Nguồn hỗ trợ ODA Nhật bản - chi viện chính thức của chính phủ Nhật bản cho nhân dân ta dưới hình thức cho vay dài hạn với lãi xuất ưu đãi, đã bị cắt từ đầu tháng 12-2008.
Trên thực tế, nguồn chi viện ấy đã bị chính phủ Nhật treo lại ngay từ giữa tháng 8-2008, khi vụ ăn hối lộ của quan chức Việt nam do công ty Nhật PCI (Pacific Consultant Institute) đưa, lên đến hơn 2 triệu đôla, bị tiết lộ.
Chính phủ Nhật tỏ ra rất hào phóng trong viện trợ cho Việt nam. Đã 2 năm nay, ODA Nhật bản lên đến mức trên 1 tỷ đôla / năm,luôn dẫn đầu, vượt rất xa mọi nước khác, bao gồm một loạt dự án lớn nhất đất nước về đường xá, cầu cống, hải cảng và khu công nghiệp mũi nhọn, đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao.
Như các nước khác, hỗ trợ Việt nam qui mô lớn, Nhật bản cũng mong các công ty, nhà thầu của Nhật sẽ nhận được những gói thầu lớn, theo đúng pháp luật, có lợi chính đáng cho cả 2 bên. Nhiều lần quốc hội Nhật, báo chí Nhật tỏ ra lo ngại, giận dữ khi một số hỗ trợ ODA lấy từ tiền thuế dân Nhật đóng, giúp vài nước châu Phi bị cắt xén do tệ quan liêu và tham nhũng, làm tha hoá bộ máy cai trị.
Bộ kế hoạch và đầu tư và ngành giao thông vận tải Việt nam hiểu rất rõ vụ hối lộ của PCI cho các quan chức Việt nam gây nên tổn thất và trở ngại to lớn ra sao. Các công trình trọng điểm lớn nhất bị dở dang, đình trệ, vốn bị cạn, công nhân không việc.
Có thể nói từ thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, ngành giao thông, giới làm kinh tế cho đến người dân trong nước đều trông mong - mỗi người do động cơ khác nhau - vốn ODA Nhật bản (dự tính 900 triệu đôla cho năm 2009 này), được nối lại rất sớm.
Đã có nhiều thông tin lạc quan theo hướng ấy.
Nào là từ tháng 1-2009, cựu thủ tướng Nhật Yasuo Fucuda thăm Hànội đã ủng hộ việc sớm nối lại nguồn ODA.
Nào là Hoàng Thái tử Nhật Naruhito mới thăm Việt nam tháng trước cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy việc này. Rồi cũng trong dịp này, tài tử trứ danh Sugi Ryotaro với danh nghĩa "đại sứ hữu nghị đặc biệt", cũng chung một ý định, sớm nối ODA Nhật.
Mới đây hãng tin Nhật Kyodo và Việt nam thông tấn xã cùng đưa tin là văn bản về nối lại ODA sẽ có thể ký giữa 2 bên cuối tháng 3, nghĩa là chỉ trong một, hai tuần lễ.
Vậy bà con ta đã có thể trông chờ điều tốt đẹp sắp tới trong quan hệ Nhật - Việt ?
Nên thận trọng, kẻo lại bị bất ngờ.
Một số nhà báo Nhật bản bạn cũ của tôi, từ Tokyo và Bangkok, cho biết ý nghĩ của họ trong việc này. Thông tin điều này có thể là có ích.
Họ cho rằng " quả bóng vẫn ở phía chân Việt nam "; "rằng hồ sơ vẫn còn trên bàn của bộ chính trị cộng sản Việt nam "; "rằng mọi sự còn phụ thuộc ở Việt nam có thái độ ra sao đối với bị cáo ăn hối lộ "; "rằng nhiều công ty, nhà thầu Nhật bản lô-by (vận động hành lang) mạnh để sớm nối lại ODA, nhưng ngành ngoại giao và lập pháp ở Nhật vẫn rất nghiêm, họ còn cân nhắc kỹ ".
Một anh bạn Nhật chân thật : " đáng tiếc, thủ tướng của Việt nam hình như ít am hiểu tập quán ngoại giao và tâm lý ngoại giao, ít hiểu văn hoá Nhật chúng tôi trong vụ này".
Trao đổi một hồi trên điện thoại viễn liên, tôi mới vỡ lẽ các bạn Nhật muốn nói gì.
