วันอังคารที่ 24 มีนาคม พ.ศ. 2552

No367: Một phiên tòa gợi nhớ một phiên tòa

Ngày 06 tháng 06 năm 1931 cảnh sát Anh tại Hồng Công đã bắt được một yếu nhân của Quốc tế Cộng sản III – một tổ chức được liệt vào hàng cực kỳ nguy hiểm tới an ninh của các thuộc địa Anh và Pháp quốc trên toàn thế giới vào lúc đó. Tuyên ngôn Cộng sản có ghi rõ « ...giai cấp vô sản sẽ là người đào mồ chôn Chủ nghĩa Tư bản...và công khai tuyên bố rằng mục đích của họ là dùng bạo lực lật đổ trật tự xã hội hiện hành. »

Người bị bắt là Tống Văn Sơ tức Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, nhân viên cao cấp của Quốc Tế Cộng sản III được điều sang hoạt động tại vùng Đông Dương (theo hồ sơ của cơ quan mật thám Pháp). Với thân phận chỉ là người dân bản xứ của thuộc địa Pháp tại Đông Dương và lại bị sa lưới nơi đất khách quê người, cùng với số đồng chí thân cận và có khả năng hỗ trợ cho Tống Văn Sơ tại Hồng Công lúc đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay và bản thân họ cũng phải luôn lẩn tránh sự truy lùng ráo riết của các mật thám Pháp và Anh, tính mạng của Tống Văn Sơ thực đã bị rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Chưa kể, Tống Văn Sơ lại đang là đối tượng bị truy nã án tử hình do tòa án tại Đông Dương đã tuyên vắng mặt vào năm 1929 vì những hoạt động bị cho là kích động bạo loạn. Có lẽ lúc đó, Hồ Tùng Mậu, người lĩnh trách nhiệm đi nhờ luật sư người Anh Frank Loseby để bào chữa cho Tống Văn Sơ cũng không thể hy vọng nhiều có thể giải thoát được cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cuối cùng, như chúng ta đều biết, Tống Văn Sơ đã được tuyên là vô tội trước tòa án Hồng Công và an toàn rời Hồng Công để trở về tiếp tục con đường đấu tranh bạo lực mà ông đã theo đuổi. Tư liệu lịch sử có kể lại vụ án đã được đưa ra tòa tới chín lần, với nhiều tình tiết gay cấn, kịch tính và vô cùng khó khăn để buộc quan tòa phải tuyên Tống Văn Sơ vô tội chiểu theo pháp luật Anh quốc lúc đó và chỉ được trục xuất theo một hạn định có lợi cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cái đáng kể trong vụ án và phiên tòa chính là các luật sư được hoàn toàn tự do tác nghiệp. Và phán quyết vô tội của tòa hoàn toàn chỉ do tài tranh biện, sự thấu hiểu pháp luật và tài ứng đối thuyết phục của luật sư trước mọi mưu toan kết tội đã có sẵn của chính quyền Anh tại Hồng Công, có sự câu kết với chính quyền Pháp tại Đông Dương. Những kẻ cầm quyền có mưu đồ xấu của cả hai chính quyền thực dân khét tiếng, cuối cùng, đã phải lắng nghe lý lẽ, đã chịu nghe ra lẽ phải và đã chấp nhận tuân thủ luật pháp, cho dù một cách khiên cưỡng. Kẻ cầm quyền của chế độ thực dân cách đây hơn ba phần tư thế kỷ đã biết hổ thẹn trước Lẽ phải và nhường bước trước Công lý.

Trở lại với hiện tại. Phiên phúc thẩm dành cho tám bị cáo Công giáo vào ngày 27 tháng Ba tới đây tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội – Tòa án của chính thể nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (do cựu tù nhân Tống Văn Sơ năm xưa dựng lên tại Việt Nam cách đây hơn 60 năm) liệu có chứng tỏ biết nghe lý lẽ, chịu nghe lẽ phải và biết tuân thủ pháp luật hơn chính quyền thực dân năm xưa hay không? Lẽ nào người Việt của chúng ta lại cư xử với nhau tệ hơn người ngoại chủng ? Lẽ nào chế độ chính trị do chính người Việt chúng ta nắm giữ lại thô bỉ hơn chế độ thực dân ? Lẽ nào ?

Phạm Hồng Sơn
24/03/2009

ไม่มีความคิดเห็น: