Nhân sự kiện hoàn thành phân giới cắm mốc trên biên giới Việt‒Trung, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) tại Hà Nội.
Ngay phần mở đầu, họ Tôn đánh giá quan hệ ngoại giao giữa hai nước cộng sản Việt‒Trung như sau:
Trung Quốc và Việt Nam ‒ hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”; văn hoá, tư tưởng có nhiều nét tương đồng, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước có truyền thống lâu đời. Trong cuộc chiến giành độc lập chủ quyền và giải phóng dân tộc, nhân dân hai nước đã ủng hộ lẫn nhau, sát cánh kề vai cùng chiến đấu, thể hiện sâu sắc tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Trong công cuộc cải cách, đổi mới và xây dựng đất nước thời kỳ mới, hai nước tiếp tục cùng nhau học hỏi, không ngừng phát triển và làm phong phú thêm những lý luận và thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi đất nước.
Đặc biệt, bước vào thế kỷ 21, lãnh đạo hai Nhà nước đã khẳng định sự phát triển của hai bên thông qua phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Tháng 5/2008, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa đã khẳng định chiến lược phát triển toàn diện trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới.
Đường ra trận...
Nguồn: japanfocus.org
“Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa đã khẳng định chiến lược phát triển toàn diện trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới.” Có phải đây là nguyên nhân của loạt bài bốc thơm Mao Chủ tịch và tướng Hứa Thế Hữu (许世友, Xu Shiyou) trên báo chí Việt Nam?
Báo Hà Nội Mới có vẻ ngưỡng mộ tướng Hứa Thế Hữu của Tàu! Báo này có biết rằng Hứa Thế Hữu là một trong hai người cầm quân đánh ta năm 1979 (người kia là Dương Đắc Chí)? Ông ta cũng là người chỉ huy trận “Tự vệ Tây Sa” tức trận chiếm Hoàng Sa năm 1974. Có lẽ báo Việt Nam sẽ tôn vinh Tôn Sĩ Nghị làm anh hùng dân tộc?
(Trích, Trần Hữu Dũng, Viet-studies:http://www.viet-studies.info/).
Sau Trần Hữu Dũng, bloggers trong và ngoài nước cũng như một số trang báo điện tử khác cũng đặt những câu hỏi tương tự.
Trần Trung Thực (sinh viên Sử, nhóm Trần Hiền Thảo) viết:
...Sắp tới dịp kỷ niệm 30 năm cuộc xâm lăng của giặc Tầu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, Báo Hà Nội Mới, cơ quan của đảng bộ CS thành phố Hà Nôi, đã có bài rất kịp thời ca ngợi Hứa Thế Hữu, tên tướng giặc chỉ huy mũi xâm nhập chính: 3 tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Chiến thuật “biến người của Hứa Thế Hữu thất bại, do vậy ông ta phải nhường quyền chỉ huy cho Dương Đắc Chí và chỉ còn vai trò “pháo tướng”.
Người theo dõi ở blog Bách khoa Hàng hải và Đóng tàu ghi:
Trong quá trình làm Bách khoa Hàng Hải và Đóng Tàu,chúng tôi phải nói tới nhân vật Hứa Thế Hữu, người chỉ huy quân Trung Quốc đánh Hoàng Sa và chiến tranh biên giới 1979.
…
Bản đồ Chiến tranh Biên giới 1979
Nguồn: wikimedia.org
Điều kỳ lạ là trong năm 2008, vào tháng Hai và tháng Chín ‒ (những) tháng mà chúng ta có bao chiến sĩ hy sinh vì Hoàng Sa và Trường Sa ‒ không phải chỉ có báo Hà Nội Mới có bài ca tụng Mao đã có đôi mắt thần biết “thu phục tướng tài”, thay vì đưa đi xử bắn đã tha tội cho sư trưởng họ Hứa để sau này có thể “dạy cho VN một bài học” mà các báo Người Lao Động, Tin Tức, trang “Tứ Hải Huynh Đệ”, trang Võ Lâm..., tất cả có đuôi .vn đều đồng loạt có bài ca ngợi thượng tướng họ Hứa!
Là một người thời trẻ thường bị phê bình “mất lập trường” tôi không thể hiểu nổi, các ông đang vạch “lề bên phải” định dạy cho lớp trẻ ngày nay cái gì?
