.

Những phần tử bên trong chính phủ Trung Quốc rõ ràng được khích lệ bởi những xu hướng gần đây. Tờ Global Times, một tờ báo của chính phủ trung ương, mới đây đã cho đăng một bài báo tuyên bố rằng 92% người dùng internet nghĩ là cuộc tranh chấp Biển Đông sẽ phải được giải quyết bằng vũ lực, điều đó gợi lên là hành động quân sự có thể là một lựa chọn hấp dẫn để làm sao lãng bất cứ tình trạng rối loạn cuối cùng nào ở trong nước. Một nhóm cố vấn thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân, trong tháng này, đã kêu gọi sắp đặt một chiến dịch quân sự để có thể “đánh vào bản tính kiêu ngạo của một hoặc hai quốc gia nhỏ, giành lại thực sự một ít quần đảo và dải đá ngầm có ý nghĩa chiến lược, kể cả những cuộc tấn công chống lại những giếng dầu hoạt động bất hợp pháp.” Nhân tố quyết định, trong cách nhìn của họ, là Hoa Kỳ đã thiếu quyết tâm chống lại hành động quân sự [của Trung Quốc]. Nếu không thức tỉnh những ý niệm mơ hồ này, thì Quân Giải phóng Nhân dân và những lực lượng khác sẽ tiếp tục nhìn thấy cơ hội ở nơi mà họ cho là chỉ có một mối đe doạ duy nhất [tức là chỉ có Trung Quốc làm bá chủ - BS].

Để chú tâm vào những quan niện sai lầm này, Hoa Kỳ phải làm sáng rõ những cam kết của mình trong việc bảo vệ vùng Biển Đông chống lại hành động gây hấn xâm lược. Cùng lúc, nước này phải có những bước đi thận trọng để giảm bớt quy mô to lớn nhất có thể xảy ra một phản ứng dữ dội của Trung Quốc, trong khi chấp nhận một khoảng thời gian cho Bắc Kinh ghìm cương đối với những thái độ biện hộ cho hành động đối đầu này.

Bộ Quốc phòng cần phải sử dụng những cuộc thảo luận đã được lên kế hoạch cho các vấn đề về biển để truyền đạt quyết định của Mỹ duy trì sự hiện diện của mình trên vùng Biển Đông. Song, do vấn đề này lớn hơn những vụ việc chỉ là xô xát trên biển, nên những nỗ lực đó phải được tiếp theo sau bằng những biện pháp khác nữa. Một bài diễn văn công khai ở cấp cao từ một quan chức hàng đầu trong Bộ Quốc phòng cần phải giải thích về những mối quan tâm của Mỹ trong khu vực này – trong đó có quyền tự do hoạt động hàng hải trên vùng biển có giá trị sống còn đối với dân chúng trên toàn cầu, và cách giải quyết trong hòa bình những tranh chấp lãnh thổ – và tái khẳng định thái độ sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ những lợi ích này. Hoa Kỳ cũng cần phải tăng cường các mối quan hệ về an ninh với các đối tác Đông Nam Á của mình.

Cùng lúc, Hoa Kỳ cần phải làm rõ rằng nước này không chống lại sự hiện diện chính đáng của Trung Quốc trong khu vực, và mời Trung Quốc tham dự vào một tầm mức to lớn hơn trong các nhiệm vụ giữ an ninh trên biển chống lại hải tặc và cùng phát triển. Việc kết hợp những biện pháp này sẽ giúp hạn chế sự ngăn cản đối với Mỹ trong khi khích lệ sự hòa nhập của Trung Quốc vào trong một cấu trúc an ninh hợp tác chung.

Một số người ở Hoa Kỳ có thể không được thoải mái khi đưa ra “sự rõ ràng về chiến lược” to lớn hơn cho khu vực này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tới, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ có được khả năng phóng chiếu sức mạnh của mình tới những điểm giới hạn xa nhất trên Biển Đông. Nếu người Trung Quốc đã không nhận thấy những giới hạn trong sức mạnh của mình và bị chọc tức trước lúc đó, thì sẽ khó cho chiến lược bao vây, không thể phát triển được chính sách ngăn chặn.

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

วันพฤหัสบดีที่ 30 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No383:Hàn quốc tính sổ lại về chiến tranh Việt Nam




Hạ sĩ An Hạc Thọ (áo trắng)
Hơn bốn thập niên trước, Nam Hàn cùng với các nước đồng minh đã gởi quân đội sang giúp miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại làn sóng đỏ. Chuyện này công khai, cả thế giới đều biết chứ không bị giấu diếm như việc Liên xô, Trung cộng, Bắc Triều Tiên... đưa binh lính, vũ khí đến miền Bắc, giúp Hà Nội xâm lược miền Nam.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhà cầm quyền CSVN vẫn muốn giấu kín chuyện này, nhưng rồi thành trì cộng sản Liên xô bị sụp đổ, cộng thêm việc cơm không ngon, canh không ngọt với Trung quốc và Bắc Triều Tiên, nên những gì Hà Nội muốn giấu diếm dần dần được chính các nước đó tiết lộ ra trong một chừng mực nào đó, để vừa kể công, vừa dằn mặt Hà Nội hầu đòi hỏi quyền lợi.

Trong cuộc chiến 1954 – 1975 CSVN đã vay nợ nhiều nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa để có những phương tiện chiến tranh tàn phá đất nước và gieo rắc đau thương tang tóc cho hàng triệu người dân Việt Nam. Điều này đã được chính cố thủ tướng CSVN thừa nhận qua câu nói: "Cứ 30/4 tới có triệu người vui thì có cả triệu người buồn". Liên Xô và Trung Quốc đã công bố nhiều tài liệu về việc vay nợ này của Hà Nội; tuy nhiên Bắc Triều Tiên thì chưa. Vì một lý do nào đó, hoặc có thể vì Hà Nội không chịu trả số tiền mà Bình Nhưỡng bảo là họ đã cho CSVN vay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nên mới đây báo đài Bình Nhưỡng đã loan tin là lãnh đạo của họ trong chuyến công du Việt Nam vào năm 2005 đã đến viếng thăm và đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang quân đội Bắc Triều Tiên ở Hà Nội. Nếu không có sự tiết lộ này thì chẳng mấy ai biết đến việc chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên đã gởi quân đội sang phòng thủ Hà Nội, để cho bộ đội miền Bắc dồn mọi nỗ lực xua quân xâm vào đánh chiếm miền Nam Việt Nam.


Sư đoàn Mãnh Hổ Ðại Hàn tham chiến tại Việt Nam

Về phía Nam Hàn thì tuy đưa quân sang tham chiến, nhưng cho đến nay, qua nhiều đời tổng thống, chính phủ quốc gia này vẫn không thừa nhận chuyện binh lính của họ bị mất tích hay bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng vào trung tuần tháng 7 vừa qua, chính quyền Hàn quốc đã thừa nhận chuyện này, chẳng phải vì Tổng thống Lý Minh Bác muốn làm khác với các chính quyền trước; mà vì không thể nào bác bỏ được những bằng chứng cụ thể vừa mới được đưa ra do nỗ lực tìm kiếm của gia đình một người lính Hàn quốc bị mất tích tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Đó là hạ sĩ An Hạc Thọ (Ahn Hak-soo). Năm 1966, hạ sĩ Thọ (23 tuổi) theo đơn vị sang Việt Nam tham chiến, hai năm sau bỗng nhiên người ta thấy hạ sĩ Thọ xuất hiện trên đài phát thanh Bình Nhưỡng, cho hay là mình đã rời bỏ hàng ngũ, tìm đường sang tị nạn ở Bắc Triều Tiên, và đang được đối xử hết sức nhấn đạo. Hạ sĩ Thọ còn kêu gọi bạn bè đồng ngũ nên tìm cách đào thoát như mình và không quên lên án lẽ chính quyền Nam Hàn là tay sai của đế quốc Mỹ, bắt dân làm lính đánh thuê v.v....

Chính phủ Nam Hàn lúc đó đã ghi vào hồ sơ quân bạ của hạ sĩ An Hạc Thọ là kẻ đào ngũ, chạy theo giặc. Gia đình hạ sĩ Thọ ở Nam Hàn tuy không bị xếp vào thành phần thân cộng, nhưng chẳng hề lãnh được một đồng nào từ tiền lương suốt trong hai năm mà hạ sĩ Thọ chưa lãnh. Vì biết tính của con mình, nên cha mẹ hạ sĩ Thọ không tin con mình đào ngũ chạy theo cộng sản, và cho rằng, có thể trong một cuộc giao tranh nào đó anh đã bị bộ đội cộng sản Việt Nam bắt làm tù binh, rồi giao cho Bắc Triều Tiên để tuyên truyền. Gia đình của hạ sĩ Thọ đã nhiều lần yêu cầu tòa án quân sự xét lại bản án, nhưng không được đáp ứng vì hai lý do. Thứ nhất chẳng bao giờ có chuyện binh lính Nam Hàn mất tích hay bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam, và thứ hai là chính Thọ đã lên đài phát thanh Bình Nhưỡng nói thẳng là mình đào ngũ. Gia đình của hạ sĩ Thọ không còn cách nào khác hơn là tiếp xúc với những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở khắp nơi để hỏi thăm tin tức. Dù sau hơn 10 năm trời không có được kết quả nào, nhưng gia đình hạ sĩ Thọ vẫn không nãn lòng, và vẫn tiếp tục đi tìm kiếm. Mới đây, qua một người tị nạn Bắc Hàn định cư ở Seoul, họ mới biết được một số tin tức của hạ sĩ Thọ. Theo lời của người tị nạn này thì hạ sĩ Thọ đã bị xử tử hình vào năm 1975 khi tìm cách trốn thoát khỏi Bắc Hàn. Theo lời kể của hạ sĩ Thọ thì ông ta bị bắt làm tù binh trong một trận giao tranh ở ngoại ô Sài Gòn, sau đó bị dẫn ra Bắc, rồi giao cho người của sứ quán Bắc Triều Tiên ở Hà Nội. Khi đưa sang Bình Nhưỡng ông bị giam một thời gian dài, sau đó bị đưa lên đài đọc những lời đã viết sẵn. Lời tường thuật của người tị nạn vừa kể được xem là khả tín nếu không muốn nói là đúng sự thực. Là một người hoàn toàn xa lạ với gia đình hạ sĩ Thọ, lại sống ở Bắc Triều Tiên vào lúc hạ sĩ Thọ bị bắt, thì ông ta không thể nào biết được nhiều chi tiết liên quan đến hạ sĩ Thọ tại chiến trường Việt Nam, như số quân, đơn vị, tên người chỉ huy của hạ sĩ Thọ, và nhất là địa danh nơi xảy ra trận giao tranh khiến hạ sĩ Thọ bị bắt làm tù binh.

Sau khi thẩm xét lý lịch và những lời chứng của người tị nạn Bắc Hàn vừa kể, Sở quan An ninh quân đội Hàn Quốc đã đi đến kết luận là, chứng nhân này sẽ chẳng bao giờ biết được những thông tin như thế, nếu như không được chính hạ sĩ Thọ kể lại cho ông ta nghe.

Khi không còn kết tội hạ sĩ An Hạc Thọ là kẻ đào ngũ nữa, thì coi như chính quyền Hàn quốc thừa nhận là có chuyện binh lính của họ bị mất tích hay bị bắt làm tù binh tại chiến trường Việt Nam, việc phải khôi phục lại danh dự cho người hạ sĩ này chỉ là vấn đề thời gian.

Mặc dù trong những ngày cuối tháng 7/2009, dư luận ở Hàn quốc nóng lên vì vấn đề này, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng vẫn giữ yên lặng. Những người am hiểu về Bắc Triều Tiên không ngạc nhiên về thái độ im lặng này, vì họ biết rằng có nhiều xác xuất là rồi đây chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bằng cách nào đó dùng chuyện này làm điều kiện để đòi chính quyền CSVN phải trả nợ; nếu Hà Nội từ chối thì có thể Bình Nhưỡng sẽ cho công bố thêm những chi tiết liên quan khác để làm Hà Nội mất mặt, như là một cách làm áp lực để đòi nợ từ một con nợ vẫn nổi tiếng là lật lọng.

No382:Làm kẻ thù sướng thật!



Đọc lại mấy cuốn sách của Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội năm 1979, ta mới biết chính phủ Trung Quốc vốn có bản chất phản động tồi tệ như thế nào:

Chúng “là bọn phản cách mạng, là những kẻ điên cuồng chống chủ nghĩa xã hội”.
-“Bọn chúng dùng những thủ đoạn tàn ác, những mưu mô xảo quyệt của bọn vua chúa phong kiến thời xưa, đồng thời lại câu kết với bọn đế quốc đầu sỏ có thế lực nhất hiện nay: Mỹ, Nhật, và các bọn phản động quốc tế khác để thực hiện chính sách bành trướng”.

- “Đây là trường hợp phản bội ghê tởm nhất đối với phong trào cách mạng trong toàn bộ lịch sử loài người!…”

Vậy mà, có ai ngờ, dưới bàn tay nhào nặn, dạy dỗ, cải tạo của Đảng CS Việt Nam, đến nay bọn xấu xa khốn nạn nhất trên đời ấy đã trở thành biểu tượng 4 tốt một cách hoàn hảo : “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”!



Trước đây, khi nghe rằng chỉ có đảng CS Việt Nam mới đủ năng lực và uy tín để khuyên giải, để kéo bọn Xét lại Liên xô và bọn Giáo điều Trung Quốc phải ngồi lại mà hoà giải với nhau, ta đã tưởng thành tích ấy là thần kỳ. Nhưng thành tích ấy chưa thể so sánh với việc cải tạo Trung Quốc khổng lồ từ lũ phản động xấu xa nhất thành biểu tượng 4 tốt tuyệt hảo như ngày nay!.

Tài năng cải tạo ấy thật là vô song.
Công đức cải tạo ấy thật là vĩ đại.

Đảng ta làm cách nào mà đạt hiệu quả ghê gớm như thế?

Quan sát thật kỹ, thế giới thấy thủ thuật cải tạo lại vô cùng đơn giản : đảng CSVN chỉ làm 2 động tác cơ bản: BẮT TAY và CÚI ĐẦU! Động tác đơn giản mà hiệu quả lại tốt đến bất ngờ! Thật là nhà cải tạo thế giới thiên tài! Mà được làm kẻ thù như thế cũng sướng!

Nay trộm nghĩ những nhân vật như Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Lê công Định, Trần Anh Kim, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Tiến Trung..vân vân… ngày nay, mà sự xấu xa so với bọn bành trướng ngày trước chưa bằng 1 phần triệu, thì cải tạo họ thật quá dễ dàng.

Chỉ cần Đảng ta cũng dùng đúng công thức đơn giản nói trên: Lôi bọn chúng ra khỏi nhà lao để Đảng ta chạy đến BẮT TAY và CÚI ĐẦU ! Nếu chúng không thành 4 TỐT, 5 TỐT ngay tức khắc thì tôi xin đi đầu xuống đất!

(Chỉ e họ chưa xứng đáng là kẻ thù truyền kiếp nên chưa được hưởng tiêu chuẩn cải tạo cao cấp ấy thôi).

Người hiến kế: Thái Hữu Tình

No381: Thế cân bằng Mỹ – Trung Quốc

Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Bộ Trưởng Tài Chánh Tim Geithner đang họp Ðối thoại chiến lược và kinh tế với các ông Vương Kỳ Sanh, phó thủ tướng và Ðới Bính Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói nước Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến đến gần nhau hơn. Ông Ðới Bính Quốc mô tả hai nước như cùng đi trên một con thuyền lớn đang bị sóng to gió lớn, và quyền lợi hai bên liên hệ chằng chịt với nhau.

Người Việt nghe câu đó có người giật mình, nghĩ ngay đến những con “tầu lạ” đâm vào các thuyền của ngư phủ Việt Nam ra khơi đánh cá trong mấy tháng qua!

Cuộc gặp mặt hàng năm của hai chính phủ Trung Hoa và Mỹ tiếp nối một chính sách đã bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lịch sử năm 1972 giữa Richard Nixon cùng với Mao Trạch Ðông và Chu Ân Lai. Chuyến Hoa du của Nixon thúc đẩy Mao và Chu vào vị thế liên kết với Mỹ để cùng chống Nga, nhưng cũng cho Trung Quốc thấy Mỹ sẵn sàng rút khỏi Việt Nam vì có những quan tâm chiến lược lớn hơn khắp thế giới. Sau đó là chuyến công du lịch sử của Ðặng Tiểu Bình tới Washington năm 1979. Thăm viếng nước Mỹ rồi, Ðặng Tiểu Bình xua quân sang “dậy cho Việt Nam một bài học,” bài học dậy bằng những xác chết người Việt và người Trung Hoa vô tội.

Hôm Thứ Hai, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố bang giao Hoa-Mỹ sẽ có ảnh hưởng quyết định trên thế giới trong thế kỷ 21 – “shape the 21st century,” trong nguyên văn. Nói điều này ra cũng chỉ là nói một sự thật. Các chính phủ Mỹ từ thời Nixon đến nay vẫn tiếp tục chính sách giao thương giúp kinh tế Trung Hoa thoát khỏi cảnh trì trệ và lạc hậu do chế độ Cộng Sản gây ra. Họ chấp nhận sẽ có một cường quốc đối thoại ngang hàng với Mỹ bên kia bờ Thái Bình Dương, và viễn tượng đó đã thành hình qua các thời tổng thống thuộc cả hai đảng.

Người Việt Nam lại tự hỏi: Khi Mỹ và Trung Quốc đặt quan hệ ngoại giao của họ lên hàng chiến lược như vậy thì số phận Việt Nam có bị họ quyết định hay không và quyết định ra sao?

Chúng ta không nên quá lo lắng chuyện hai nước Mỹ, Hoa sẽ chia nhau ảnh hưởng trên các quốc gia ở Thái Bình Dương, trong đó các nước nhỏ như Việt Nam sẽ bị dùng làm một vật trao đổi. Kinh nghiệm lịch sử sẽ khiến các chính phủ Mỹ không dám theo con đường phiêu lưu đó. Và các hoạt động ngoại giao hiện đang diễn ra cũng cho thấy nước Mỹ chắc chắn sẽ không để cho Trung Quốc tự do bành trướng, hy sinh quyền lợi của các nước nhỏ chung quanh.

Trong thế kỷ trước, Mỹ đã trải qua một kinh nghiệm đau đớn khi một cường quốc Á Châu bành trướng, đó là Nhật Bản. Nước Nhật đã vươn lên từ khi đánh bại hải quân Nga năm 1905, và bắt đầu mở rộng vùng ảnh hưởng trên miền Ðông Bắc Châu Á. Khi Nhật Bản chiếm bán đảo Cao Ly, tới Mãn Châu, rồi gây chiến với Trung Quốc sau “biến cố” Lư Cầu Kiều năm 1937, Mỹ tuy bênh vực Trung Quốc nhưng vẫn đứng ngoài, nhìn các con cọp giao đấu. Những biện pháp phong tỏa kinh tế của Mỹ chỉ làm cho Nhật Bản càng thấy nhu cầu phải bành trướng mạnh hơn để chiếm lấy những miền đất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Chỉ đến khi quân Nhật tấn công Pearl Harbor cuối năm 1941 thì Mỹ mới chính thức bước vào vòng chiến. Bài học của cuộc chiến tranh đó là chính phủ Mỹ không thể để yên cho một cường quốc Á Châu xâm chiếm, ép buộc các nước Á Châu khác trong kế hoạch bành trướng ảnh hưởng của họ, mà tưởng là nước Mỹ sẽ được yên thân.

Với kinh nghiệm đó, chắc chắn các chính phủ Mỹ trong thế kỷ 21 này sẽ phải ngăn ngừa trước mọi kế hoạch bành trướng của bất cứ quốc gia nào trong vùng Châu Á; trước khi quá trễ. Rõ ràng là quốc gia duy nhất hiện nay có thể nuôi tham vọng bành trướng này là Trung Quốc, một nước với những vị hoàng đế tự xưng là Thiên Tử (Con Trời), mà qua hai ngàn năm vẫn tự coi họ là trung tâm của Thiên Hạ, tất cả mọi thứ dưới bầu trời.

Cho nên ngay trong lúc tiến hành chính sách giao thương và khuyến khích Trung Quốc thay đổi theo đường lối tư bản để cải thiện kinh tế, các chính phủ Mỹ vẫn không quên củng cố những hàng rào chung quanh cường quốc đang lên này. Nước Mỹ không có lý do nào để tiếp tục giữ quân đội đóng ở Nhật Bản và Nam Hàn, nếu không phải là đề phòng Trung Quốc. Mỹ vẫn tiếp tục những hiệp ước bảo vệ Ðài Loan, vẫn bán vũ khí chiến lược cho Trung Hoa Dân Quốc, và gần đây nhất bắt đầu hợp tác với Ấn Ðộ về quân sự, năng lượng nguyên tử, và sản xuất vũ khí. Các nước Ðông Nam Á đều nhìn thấy mối đe dọa từ Trung Quốc và thiết tha hợp tác với Mỹ. Úc là một đồng minh tự nhiên của Mỹ vì cả hai đều theo thể chế tự do dân chủ, mà Úc cũng là một quốc gia của di dân như nước Mỹ.