Các bạn Nhật muốn nhắn rằng, với nước Nhật, cần gõ cửa cho đúng. Vì xã hội Nhật phân công rạch ròi, không ai đạp lên chân ai, dễ ngã cả loạt.
Cái kiểu Hànội tranh thủ cựu Thủ tướng Fucuda, rồi tranh thủ Hoàng thái tử Naruhito, săn đón đại sứ hữu nghị đặc biệt Sugi Ryotaro là rất ít hiệu quả. Bởi lẽ, theo tập quán Nhật, thủ tướng đã ra đi sẽ không can thiệp vào việc của thủ tướng kế nhiệm; mọi việc đã bàn giao xong. Hoàng thái tử chỉ lo chuyện lễ nghi và từ thiện, không được, không dám làm gì khác, kỵ nhất là chuyện kinh tế, đấu thầu, tiền bạc, tòa án. Còn Đại sứ "hữu nghị loại đặc biệt", ông ta chỉ có nhiệm vụ cười, cười rộng rãi và dễ dãi, cúi đầu gật gật xã giao cho thật dẻo, và tối kỵ lấn sân sang vị đại sứ toàn quyền chuyên nghiệp. Cứ yên chí cả tin ở các vị này, khéo mà lầm cửa.
Cái "không hay" của thủ tướng Dũng, có thể nói cái "hớ hênh không nên có" của ông Dũng còn là làm mất lòng một nhân vật Nhật bản trực tiếp tham gia quyết định cắt và nối nguồn ODA Nhật cho Việt nam.
Đó là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật bản ở Hànội Mitsuo Sakaba.
Ông M.Sakaba là một nhân vật nhiều triển vọng của ngành ngoại giao Nhật bản. Ông được đào tạo rất bài bản, thành thạo Anh, Pháp, Hoa ngữ... Ông từng là đại sứ Nhật ở UNESCO - Paris trong 2 năm, rồi về Tokyo làm người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật. Các nhà báo Anh, Pháp, Đức, Mỹ ... hồi ấy rất "mê" những buổi họp báo của ông Sakaba, bởi ông bao giờ cũng nắm được thực chất câu hỏi của các nhà báo quốc tế để trả lời ngay thật, pha chút hóm hỉnh, thông hiểu, trái ngược với những lưỡi gỗ trơ tráo, tẻ nhạt, nói lấy được của đồng nghiệp ở Bắc kinh và Hànội."
Ông mới đến Hànội tháng 3-2008, đã nổi lên trong giới ngoại giao như một đại sứ năng động, thích văn hoá, ưa thể thao, mê nghiên cứu ẩm thực, đặc biệt rất ham đi những vùng sâu, vùng xa, nặng lòng cứu giúp những vùng nghèo, dân nghèo.
Mới đây, khi ODA lớn bị ngừng, ông chuyển hướng, đích thân xông xáo đôn đốc hơn 30 dự án nhỏ bé, cò con, như dự án xây trường tiểu học xã Mường Khên tỉnh Hoà bình, như dự án giao thông nông thôn cho xã Hương Lâm tỉnh Bắc Giang, mỗi nơi gần 100 ngàn đôla, hoàn thành nhanh, gọn, cùng chính quyền sở tại kiểm soát kỹ, không bị xà xẻo ...
Ấy vậy mà ông Dũng không những không tranh thủ ông đại sứ Nhật, lại còn trách móc, đến độ như xúc phạm ông một cách công khai, trước mặt các quan chức và nhà báo quốc tế, trước mặt cả các quan chức Nhật, khi ông vắng mặt.
Theo gợi ý của các bạn Nhật, tôi tìm lại bản tin VN Thông tấn xã ngày 10-2-2009, như sau :
"Chiều 9-2, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ hữu nghị đặc biệt Nhật bản-Việt nam Sugi Ryotaro. Đại sứ Sugi vui mừng thông báo với thủ tướng việc Nhật bản sẽ sớm khôi phục lại vốn ODA dành cho Việt nam ". Ở đoạn cuối : " Thủ tướng cho rằng nếu chỉ vì nghi vấn (!) một cá nhân của Việt nam trong vụ án tham nhũng liên quan đến vốn ODA mà Nhật bản đơn phương chấm dứt viện trợ ODA cho Việt nam là đáng tiếc (!)".
Với Hoàng Thái tử Naruhito, ông Dũng còn đi xa hơn, mà mách rằng : "việc phía Nhật đơn phương cắt ODA không bàn bạc trước, ngay giữa cuộc họp quốc tế lớn về đầu tư đầu tháng 12-2008 đã làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Nhật - Việt ".
Ông Dũng hẳn biết rõ - như ông đại sứ Sakaba nói với các báo ở Hànội từ đầu tháng 12- rằng việc ngừng ODA là theo lệnh trực tiếp từ thủ tướng Nhật đương nhiệm Taro Aso, đại sứ rất tán thành, vì nhiều nghị sỹ Nhật và dân đóng thuế Nhật bất bình sâu sắc về sự việc xảy ra.
Tốt nhất là thủ tướng Việt nam tỏ lời chân thành xin lỗi vì rõ ràng chính phủ Việt nam có trách nhiệm trong quản lý vốn ODA. Không xin lỗi, lại còn trách cứ ngược lại thủ tướng và đại sứ Nhật, và đi nói riêng với với Hoàng thái tử Nhật và với đại sứ hữu nghị Nhật bản, đổ lỗi cho phía Nhật đã gây nên ảnh hưởng xấu trong quan hệ Nhật - Việt! Thật quá đáng. Người đứng đầu chính phủ mà làm công tác đối ngoại kỳ cục, dại dột, không biết điều như vậy.
Với các nhà báo Nhật, ông Dũng còn đi xa hơn, phàn nàn rằng: "đến nay Nhật bản vẫn chưa cung cấp cho phía Việt nam những chứng cứ của vụ việc..."(!)
Các nhà báo Nhật chỉ mỉm cười.
Vì họ biết rõ, chính phía Nhật đã 6 lần gửi từng tập tài liệu hàng nghìn trang gồm: khẩu cung của cơ quan điều tra, lời khai viết của 4 bị cáo Nhật, băng ghi âm trước toà án, lời tả chi tiết về 4 lần giao tiền cho quan chức Việt nam, lên đến 2 triệu 6 đôla, lại còn cử cán bộ điều tra, toà án và bộ tư pháp Nhật sang tận Việt nam để trình bày thêm.
Họ biết rất rõ, bộ tư pháp Nhật đã yêu cầu phía Việt nam trả lời cho 23 câu hỏi, chủ yếu nhất là : - cho đến tháng 12-2008, các bị cáo Việt nam đã nhận hay không nhận có ăn hối lộ của PCI, nếu nhận là bao nhiêu lần, lên đến bao nhiêu? Họ tẩu tán đi đâu? có những ai dính đến vụ án ? họ khai và thú nhận những gì rồi ?
- số tiền ấy được thương lượng ra sao, giữa 2 bên, do ai thương lượng, ngả ngũ ra sao? thủ đoạn giao nhận ?
- số tiền ấy đã chia cho bao nhiêu người, những ai, chức vụ khi ấy làm gì? thu hồi lại được bao nhiêu?
- phía Việt nam bao giờ xử kẻ bị cáo, và cần phía Nhật hợp tác thêm những gì ? các ông đánh giá ông Huỳnh Ngọc Sỹ ra sao trong vụ ăn hối lộ này ?
Hàng loạt câu hỏi ấy đặt ra gần 4 tháng nay, và vẫn còn chờ trả lời.
Các bạn nhà báo Nhật cho rằng phía Việt nam đã có những việc làm tuy chậm nhưng đáng hoan nghênh. Đó là lập Uỷ ban hỗn hợp Nhật - Việt cùng nhau thảo thể lệ quản lý nghiêm vốn ODA, thanh tra chất lượng công trình, kiểm tra việc chi tiêu, lập thêm một cơ quan giám sát đấu thầu; bắt tạm giam 2 ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Qủa và hứa hẹn sẽ xét xử nghiêm minh vụ án này.
Báo Nhật cũng ghi nhận bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc sang Nhật tháng 2-2009 đã thông báo chính phủ Việt nam đã xếp vụ án ăn hối lộ của PCI là một vụ án trọng điểm, có nghĩa là sẽ được uu tiên xét xử một cách công khai, minh bạch, đúng luật. Phía Nhật chờ từng ngày. Bao giờ ?
Báo chí Việt nam vẫn còn bị cấm ngặt không được nói đến vụ án PCI, không được tìm hiểu và đưa tin gì về vụ án đã thành trọng điểm này, cũng như phải quên vụ án PMU18 đi, dù nó đã kéo lê thê hơn 3 năm. Nhà báo chỉ được phép đưa những tin lạc quan, một chiều, rằng cuối tháng 3, hai chính phủ sẽ ký nghị định thư nối lại ODA đang mong chờ; rằng tháng 4, ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh sẽ sang Tokyo giải quyết mọi vướng mắc cho thông suốt ở mức cao nhất với thủ tướng Taro Asô; khi ấy dòng chảy ODA có thể chảy vào thông suốt và dồi dào.