Ở một trang khác, blogger Osin Huy Đức viết:
Theo link được GS Trần Hữu Dũng đưa lên Viet-studies.info, tôi vào xem lại bài Thu Phục Tướng Tài, thấy, đây là một bài phỏng dịch được Hà Nội Mới đưa lên từ 19-9-2008 và nó vẫn tồn tại trên bản online cho đến hôm nay (16/02). Hà Nội Mới là tờ báo của Thành ủy Hà Nội, không biết ca ngợi Hứa Thế Hữu có nằm trong định hướng thắt chặt tình hữu nghị giữa hai đảng. Tổng biên tập báo Hà Nội Mới vốn là một đại tá quân đội, không biết có phải ông cũng thành tâm ngưỡng mộ một vị tướng, theo Hà Nội Mới, là có tài. Nhưng, cho dù ý định của tờ báo thế nào thì tôi nghĩ, người đọc cũng rất cần biết thêm chi tiết tướng Hứa Thế Hữu là người trực tiếp chỉ huy đội quân Trung Quốc đánh chiếm Lạng Sơn và Cao Bằng hồi 17/02/1979.
Đúng như blogger Người theo dõi ghi, không phải chỉ có trang Báo Hà Nội Mới đơn độc trong cuộc xiển dương trí tuệ của Mao và tôn vinh tướng giặc Hứa Thế Hữu. Bài trên trang Hà Nội Mới đã bị rút xuống nhưng nguyên bản đã được đăng lại ở nhiều trang báo điện tử khác nhau ở hải ngoại. Những trang báo điện tử khác như http://docbao.vn, www.tuhai.com.vn vẫn tiếp tục “vô tư” đánh bóng giặc xâm lăng là hảo hán, tửu lượng cao, võ giỏi, đả lôi đài đánh bại và được đối thủ gả con gái cho. Những bài ở trang “Đọc báo” và “Tứ hải hải huynh đệ” cho người đọc có ấn tượng Hứa tướng quân thật ra thuộc loại dân chơi cầu ba cẳng, cỡ anh chị bến xe miền Tây hay anh hùng bến cảng Hải Phòng.
Tóm tắt, kịp thời kỷ niệm chiến tranh biên giới 1979, Khánh Linh của Báo Hà Nội Mới khen Hứa Thế Hữu
‒ can đảm, “... gan to bằng trời, dám thách thức cả Chủ tịch Mao Trạch Đông...”
‒ là tướng giỏi, “nổi danh trên chiến trường, ...Hứa Thế Hữu cùng đội quân của ông đã lập nhiều chiến công và ông được phong hàm Thượng tướng đợt đầu.”
Thật ra, tờ báo của Thành ủy Hà Nội khen tướng giặc một nhưng lại ca ngợi “hoàng đế” Bắc triều đến mười. Mao là người đảm lược thu phục được tướng tài. Mao dám để cho họ Hứa đem súng đã nạp đạn vào gặp trước giờ bị xử tử, “Mao Trạch Ðông không những không giết, mà còn cho phép mang súng có đạn lên gặp, Hứa Thế Hữu cảm động khôn cùng.” Đọc đoạn cuối bài ca nâng bi của tờ báo Đảng chẳng khác gì văn chương võ hiệp kỳ tình, tuy phần lô gíc vẫn còn thua nhiều bậc. Mao Zedong có gan cóc tía cũng không thể cho La Thụy Khanh lắp đạn (nhiều phần là đạ mã tử nếu là chuyện thật), đưa súng cho tử tội đi gặp đao phủ thủ. Chuyện năm 2008 mà các “nhà báo” Đảng viết như hồi thập niên 1940-1950, “Mắt Bác Hồ có 4 con ngươi.”
Cộng sản Việt Nam cho cán bộ viết bài chùi can nâng bi đàn anh Trung Quốc là chuyện riêng không phiền hà gì nhân dân Việt Nam sất. Tiếc rằng tờ Hà Nội Mới đã không ghi rõ chi tiết, thành tích, chiến công của tướng giặc xâm lăng Hứa Thế Hữu hay ít nhất cũng cho người đọc biết họ Hứa là tướng tư lệnh trận chiến biên giới 1979 và chỉ huy trận hải chiến xâm lược Hoàng Sa 1974 như ông Trần Hữu Dũng đặt vấn đề.
Chắc chắn, người viết không có tham vọng “dạy đĩ vén váy” nhưng nghĩ rằng ít ra Khánh Linh của Hà Nội Mới nên đưa những chiến tích của Hứa tướng quân và đàn anh Trung Quốc thì bài viết sẽ nhiều phần thuyết phục hơn lên.