Tuần trước, bà Hillary Clinton mới tới Thái Lan họp và ngày 22 Tháng Bẩy 2009 đã ký vào bản Hiệp Ước Thân Hữu và Cộng Tác với khối Ðông Nam Á ASEAN. Lâu lắm chính phủ Mỹ mới cử một người cấp ngoại trưởng đến dự cuộc họp của khối này, trong thời Tổng Thống George W. Bush chỉ có những viên chức cấp thấp đến dự. Năm 2005, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã bỏ không dự một cuộc họp Diễn Ðàn Vùng ASEAN (ARF) của các nước Ðông Nam Á mà từ năm 1982 lúc nào các vị ngoại trưởng Mỹ cũng dự, khiến năm đó nhiều người lo ngại chính phủ Mỹ quyết định bỏ rơi không chú ý đến khu vực này nữa. Năm nay tình thế thay đổi, có thể chính vì chính sách gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong vùng này. Bà Clinton tuyên bố, “Hoa Kỳ đã trở lại Ðông Nam Á.” Bà không ngại nói thẳng đến mối lo ngại của các nước láng giềng của Trung Quốc, và nói, “cho nên chúng tôi muốn tăng cường mối bang giao với các nước ở phía Ðông và Ðông Nam Châu Á. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng là mọi nước có thể làm việc với nhau và Trung Quốc sẽ tập trung mọi nỗ lực của họ vào việc nâng cao đời sống kinh tế của dân chúng họ để cạnh tranh trên thị trường (thế giới).”

Sau khi trở về Washington, Hillary Clinton đã dự cuộc họp Ðối thoại chiến lược và kinh tế cùng với ông Tim Geithner, mà năm ngoái chỉ do ông Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson trong chính phủ Bush dẫn đầu. Các cuộc họp đối thoại trước đây chỉ nhắm vào các vấn đề kinh tế giữa hai nước. Từ năm ngoái ông Paulson đã mở rộng đề tài bàn cả về vấn đề bom nguyên tử của Bắc Hàn. Giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhiều vấn đề chung cần bàn cũng liên can đến kinh tế nữa, cho nên năm nay có mặt của bà Clinton. Trong cơ cấu chính quyền ở Washington, một bộ trưởng ngoại giao có địa vị cao hơn bộ trưởng tài chánh.

Ông Geithner vẫn tiếp tục lời kêu gọi thường lệ của chính phủ Mỹ là Bắc Kinh hãy bớt chú trọng đến xuất cảng hàng hóa mà nên hướng cho người dân Trung Hoa được tiêu thụ nhiều hơn. Nhưng ông Obama đến khai mạc cuộc họp đã không quên nhắc nhở chính phủ Trung Quốc phải tôn trọng quyền làm người bên trong lãnh thổ của họ. Một cách cụ thể, ông nhấn mạnh, “tôn giáo và văn hóa của mọi dân tộc phải được tôn trọng và được bảo vệ.” Ai cũng hiểu rằng ông Obama ám chỉ tới văn hóa và tôn giáo của người Uighur ở Tân Cương và người Tây Tạng. Hiện nay chính phủ Mỹ chưa quyết định ông Obama nên gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trước hay đợi sau chuyến công du của ông sang Trung Quốc rồi mới gặp.

Nếu Mỹ với Trung Quốc không quyết định cho cả thế giới thì mối bang giao giữa hai nước chắc chắn sẽ quyết định tình hình Ðông Nam Á trong thế kỷ 21 này. Ðó là hai cường quốc trong vùng, mặc dù nước Mỹ ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Nước Mỹ đã giúp cho Trung Quốc tiến đến địa vị ngày hôm nay, kể từ khi Tổng Thống Nixon bắt tay Mao Trạch Ðông và Tổng Thống Carter đón tiếp Ðặng Tiểu Bình. Khách tiêu thụ ở Mỹ giúp các xí nghiệp ở Trung Quốc phát triển, những đầu tư của người Mỹ và người Hoa ở Mỹ giúp nâng cao công nghiệp và kỹ thuật ở Ðài Loan rồi từ đó lan sang lục địa. Chính nước Mỹ góp phần nâng địa vị của Trung Quốc trong vùng Ðông Nam Á lên cao hơn.

Trong tình thế đó, đường lối ngoại giao của nước Việt Nam không thể nghiêng về một nước, dù là Trung Quốc hay Mỹ. Nhưng trong lúc bị sức nặng của Trung Quốc đè lên một bên vai, thì cần tái lập thế cân bằng mới, qua những liên hệ mật thiết hơn với Mỹ. Cần phải tái lập thế cân bằng giữa hai cường quốc Thái Bình Dương, nếu không Việt Nam sẽ bị lép vế đối với Trung Quốc mãi mãi.

Nhưng sau cùng, đường lối tốt nhất vẫn là gây dựng cơ bản cho các quan hệ song phương với tất cả các nước Á Ðông, đặc biệt là vùng Ðông Nam Á. Khi khối Ðông Nam Á đoàn kết và phồn thịnh hơn thì không còn sợ Trung Quốc bành trướng, cũng không sợ Mỹ bỏ rơi nữa. Một khối gần 600 triệu dân Ðông Nam Á sẽ đủ sức bảo vệ lẫn nhau.

Cho nên chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam cần phải tự tách dần ra khỏi vòng kềm tỏa của Cộng Sản Trung Quốc, để phát triển các quan hệ kinh tế, chính trị và cả quân sự với các nước Ðông Nam Á. Phải dùng diễn đàn ASEAN nhiều hơn nữa để đưa ra những vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên biển và trên đất liền với Trung Quốc. Nếu cứ nhắm mắt cúi đầu xin trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ còn chịu thiệt thòi rất lâu, có khi sẽ trở thành hoàn toàn lệ thuộc. Mà nhiều người Việt lo tình trạng lệ thuộc đó đã diễn ra rồi!

No380: Tọa đàm làm họ đứng ngồi không yên


Ngày 24 và 25 tháng 7 vừa qua, tại số nhà 43 đường Nguyễn Thông Quận 3 Sài Gòn diễn ra cuộc tọa đàm về “Biển Đông và hải đảo Việt Nam”.

“Tọa đàm” là ngồi nói chuyện với nhau, ôn tồn, hoà nhã, vậy mà làm khối kẻ lo sợ.

Cuộc họp do sáng kiến của Linh mục Thiện Cẩm thuộc dòng Đa Minh (Linh mục là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, từng tham gia đoàn ra thăm đảo Trường Sa), nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Bích, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc và Linh mục-Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thái Hiệp thuôc dòng Đa Minh. Cuộc họp mang danh chính thức của Câu lạc bộ Phao-lô Nguyễn Văn Bình phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức.

Tham gia cuộc toạ đàm có những trí thức có trình độ và uy tín khoa học như: Thạc sỹ – Giáo sư Luật Hoàng Việt, Tiến sỹ Sử Nguyễn Nhã từng sưu tầm nhiều văn bản cổ về Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng tác giả cuốn “Hoàng Sa và Trường Sa”, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, Phó giáo sư Hoàng Dũng, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Trần Khuê, Linh mục Nguyễn Thể Hiện thuộc dòng Chúa Cứu thế…

Điều khác thường mới mẻ trong chế độ độc đảng ở Việt Nam là cuộc họp này không nằm trong chương trình lãnh đạo hay trong chủ trương của đảng cộng sản. Từ khi chuẩn bị cuộc họp đã bị ngành công an theo dõi, ngăn cản, phá đám, đe dọa.

Thế nhưng cuộc họp vẫn diễn ra như dự định, chỉ có địa điểm phải thay đổi, một vài nhân vật vì lý do nào đó chưa thật rõ không đến được như dự định. Gần 200 cán bộ nghiên cứu, trí thức, sinh viên đã mạnh dạn, đàng hoàng đến dự.

Đó là thắng lợi đáng kể của ban tổ chức, của tham dự viên, của những người yêu nước, nặng lòng với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Có thể sơ bộ nêu ra những ý nghĩa to lớn của cuộc tọa đàm đặc sắc này như sau:

1. Một bộ phận trí thức Việt nam đã biểu thị rõ tinh thần tự chủ, tự cường, lòng yêu nước, trí thông minh và sáng tạo, không còn e dè, nhút nhát, bị động, sợ sệt như trước. Họ không còn bị lãnh đạo kềm kẹp, khống chế, đảng và nhà nước cho làm, cho họp, cho nói gì mới dám làm, dám họp, dám nói. Anh chị em tự khẳng định tinh thần làm chủ đất nước của mình;

2. Nội dung cuộc họp mang tính khoa học, phê phán và phản biện sâu sắc, với những luận giải vững chắc, những tài liệu, bằng chứng lịch sử minh bạch. Tính đấu tranh cũng rất cao, không những bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, gian trá, tham lam bành trướng của nước lớn, còn phê phán thẳng thắn thái độ yếu ớt, ươn hèn của lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam là đã không huy động việc nghiên cứu đối đáp kẻ xuyên tạc lịch sử, không gìn giữ biển đảo và thể diện quốc gia, cũng không bảo vệ cuộc sống của ngư dân, của nhân dân ta. Có người công khai chỉ rõ công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1958 là vô giá trị vì theo Hiệp định Genève Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Có 2 sinh viên trẻ mặc áo xanh có hàng chữ “SOS Bôxít”, “Giữ màu xanh Tây nguyên”…

3. Nhóm lãnh đạo bảo thủ tham nhũng rất cay cú trước cuộc tọa đàm này vì họ luôn rất sợ mất mặt, mất uy tín (!), nhất là mất tính chất chính đáng cầm quyền của họ trước dư luận quần chúng, nhưng họ không thể ngăn chặn nổi cuộc họp này. Họ không thể bịt mồm những trí thức yêu nước, những nhà nghiên cứu nặng lòng với chủ quyền và lãnh thổ, trong đó có đảng viên cộng sản, giáo sư đại học, thành viên Mặt trận Tổ quốc, đại biểu quốc hội, bình tĩnh nói lên thái độ vô trách nhiệm của họ.
Chẳng lẽ những kẻ quen thói công an trị lại lu loa rằng 200 trí thức dự tọa đàm là “phần tử bất mãn”, “có âm mưu lật đổ và khủng bố”, “bị giât dây từ nước ngoài”?