Nhưng vẫn còn một trở ngại. Một trở ngại, không nhỏ chút nào. Hãy nghe ông Đại sứ Mitsuo Sakaba nói với phóng viên VietnamNet chiều ngày 10-3 ": Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ sự kiện xử lý vụ án ăn hối lộ của công ty Nhật PCI ". Ông nói thêm, vẫn với giọng rất nghiêm nghị :"Tôi đang chờ xem hành động xử lý cụ thể vụ án hối lộ này của phía Việt Nam".
Ai nấy đều biết chính quyền Việt nam đã đánh tráo, từ vụ án "ăn hối lộ của công ty PCI" Nhật thành ra một vụ án hoàn toàn khác là : "lấy nhà công cho công ty Nhật PCI thuê rồi chia tiền cho viên chức cơ quan". Về tư pháp, đây là xét xử án "không đúng vụ việc", "không đúng người", "không đúng tội danh". Đánh tráo vụ án ăn hối lộ lên đến 2 triệu 6 đôla bằng một vụ án hoàn toàn khác, với giá trị 1.200 triệu đồng, bằng 70.000 đôla , chỉ bằng 1 phần 37 vụ án trước.
Một chính phủ, có luật pháp hẳn hoi, có toà án, có viện kiểm sát, có thanh tra chính phủ, còn có cả một ủy ban đặc trách chống tham nhũng, trong một vụ án lớn có quốc tế tham gia theo dõi chặt chẽ, lại giở trò gian lận một cách trắng trợn và lộ liễu đến vậy. Mà vẫn cứ tỉnh bơ !
Phía Nhật đang mong chờ xử vụ án PCI đúng người, đúng tội, đúng luật. Họ sẽ rất chăm chũ theo dõi kỹ càng, chặt chẽ, như họ nói.
Nếu như Việt nam lờ đi, chưa xử, mua thời gian,để sau 4 tháng sẽ cho 2 bị cáo về nhà (họ chỉ bị "tạm giam" 4 tháng), hoặc xử qua loa chiếu lệ một vụ án nhỏ thay thế để làm phép, thì chắc hẳn vốn ODA sẽ vẫn còn bị treo lơ lửng. Ông Nông Đức Mạnh không thiếu lý do để nằm nhà.
Nghĩ cho cùng, nước thiếu vốn, xã hội thiếu đường, thiếu cầu, công nhân thiếu việc, nhưng các ông lớn còn có thiếu gì.
Nhưng riêng ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đang rất cần niềm tin, cần uy tín trong vụ này. Ông phải sữa chữa những vụng về hớ hênh của một người đứng đầu chính phủ. Uy tín ông đang xuống thấp.
Năm ngoái ông Dũng đã sai lầm phát lệnh "không được xuất khẩu lúa gạo để làm dự trữ quốc gia, cân bằng lương thực", làm nông dân Nam bộ thiệt 1 tỷ đôla. Ông lại đang lao vào vụ Đác Nông nguy khốn, tiến lui đều khó. Ông lại vừa liều tiên đoán "sang tháng 5 kinh tế Việt nam sẽ khởi sắc", làm cho báo The Economist Anh ngày 5-3 mới rồi kêu lên rằng thủ tướng Việt nam bắt mạch kinh tế như một ông lang băm, rao bán dầu cù là !(nguyên văn : the prime minister Nguyên Tân Dung has predicted that the economy will start to pick up as early as May ! As weeks go by, that makes him sound more like a seller of snake-oil than of snake-blood !" .
Trên cương vị Trưởng ban chống tham nhũng của chính phủ, ông Dũng hãy sắn tay áo đôn đốc việc xét xử vụ án trọng điểm PCI này, để từ trong ra ngoài nước đều thấy rõ ông là người "thật sự kiên quyết hành động chống tham nhũng", như ông cam kết.
Nguồn ODA của Nhật có sớm được chắp nối lại hay không là tuỳ thuộc ở hành động của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ở ý chí của bộ chính trị đảng CS trong chống tham nhũng, qua sự xét đoán tỉnh táo, công bằng sau đó của chính phủ Nhật, người giữ hầu bao ODA, luôn ưu ái đến sự chậm tiến và thiệt thòi của dân Việt nam, luôn lo lắng đến một loạt dự án trọng điểm đang dở dang, lâm đại nạn.
Bùi Tín
Paris 16-3-2009
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น