Thí dụ,
Công hàm 1958
Nguồn: Đảng Lao Động Việt Nam
‒ Trung Quốc, nước “xã hội chủ nghĩa anh em” (từ tháng Tư năm 1956) đã cử Thượng tướng Hứa Thế Hữu ngày 19 tháng 01, 1974 chỉ huy trận hải chiến đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, giết gần 60 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
‒ Trung Quốc, vẫn là nước “xã hội chủ nghĩa anh em”, ngày 14 tháng Ba, 1988 lại tấn công quần đảo Trường Sa của Việt Nam giết hại gần 80 lính Hải quân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu nước “xã hội chủ nghĩa anh em” Trung Quốc xỏ lá, đem trình làng Công hàm 1958, nhiều khả năng sẽ làm giảm phần hoành tráng chiến công của Hứa tướng quân thì Báo Hà Nội Mới có thể ghi thêm,
Trong trận chiến biên giới 16 ngày dạy quân Nam man một bài học, Thượng tướng Hứa Thế Hữu đã anh dũng tiêu diệt 3 vạn lính, gây thương tích cho 32.000 quân địch, bắt 1.638 tên làm tù binh, hủy 185 tăng, xe bọc sắt, 200 súng cối, 6 dàn phóng tên tửa và vô số thường dân Nam man dọc biên giới. (Nguồn: FBIS, May 3, 1979, p. E1; NYT, March 5, 27, 28, April 9, May 3, 1979 và nhiều nguồn khác.)
Những con số hay hình ảnh sau đây của blogger Osin ghi lại (trong bài Biên giới tháng Hai (1979-2009) chỉ nhẹ tựa lông hồng cạnh chiến tích nặng như thái sơn của Tướng Hứa Thế Hữu.
“Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, Xã hưng Đạo, Huyện Hòa An, quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước.”
Chiến tích của Hứa tướng quân
Nguồn: Blog Osin
Ở mặt khác, người viết tin rằng đây là một cơ hội tốt cho toàn dân Việt nam, già trẻ, trong hay ngoài nước không phân biệt, có dịp ôn cố tri tân, đọc lại những bài học lịch sử cận đại và không cận đại.
Nhờ bài bốc thơm Trung Quốc của báo Hà Nội Mới dân Việt Nam, ít nhất là cộng đồng trên mạng, có dịp tìm hiểu thêm về Hứa Thế Hữu.
Hứa Thế Hữu là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng CSTQ từ năm 1956, thành viên Bộ chính trị đảng CSTQ ở Đại hội 9, 10 và 11 (1969-1982), Thứ trưởng Quốc phòng (1959-1970). Chính Hứa và Vi Quốc Thanh là người che đỡ cho Deng Xiaoping khi Đặng bị nhóm Tứ Nhân Bang (Jiang Qing [Giang Thanh], Zhang Chunqiao [Trương Xuân Kiều], Yao Wenyuan [Diêu Văn Nguyên] và Wang Hongwen [Vương Hồng Văn]) đuổi ra khỏi bộ máy quyền lực sau khi Zhou Enlai chết năm 1976. Hứa là Thượng tướng Bí thư và Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, giữ chức Tổng tư lệnh mặt trận phía Nam trong cuộc chiến biên giới 1979.
Hứa Thế Hữu cùng với Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying ‒ 叶剑英) trong phe Đặng Tiểu Bình đã lật đổ nhóm Tứ nhân bang và nắm quyền cai trị Trung Quốc, 10/1976.
Trong phiên họp Bộ chính trị mở rộng của Đảng CSTQ từ 15/11 đến 15/12 1978, một câu hỏi chính là can thiệp hay không vào tình hình ở Đông Dương. Phe quân sự trong BTC đều có chủ trương diều hâu: Wang Dongxing muốn đưa quân vào Kampuchea, Su Zhenhua, Chính ủy đầu tiên của Hải quân TQ muốn đưa Hạm đội Biển Đông đến bờ biển Kampuchea. Và Hứa Thế Hữu là người đưa ý kiến tấn công Việt Nam từ Quảng Tây. Kết quả phiên họp BCT đó nghiêng theo ý của Hứa Thế Hữu.
Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình ‒ 邓小平 ) được giao trách nhiệm tổng tư lệnh cuộc chiến biên giới. Hai phó tư lệnh là Nguyên soái Xu Xiangqian (Từ Hướng Tiền ‒ 徐向前), bộ trưởng Quốc phòng và Nguyên soái Nie Rongzhen (Nhiếp Vinh Trăn ‒ 聂荣臻), cùng phó Thủ tướng đặc trách ngoại giao, Geng Biao (Cảnh Biểu ‒ 耿飚), trong vai trò Tham mưu trưởng.