Họ cay cú còn do cuộc tọa đàm đã hội tụ những trí thức nổi tiếng, có kiến thức rộng, thuộc ngành luật, sử, văn hoá, thuộc Công giáo, Phật giáo, không theo tôn giáo nào, cao tuổi và trẻ tuổi, có bản lãnh “công dân tự do”, chung sức xây dựng một xã hội công dân lành mạnh, điều mà chế độ độc quyền đảng trị sợ nhất.

4. Sau Kiến nghị về bôxít được hàng nghìn trí thức tham gia mạnh mẽ hiện vẫn còn là vấn đề đau đầu nhức óc nan giải cho nhóm lãnh đạo toàn trị, cuộc tọa đàm về biển Đông và hải đảo này lại thêm một nỗi đau nhức khôn nguôi vì những người chủ trương tọa đàm còn hứa hẹn những cuộc họp tiếp theo. Đã trót hứa hẹn mở rộng dân chủ, trót hứa cai trị theo đúng pháp luật, bộ chính trị toàn trị không còn cách nào cấm cản các trí thức ngồi bàn việc nước với nhau. Họ đang đứng ngồi không yên.

5. Kẻ sỹ Bắc Hà cùng Kẻ Sỹ Đồng Nai – Sài thành ở phía Nam đang vẫy gọi nhau, hiệu triệu trí thức, tuổi trẻ, nhân dân cả nước ngẩng cao đầu tham gia mạnh mẽ và thông minh bằng nhiều hình thức để bảo toàn lãnh thổ và thể diện quốc gia, để luận bàn việc nước, để sớm hình thành xã hội công dân văn minh hiện đại.

Năm 2009 sẽ còn ghi nhiều cuộc đấu tranh, nhiều sáng kiến dấn thân phong phú, sinh động của trí thức và nhân dân nước ta, được truyền thống yêu nước của dân tộc thôi thúc, bà con ta không thể nhắm mắt, buông xuôi, để mặc cho một nhóm người bất tài tham nhũng cầm quyền lũng đoạn tùy tiện trên chủ quyền, lãnh thổ, biển và đảo của Tổ quốc Việt Nam ta.

No379: Dân biểu Hoa Kỳ đòi thay đổi chính sách đối với VN


(Washington) - Những tổ chức nhân quyền và một số nhà lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ đang đòi hỏi Việt Nam bị đưa lại vào danh sách “Các nước cần Quan tâm Đặc biệt” (CPC), và như thế sẽ cho phép Hoa Kỳ cấm vận kinh tế để áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Ba lãnh vực quan tâm hiện đang được thảo luận tới là tự do tôn giáo, buôn bán phụ nữ và trẻ con, và các tổ chức bảo vệ người lao động.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không xếp Việt Nam vào trong danh sách “Các nước cần Quan tâm Đặc biệt”, mặc dù họ đã làm thế trong hai năm 2004-2006. Chính quyền mới của ông Obama cung cấp một cơ hội để tái xếp loại Việt Nam trong phương diện CPC này.

Nhằm ghi nhận những biến chuyển mới đây nhất ở Việt Nam, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã tổ chức một buổi điều trần hôm 23 tháng Bảy, về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Ủy ban này, bao gồm một ban hội thẩm của những nhà lập pháp Hoa Kỳ được biết đến như những người hoạt động ủng hộ nhân quyền, bao gồm dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa, đơn vị New Jersey). Ed Royce (đảng Cộng hòa, đơn vị Cali), James McGovern (Dân chủ, tiểu bang MA), Anh “Joseph” Cao (Cộng hòa, tiểu bang LA), Dana Rohrabacher (Cộng hòa, CA). Loretta Sanchez (Dân chủ, tiểu bang Cali), Zoe Lofgren (Dân chủ, Cali), Tom Wolf (Cộng hòa, tiểu bang Virginia), và Joe Pitts (Cộng hòa, tiểu bang Philadelphia).

Dân biểu Ed Royce. Nguồn: http://www.royce.house.gov
Sự giận dữ có thể cảm nhận được qua buổi điều trần ở đồi Capitol khi những nhà lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ trút những lời chỉ trích nặng nề về chính sách lao động và tôn giáo của nhà nước Việt Nam, và hầu hết bày tỏ sự thất vọng đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rõ ràng không muốn làm khó Việt Nam. Và họ nghi ngờ lời tuyên bố mới đây của ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam ông Michael Michalak rằng “thiếu bằng chứng” để đưa Việt Nam vào lại danh sách Các nước cần Quan tâm Đặc biệt.

“Khi Việt Nam còn nằm trong danh sách CPC, chúng ta thấy có những thay đổi tích cực. Một cách không may, khi Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này hơi vội vã trong năm 2006, họ lại tăng cường sự khủng bố, ngược đãi” dân biểu Ed Royce nói.

“Rất tiếc là không có người đại diện cho Bộ Ngoại giao có mặt với buổi điều trần hôm nay. Tôi muốn tìm hiểu thêm tại sao bên hành pháp không tìm hiểu thêm về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam và những nơi khác. Tôi hy vọng Bộ Ngoại giao xét đến những gì được trình bày và thảo luận hôm nay,” dân biểu Chris Smith nói.

Dân biểu Smith đã ba lần giới thiệu đạo luật mới ở Hạ viện, lần mới đây nhất, là Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam năm 2009 (HR 1969) ngăn cấm viện trợ không mang tính nhân đạo của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam không được vượt qúa mức của năm tài chánh FY2009 ngoại trừ tổng thống Hoa Kỳ xác nhận với Quốc hội là nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực và đạt được những kết qủa đáng kể trong các lãnh vực: trả tự do cho tù nhân tôn giáo và chính trị, và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bao gồm việc trả lại tài sản thuộc quyền sỡ hữu của giáo hội.


Nguồn:

(1) Congress Members Demand Change In Policy Toward Vietnam. The Epoch Times, by Gary Feuerberg, 28 July 2009

No378: Sửa đổi đường lối để chống tham nhũng

Nguyễn Thanh Giang
25.07.2009

Tham nhũng là bệnh thâm căn của nhân loại. Tham nhũng xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực trong xã hội và hình thành nhà nước.

Không thể không nhìn nhận rằng tham nhũng đã và đang tồn tại trong mọi xã hội,.mọi hệ thống chính trị, ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tham nhũng đến mức người ta ngờ rằng ở đâu không có tham nhũng mới là bất bình thường.

Ngày 8 tháng 7 năm 2009, trong phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến, chánh văn phòng của ban này nói “Trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét đánh giá một cách thận trọng trước các báo cáo của địa phương chưa phát hiện đựoc vụ việc tham nhũng để xử lý.”

Trong một bài trả lời phỏng vấn với báo New York Times của Hoa Kỳ, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng từng nói “Tôi cho rằng chỉ có năm phần trăm của tảng băng được đưa ra ánh sáng ”. Nghĩa là, 95% các vụ tham nhũng chưa được phanh phui.

Hồi kháng chiến chống Pháp đã có vụ Trần Dụ Châu, hồi 1975 có vụ phi tang 16 tấn vàng từ ông Nguyễn Văn Thiệu để lại. Dẫu sao, so với bây giờ, tham nhũng thuở ấy còn thưa thớt.

Người phát ngôn Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, 6 tháng đầu năm 2009 chỉ riêng thanh tra 8 cơ quan gồm: Tổng cục Thuế, Dự án khu đất tam giác Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Hoc, tp HCM, Cổ phần hóa doanh nghiệp tại Thanh Hóa ... đã phát hiện sai phạm lên đến 11 tỷ 130 triệu đồng và 149.889 USD.

Hôm 1 tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện tổng tài sản tham nhũng trị giá 487 tỷ 160 triệu đồng.

Tham nhũng là bất liêm, không phải chỉ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết: “Tham ô là trộm cướp... “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta.” “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ‘giặc ở trong lòng’.”

Nặng lời hơn, Cụ còn xỉ vả: “Tham ô là một hành động xấu xa nhất của con người, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”.

Để góp phần tích cực chống tham nhũng, ngày 7/11/2006 Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06/2006/CT-Bộ chính trị tổ chức vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”.

Nhưng, việc này có tác dụng hiệu quả nào không? Vì sao tham nhũng vẫn không giảm ? Đảng đã thực sự quyết tâm chống tham nhũng chưa?

Luật Phòng Chống Tham nhũng buộc cán bộ từ phó trưởng phòng của ủy ban nhân dân huyện, thậm chí một số cán bộ, công chức tại xã, phường cũng phải kê khai tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên. Nhưng, cho đến nay chỉ mới có 28 bộ ngành, cơ quan TƯ và 17 tỉnh, thành phố báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản thu nhập của năm 2008. (Liệu báo cáo có đầy đủ không? kê khai có đúng không?)

Ông Vũ Tiến Chién – Chánh văn phòng TƯ ban chỉ đạo chống tham nhũng thì khích lệ theo cái kiểu nhắc nhở các cơ quan thông tấn báo chí như sau: “Trong 6 tháng đầu 2009, việc phản ánh và đưa tin việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng của báo chí đã có phần thận trọng hơn”.

Điều thật mỉa mai là, người ta lợi dụng luôn cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” để … tham nhũng! Người ta chen chúc nhau, móc ngoặc với nhau nặn ra hết đề tài vô nghĩa này đến chương trình vô lý khác để đào khoét ngân khoản quốc gia hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng mà chia chác. Không cần người có hàm, có chức, bất cứ ai, không gì dễ bằng việc đề xuất một đề tài, một show diễn liên quan đến chủ đề đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế rồi, tuyển tập xào xáo này - vài tỷ. Công trình nghiên cứu kia chẳng có tư liệu, diễn giải, phân tích gì mới - vài chục, vài trăm triệu. Bài báo dăm bẩy trang vô hồn không chứa đựng chút tư duy nào - dăm bẩy triệu ….

Tháng 12 năm 2003, tại Merida, Mexico, đại diện chính quyền Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tham gia Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNCAC –United Nations Convention Against Corruption).

Công ước này sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong việc chống lại tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền bị tham nhũng, thúc đẩy ngân hàng và các tổ chức tài chính có những hành động chống rửa tiền, cho phép các quốc gia thanh tra các công ty nước ngoài và cá nhân mà có dính dáng tới tham nhũng tại nước của mình, cấm việc đưa hối lộ của các quan chức nước ngoài.

Tháng 8 năm 2006, chính phủ Đan Mạch đã tài trợ để Việt Nam tổ chức một hội thảo nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn UNCAC. Tại hội thảo này, bà Charlotte Laursen, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã khuyễn khích:

“Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc sẽ tạo ra một thông điệp đối với cộng đồng quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc chống lại nạn tham nhũng trên mọi lĩnh vực”.

Bà khuyên giải tận tình: “ Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để chống lại nạn tham nhũng. Tham nhũng ảnh hưởng đến người nghèo, đến sự phát triển kinh tế và cũng ảnh hưởng tới tất cả tiến bộ về kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chống tham nhũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, làm cho khu vực kinh tế công trở nên hiệu quả hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam”.

Tháng 2 năm 2008, sau khi Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị chống tham nhũng ở Indonesia, ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố sẽ trình Chính phủ xem xét UNCAC trong qúy 1 năm 2008.

Vậy mà, cho đến ngày 3 tháng 7 năm 2009, Việt Nam mới ký phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, đứng thứ 141 trong danh sách các thành viên chính thức đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ra thông báo bảo lưu không bị ràng buộc bởi khoản 2 Điều 66 của Công ước. Khoản này quy định nếu có tranh chấp về cách giải thích, áp dụng Công ước mà không thương lượng hoặc giải quyết bằng con đường trọng tài được thì thành viên Công ước có quyền đưa vụ việc ra tòa án tư pháp quốc tế để giải quyết.

Việt Nam cũng tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của Công ước. Chẳng hạn như hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hành vi tham nhũng trong khu vực tư …. Ngoài ra, không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ tội phạm về tham nhũng …

Tham gia Công ước quốc tế rôi, liệu công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam có sẽ đạt được thành quả nhân dân mong đợi không? Khó lắm!

Tham nhũng, theo cách hiểu thông thường, là việc sử dụng các quyền lực, uy tín và địa vị công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội hoặc của người khác.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng hay tham ô là hành vi " của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân ".

Đối với Việt Nam, không chỉ có vậy. Tham nhũng ở Việt Nam còn được dung dưỡng, được bao che bới chính đường lối, chủ trương của ĐCSVN.

Khi cơn suy thoái đã đẩy chế độ đến kỳ hấp hối, ĐCSVN buộc phải từ bỏ nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp để xây dựng nền kinh tế thị trường. Song le, vẫn nhất quyết ngoan cố đeo đẳng cái đuôi “Định hướng XHCN ”. Cho nên, cứ nhất quyết kinh tế quốc doanh phải là chủ đạo. Nhất quyết đất đai phải là công hữu …

Về kinh tế quốc doanh, cách đây 13 năm, người viết bài này đã từng phát biểu: “Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản” (Bài “ Thế nào là định hướng đúng ” in trong tập sách “ Khát vọng ngàn đời ”). Năm 2000, trong bài “Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nước” (in trong tập sách “ Suy tư và Ước vọng”), tác giả lại nhắc: “DNNN là cái bồ sứt cạp thủng đáy; phía trên là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân đang được mạnh tay đổ vào; phía dưới, ngoác ra hàng loạt cái mồm khốn nạn chen nhau nhồm nhoàm nhai nuốt”.

Về đất đai, dưới danh nghĩa công hữu, đất đai ở Việt Nam hầu như là vô chủ, tạo điều kiện cho những kẻ có quyền, có thế mặc sức cướp đoạt, ban phát, chia chác …

Cuộc điều tra do Ban nội chính Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển tiến hành từ tháng 3 năm 2005 ở 7 tỉnh đã nêu danh 10 cơ quan tham nhũng nặng nề nhất, đứng đầu tất cả là địa chính nhà đất.với các vụ việc như: cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn - Hải Phòng mang hàng chục mảnh đất có giá trị tiền tỷ đi chia chác và làm quà xã giao; vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka và những sự “ưu ái ” khó hiểu từ phía tỉnh Khánh Hòa.

Đất rừng tại huyện ngoại thành Sóc Sơn (Hà Nội) bị băm nát. Rừng không để trồng cây mà được chia lô cho các quan và bọn tư bản đỏ xây nhà hàng, biệt thự, nhà nghỉ, làm trang trại;

Dự án sân golf Tam Đảo được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép với diện tích 137 ha, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự. Trong 90 ha chủ đầu tư chia thành 290 lô đất, mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tính ra, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ đồng, trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Sáu dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các dự án sân golf ở Lâm Đồng có tổng diện tích trên 5.000 ha. Trong số này,người ta chỉ giành cho sân golf 991 ha. Hơn 4 phần 5 diện tích còn lại lọt vào túi cá nhân.

Báo Lao Động ra ngày 15 tháng 7 năm 2009 có bài đăng trên trang nhất mang tiêu đề lớn: “61% diện tích ( đất ) bị sử dụng sai mục đích ”.

Báo Lao Đông ra ngày 16 tháng 7 năm 2009 lại có phóng sự điều tra về “Gần 3,7 triệu mét vuông đất bị đem cho thuê giá ‘bèo’”.

Vân vân và vân vân …

Các tác giả trong cuốn sách “Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương” ( Tools to support transparency in local governance ) đã đưa ra biểu thức sau: Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + Bưng bít thông tin (Discretion) - Trách nhiệm giải trình (Accountability).

Đối chiếu Việt Nam, ta thấy: độc quyền “rất to” cộng với bưng bít thông tin cũng “rất to” trừ đi trách nhiệm giải trình “ rất nhỏ ” thì tất nhiên hiệu số tham nhũng “rất to”, rất nặng nề là phải. Cho nên, muốn chống tham nhũng có hiệu quả ở Việt Nam cần thực hiện 4 việc sau đây:

1 - Đường lối, chủ trương của Đảng cần được sửa đổi hợp lý: đất đai phải đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân một cách chính thức; các thành phần kinh tế phải được đối xử bình đẳng, không ưu tiên, ưu đãi thành phần kinh tế quốc doanh một cách bất hợp lý.

2 - Hạn chế độc quyền của ĐCSVN. Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc phải có độc lập tính, phải thực thi đầy đủ quyền và trách nhiệm giám sát thực sự đối với ĐCSVN. Tiến bước thận trọng nhưng nhanh chóng đến chế độ đa nguyên, đa đảng.

3 - Bảo đảm cho được tính minh bạch, tính công khai của xã hội, thông tin phải được cởi mở, báo chí phải được tự do thật sự.

4 - Các cơ quan của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình đầy đủ trước Quốc hội, trước nhân dân, đảm bảo cho được khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” công việc của Đảng, của Nhà nước.

No377:Một lá thư của sinh viên: Con hổ và đàn nai


Chào các cô, các chú trên trang mạng Bauxit Việt Nam.

Cháu chỉ là một sinh viên năm 4 ở TPHCM , trước đây cháu vốn không quan tâm đến chuyện chính trị, chính quyền (vì mọi thứ đã có Đảng, NN phụ trách, nhiệm vụ của sinh viên là phải học lấy được cái bằng).

Nhưng mãi 2 năm gần đây bắt đầu từ việc báo Tuổi Trẻ công bố bức hình chụp sân bay Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, lúc đó dư luận rộ lên việc Việt Nam đã đánh mất chủ quyền trên quần đảo này và một phần trên Trường Sa. Thời điểm ấy cháu cảm thấy vừa bất ngờ vừa hoảng hốt: sao sự kiện này diễn ra hơn 30 năm nay mà đến giờ mình mới được biết (hồi trước học Địa lý các thầy (cô) không đề cập đến 2 quần đảo này nên cháu cứ tưởng… là nó còn thuộc về Việt Nam).

Khi phong trào biểu tình, xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc diễn ra sôi nổi thì đột nhiên cũng chìm xuống nhanh chóng. Khắp nơi trên internet, đặc biệt là diễn đàn hoangsa.org đều đăng những bài viết thể hiện rõ sự bức xúc của giới trẻ khi bị kiềm chế việc biểu hiện tinh thần yêu nước.

Chính cháu khi đọc những lời kêu gọi xuống đường của các bạn đồng trang lứa trên diễn đàn ấy, cháu vừa sợ lại vừa lo bởi vì sợ đó là mưu mô của bọn phản động, sợ diễn đàn đó do tổ chức nào đó lập ra để chống phá chế độ Việt Nam. Cùng thời gian này, các Bí thư Đoàn trong lớp được phổ biến nội quy cấm sinh viên tham gia biểu tình, sinh viên nào có mặt trong đám biểu tình sẽ bị đình chỉ học tập hoặc nặng hơn là đuổi học. Điều này chắc chắn làm cho 95% sinh viên sợ hãi mà không dám xuống đường đấu tranh vì quyền lợi đất nước, vì lý lẽ của bên Đoàn “Các bạn xuống đường sẽ bị bọn phản động lợi dụng, việc đấu tranh giành chủ quyền lãnh thổ đã có Đảng lo, các bạn không cần phải lo!”.

Thế đấy, một thế hệ sinh viên đã thờ ơ vô cảm trước chuyện nguy biến của Tổ Quốc, nay khi có cơ hội để hâm nóng tinh thần yêu nước nhưng bị chính những người đại diện cho sinh viên phát biểu như vậy thì thử hỏi có còn bao nhiêu người dám yêu nước nữa!!!

Lý do “sợ rơi vào ổ lợi dụng của phản động” mà không cho xuống đường biểu tình chứng tỏ Đoàn TN rất kém cỏi trong việc định hướng nhận thức cho sinh viên, không biết cách giúp họ phân biệt được đâu là yêu nước chân chính, đâu là phá hoại đất nước.

Bẵng đi một thời gian, báo chí tiếp tục bị bịt miệng và cuộc sống trở lại bình thường trong sự bức xúc của rất nhiều người trẻ. Đến đầu tháng 5 năm nay báo chí rộ lên vụ khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Và thật sự thì cháu cũng chỉ bắt đầu tìm hiểu sự thật về khai thác bauxit từ lúc đó, quá muộn so với những gì đang diễn ra hiện giờ. Càng tìm hiểu lại càng thấy bức xúc khi xâu chuỗi các bước đi của Trung Quốc xâm lược Việt Nam mình, và càng hiểu hơn bản chất đạo đức giả của các thành viên cao cấp của nước ta. Đúng như các bác đã nói, họ chỉ là bù nhìn!

Điều quan trọng nhất hiện giờ là mọi người ai cũng đã biết bản chất của sự việc nhưng không ai dám công khai nói, hiểu nghĩa công khai ở đây là trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng trường, trường đại học… mà tất cả chỉ gửi những bức xúc, bất mãn, phẫn uất lên trang Bauxit Việt Nam.

Tại sao trong nội bộ Ban lãnh đạo nước ta, ngoài những kẻ “đồng thuận thiểu số” vẫn còn đó một bộ phận những Đảng viên tâm huyết lại không dám nói “KHÔNG” với dự án “rước hổ vào nhà”? Họ đã bị tha hóa hay chính họ đang bị kiềm tỏa?

Tại sao đông đảo các thầy cô dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh mà cháu rất kính trọng trong những năm qua lại im hơi lặng tiếng mà không định hướng cho cháu biết là nên tin vào Đảng hay tin vào những lời nói ngược chiều ở trên internet?