(từ trái) Tướng Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh, Hứa Thế Hữu
Nguồn: english.chinamil.com.cnm
Ở mặt trận miền Nam, Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Quân khu Quảng Châu, được giao trách nhiệm chỉ huy, điều động cánh quân miền Đông và phó tư lệnh là Tư lệnh Quân Khu Côn Minh, Dương Đắc Chí (Yang Dezhi ‒ 杨得志) phụ trách cánh quân miền Tây, cùng Tư lệnh Không quân Dương Đình Phát (Zhang Tingfa ‒ 张廷发) làm Tham mưu trưởng.
Kết quả cuộc chiến ở cánh Tây thành công hơn nên đến sau cuộc chiến, tháng 3, 1980, Dương Đắc Chí được thăng làm Tổng Tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân (PLA) và Hứa Thế Hữu bị giải nhiệm không còn là Tư lệnh Quân khu Quảng Châu (1/1980). (Trích King C. Chen, China's War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications, Hoover Press, 1987, pp. 80, 86, 90, 91, 101, 113, 115.)
Đó là vài dữ kiện lịch sử cận đại liên hệ đến cuộc chiến biên giới 1979. Như nói trên, cộng đồng người Việt trên mạng đã quan tâm nhiều đến sự kiện báo Đảng ca ngợi tướng giặc xâm lăng. Mối quan tâm này đã thúc đẩy một blogger tân biên một giai đoạn lịch sử, hay ít ra cũng có thể xem là một kịch bản lịch sử, ít nhiều liên hệ đến tòa soạn Báo Hà Nội Mới, và đến Nguyên soái Hứa Thế Hữu.
Trang sử lật lại tới năm 1789.
Những ngày đầu Xuân năm Kỷ Dậu, Phó tướng Hứa Thế Hanh phải dẫn tàn quân chận hậu để Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị (孫士毅) vứt bỏ cả cờ, ấn, sắc, thư dẫn Lê Chiêu Thống chạy thoát thân.
Ngày 29 tháng 1, sau khi phi báo cho thủ trưởng việc Hà Hồi thất thủ và Ngọc Hồi bi vây, bên bờ Nam sông Hồng, Hứa Thế Hanh, giáp trụ tả ơi ôm đầu tự thán, “Ta đánh Đông dẹp Bắc, bắt sống bao nhiêu phản tặc ở Đài Loan, thân làm đến Đề đốc Quảng Tây mà phải kết thúc thế này ru? Ta hận!”
Chưa dứt tiếng thở dài, Hanh đã giật mình vì tiếng reo hò nổi lên khắp nơi; Đâu đâu cũng thấy bóng quân Tây Sơn, sau lưng đã là sông, Hanh nghiến răng thúc quân ứng chiến. Tiếng thúc quân của Hanh chìm trong tiếng reo hò của lính Tây Sơn, “Tướng giặc kia rồi, cắt lấy thủ cấp mà dâng lên chủ tướng.” Hanh đưa mắt nhìn quanh, chỉ còn chưa đến trăm tên lính rã rời, máu me lấm lem. Chẳng còn đường lui, Hanh vung gươm xông lên phía trước...
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đích thân bước đến đón lấy thủ cấp của Hứa Thế Hanh còn rỏ máu tươi, cặp mắt trợn trừng như muốn hỏi tại sao lại nghe lời Càn Long xâm lăng nước Việt để đến nỗi này.
…
Nguyễn Huệ nhìn chiếc thủ cấp thêm lần nữa rồi ngửa mặt lên trời cười vang trong chiến thắng ‒ đánh tan 28 vạn quân Thanh, giết gần 14 vạn, Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín mà dẫn đám tàn binh chưa đến 50 người chạy trối chết. (Tác giả đoạn sử tân biên này chưa được đọc “Tổ quốc ăn năn” của Nguyễn Gia Kiếng, trong đó tác giả cho rằng Tôn Sĩ Nghị chỉ mang 6000 quân sang Việt Nam – TM).
Bọn bán nước Lê Duy Kỳ (aka Lê Chiêu Thống, tên trên giấy khai sinh là Lê Duy Khiêm) chạy theo Nghị sang bên kia biên giới, bị bắt gọt tóc, ăn mặc như người Mãn Thanh. Tháng Năm năm Nhâm Tý, Thanh Càn Long thứ 57 (1793), con trai chết, Duy Kỳ thất vọng và chán nản, lâm bệnh rồi qua đời ngày 16 tháng 10 (âm lịch) tại Yên Kinh.