Tại sao các bạn Đoàn TNCSHCM bình thường thì nói đại diện cho tiếng nói của sinh viên trình bày những khát vọng, hoài bão lớn lao về “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” lại đồng thanh im lặng hoặc có chăng thì vỗ về sinh viên là đừng dại dột nghe lời bọn phản động mà biểu tình hay viết blog bức xúc Nhà nước.

Đặc biệt là tại sao Việt Nam mình ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra thì hiện tại chưa thấy một Đại tướng nào đứng ra công khai ủng hộ Đại Tưởng Võ Nguyên Giáp?

Tất cả những câu hỏi đó, cho cháu so sánh hơi khập khiễng với hình ảnh một đàn hươu bên vùng thảo nguyên Châu Phi bị một con hổ rượt đuổi. Những con hươu đó đâu thiếu gì những con khỏe mạnh, có sừng cứng cáp, tại sao đàn hươu không quay đầu lại và húc cho con hổ chết tươi mà lại bỏ chạy tán loạn, làm mồi ngon cho hổ?

Cháu mạo muội nghĩ là chính chế độ giáo dục / quản lý (hay chính xác là cai trị) của Nhà nước đã làm thui chột đi khả năng tự vệ tư tưởng, tự vệ cá nhân cho người dân. Chúng ta luôn mang một nỗi ám ảnh, sợ hãi về quyền lực của một con hổ luôn rình chờ ăn thịt. Chúng ta sợ đến mức không thấy rằng con hổ đó nó già rồi, nó bệnh rồi và đặc biệt là nó cũng đang bị một con hổ đói khác đe dọa nữa!

Đến đây cháu thấy vô cùng phẫn uất khi nhớ lại video clip “Vòng tròn bất tử” về hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam ngã xuống năm 1988 để bảo vệ chủ quyền hải đảo, video clip về cảnh bác ngư dân Việt Nam vái lạy bọn xâm lược Trung Quốc và chùm hình ảnh “thuộc địa 99 năm” của Trung Quốc trên Tây Nguyên Việt Nam… Cháu thấy mình bất lực, đau đớn, bế tắc trước mối nguy, mối nhục, mối họa của đất nước!



Lời cuối xin gửi đến các cô chú trên trang Bauxit Việt Nam thật nhiều sức khỏe, dũng khí, kiên định để hoàn thành sứ mạng tiên phong cho phong trào đấu tranh tự do tư tưởng, dân chủ ở Việt Nam!!!

Xin mượn lời một người bạn trẻ mà cháu biết qua blog để kết cho bài viết này:

“Từ ấy trong tôi đầy thất vọng,
Đảng mình câu kết với bên kia”

TPHCM, 0h15 ngày 30/07/2009

Nguyễn Minh Phong

วันพุธที่ 29 กรกฎาคม พ.ศ. 2552

No375: Thông Cáo số 3 (27/7/2009) của VP Thư ký Tòa Giám mục Giáo phận Vinh

VĂN PHÒNG THƯ KÝ
TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An
Đt. 0383 611 845 ; 0977006526
Email: tgmxadoai2004@yahoo.com

Ngày 27 tháng 7 năm 2009

THÔNG CÁO
(SỐ 3)

V/v Tam Tòa tại Đồng Hới, Quảng Bình

1. Đây là bản thông cáo số 3, qua đây, Văn phòng thư ký có những thông tin và báo cáo chính thức từ Tòa Giám mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh về vụ việc Tam Tòa và các vấn đề liên quan.

2. Tòa Giám mục cám ơn các bài viết dưới những hình thức khác nhau đã lên tiếng hiệp thông với Tam Tòa, cách riêng là những nạn nhân bị công an và nay quân vô lại đánh đập và bắt giữ.

3. Trên một số báo đài của Nhà nước và của tỉnh Quảng Bình có nói về việc đất đai và vụ việc Tam Tòa. Tòa Giám mục Xã Đoài, Giáo phận Vinh tuyên bố rằng sự thật không phải là như các báo đài ấy nói.

4. Theo dự định, 7 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 26/7/2009 tại nhà thờ 18 sở hạt trên tổng số 19 giáo hạt trong Giáo phận Vinh, giáo dân các giáo xứ đã đổ về giáo hạt mình để thể hiện tình liên đới, hiệp thông cầu nguyện cho Tam Tòa. Theo số liệu báo cáo từ các giáo hạt, số giáo dân tham dự lễ sáng hôm 26/7 gần 250 ngàn người. Giáo dân các giáo xứ mang theo cờ vàng-trắng với biểu ngữ : “Cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ”. Biểu ngữ này đang được treo ở cổng Tòa Giám mục và trước tất cả các nhà thờ trong toàn Giáo phận Vinh. Theo thông tin từ các giáo hạt, thánh lễ này được cử hành rất trang nghiêm, sốt sắng. Tất cả nói lên sự hiệp thông liên đới của linh mục đoàn, tu sỹ nam nữ và gần 500 ngàn giáo dân Giáo phận Vinh, với những anh chị em mình đang bị bách hại. Và ai cũng cảm thấy đau nhói, khi biết Thánh Giá đã bị công an Quảng Bình xúc phạm và nay đang bị hạng vô lại chiếm giữ.

5. Riêng tại Tam Tòa, Đồng Hới, có 7 linh mục trong hạt Đồng Troóc và hơn 500 giáo dân về nền nhà thờ Tam Tòa để dâng lễ. Nhưng có một lực lượng khoảng trên 3000 người, trong đó gồm có công an, cảnh sát, dân quân và dân địa phương đã dùng vũ lực ngăn cản, đánh đập một số giáo dân không cho tới nền nhà thờ Tam Tòa. Có 3 người bị đánh, trong đó có mẹ con chị Yên là phó Ca đoàn giáo xứ Tam Tòa bị một nhóm thanh niên xông vào đánh, chị ấy ngồi xuống. Con chị chạy tới chữa và cũng bị đánh (con chị mới 8 tuổi).

6. Chiều 26/7/2009 công an Quảng Bình tiếp tục bắt 3 giáo dân, trong đó có Ông Lý - chủ tịch HĐMV giáo xứ Tam Tòa; chị Yên - phó trưởng Ca Đoàn giáo xứ; Anh Thống quê xứ Trang Nứa, Nghệ An. Thêm vào đó công an Quảng Bình còn dùng các hình thức khác để đe dọa, trấn áp giáo dân Tam Tòa.

7. Sáng 27/7/2009, 5 linh mục và Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong giáo hạt Kỳ Anh, (giáo hạt sát Quảng Bình) vào thăm các nạn nhân. Theo các Cha kể lại, khi đoàn vừa bước xuống xe, gần nền nhà thờ Tam Tòa thì một nhóm ăn mặc thường phục, có ít tên giống côn đồ xông vào đánh ngay các linh mục và giáo dân cùng đi. Cũng theo các Cha kể lại, đàng xa có một số trong trang phục công an đứng nhìn. Khi lớp "côn đồ" đánh Cha Phaolô Nguyễn Đình Phú và 3 giáo dân bị trọng thương thì nhóm công an mới tiến lại mang loa bảo mọi người giải tán. Một nhóm giáo dân đưa Cha Phú và mấy người bị trọng thương vào một trạm xá gần đó. Thấy tình thế quá bất ổn, vì nhóm côn đồ tiếp tục nói những lời tục tĩu, đe dọa buộc các linh mục và giáo dân phải rời khỏi nơi đó, nên các cha lên xe trở về.

8. Nghe tin trên, Cha Phêrô Ngô Thế Bính - quản xứ Hà Lời tới để nắm bắt tình hình. Thấy cảnh tượng khủng khiếp, vì nhóm côn đồ bao vây trạm xá không cho ai vào, ngài đứng từ xa và điện thoại yêu cầu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tới để cha Bính có thể vào thăm Cha Phú. Phó chủ tịch UBND Quảng Bình tới và dẫn Cha Bính tới thăm Cha Phú. Phó chủ tịch bàn Cha Phú ra khỏi trạm xá và ông đi khỏi đó. Sau đó một lớp côn đồ đang vây quanh trạm xá xông vào đánh 2 giáo dân đang trực cha Phú và đánh Cha Bính. Tình thế hỗn loạn, Cha Bính thấy công an trong trang phục của mình đứng nhìn để nhóm côn đồ đánh đập tàn nhẫn, rồi để Cha Bính nằm bất tỉnh. Có một giáo dân đang làm ăn tại Đồng Hới đi qua thấy và biết đó là Cha Bính liền thuê xe đưa Cha Bính tới bệnh viện Việt Nam-Cuba tại Đồng Hới. Và sau đó công an thuê taxi đưa Cha Phú và 5 giáo dân bị đánh trọng thương tới bệnh viện Việt Nam - Cuba. Tại bệnh viện, 2 Cha và các giáo dân bị đánh trọng thương không được cứu chữa gì. Và bệnh viện đề nghị Cha Phú về bệnh viện Kỳ Anh. Rồi họ cho xe đưa Cha Phú và 5 giáo dân về Kỳ Anh. Cha Bính nằm dở sống dở chết không được chăm sóc, khi tỉnh lại, ngài được người giúp đưa ra khỏi bệnh viện và lên xe về Phòng khám Đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài.

9. Một lần nữa, những hành động man rợ mà các chứng nhân cho biết là có sự tiếp tay của công an Quảng Bình làm cho dư luận khắp nơi phẫn nộ, bất bình. Giáo dân Vinh đang chuẩn bị tinh thần cao nhất để đối phó với mưu chước quỷ ma.

10. Máu giáo dân Tam Tòa đã đổ xuống tại mảnh đất thánh thiêng của Cha Ông. Nay máu linh mục Vinh đã đổ xuống tại Tam Tòa. Người ta chắc chưa ai lường hết sự thể sẽ xảy ra thế nào, nếu chính quyền Quảng Bình vẫn tiếp tục dùng vũ lực trấn áp tôn giáo.

11. Hiện nay, các nạn nhân tại Tam Tòa bị tổn thương tâm lý rất nặng, nhất là các trẻ em cũng bị quân vô lại làm khổ. Đoàn chiên nhỏ tại Tam Tòa như đang phải sống giữa bầy lang sói đông gấp trăm lần. Họ đang hy sinh thay cho chúng ta, những người tin Chúa. Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện. Xin những người thiện chí cùng lên tiếng bênh vực họ.


Văn phòng Thư ký Tòa Giám mục
Chánh Văn phòng
(Đã ký và đóng dấu)
Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng

http://www.giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4845

Kinh thua Quy vi, dac biet cac ban tre,

Trong so nhung nguoi than cua chung ta
Khong phai tat ca deu da co may dien toan (vi tinh)
hoac co dung email, hoac da co the nhan duoc nhung tai lieu nay...