Thủ cấp của Hứa Thế Hanh được Nguyễn Huệ cho đem chôn cất tử tế. Chỗ chôn đầu tướng giặc, cách gò Đống Đa, nơi Sầm Nghi Đống tự treo cổ, không bao xa; Theo tương truyền của dân thành Thăng Long thì nơi đó tương ứng với dữ liệu hệ thống định vị (GPS) ngày nay ở số 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cơ sở 1 của Báo Hà Nội Mới.
190 năm sau ở vùng biên giới Việt-Trung...
Tháng Giêng 1980, Thượng tướng Hứa Thế Hữu nhìn trân trân tờ điện khẩn vừa chuyển đến từ Trung Nam Hải. Bộ Chính trị Trung Quốc đã quyết định giải nhiệm Tư lệnh Quân khu Quảng Châu và cho Hứa về Bắc Kinh làm thành viên của Ủy ban Quân vụ (Military Affairs Commission), làm tướng “không quân”.
Nhớ lại trước khi lên đường đi chiến dịch, khi nốc cạn ba vò rượu mao đài, chỉ trăng thề trả cái hận quân Việt Nam đã chém đầu tổ phụ Thế Hanh, Thượng tướng bật khóc rưng rức, như đứa trẻ con.
Trong trận chiến biên giới, để trả hận, Hữu ra lệnh cho binh lính dưới quyền thả sức tàn sát, phá nát tất cả trên bước tiến của mình. Tấm bia ở Tổng Chúp, Xã hưng Đạo, Huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng chỉ là 1 dấu tích rất nhỏ của lịch sử chiến tranh chống quân xâm lăng phương bắc Việt Nam.
29 năm sau chiến tranh biên giới, một ngày mùa thu Hà Nội...
Hồn ma Hứa Thế Hanh chọn đúng lúc vận khí nước Việt đang hồi u ám để tác quái. Hắn xui cho Báo Hà Nội Mới đăng bài ca ngợi hậu duệ Hứa Thế Hữu, giống dòng bại tướng. Dù sau đó bài viết sặc mùi “cõng rắn cắn gà nhà” của Khánh Linh bị rút khỏi trang báo điện tử nhưng bài trên báo giấy và trong bộ nhớ của Google vẫn còn.
30 năm sau chiến tranh biên giới, sáng sớm mùa xuân ở Hà Nội...
Tổng biên tập Hồ Quang Lợi, ngồi bên hồ Hoàn Kiếm tóc rối bù, ôm đầu than rằng, “Giời ạ, ông Mác ông Lê đã sinh ra Đảng sao thằng đế quốc Mỹ lại đẻ ra Gú gồ cát (google cache) làm gì hả giời!”
Quần hùng chí sĩ nước Việt nhận ra ngay đây chính con ma nhà họ Hứa giở quẻ chứ tờ báo của Cơ quan Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội, Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô thì lẽ nào... lại giở trò Lê Chiêu Thống thế này!
Và ở Đà Lạt...
Có thằng uống quá nhiều rượu nên mất ngủ để rồi ngồi viết lảm nhảm những dòng này...
(Theo T.B., Con ma nhà họ Hứa, Blog Ginola. TM hiệu đính và bổ sung.)
Lịch sử là những bài học mọi người nên ghi nhớ.
Và hơn ai hết, những người cần thuộc lòng bài học về hệ quả của việc bán nước, bán biển, bán đảo, mãi quốc cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà của người xưa, chính là các ông “kỹ sư” kiểm lâm người vùng biên giới, ông “cử nhân luật” Đại học U Minh Hạ và ông “cử nhân toán” Đại học Dương Minh Châu.
Những người không thuộc lịch sử hẳn sẽ bước vào vết xe đã đổ.
Phải thực hiện đúng đắn tinh thần bốn tốt và ứng xử theo phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” khi
‒ “Láng giềng tốt” là những kẻ ngang nhiên lấn đất, xẻ thác, chiếm đảo của nước ta;
‒ “Đồng chí tốt” là những kẻ đem tàu chiến sang giết ngư dân đi biển, giết lính giữ đảo của nước ta;
‒ “Bạn bè tốt” là những kẻ dùng áp lực chiếm thị trường, đuổi đối tác tìm dầu với nước ta;
‒ “Đối tác tốt” là những kẻ khệnh khạng khoan thềm lục địa, hút dầu ngoài biển của nước ta.
quả thật không phải là chuyện dễ... trừ khi các ông thực sự là hậu duệ của Lê Chiêu Thống, dòng bán nước, hạng cõng rắn cắn gà nhà.
สมัครสมาชิก:
ส่งความคิดเห็น (Atom)
ไม่มีความคิดเห็น:
แสดงความคิดเห็น