Vi vay, xin hay ung ho chung toi bang cach pho bien tai lieu nay bang
email hoac in ra, photocopy va goi cho nguoi than cua Quy vi.

Dac biet xin goi cho cac Linh muc chua co su dung internet

Xin chan thanh cam on

No374: Tam Toà, Niềm tin rạng non sông



Hôm nay, khi nhìn hình ảnh đoàn người như biển ngưòi, như thác lũ đổ về quảng trường Thuận Nghĩa để tham dự thánh lễ vào ngày 26-7-2009 với chủ đẻ : Cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ” đăng tràn ngập trên các trang điện báo hải ngoại và quốc nội, và ngay trên cổng của toà Giám Mục Xã Đoài, tôi tin rằng, không một người nào không bàng hoàng mà hỏi nhau rằng:

- Tam Tòa ở mô? Người ở đâu ra mà nhiều đến như thế? Niềm tin nào đã đưa biển người từ muôn ngả đường về đây theo hàng lối để nốí kết lại thành tường đồng vách thép, khiến không một thế lực nào có thể ngăn cản được?

- Khi câu hỏi chưa được giải đáp thoả đáng, bạn đọc của việtcatholic.net,còn dịp dựng tóc gáy lên vì bản văn trả lời của Văn Phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài gởi UBND Quảng Bình như sau: “Đang khi Thánh Giá- Biểu tượng của niềm tin chúng tôi còn bị công an Quảng Bình xúc phạm và khi giáo dân của chúng tôi còn bị giam giữ bất công thì chúng tôi chưa thể tới làm việc với UBND tỉnh được”. Người viết thư trả lời là ai thế? Có uống mật gấu hay không mà dám trả lời nhà nước Việt cộng như thế nhỉ?

Thật ra, chẳng phải chỉ có bạn đọc là giật mình kinh ngạc về sự kiện Tam Tòa làm chấn động dư luận thế giới đâu, mà cả phía nhà cầm quyền, tuy có súng đạn, đầu gấu trong tay nhưng vẩn không tránh khỏi cái kinh ngạc tột cùng này. Bởi vì câu chuyện về Tam Tòa còn mới mẻ lắm. Mới chỉ một tuần trước đây, bạn không biết, mà tôi cũng không biêt. Ngay cả những người sống và chết với Tam Tòa, cả những người trong guồng máy của nhà cầm quyền, hay những ngươi gốc ở Tam Tòa, nhưng đã phải xa nơi yêu dấu ấy sau ngày 20-7-1954 vì cái bản án chia đôi đất nước do Hồ chí Minh và Pháp tạo ra, đều không ai dự đoán được là Tam Tòa sẽ trở thành địa điểm thứ ba, như cái tên tiền định là Tam Tòa, vững Niềm Tin đi đòi Công Lý, đòi Tự Do Tôn Giáo, sau sự kiện Tòa Khâm Sứ và Thái Hà tại Hà Nội. Nhưng thực tế, Tam Toà vào ngày 20-7-2009 đã vươn lên tháp đỉnh của Niềm Tin và sức mạnh. Hơn thế, Tam Tòa, có thể sẽ còn là một địa danh khả dĩ chôn vùi thế lực của Gian Ác, Dối Trá và bạo quyền!

Nhưng trước hết, Tam Tòa ở mô? Tam Tòa là một họ đạo nằm trên bờ sông Nhật Lệ, thuộc tỉnh Quảng Bình, trước kia thuộc Tổng Giáo Phận Huế, nhưng đến ngày 15 tháng 5- 2006, Toà Tổng Giám Mục Húế chuyền Nam Giáo hạt Quảng Bình cho Giáo Phận Vinh, từ đó Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh. Đức Giám Mục cai quản Gíao phận Vinh bổ nhiệm LM Lê thanh Hồng về quản sứ Sen Bằng kiêm xứ Tam Tòa. Tưởng cũng nên nhắc lại, đa số giáo dân của Tam Tòa đã di cư vào nam sau ngày 20-7-1954. Số còn lại cũng tản mát và dĩ nhiên dưới ngọn roi của chiến tranh, người ở lại đã phải nhận nhiều đau thương. Và cho đến nay, 34 năm sau ngày chấm dút chiến tranh, người dân Tam Toà vẫn chưa có điều kiện để tài lập lại ngôi thánh đường đã bị tàn phá bởi chiến tranh, nay chỉ còn trơ lại một cái tháp chuông với sân nền đổ nát.

Rồi theo những bản tin đã được loan tải, ngày 20 tháng 7 năm 2009, giáo dân Tam Toà cùng nhau dựng một láng trại trong sân nhà thờ củ chiều dài 9 mét chiều ngang 6 mét, để có nơi che mưa nắng khi LM đến cử hành nghi thức phụng vụ. Công việc tưởng chừng chính đáng và hết sức bình thường, bỗng nhiên trở thành cơn cuồng phong lôi cuốn cả nước, cả hải ngoại về Tam Toà, khi nhà cầm quyền địa phương huy động một lực lượng công an hùng hậu đến đập phá, triệt hạ láng trại vừa mới dựng và đánh đập giáo dân một cách dã man. Chưa hết, sau khi bị đánh đập một số giáo dân còn bị bắt giam một cách trái phép. Sau sự kiện này, Tam Tòa bỗng trở thành một địa điểm duy nhất trên toàn cõi Việt Nam có hai ngày đại nạn trùng lập vào ngày 20-tháng bảy. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, phần đất của họ bị giao cho cộng sản, người dân Tam Toà đã phải bỏ của chạy lấy ngươi, cuốn gói vào nam tìm Tự Do. Và nay lại ngày 20 tháng 7- 2007, họ nhận đòn thù từ nhà nước Việt cộng vì lý do Tôn Gíao!

Còn người ở đâu mà nhiều thế à? Vậy đã ăn thua gì. Lúc gần đây đồng bào ta đã không còn ngạc nhiên khi thấy những hàng hàng lớp lớp người cầm Niềm Tin trong tay mà tiến lên nữa. Trái lại, khi có lời kêu gọi đi tìm Chân Lý, đi đòi lại Tự Do thì sẽ có muôn vạn “ Hàng hàng lớn lớp tiến lên hy sinh vì tình yêu”. Trường hợp Thuận Nghĩa hôm nay chỉ là khởi đầu thôi.. Chỉ có những con mắt đảng, con mắt của gian trá là bàng hoàng kinh sợ vì không hiểu tại sao. những người dân trong tay không một tắc sắt này, kể cả đàn bà trẻ con nữa, lại có thể hiên ngang, không thách đố mà làm cho toàn bộ hàng ngũ của nhà cầm quyền cộng phỉ phải e dè, rúng động!

Và còn hơn thế nữa, tôi dám cá rằng, những kẻ cầm lá thư trả lời của Tòa Giám Mục Xã Đoài trên tay đều há hốc mồm, trợn mắt lên nhìn nhau và nói không thành tiếng, rồi cũng không thể hiểu được tại sao chúng lại nhận được lá thư trả lời đanh thép như thế. Mà có phải là đanh thép không đâu, còn có cả những điều khoản kết tội như kết tội bọn trộm cướp nữa cơ chú! Thật là rụng rời tay chân!

Kề đến, làm gì có mật gấu mà uống, ông ta là một Linh Mục, Người chỉ biết theo tiếng gọi để viết lên sự thật và làm chứng cho sự thật thôi. Nếu các đồng chí biết nghe sự thật thì có việc gì phải la hoảng. Các đồng chí hãy nhớ cho kỹ nhá, Chỉ có tội ác mới chống lại sự thật, chống lại Công Lý mà thôi! Phải thế không nào?

Như thế, câu trả lời ngắn gọn và chính xác nhất cho sự kiện có từng hàng hàng lớp lớp tiến lên và trĩệu triệu người đi và viết cho sự thật là vì từ trong lòng họ đã có niềm tin tuyệt đối vào Đấng”: Ta là Đưòng là Chân Lý và là sự Sống”(X.Ga.4). Một khi họ đi tìm Chân Lý, làm chứng cho Chân Lý thì chính là lúc họ đi tìm Sự Sống. Sự sống trong lẽ thật mới là cuộc sống đáng sống. Người đi tìm sự sống trong Công Lý thì lại sợ cái chết ư? Nếu cái chết đã không làm họ khiếp sợ, há họ lại lo sợ bạo lực và gian dối của tà quyền hay sao?
Họ không sợ hãi, bởi vì lịch sử đã chứng mình rằng: Niềm tin của ngưòi Công Giáo đặt để vào Đấng là Sự Thật, là là Công Lý và là Sự Sống mà biểu tượng là Cây Thánh Gía là vĩnh viễn trường cửu. Không một kẻ nào, một thế lực nào có thể trấn áp, lay chuyễn được. Nếu chỉ tính riêng ở Việt Nam thôi, sự kiện này đã đưọc chúng minh qua các triều Minh Mạng Thiệu Trị, Tự Đức. Nay Việt cộng dám chà đạp Niềm Tin của họ là Đường là Chân Lý, là Cây Thánh Giá thì con đường diệt vong của chúng đã gần kề.

Bởi lẽ, lịch sử cũng cho thấy rằng, Tần thủy Hoàng, bạo ngược hơn đời, mà con cháu y truyền lại không qúa ba đời. Một Tào Tháo gian hùng, đời con Tào Phi chưa chết, cơ nhiệp đã tận. Riêng Hồ chí Minh xem ra về phần độc ác bạo ngược giết người không thua Tần Thủy Hoàng. Phần gian trá còn hơn cả Tào Tháo, đẻ con ra không dám nhận, bản thân xin làm nô lệ cho ngoại thù thì sẽ truyền được mấy đời đây? Liệu có còn tồn tại được hết tuổi đời con của ông ta hay không?

Câu trả lời đã có sẵn ở đây. Suốt từ 3-2-1930 cho đến nay, còn kế ác độc nào trong mưu toan tiêu diệt niềm tin của Tôn Giáo, đặc biệt là Công Giáo mà Hồ chí Minh và tập đoàn Việt cộng chưa đem ra thi hành?

Ngay sau ngày chia đôi nước Việt, đồng bào công giáo di cư vào nam tìm tự do khá nhiều, Hồ chí Minh nhân cơ hội ấy, ngầm kết án người công giáo theo giặc, nên các cơ sở, đất đai, tài sản của Giáo Hội, dù còn ngừơi ở lại trông coi hay tiếp tục việc thờ tự đều bị chúng chiếm đoạt và nhiều nhà thờ khác bị biến thành nhà kho của hợp tàc xã. Việc phụng vụ, tuy không chính thức ra thông báo cấm cản, nhưng cứ đến giớ phụng vụ thì chúng tổ chức phát thanh họp hành phá rối (điều này chúng cũng áp dụng tại một số nơi ở miền nam sau 30-4-1975). Kế đến, ngăn cấm các Linh Mục đến những xứ đạo không còn Linh Mục để cử hành phụng vụ. Việc học sinh dự tu thì coi như chấm hết. Nếu có ngưòi giáo dân đạo hạnh nào được chịu chức Linh Mục thì y như rằng họ đã tốt nghiệp từ đại học…. chui!

Riêng các nhà thờ ờ các tình lẻ hay miền quê thì nhân cơ hội chiến tranh, nhà nước biến nhà thờ, chùa chiền, nơi tôn nghiêm thành những pháo đài chống máy bay. Kết qủa, nếu nhà thờ bị đánh bom tan hoang thì thầy tớ Việt cộng mừng rỡ vì cơ hội tuyên truyền, kể tội ác của đế quốc Mỹ. Tam Tòa cũng là một trong những diện điển hình như thế. Riêng các nhà thờ vùng Cao Bắc Lạng, sau chiến tranh chống Mỹ lại được cải biến thành pháo đài chống Trung Quốc xâm lươc vào năm 1979. Nhờ chiến tranhh ấy, Việt cộng và Trung cộng đã phá nát cho bằng hết những nơi cần phải bảo vệ.

Chỉ có điều không giống ai theo kiểu xã hội chủ nghĩa Việt cộng là: Sau khi để cho Trung cộng phá xập rất nhiều nhà thờ, trường học ở phưong bắc và giết hại hàng chục ngàn dân, quân Việt Nam. Nhà nước chói lọi Việt cộng lại không một nửa lời lên án. Đã thế còn thành lập có đến 40 nghĩa trang thờ liệt sĩ Trung cộng trên đất nước Việt. Rồi đến năm 1999-2000. lại cúng luôn những phần đất béo như Bản Giốc, Nam Quan cho Trung cộng. Qủa thật, đây là một kỳ tích mà những Trần ích Tắc, Lê chiêu Thống, Mạc đăng Dung nổi tiếng trong nghề cõng rắn cắn gà nhà cũng phải qùy bái phục công trạng bán nước của bè lũ Hồ chí Minh. Chói lọi…. đại chói lọi! Riêng những ngươi đem thân đi chống Trung Quốc năm nào thì ngậm hờn không có lấy một nơi dung thân. May mà nhà nước Việt cộng chưa cho lập bia mộ tập thể với bảng đề: Mồ chôn những tên phản động chống Trung Quốc vĩ đại! May! Thật là may cho những người đã chết…. nhầm trong cuộc chiến ấy!

Tuy nhiên, với muôn vàn mưu ma, chước qủy như thế, Hồ chí Minh và tập toàn Việt cộng cũng không thể nào làm suy giảm được niềm tin của ngươi Công Giáo đặt để lên biểu tượng Thánh Gía. Nói cách khác, càng trong nguy khó, niềm tin ấy càng tăng cao, vững bền và không bao giờ chúng có thể làm cho người công Giáo đi theo đường gỉa dối, gian trá được. Trái lại, khốn cho kẻ giơ chân đạp mũi nhọn. Bởi vì, con đường vô đạo ấy không dẫn chúng đến cuộc tồn sinh. Riêng Niềm Tin của người Công Giáo thì mãi mãi còn đây. Sẽ mãi mãi chiếu sáng mọi con đường, dù là con đường còn nằm trong bóng tối của sự chết và gian trá.

Khi biết không thể thắng nổi niềm tin của người Công Giáo, tại sao Việt cộng còn mở ra vụ Tam Tòa?

Sự thật là: Nhà cầm quyền Việt cộng đã không thể nào khoả lấp được tội trạng bán đất, dâng biển của Việt Nam từ Hoàng Sa, Trường Sa, đến Bản Giốc, Nam Quan, Tục Lãm và nay là Tây Nguyên, cho Trung cộng. Nhưng chúng cũng không dám thừa nhận tội ác này. Việc không dám thừa nhận, hay ngưng ngay tội buôn dân bán nước lại, đã dồn đám thái thú bước vào chân tường. Con đường giải quyết áp lực theo hướng xã hội chủ nghĩa là bạo lực. Đó là lý do của vụ việc Tam Tòa nổ ra. Lẽ dĩ nhiên, nhà nước Việt cộng không muốn gây thêm những xung đột vói các tôn giáo để chế độ sớm cáo chung. Nhưng, vì tình thế, không còn đường lựa chọn, đành phải mở ra những điểm nóng để giải tỏa bớt áp lực của dư luận.

Từ lý luận thực tề này và với một guồng máy công an trị, nhà nước Việt cộng chủ quan là vẫn có thể điều hành được bạo quyền và cũng giải tỏa được áp lực từ nhân dân. Nên khi vụ Hoàng Sa, Trường Sa trở nên sôi động, làm choáng váng dư luận, Việt công đã mở ra trận Toà Khâm Sứ, rồi Thái Hà, để thu hút chú tâm của mọi ngươì vào điểm nóng mà quên đi vụ Hòang Sa, Trưnờg sa. Bản cũ soạn lại, nay đến vụ quặng mỏ Bauxite tây nguyên, và nhiều vụ tàu lạ đuổi bắt ngư dân Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, càng lúc áp lực càng đè nặng xuống trên đầu những kẻ bán nước hại dân. Khắp nơi biến động đã sẵn sàng nổ tung. Nay nhà thờ này tổ chức cầu nguyện cho Tây Nguyên, mai đến nơi khác hội thảo. Con vật đến lúc gần chết thêm hung hăng dữ tợn hơn. Cũng thế, nhà nước toan tính “ mở mặt trận “ làng mai“ở Di Linh làm điểm nóng. Kết qủa, cờ chưa đánh đã tan, không thu hút được sự chú ý của nhiều người. Bước vào đường cùng, Tam Tòa như một cái tên tiền định là địa điểm thứ ba, là lựa chọn đánh cuộc cho giải pháp giải tỏa áp lực nhất thời từ vụ Bauxite Tây Nguyên.

Cái kế đánh bùn sang ao của nhà nước này chưa biết đúng sai, nhưng địa điểm chúng lựa chọn thì hoàn toàn sai trái. Sai từ cơ bản đến tính toán. Bởi lẽ, họ không thể đoán ra được sức phản úng của người Công Giáo nói chung và giáo xứ Tam Tòa nói riêng. Đã thế, họ không bao giờ ngờ rằng sẽ nhận được những lá thư trả lời như một bản án của Toà Giám Mục Vinh. Sự khiêm nhường trong lá thư không phải không có, nhưng chắc chẳn rằng bạo lực không thể làm cho ngòi bút đi tìm sự thật ấy uón mình. Đã đứng trước cuộc dầu sôi lửa bỏng, người có trách nhiệm còn cho bọn đầu gấu, công an chìm giả xã hội đen để đánh đập các Linh Mục và giáo dân nữa thì chúng phải nhận lấy tất cả mọi hậu qủa khốc liệt nhất. Chúng phải nhớ rằng, sức mạnh không thể tựa trên bạo lực, vô luật pháp. Hơn thế, qua mọi thời đại, chưa bao giờ máu của người Công Giáo đã đổ ra trong vô ích.

Thay cho lời kết, kính thưa qúy anh chị em trong giáo xứ Tam Toà và Thuận Nghĩa, Quảng Bình, cách riêng những anh chị em đã bị cộng sản hành hung và bị giam giữ vì Chân Lý. Chúng tôi vô cùng kính phục niềm tin vững mạnh và lòng quả cảm của qúy anh chị đã biểu lộ vì đưc tin vì Công Lý. Niềm tin của qúy anh chị em hôm nay không những chỉ đi làm chứng cho Sự Thật, nhưng còn là đi xây dựng một tương lai mà Tự Do, Công Lý và Nhân Quyền phải được tôn trọng và thể hiện. Từng mỗi bước chân nhỏ bé của anh chị em hôm nay sẽ là những bước vị đại trong vận mệnh của dân tộc ngày mai. Bởi vì từ những bước chân này, Công Lý, Sự Thật sẽ triển nở và thành sức mạnh đạp dổ sợ hãi, tiêu diệt cường quyền và gian dối…

Chúng tôi cũng vô cùng kính phục sự trang nghiêm, tề chỉnh của tất cả mọi người khi đến tham dự những giờ cầu nguyện. Sự trang nghiêm này biểu lộ tâm tình của những người trong lề luật đi tìm Công Lý. Nhưng lại sẵn sàng mạnh mẽ đáp trả những kẻ không có phận sự như bọn đầu gấu, giã hoặc là thành phần bất hảo của xã hội đến phá rối trật tự trong những giờ kinh. Ở đâu thì cũng thế, luật lệ thưởng bảo vệ đời sống yên lành cho ngưoì dân, chứ không bảo vệ cho những thành phần bất hảo đến phá rối này. Nếu luật của nhà nước không có điều khoản quy định ngược lại, hãy đòi buộc nhà hữu trách phải đưa chúng ra trước tòa án.

Được như thế. Tam tòa không còn là nhỏ bé cô đơn bên bờ sông Nhật Lệ, nhưng Tam Tòa đã vươn vai lớn dậy giửa giang sơn. Và còn hơn thế, Tam Tòa đã và đang làm khởi sắc nghĩa vụ cao cả của một người dân trong nước có Độc Lập có tự chủ đi xây dựng Công Lý và Nhân Quyền cho mình và cho toàn dân. Tam Tòa đã không chỉ thắp lên ngọn lửa yêu quê hương trong Nìềm Tin, nhưng còn chiếu sáng Niền Tin đến mọi con đường và đến mọi nơi mọi chốn. Để từ bắc xuyên nam, từ đồng bằng lên đến miền rừng sâu núi thẳm, mọi người, mọi nhà, mọi giáo đường, mọi chùa chiền, mọi thánh thất Cao Đài, Hòa Hào cũng như toàn thể đồng bào ta ở khắp năm châu sẽ cùng nhau chờ một giờ lịch sử của quê hương. Tất cả cùng đồng thanh, đồng hành cất cao tiến hát vì Công Lý. Tất cả cùng khua chiêng, cùng đánh trống, cùng gõ mõ để truyền rao ngày hội của dân tộc đã đến. Tất cả cùng đứng, chung nhau Niềm Tin, tạo sức mạnh để lên giải trừ cường quyền gian dối, buôn dân dán nưóc, để đem lại Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Công Lý và đời sống ấm no an bình cho Vệt Nam…

Bảo Giang